Chuyện về một người con Quảng Trị xa quê

Nguyễn Xuân Sang |

Đó là thầy giáo Trần Đăng Mót dạy môn Văn ở Trường THCS xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Trên địa bàn huyện và đội ngũ giáo viên trong tỉnh, hầu hết đều biết đến thầy, vì thầy là cây đơn ca, hát nhạc trữ tình tham gia các hội diễn do Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức, đều đoạt giải cao.


Thầy giáo Trần Đăng Mót còn góp mặt trong cuộc thi “Người dẫn chương trình của Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh” năm 2008 giải MC triển vọng, đoạt thí sinh xuất sắc. Ngoài giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thầy còn tham gia ban giám khảo cho chương trình ca nhạc học đường, diễn viên nghiệp dư, đóng nhiều vai diễn phim truyền hình; là hội viên Ban Âm nhạc, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh...

Do đó, thầy được học trò, phụ huynh, đồng nghiệp và các nhà hảo tâm yêu quý bởi không chỉ đa tài mà thầy còn giàu lòng nhân ái thể hiện việc làm từ thiện, giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn không chỉ trong địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu mà còn ở những vùng lũ ống lũ quét tàn phá ở một số tỉnh phía Bắc và không quên hướng về nguồn cội quê nhà Quảng Trị.

Tác giả và thầy giáo Trần Đăng Mót (bên phải)
Tác giả và thầy giáo Trần Đăng Mót (bên phải)

Vượt lên hoàn cảnh

Thầy giáo Trần Đăng Mót quê ở xã Gio Quang, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Cha không may mất sớm, chiến tranh tàn phá trên mảnh đất quê hương ngày càng ác liệt. Năm 1971 người mẹ đành dắt díu mấy đứa con thơ vào vùng sâu Suối Nghệ, phía Tây Nam huyện Châu Đức tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu.

Ngày ấy người mẹ của thầy với hai tay bàn tay trắng, đơn thân nuôi các con còn nhỏ dại nơi đất khách quê người vẫn cố gắng khai hoang, đốt rẫy, trồng tỉa. Buổi ban đầu biết bao khó khăn, thiếu thốn quanh năm trong mái nhà tranh dựng tạm; cơm trộn với sắn khoai ăn qua bữa, áo quần không được lành lặn.

Nơi này là vùng sâu vùng xa của tỉnh, mấy mẹ con không tránh khỏi căn bệnh sốt rét. Nhờ sự chịu khó tảo tần hôm sớm của bà, cuộc sống dần dần khá hơn. Bà chăn nuôi lợn, nuôi gà, trồng rau đi chợ nuôi con ăn học. Rất mừng các con bà đều ngoan, hiếu thảo, hiểu rõ hoàn cảnh nghèo khó của gia đình nên giúp mẹ rất nhiều việc. Anh “cu” Mót là con út trong bốn chị em ngoan hiền, thích hát i a í a luôn miệng, có năng khiếu về ca hát.

Năm 1995 Trần Đăng Mót tốt nghiệp Trung học phổ thông thi đậu vào khoa Ngữ Văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai. Ba năm sau, anh ra trường dạy ở Trường trung học cơ sở Quang Trung, xã Hòa Bình, đến năm 2018 chuyển về dạy trường trung học cơ sở xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc cho đến hôm nay.

Mười bốn năm cần mẫn đứng trên bục giảng, có sự hợp sức của người bạn đời là cô giáo mầm non Lê Thị Ánh Hồng quê địa phương. Năm 2012 vợ chồng anh mua đất làm ngôi nhà khang trang ở ấp Tân An, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc.

Tấm lòng nhân ái

Khi không còn lo nhà cửa đã “an cư lạc nghiệp” nên anh lập nhóm thiện nguyện lấy tên “Tâm An” với mục đích làm từ thiện. Vì tuổi thơ bất hạnh, nghèo khó nên anh muốn giúp ích cho đời được chút nào hay chút đó. Vốn lớn lên trong hoàn cảnh mồ côi, anh thấu hiểu và đồng cảm với những người cùng cảnh ngộ.

Anh cố gắng giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn bằng hết khả năng của mình. Biết việc làm ý nghĩa của anh, gia đình và nhà trường đồng tình ủng hộ. Từ năm 2016 đến năm 2024, mỗi năm anh kêu gọi được hơn 2 tỉ đồng làm từ thiện, giúp đỡ hàng trăm người có hoàn cảnh éo le khác nhau.

Thầy Mót trao tiền cho học sinh bị bệnh
Thầy Mót trao tiền cho học sinh bị bệnh

Ngoài những giờ lên lớp, anh kết nối với các nhà hảo tâm, tìm gặp các em học sinh khó khăn rồi viết lời kêu gọi, kết nối cộng đồng. Mỗi lần tổ chức quyên góp, anh được đồng nghiệp, bạn bè, học sinh và các nhà hảo tâm nhiệt tình chung tay giúp đỡ người nghèo, bệnh tật. Anh chia sẻ: “Làm từ thiện trước hết có sự đồng cảm, chân thành, xuất phát từ cái tâm, chuyện tiền bạc phải rõ ràng, minh bạch thì người ta mới tin tưởng và giao tiền cho mình”.

Riêng trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong mấy năm qua, nhóm thiện nguyện của anh hằng năm trao tặng số tiền hơn 2 tỉ giúp bà con nghèo, trẻ em ốm đau bệnh tật, người già neo đơn không nơi nương tựa ở các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh, trong đó dành nhiều suất học bổng cho học sinh Trường trung học cơ sở xã Bông Trang.

Chỉ mấy tháng đầu năm 2022, anh Trần Đăng Mót đã vận động được hơn 600 triệu đồng giúp đỡ cho hàng trăm người có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, trẻ mồ côi. Anh tâm sự: “Khi có hoàn cảnh nào cần giúp đỡ, tôi sẽ đăng lên Facebook để các nhà hảo tâm chung tay đóng góp. Đủ số tiền kêu gọi sẽ thông báo ngưng nhận và công khai số tiền từng cá nhân hỗ trợ”.

Anh đã từng cùng nhóm thiện nguyện theo xe chở hàng cứu trợ ra tận tỉnh Lào Cai ủng hộ bà con bị lũ ống lũ quét tàn phá, số hàng và tiền mặt hơn 1 tỉ đồng. Bên cạnh đó tấm lòng anh luôn đau đáu hướng về nguồn cội. Trong đợt lũ lụt ở quê nhà Quảng Trị năm 2020, anh đứng ra kêu gọi những nhà hảo tâm vượt 1.000 km ra trao tiền tận tay bà con bị thiệt hại do lũ lụt ở phường Đông Lương, Đông Lễ thành phố Đông Hà; xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh; huyện Triệu Phong, Hải Lăng; xã Tà Rụt huyện Đakrông, xã Vĩnh Chấp huyện Vĩnh Linh...

Năm 2018 khi nghe tin em Trần Đăng Đức, quê Quảng Trị gặp tai nạn do điện giật ở huyện Xuyên Mộc, toàn thân bị cháy sém. Anh kêu gọi mọi người giúp đỡ qua mạng xã hội, vài ngày sau đã quyên góp được 300 triệu đồng ủng hộ em Đức.

Vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen

Với tấm lòng “mình vì mọi người” của nhóm thiện nguyện “Tâm An” do thầy Trần Đăng Mót thành lập. Nhóm đã đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người có hoàn cảnh khó khăn để giúp đỡ vật chất và tiền bạc trong những năm qua. Vì vậy anh nhận được nhiều giải thưởng, trong đó có giải “Tuổi trẻ cống hiến cho cộng đồng năm 2020” do Cộng đồng tình nguyện Việt Nam trao tặng. Đặc biệt, năm 2021 anh Trần Đăng Mót vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen “Có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2021”.

Khi được hỏi hoạt động từ thiện trong năm tới, thầy cho biết: “Mong có nhiều sức khỏe và có nhiều nhà hảo tâm ủng hộ, để tôi được giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, người già không nơi nương tựa ở khắp mọi miền đất nước, trong đó có mảnh đất Quảng Trị quê hương”. Anh đã từng tham gia chương trình “Thương về miền Trung” do nhóm nhạc kết nối Đông Hà-Quảng Trị tổ chức.

Thầy giáo-ca sĩ không chuyên Trần Đăng Mót mong muốn năm mới 2025 được góp giọng ca của mình trên các sân khấu ca nhạc xung kích ở Đông Hà, Hồ Xá, Thành Cổ Quảng Trị, Khe Sanh, Lao Bảo... kêu gọi khán giả chung tay đóng góp tiền của ủng hộ bà con có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh Quảng Trị.

Điều đáng mừng hơn là vợ chồng anh có con trai đầu tên Trần Lê Nguyên Kha học lớp 6 đoạt giải Ba đơn ca, trong Hội thi “Giai điệu tuổi thơ huyện Xuyên Mộc, hè 2024” và cô con gái Trần Lê Cát Tiên học lớp 3 nhưng rất thích ca hát và tập dẫn chương trình.

Vợ chồng anh dự định sẽ xây một ngôi nhà khang trang bên cạnh nhà mình, vì đang có mảnh đất để trống dành cho những người không nơi nương tựa ở, đỡ gánh nặng cơm áo gạo tiền phần nào cho họ. Tấm lòng nhân ái của người con Quảng Trị xa quê tiếp tục tỏa sáng, thật đáng trân quý lắm thay!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Hiến giọt máu đào, trao đời sự sống

Thu Hạ |

Hiến máu là một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc ta, mỗi giọt máu trao đi là giúp nhiều người bệnh duy trì sự sống. Trong những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) trên địa bàn tỉnh Quảng Trị ngày càng lan tỏa và nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Phần thưởng của nữ sinh xem sách là bạn

Tây Long |

Dù đang chạy nước rút cho kỳ thi quan trọng sắp đến nhưng em Phạm Lê Thảo Hiền, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Gio Linh, tỉnh Quảng Trị vẫn dành thời gian cho những trang sách. Với Hiền, mỗi cuốn sách là một điều kỳ diệu. Niềm đam mê đọc sách đã giúp em đoạt giải cao tại cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” vừa qua.

Bùi Phương Nhi - người quảng bá hình ảnh quê hương qua tiktok

Trúc Phương |

Sử dụng mạng xã hội tiktok để xây dựng video giới thiệu, quảng bá về những di tích lịch sử, địa danh nổi tiếng gắn liền với sự phát triển của tỉnh Quảng Trị, đây là cách chị Bùi Phương Nhi (sinh năm 1993), ở tại Phường 1, TP. Đông Hà thực hiện nhằm được thỏa niềm yêu thích khám phá và thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của mình. Với sự nghiêm túc, chỉn chu về hình ảnh lẫn nội dung, những clip trên kênh tiktok “Quảng Trị ngày và đêm” do chị và cộng sự sản xuất ngày càng thu hút sự quan tâm, yêu thích của cộng đồng.

Người truyền cảm hứng cho nhiều học sinh, sinh viên

Tú Linh |

Hoàng Kim Ngân (sinh năm 2005 tại TP. Đông Hà), sinh viên năm thứ 2 chuyên ngành quan hệ quốc tế của Học viện Ngoại giao tại Hà Nội luôn xứng đáng là người truyền cảm hứng cho nhiều học sinh, sinh viên. Mang trong mình niềm đam mê học tập mãnh liệt, Kim Ngân không chỉ được biết đến với thành tích học tập xuất sắc mà còn là một sinh viên giàu nhiệt huyết trong các hoạt động xã hội. Em vừa đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp học viện, danh hiệu nhiều sinh viên mong ước. Có học kỳ tại đại học, Kim Ngân đạt điểm học phần tuyệt đối 4.0/4.0.