Nhân rộng các mô hình “cánh đồng mẫu lớn”

Phương Nga |

Với những ưu điểm như giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, ổn định đầu ra sản phẩm... các mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã và đang cho thấy những hiệu quả tích cực, không chỉ góp phần nâng cao giá trị sản xuất mà còn từng bước thay đổi tư duy canh tác cho người dân theo hướng quy mô lớn.  Hiện nay, địa phương đang đẩy mạnh thực hiện nhân rộng các mô hình CĐML và xem đây là một trong những giải pháp tạo nên bước đột phá cho sản xuất nông nghiệp.

Toàn huyện Vĩnh Linh có gần 7.000 ha diện tích canh tác lúa 2 vụ, với sản lượng trung bình trên 35.000 tấn lúa/năm. Lúa là một trong những cây trồng chủ lực, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương. Chủ trương xây dựng các mô hình CĐML ban đầu hình thành trong quá trình thực hiện các mục tiêu trong chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay mô hình CĐML đã phát triển mạnh mẽ, dần trở thành xu thế trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương, nhất là các vùng trồng lúa trọng điểm.

Cánh đồng lúa xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh.
Cánh đồng lúa xã Vĩnh Thủy, Vĩnh Linh.

Đặc biệt giai đoạn 2017-2020 khi huyện Vĩnh Linh đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa với các sản phẩm tạo ra có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao trên thị trường; từ đó từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người dân. Với các chính sách dồn diền đổi thửa, quy hoạch sản xuất, huyện đã bước đầu hình thành được vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung với tổng diện tích 2.000 ha; chủ yếu tại các xã như Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn, Vĩnh Thủy, Vĩnh Long, Vĩnh Giang… Đầu năm 2018, địa phương bắt đầu triển khai xây dựng các mô hình CĐML, với 850 ha đầu tiên tại 26 đơn vị HTX; trong đó có trên 25 ha lúa hữu cơ; 4 ha lúa khảo nghiệm các bộ giống TBR 279, Đông A1, Bắc Hương 9... Trong vụ đầu tiên năng suất từ các mô hình đạt bình quân 58 tạ/ha, cao hơn so với lúa sản xuất ngoài mô hình. Phát huy kết quả đã đạt được năm 2019 và 2020 mô hình CĐML tiếp tục được thực hiện tại 26 HTX, tuy nhiên diện tích đã được mở rộng lên 1.400 ha; trong đó có 95ha lúa hữu cơ.

Theo đánh giá của Phòng Nông và Phát triển nông thôn huyện, các mô hình CĐML là sự kết hợp hài hòa giữa biện pháp canh tác tiên tiến, chế độ chăm sóc, quản lý dịch hại, bón phân hợp lý theo từng giai đoạn phát triển của cây lúa nên giúp cho năng suất và chất lượng sản phẩm cao hơn trước đây. Đồng thời đã và đang giải được bài toán về mô hình liên kết “4 nhà”  gồm nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân. Mặt khác, điều quan trọng nhất mà mô hình này mang lại, chính là lợi ích nông dân, doanh nghiệp đều được quan tâm đồng thời và cùng nhau chăm lo nên hiệu quả mang lại rất cao. Trên cơ sở đó, năm 2021 huyện Vĩnh Linh tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng các mô hình CĐML trên toàn bộ các địa phương trồng lúa. Cụ thể, đã mở rộng thực hiện được 2.300 ha tại 30 đơn vị HTX; với năng suất bình quân cả năm đạt 55,4 tạ/ha. Trong năm nay, huyện cũng phấn đấu nhân rộng mô hình lên diện tích 3.000 ha; trong đó mục tiêu thực hiện 300 ha sản xuất liên kết và 100 ha sản xuất theo hướng hữu cơ.

Ông Nguyễn Đình Lục - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Để tiếp tục thúc đẩy, nhân rộng các mô hình cánh đồng mẫu lớn thời gian tới rất cần sự quan tâm, phối hợp của chính quyền các địa phương trong việc vận động nhân dân tham gia vào các mô hình. Khuyến khích tích tụ ruộng đất, hình thành mô hình CĐML theo các hình thức chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thuê đất hoặc góp đất liên kết sản xuất. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức doanh nghiệp liên kết với nông dân trong đầu tư phát triển sản xuất”.

Song song với đó, các ngành chức năng địa phương cũng sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các loại vật tư nông nghiệp như giống, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… đảm bảo sản phẩm được cung ứng có chất lượng tốt, ngăn chặn hàng nhái, hàng kém chất lượng gây thiệt hại lớn cho sản xuất và nông dân. Hỗ trợ mọi mặt từ chuyển giao khoa học tiến bộ, kỹ thuật đến tìm đầu ra  ổn định cho sản phẩm. Xây dựng các chính sách khuyến tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung và chính sách hỗ trợ cụ thể trong phát triển sản xuất ở những mô hình CĐML trên địa bàn.

(Nguồn: Cổng TTĐT huyện Vĩnh Linh)

TAGS

Vĩnh Linh: Trên 1.000 héc ta lúa Đông Xuân bị ngập, đổ ngã

BBT |

Do ảnh hưởng của của rãnh áp thấp với hoàn lưu vùng áp thấp, sau kết hợp với không khí lạnh tăng cường mạnh và nhiễu động gió Đông, từ ngày 31/3 đến 1/4 trên địa bàn huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Đặc biệt trong đêm 1/4 và ngày 2/4 đã có mưa to kèm gió mạnh gây thiệt hại nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Gio Linh: Trên 378 ha lúa bị ngập, gãy đổ và hàng nghìn con cá nuôi trong lồng bè bị chết do mưa lũ

Trần Tuyền |

Ngày 2/4, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho biết, mực nước trên các con sông dâng cao, kết hợp mưa lớn, gió mạnh 2 ngày qua đã làm ngập, gãy đổ lúa, hoa màu tại các vùng thấp trũng. Trong đó, diện tích lúa bị ngập, gãy đổ là 378 ha (thiệt hại khoảng 70%); diện tích hoa màu (ngô, ớt, rau,...) bị ngập, gãy đổ, hư hỏng 9 ha (thiệt hại trên 70%).

Hải Lăng: Hàng ngàn héc ta lúa vụ đông xuân có nguy cơ ngập úng do mưa lớn

Lê An |

Do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh kết hợp với hoàn lưu vùng áp thấp, từ tối qua 31/3 đến sáng nay 1/4, trên địa bàn huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã có mưa lớn kéo dài làm nhiều diện tích lúa vụ đông xuân có nguy cơ ngập úng.

Nhân rộng diện tích trồng lúa nếp than ở Đakrông

Sỹ Hoàng |

Các bậc cao niên người đồng bào dân tộc Pa Kô kể rằng, thuở xa xưa người Pa Kô sống du canh, du cư khắp đại ngàn Trường Sơn. Trong hành trình ấy, người Pa Kô luôn mang theo bên mình giống nếp quý là nếp than (đệp cù cha), nếp huyết (đệp a hăm) để gieo trồng trên những đám rẫy vừa phát xong… Bây giờ, chính giống lúa nếp than đang được nhân rộng ở nhiều bản làng vùng cao huyện Đakrông (Quảng Trị) với phương thức canh tác tự nhiên, đang nhen nhóm ước mơ sẽ trở thành sản phẩm OCOP của huyện.