Thanh tao hương hoa bưởi

Lê Xuân Bính |

Cứ mỗi độ xuân về, cũng là lúc hoa bưởi cùng với muôn loài hoa đua nhau khoe sắc, tỏa bát ngát hương say. Hoa bưởi không mang sắc màu rực rỡ, quý phái, kiêu sa như các loài hoa khác. Nhưng với nét đẹp dịu dàng, đằm thắm, tinh khôi và mùi hương thơm đặc trưng nhẹ nhàng, e ấp đã làm say đắm lòng người.

 
Ảnh Minh họa 
      

Khi những cơn mưa mùa xuân bắt đầu lất phất bay, cái rét của mùa đông không còn tê tái cũng là lúc hoa bưởi bắt đầu bung nở trắng muốt, tinh khôi. Những chùm hoa nhỏ nhắn, e ấp còn đọng hạt mưa xuân long lanh, mát rượi. Hạt mưa làm thấm ướt nụ hoa, dường như muốn tô điểm cho những bông hoa trắng ngần thêm dung dị, thanh tao, tỏa ngát hương thơm. Hương hoa bưởi là một mùi hương rất đặc trưng không lẫn với bất cứ một hương thơm nào khác. Hương hoa âm thầm hòa lẫn vào từng làn gió xuân nhè nhẹ, len lỏi vào trong từng hơi thở, vương trên mái tóc, quấn quýt nơi tà áo của các nàng thiếu nữ để rồi khiến lòng người xao xuyến, bâng khuâng.

Với tôi, mùi hương hoa bưởi đã trở thành miền ký ức mênh mang, gợi lên bao kỷ niệm của những tháng ngày ấu thơ. Khi ấy, ngay trước cổng nhà, không biết tự bao giờ, ông nội đã trồng hai cây bưởi đào cổ thụ, có tán lá sum suê. Hai cây bưởi rợp bóng mát quanh năm và cũng là sân chơi lý tưởng của lũ trẻ chúng tôi.

Những mùa hoa bưởi nở, hương hoa bưởi thơm ngát cả một vùng. Mỗi sáng mai thức dậy, ngắm cây bưởi ra hoa, tôi như được chiêm ngưỡng một thảm hoa trắng muốt điểm tô bằng những nhụy vàng lấp lánh, hòa trong ánh nắng ban mai dịu nhẹ của mùa xuân. Chúng tôi luôn có cảm giác thanh bình khi bắt gặp bức tranh đó trong vườn nhà. Hoa bưởi vào những ngày nở rộ, rụng tràn ra cả lối đi.

Tan học về, chúng tôi lại thỏa thích vui chơi dưới gốc bưởi và nhặt những bông hoa bưởi vẫn còn nguyên vẹn để tết thành vòng hoa rất đẹp rồi chơi trò “cô dâu chú rể”. Các “cô dâu” được tặng vương miện hoa bưởi lên mái tóc rất vui và trân quý món quà đặc biệt ấy. Đơn giản vậy thôi, nhưng đó mãi là bầu trời tuổi thơ hồn nhiên, trong trẻo, bám chặt vào ký ức tuổi thơ như những gì yêu thương trân quý nhất.

Khi hoa bưởi nở, các cụ cao niên ở quê tôi vẫn đam mê với thú vui tao nhã, đó là dùng những bông hoa bưởi trắng muốt, thơm lừng để ướp trà. Ông nội tôi cũng là một trong những người thường ướp trà hoa bưởi để mời khách cùng thưởng thức. Ông chọn những bông hoa đang còn tươi nguyên, trắng muốt, cẩn thận mang đi rửa sạch và hong trong gió xuân nhè nhẹ.

Khi hoa bưởi được hong khô, mùi hương dường như cũng thanh khiết hơn, khi ấy nội tôi mới mang đi ướp trà. Chiếc bình bằng gốm màu trắng rất sạch sẽ là vật mà ông chỉ dùng riêng cho việc ướp trà hoa bưởi. Khi ướp, ông nhẹ nhàng rải đều một lớp hoa bưởi xen lẫn với lớp trà.

Sau khi trà đã được ướp đủ thời gian, ông mới lọc ra khỏi những cánh hoa bưởi đã ngã sang màu vàng nhạt, mang đi sao lại trên ngọn than hồng cho đến khi trà khô hẳn. Khi hương trà và hương hoa quyện chặt vào nhau, ông mới cất trà vào chiếc bình gốm để sử dụng mỗi khi cần.

Thích nhất là khi được quấn quýt bên ông, xem ông pha trà mời khách. Tôi sung sướng cảm nhận được mùi hương hoa bưởi, thoang thoảng tỏa hương thơm dịu nhẹ bay lên, như mang theo cả hơi thở của mùa xuân ngọt lịm.

Cũng nơi gốc cây bưởi già của gia đình tôi ngày ấy, những bông hoa bưởi trắng ngần còn được các cô thôn nữ hái về làm nước gội đầu. Tôi vẫn nghe các bà, các chị truyền tai nhau rằng: gội đầu bằng nước hoa bưởi vừa giữ được mái tóc suôn mềm và mượt, vừa lưu giữ được mùi hương rất lâu, lại có tác dụng dưỡng tóc.

Thế nên, con gái quê tôi ngày ấy, ở lứa tuổi mười tám, đôi mươi đều rất tươi xinh, rạng ngời, quyến rũ trong làn da trắng mịn và đặc biệt hơn là mái tóc dài óng mượt như tơ, đượm mùi hương hoa bưởi mỗi khi mùa xuân về.

Mùa hoa bưởi năm nay tôi trở về quê. Những ký ức của tuổi thơ bên gốc cây bưởi già đầu ngõ lại ùa về thật ấm áp, rạo rực đến trong ngần, cho dù hai cây bưởi gắn bó với tuổi thơ tôi ngày ấy cũng đã theo ông nội về miền thiên cổ.

Trong mưa xuân lất phất bay, tôi vẫn dạo bước trên con đường làng quen thuộc và hít thật sâu vào trong lồng ngực để cảm nhận một mùi hương thơm đặc biệt của ngày xưa cũ như vẫn còn đây. Lớp bụi của tháng năm dài đã làm mờ cả không gian và thời gian, nhưng cảm xúc về mùi hương hoa ấy như vẫn còn vẹn nguyên, trong trắng đến vô ngần. Tôi đã nhận ra rằng, dù trên đường đời tất bật, chúng ta có thể đi đến một phương trời nào xa tít tắp, nhưng lòng mình vẫn luôn hướng về quê hương, về với cội nguồn.

Ở nơi ấy, có những chùm hoa bưởi nở trắng tinh khôi. Nơi ấy thật bình yên, lắng đọng với những tình yêu thương thật dung dị, chân quê, mát ngọt mãi mãi đan cài, hằn sâu trong ký ức xao xuyến, khôn nguôi.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh

Trần Cát Linh |

Để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, thời gian qua, được sự hỗ trợ của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các cấp, ngành triển khai hỗ trợ phụ nữ DTTS ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho đồng bào DTTS.

Hải Lăng viết nên câu chuyện thần kỳ về 'hoa trên cát'

Nguyên Linh |

Tối ngày 15/3, Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Hải Lăng (19/3/1975 - 19/3/2025) và đón nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới đã được tổ chức tại thị trấn Diên Sanh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Long Hải, cùng các đồng chí lãnh đạo, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang và đông đảo nhân dân trong vùng đã tham dự.

Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và quản lý hợp tác xã ở Hải Lăng

Hoài Nam |

Để đạt được mục tiêu phát triển bền vững, trong những năm qua, các hợp tác xã (HTX) trên địa bàn huyện Hải Lăng đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất và quản lý. Từ hiệu quả sản xuất thực tế cho thấy, đây là yếu tố quyết định trong việc nâng cao năng suất, giá trị của sản phẩm, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển KT-XH và cải thiện đời sống của thành viên HTX.