Dẫu không khỏe mạnh như nhiều người nhưng anh Trương Văn Bình, Phó Bí thư Chi đoàn thôn An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) vẫn luôn nhiệt huyết với công tác đoàn, phong trào thanh niên. Từ lâu, anh Bình đã tự hứa với lòng mình sẽ dành trọn sức trẻ cho đoàn và các hoạt động vì cộng đồng.
Mỗi lần thấy anh Trương Văn Bình (sinh năm 1985) khoác chiếc áo xanh tình nguyện rời nhà, mẹ anh không giấu được ánh mắt lo lắng. Thấy con gầy yếu, vàng vọt, bà lo anh Bình sẽ đổ bệnh nếu cứ miệt mài với hoạt động, phong trào. Thỉnh thoảng, trong những cuộc trò chuyện không đầu, không cuối, mẹ anh Bình nghe một số người bảo: “Thằng Bình và bà đều gầy yếu, đau ốm. Gia đình bà lại khó khăn. Đáng ra cả nhà mình phải thuộc diện địa chỉ cần giúp đỡ. Đằng này, tôi cứ thấy con bà quanh năm đi hỗ trợ mọi người”. Đem chuyện kể với con, mẹ của anh Bình luôn nhận được câu trả lời: “Mẹ yên tâm. Con biết giới hạn của mình. Đối với con, hoạt động đoàn là niềm vui. Dành sức trẻ cho đoàn là hạnh phúc”.
Ba mẹ anh Bình bám ruộng nuôi bốn người con. Khác với ba anh em trong nhà, anh gầy yếu, còi cọc từ nhỏ. Thấy nuôi mãi mà con “không chịu lớn”, ba mẹ dành dụm tiền, đưa anh Bình vào Bệnh viện Trung ương Huế để khám. Sau khi kiểm tra, bác sĩ thông báo anh mắc bệnh thiếu máu bẩm sinh. Đây là căn bệnh gây ảnh hưởng lớn cả về thể chất lẫn tinh thần, dễ sinh ra những biến chứng không mong muốn. Để chữa trị bệnh lý di truyền này, anh Bình phải đều đặn đến viện để được tiếp máu. “Căn bệnh không chỉ rút cạn thể chất mà còn khiến tinh thần tôi xuống dốc. Cho đến khi tiếp xúc với nhiều người khuyết tật, tôi mới thấy mình còn may mắn. Tôi muốn cống hiến nhiều hơn. Đó là lý do thôi thúc tôi đến với đoàn”, anh Bình chia sẻ.
Sau này, anh Trương Văn Bình vẫn thầm cảm ơn lựa chọn của mình trong thời điểm ấy. Từ ngày tham gia công tác đoàn, phong trào thanh niên, cuộc sống của anh Bình như bước sang trang mới, tươi vui và nhiều màu sắc hơn. Đó cũng chính là động lực làm anh thêm xông xáo. Ở thôn, xã, hiếm hoạt động nào vắng bóng anh Bình. Đặc biệt, những hoạt động từ thiện - xã hội có một sức hút lớn đối với anh. Hễ hay tin gia đình nào trên địa bàn gặp khó khăn, hoạn nạn, cùng với các đoàn viên, thanh niên, anh Bình đều tìm cách giúp đỡ. Bản thân anh cũng hỗ trợ người nghèo với tinh thần “lá rách ít, đùm lá rách nhiều”. Mỗi khi một hoàn cảnh khó khăn được tiếp sức, anh Bình cảm thấy hạnh phúc như chính mình nhận quà.
Với sự năng nổ, nhiệt huyết và trái tim rộng mở, năm 2016, anh Trương Văn Bình được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Chi đoàn thôn An Mỹ. Từ đây, anh Bình có cơ hội để đưa ra ý tưởng, tổ chức, triển khai nhiều hoạt động, phong trào. Xem mỗi hoạt động như một “đứa con tinh thần” nên anh dồn hết tâm sức. Trong phần lớn các hoạt động, anh thường xuyên là người đến sớm và về muộn nhất. Chính điều đó đã lay động trái tim mọi người. Từ hờ hững với hoạt động, phong trào, nhiều bạn trẻ đã tìm đến, góp sức với anh Bình và các cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên khác để làm nên những điều ý nghĩa. Nhờ thế, công tác đoàn, phong trào thanh niên ở thôn An Mỹ có những bước tiến mới, vượt bậc.
Luôn nêu cao tinh thần cống hiến, anh Bình không cho phép mình chỉ chăm chút cho phong trào ở thôn. Anh được xếp vào diện “phản ứng nhanh”, luôn có mặt khi đoàn cấp trên huy động. Vì thế, phần lớn những người yêu công tác đoàn, phong trào thanh niên trên địa bàn đều biết đến anh Bình. Ai cũng quý trọng ý chí, quyết tâm, khát khao cống hiến của chàng trai vốn chịu nhiều thiệt thòi này. Sự quý trọng ấy chuyển thành khâm phục khi mọi người thấy anh “mở rộng phạm vi cống hiến” cho hoạt động, phong trào của hội chữ thập đỏ, hội người khuyết tật và các câu lạc bộ, đội, nhóm tình nguyện. “Tầm tháng 10 năm trước, thấy bà con gặp khó khăn do bão lũ, tôi đã xin một nhóm thiện nguyện cho góp sức. Vì tôi nhỏ con, ốm yếu nên thành viên trong nhóm chần chừ. Sau này, thấy tôi ngày nào cũng có mặt, sẵn sàng đi tiếp cơm, tiếp nước, tặng quà… cho bà con bị ảnh hưởng bởi thiên tai nên các bạn ấy dành cho rất nhiều tình cảm”, anh Bình kể.
Khác với nhiều người, việc đến với đoàn, cống hiến cho cộng đồng là một hành trình dài, đầy thử thách của Phó Bí thư Chi đoàn thôn An Mỹ Trương Văn Bình. Đằng sau ánh mắt tràn ngập niềm vui, hiếm ai biết, không ít lần trở về từ những chuyến tình nguyện, anh mệt đến mức không cầm nổi bát cơm. Sống bằng khoản trợ cấp còm cõi, anh Bình phải làm thêm nghề chạy xe ôm cho bà con trong thôn để chung tay giúp đỡ người nghèo và có ít tiền bỏ túi khi tham gia hoạt động, phong trào. Bao giờ cũng vậy, thu xếp xong việc của đoàn, anh Bình mới thoải mái vào viện tiếp máu định kỳ. Anh Trương Văn Bình nói như dốc cả lòng mình: “Có hai thứ giúp tôi khỏe về thể chất và tinh thần, đó là nguồn máu sống và đoàn. Máu thì tôi phải cậy nhờ vào bệnh viện, còn đoàn chính là tình yêu, niềm đam mê của tôi. Vì thế, còn sức, tôi còn cống hiến”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)