Con chữ ở miền đất học

Hiếu Giang |

Từ bao đời nay, việc chăm lo cho sự học ở vùng đất Triệu Phong (Quảng Trị) luôn được các gia đình, dòng họ, chính quyền địa phương quan tâm. Cũng từ sự trân trọng đối với con chữ, với sự học hành mà nhiều thế hệ con em quê hương Triệu Phong đã đỗ đạt và thành công trên nhiều lĩnh vực, được xã hội trân trọng.

Thôn Nại Cửu, xã Triệu Thành có 700 hộ dân, từ lâu thường được biết đến như là “làng giáo viên”, bởi từ ngôi làng này đã có rất nhiều người theo học ngành sư phạm rồi ra trường gắn bó với nghề giáo. Thầy giáo Hoàng Văn Hậu ở thôn Nại Cửu, nguyên Hiệu trưởng Trường Tiểu học Triệu Đông là người có thâm niên gắn bó với nghề giáo cũng như công tác quản lý giáo dục, công tác khuyến học nhiều năm nay. Đã có biết bao thế hệ con em ở vùng quê xã Triệu Đông (cũ) được thầy Hậu và nhiều thầy, cô giáo khác truyền dạy con chữ, tiếp bước con đường học hành và tạo lập tương lai tươi sáng. Thầy Hậu cũng là người am hiểu rõ về cách làm khuyến học, khuyến tài ở địa phương.

Vợ chồng anh Lê Xuân Cảnh-Chị Đặng Thị Thúy ở thôn Nại Cửu, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong tự hào vì thành tích học tập của các con - Ảnh: Đ.V
Vợ chồng anh Lê Xuân Cảnh-Chị Đặng Thị Thúy ở thôn Nại Cửu, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong tự hào vì thành tích học tập của các con - Ảnh: Đ.V

Theo thầy Hậu, dù là vùng quê thuần nông với gắn bó với đất ruộng nhưng các gia đình ở thôn Nại Cửu nói riêng, xã Triệu Thành nói chung chưa bao giờ có ý nghĩ cho con em nghỉ học giữa chừng, trừ phi con em họ không muốn theo con chữ. Hầu như gia đình nào cũng chắt bóp từng hạt thóc, củ khoai nuôi nấng con em ăn học tới nơi tới chốn. Từ gia đình khá giả cho đến những hộ nông dân nghèo, ai cũng trân trọng sự học và xem đó là con đường sáng cho tương lai…

Theo thầy Hậu, lịch sử làng quê Nại Cửu từ xưa đến nay ghi nhận có những con người ưu tú, đạt được nhiều thành tựu từ sự tự thân học hành, tiêu biểu như ngài Võ Tử Văn có tiếng văn hay chữ giỏi, từng làm quan, nhà biên sử thời triều Nguyễn, nay có giải thưởng khuyến học mang tên ngài để dành tặng cho con em đỗ đạt hoặc có thành tích cao trong học tập; ngài Thượng thư Trần Gia Thủy; họ Hoàng có ngài Hoàng Tuấn Tích, cử nhân Tham tri Bộ công; Tiến sĩ Hoàng Hữu Bình, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hóa chất-thuộc Ban Dầu khí- Tổng cục Hóa chất, là một trong 3 đơn vị tiền thân của ngành Dầu khí Việt Nam…

Hiện nay tại thôn Nại Cửu, số gia đình có con em hoàn thành chương trình THPT đạt tỉ lệ rất cao; từ hơn 100 đến 200 gia đình có con em hoàn thành chương trình đại học, cao đẳng và học vị cao hơn. Nhiều gia đình dù nghèo khó, phải vay mượn nhưng đều quyết tâm nuôi con cái ăn học thành tài. Cũng nhờ sự bền chí theo đuổi sự học của các gia đình và con em của họ mà đến nay nhiều gia đình, con em họ đã thay đổi cuộc đời. Từ nghèo khó, nhiều con em sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng…đã có việc làm ổn định, thu nhập cao và giúp đỡ gia đình thoát nghèo, vươn lên có cuộc sống khá giả.

Ông Nguyễn Xuân Búa, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Triệu Phong cho biết: “Những năm qua, Hội Khuyến học huyện, xã đã tăng cường công tác tuyên truyền để làm lan tỏa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng dân cư. Đến nay 100% các đơn vị, xã, thôn, họ tộc, tổ chức đoàn thể trong huyện Triệu Phong đều có các tổ chức khuyến học, chi hội và ban khuyến học.

Có thể nói, vùng quê thuần nông nghèo ít ruộng đất nhưng có bề dày truyền thống trọng học hành như Nại Cửu đến nay đã thay đổi, khởi sắc phần nhiều đến từ sự học hành. Ở vùng quê này đã có nhiều thế hệ với số lượng rất nhiều các giáo viên, kỹ sư, bác sĩ, cán bộ công viên chức và nhiều người công tác ở nhiều lĩnh vực trên khắp mọi miền đất nước, nước ngoài. Người làng ai cũng cảm thấy rất tự hào về truyền thống hiếu học của quê hương.

Xuất phát từ một gia đình nông dân nghèo, cuộc sống bấp bênh chỉ dựa vào mấy sào ruộng nhưng nhờ quyết chí cho con cái ăn học đến nơi đến chốn mà đến nay cuộc sống của vợ chồng anh Lê Xuân Cảnh-Đặng Thị Thúy ở thôn Nại Cửu đã có cuộc sống khấm khá hơn nhiều. Ngồi nhớ lại quãng thời gian hai vợ chồng giật gấu vá vai, ra sức làm lụng, chạy vạy cố nuôi 4 đứa con ăn học, vợ chồng anh Cảnh vẫn thấy toát mồ hôi.

Chị Thúy nhớ lại: “Khó khăn thật sự là chồng chất. Hồi đó vợ chồng tôi ra sức làm ruộng vườn, nuôi thêm gà, lợn, bòn mót đủ cách nhưng thật sự không đủ nuôi con ăn học. Cả 4 con lần lượt đi học, rồi có thời điểm chồng tôi bị đau thận mổ đến 3 lần, nhiều lúc nghĩ có nên cho con nghỉ học hay không. Vậy nhưng khi biết con quyết tâm học hành, vợ chồng tôi chỉ biết động viên nhau cố gắng hết sức lo cho con ăn học đến nơi chốn để khỏi hối hận về sau. Cũng may trời thương, 4 con đều tốt nghiệp đại học và 3 đứa làm giáo viên, một đứa làm kỹ sư. Giờ đây nhìn các con có cuộc sống tốt đẹp có tương lai, hai vợ chồng tôi thật sự mãn nguyện và hạnh phúc lắm”.

Trong căn nhà xây khá khang trang, hai vợ chồng anh Cảnh-chị Thúy ngắm lại bức ảnh chụp chung với các con, với tấm giấy khen vinh danh gia đình hiếu học mà rưng rưng xúc động. Hai vợ chồng nói rằng, chỉ có theo đuổi sự học đến cùng mà giờ đây các con của anh chị đã một tương lai tốt đẹp. Ở thôn Nại Cửu, ngoài gia đình anh Cảnh-chị Thúy thì còn có rất nhiều gia đình học hành tiêu biểu, có thể kể đến như các ông: Hoàng Danh, Võ Hòa, Võ Liễu, Võ Tri, Lê Cảnh, Lê Xuân, Trần Ước, Trần Thiện…

Ở xã Triệu Thành, ngoài thôn Nại Cửu đã nổi tiếng về sự học thì thôn Bích La Đông là một làng trong ngũ giáp Bích La, mảnh đất “địa linh sinh nhân kiệt”, các bậc tiền hiền đời nào cũng có. Miền đất thuần nông hồn hậu này đã sản sinh ra nhiều hiền tài, danh nhân đáng kính như ngài Phó tướng Lê Mậu Doãn; Thượng thư Bộ lễ Lê Trinh và sau này là Tổng Bí thư Lê Duẩn- nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng; danh họa Lê Bá Đảng… Đến nay, thôn Bích La Đông cũng đã có rất nhiều người là giáo sư, tiến sĩ thành danh, đang công tác ở trong và ngoài nước, có thể kể đến Giáo sư Toán không gian học Lê Bá Lãm, hiện sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ; Giáo sư-Tiến sĩ viễn thông học Lê Bá Long, hiện công tác ở Trường Đại học Bưu điện thuộc Đại học quốc gia Hà Nội; Giáo sư-Tiến sĩ kinh tế học Lê Bá Hải tốt nghiệp tại Anh, hiện đang công tác tại Trường Đại học Hoa Sen thuộc Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh; Giáo sư- Tiến sĩ Lê Cảnh Dũng, hiện công tác tại Đại học Cần Thơ…Điều đáng quý về sự học ở làng là các thế hệ đi trước luôn quan tâm, chăm lo cho thế hệ sau bằng sự hỗ trợ về vật chất, tặng học bổng…Những người thành đạt bằng việc học, bằng kinh doanh hay nhiều nghề nghiệp khác cũng luôn sẵn sàng ủng hộ cho quỹ khuyến học của xã, thôn, các dòng họ. Những nguồn lực này đã góp phần “tiếp sức” khuyến học cho con em của làng, nhất là con em các gia đình nghèo khó.

Lễ phát thưởng khuyến học hàng năm của làng Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong - Ảnh: Đ.V
Lễ phát thưởng khuyến học hàng năm của làng Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong - Ảnh: Đ.V


Ông Nguyễn Xuân Búa, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Triệu Phong cho biết: “Những năm qua, Hội Khuyến học huyện, Hội Khuyến học cấp xã đã tăng cường công tác tuyên truyền để làm lan tỏa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong cộng đồng dân cư. Nhờ đó, đến nay 100% các đơn vị, xã, thôn, họ tộc, tổ chức đoàn thể trong huyện Triệu Phong đều có các tổ chức khuyến học, chi hội và ban khuyến học. Ở huyện cũng có nhiều dòng họ học tập nổi bật như: Họ Hoàng Công, xã Triệu Tài; họ Hoàng thôn Nại Cửu, xã Triệu Thành, họ Nguyễn ở thị trấn Ái Tử; họ Cao, họ Phạm ở xã Triệu Giang…Phong trào xây dựng nguồn quỹ khuyến học hàng năm trên địa bàn được phát triển sôi nổi với sự phối hợp của Hội Khuyến học huyện với các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm, doanh nghiệp và Hội Khuyến học cấp trên đã tổ chức được nhiều đợt trao quà, phát thưởng. Nổi bật là vào năm 2021, Hội Khuyến học huyện được sự tài trợ của Hội Khuyến học quận Đống Đa-Hà Nội tổ chức trao 100 suất quà cho cán bộ khuyến học, người có công cách mạng, học sinh. Nhiều địa phương cũng đã làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài như các xã Triệu Độ, Triệu Vân, Triệu An, Triệu Hòa, Triệu Sơn, Triệu Thành… Gần đây, phong trào xây dựng “Công dân học tập” ở một số xã như Triệu Thượng, Triệu Giang và Triệu Ái phát triển mạnh mẽ. Ngoài ra, hàng năm Hội Khuyến học huyện còn phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Hội LHPN huyện, Huyện đoàn tổ chức nhiều hoạt động trao quà, học bổng cho học sinh, sinh viên tại các xã vùng khó như Triệu Độ, Triệu An, Triệu Vân, Triệu Lăng với mức từ 1-2 triệu đồng/học sinh, học bổng từ 7- 10 triệu đồng/sinh viên hiếu học; hướng dẫn các em tân sinh viên khó khăn làm hồ sơ để được xét học bổng “Tiếp sức đến trường”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Xứng đáng là ngôi trường trên vùng đất hiếu học

Xuân Vinh |

Trường THPT Triệu Phong (Quảng Trị) được thành lập ngày 10/10/1987 với tên gọi lúc đó là Trường THPT số 3 Triệu Hải. Năm 1989 tỉnh Bình Trị Thiên tách ra thành 3 tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, trên cơ sở đó huyện Triệu Hải cũng tách ra thành 2 huyện Triệu Phong và Hải Lăng. Ngày 29/8/1991, Trường THPT số 3 Triệu Hải đổi tên thành Trường THPT Triệu Phong.

Trao 20 suất học bổng “Tiếp sức đến trường” cho học sinh nghèo hiếu học

Sỹ Hoàng |

Ngày 30/10/2021, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị phối hợp với Hội Khuyến học - Cựu giáo chức huyện Hải Lăng tổ chức trao học bổng “Tiếp sức đến trường” năm học 2021- 2022 do Quỹ Hạt Giống Việt của Báo Nhân Dân tài trợ cho học sinh nghèo hiếu học trên địa bàn huyện Hải Lăng.

Trao học bổng đỡ đầu dài hạn cho 2 sinh viên nghèo hiếu học

Sỹ Hoàng |

Ngày 19/10/2021, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị tổ chức trao học bổng đỡ đầu dài hạn cho 2 sinh viên nghèo hiếu học.

20 học sinh hiếu học huyện Vĩnh Linh nhận học bổng “Tiếp sức đến trường”.

Nguyễn Trang |

Ngày 11/10/2021, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị phối hợp cùng Hội Khuyến học huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tổ chức trao 20 suất học bổng “Tiếp sức đến trường” năm học 2021- 2022, giá trị 500.000 đồng/ suất, cho 20 học sinh thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo hiếu học trên địa bàn.