Hồ A Kiêm - cán bộ nông dân “3 trong 1”

Ngọc Trang |

“Chúng tôi thường gọi anh là cán bộ hội “3 trong 1”. Bởi vì, anh không chỉ tích cực chuyển tải các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, phong trào, mô hình giúp nhau phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế để hội viên cùng tham gia thực hiện, giúp họ thoát nghèo bền vững mà còn là người cán bộ mẫu mực đi đầu trong phong trào lao động, sản xuất giỏi và tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Những việc làm cụ thể của anh, hội luôn lấy làm minh chứng tạo động lực cho hội viên, người dân ở địa phương học tập và làm theo”- ông Nguyễn Dương Tài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã đánh giá về anh Hồ A Kiêm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thuận như vậy.

Anh Kiêm chăm sóc cây nguyên liệu làm men lá truyền thống ở vườn nhà - Ảnh: N.T
Anh Kiêm chăm sóc cây nguyên liệu làm men lá truyền thống ở vườn nhà - Ảnh: N.T

Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, anh Kiêm dành nhiều thời gian nghiên cứu, học tập, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, trang bị những kiến thức cơ bản, góp sức đưa phong trào thi đua của hội và địa phương ngày càng phát triển. Anh cùng ban chấp hành hội tham mưu UBND xã xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả trong toàn hội; tìm nguồn vốn ưu đãi để tạo điều kiện cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay đầu tư phát triển sản xuất. Triển khai sâu rộng, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”... Nhờ vậy, đời sống vật chất lẫn tinh thần của hội viên ngày một nâng cao.

Là cán bộ hội nông dân xã, anh Kiêm luôn xác định mình cần phải là người đi đầu trong các phong trào thi đua lao động, sản xuất giỏi để hội viên, Nhân dân tin tưởng. Anh chủ động tìm tòi, nghiên cứu kiến thức trồng trọt, chăn nuôi trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng internet; tham gia các lớp tập huấn... đồng thời học tập kinh nghiệm từ các mô hình điểm trong và ngoài huyện. Khi nắm chắc về kiến thức sản xuất cũng như biết cách tận dụng điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương, anh Kiêm thay đổi cơ cấu sản xuất, đưa cây sắn KM 94 và cao su vào trồng thí điểm trên diện tích đất đồi rộng lớn với 3 ha sắn và 2 ha cao su.

Nhờ nghiên cứu kỹ càng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ngay từ khâu làm đất, xuống giống và chăm sóc, đặc biệt giống được anh lựa chọn đảm bảo ngay từ đầu vào nên diện tích sắn và cao su của gia đình phát triển tốt, ít bị sâu bệnh, năng suất năm sau luôn cao hơn năm trước. Các cơ sở thu mua nguyên liệu ngay tại địa phương và các xã lân cận giúp đầu ra sản phẩm của gia đình anh thuận lợi. Bình quân mỗi niên vụ, 3 ha sắn cho năng suất bình quân trên 25 tấn củ tươi; 2 ha cao su cho thu hoạch với hàm lượng mủ đạt cao, mỗi năm trừ chi phí hai loại cây trồng này cho thu nhập trên 150 triệu đồng.

Thực hiện kế hoạch xây dựng mô hình kinh tế đa cây, đa con, anh Kiêm đầu tư đào ao nuôi cá với đủ các loại như trắm, phi, mè..., xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò, dê, gà ngay tại vườn, vừa đảm bảo nguồn thực phẩm quanh năm vừa tăng thêm thu nhập cho gia đình. “Với lợi thế quỹ đất đồi dồi dào nên tôi chịu khó học hỏi khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm của những người đi trước áp dụng vào sản xuất và kết quả mang lại bước đầu rất khả quan.

Thời gian tới, gia đình chúng tôi sẽ tập trung chăm sóc cây trồng, vật nuôi hiện có, nghiên cứu chuyển đổi diện tích sắn sang trồng cao su vì đất trồng sắn lâu năm đã có phần bạc màu. Tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để hội viên nông dân và người dân ở địa phương nhân rộng mô hình sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững”, anh Kiêm chia sẻ.

Không những đi đầu trong phong trào thi đua phát triển kinh tế tại địa phương, anh Kiêm còn là người rất tâm huyết với việc bảo tồn văn hóa của dân tộc mình, đặc biệt là đối với nghề làm men lá truyền thống. Nghề này đòi hỏi rất đa công, nguồn nguyên liệu bao gồm rất nhiều loại, với trên 20 loại rễ, lá, quả, vỏ cây khác nhau và rất khó tìm kiếm vì hầu hết đều nằm tận trong rừng sâu. Anh đầu tư mua máy xay nghiền nguyên liệu để phục vụ cho việc làm men lá.

Lo lắng nghề truyền thống đang bị mai một và mất dần do nguồn nguyên liệu ngày càng khan hiếm, anh Kiêm đã nghiên cứu điều kiện đất đai và khí hậu tại địa phương, đưa cây giống nguyên liệu từ rừng về trồng ngay tại vườn nhà. Đến nay, anh đã trồng được 7 loại cây nguyên liệu tại vườn và phát triển tốt.

Anh Kiêm cho biết thêm: “Dù phát triển không nhanh như ở rừng tự nhiên nhưng nếu được chăm sóc tốt những loại cây này cũng phát triển khá thuận lợi. Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm và đưa về trồng thêm các loại khác, dần nhân rộng cây nguyên liệu làm men lá tại vườn nhà”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

3 mẹ con ở Bản Chùa cùng hiến đất xây trường học

Anh Vũ |

Những năm qua, nhờ công tác tuyên truyền vận động của ủy ban MTTQ các cấp, phong trào hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi được người dân huyện Cam Lộ (Quảng Trị) hưởng ứng tích cực. Việc Nhân dân tự nguyện hiến đất, hiến cây để mở đường, xây dựng công trình công cộng hầu như địa phương nào cũng có. Đặc biệt ở Bản Chùa, xã Cam Tuyền có gia đình bà Hồ Thị Lan, mặc dù hoàn cảnh khó khăn nhưng cả 3 mẹ con bà đều hiến đất để xây dựng trường học, phục vụ việc học tập của con em dân bản tốt hơn.

“Cố vấn” đặc biệt của bản làng

Thanh Trúc |

Từ trục đường chính dẫn vào Khóm 6, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), chúng tôi nhờ Khóm trưởng, Phó Bí thư Chi bộ khóm Hồ Văn Hiếu chở bằng xe máy đến nhà ông Hồ Xuân Pay, nằm khá biệt lập trong một xóm vùng lõm cách đó khoảng chừng cây số. Mặc một chiếc áo sơ mi sáng màu đã cũ, quần tây lịch sự, ông Pay ngồi đợi sẵn ở nhà, tác phong vẫn chỉnh chu, gọn gàng như những ngày còn là “cán bộ nhà nước”, công tác tại Huyện ủy Hướng Hóa.

Anh Lê Công Hiếu với nhiều sáng kiến có giá trị thực tiễn

Tân Nguyên |

Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin chuyên về phần mềm và trí tuệ nhân tạo-Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông với tấm bằng loại ưu, anh Lê Công Hiếu tự nguyện về công tác tại quê nhà Quảng Trị, được Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) tuyển dụng vào làm việc.

Gần 30 năm trồng 'cây hòa bình' trên vùng đất lửa Quảng Trị

Nguyên Linh |

Từ lâu, bà Jerrilyn Brusseau - người đồng sáng lập Tổ chức PeaceTrees Vietnam (Cây Hòa bình Việt Nam) đã xem Quảng Trị là quê hương thứ hai của mình.