Cánh đồng Chum nước Lào

Minh Châu |

 Cánh đồng Chum nằm rải rác dọc cao nguyên Mương Phuôn về cuối phía Bắc của dãy Trường Sơn, bao gồm 11 địa điểm riêng biệt, rộng gần 25 ha, nơi tồn tại của nhiều chiếc chum đá cổ nằm trên địa bàn các huyện Paek, Phaxay, Phoukoud và Kham của tỉnh Xiêng Khoảng. Những chum đá có kích thước đa dạng được chạm khắc từ sa thạch và đá granit. Ngoài ra còn vật liệu sử dụng làm chum còn có đá cuội, đá vôi và đá dăm…

 Cách đồng Chum ước tính có khoảng 1.969 chiếc chum. Chiếc chum to nhất có bán kính 2,5m cao 2,75m, nặng vài tấn. Người cổ đại tạo ra những chiếc chum với trình độ hiểu biết nhất định về vật liệu và phương pháp phù hợp. Nhiều khả năng họ sử dụng đục sắt để gọt đẽo, song chưa có bằng chứng xác nhận giả thuyết này.
 
Theo một truyền thuyết địa phương, một vị vua cổ đại tên là Khun Cheung - đã tiến hành cuộc chiến chống lại vua ác Chao Angka. Ông đã cho tạo lập cánh đồng chum với rất nhiều chum lớn để ủ men làm rượu khao quân, ăn mừng chiến thắng. Có ý kiến lại nói, vì Xiêng Khoảng nằm ở cao nguyên, có hai mùa rõ rệt, mùa mưa úng đất, mùa khô hạn đến quắt queo, nên người xưa đã làm nên những chiếc chum khổng lồ này để tích nước...
 
Năm 1909, lần đầu tiên thế giới phương Tây được biết tới những cái chum khổng lồ do phát hiện của Vinet - một viên quan thuế người Pháp. Đến năm 1923, Henri Parmentier - nhà khảo cổ người Pháp đã có dịp đến Cánh đồng Chum nhưng cả hai ông đều đã không có phát kiến gì về mục đích của các chum này.
 
Mãi đến năm 1930, Cánh đồng Chum mới được nghiên cứu tường tận do bà Madeleine Colani thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp. Bà là người đã đưa ra giả thuyết chum đá liên quan tới nghi thức an táng thời tiền sử.
 
Cuộc khai quật của các nhà khảo cổ Lào và Nhật trong nhiều năm đã giúp củng cố giả thuyết này khi phát hiện nhiều hài cốt, đồ bồi táng và gốm sứ quanh những chiếc chum đá.
 
Năm 2019, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Cánh đồng Chum của Lào là Di sản văn hóa thế giới.
 

(Nguồn: ngaynay)

TAGS