Bên cạnh dành sự quan tâm, chăm sóc sâu sắc đến người có công với cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Quảng Trị luôn thực hiện tốt công tác xây dựng, chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ nhằm tri ân công lao to lớn và thể hiện trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc được hòa bình, độc lập.
Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Đakrông Nguyễn Xuân Quang cho biết, được sự quan tâm của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và nguồn vốn xã hội hóa, Công trình Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ huyện Đakrông được xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng kể từ tháng 7/2016. Đây là công trình trọng điểm, là công trình văn hóa tâm linh của huyện, nơi để cán bộ và Nhân dân các dân tộc huyện Đakrông tri ân hơn 730 liệt sĩ là con em của huyện đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Huyện Đakrông có 2 nghĩa trang liệt sĩ (NTLS) ở xã Triệu Nguyên và Ba Lòng; 9 nhà bia tưởng niệm liệt sĩ tại các xã. Các NTLS trên địa bàn huyện từng bước được đầu tư, tôn tạo ngày càng khang trang hơn. Vào các dịp lễ, Tết, các phần mộ liệt sĩ đều được tri ân, khói hương ấm áp.
Đáng chú ý, vào năm 2022, NTLS xã Triệu Nguyên được tu bổ nâng cấp vỏ mộ; lát gạch toàn bộ khuôn viên nghĩa trang; sơn lại khu tưởng niệm, tường rào, lắp mới hệ thống thép bảo vệ gắn tường rào.Theo kế hoạch, giai đoạn 2026-2030, NTLS xã Ba Lòng sẽ được đầu tư nâng cấp nền mộ, đường nội bộ, bồn hoa và cổng vào nghĩa trang.
Cũng như mọi năm, dịp 27/7 năm nay, tuổi trẻ Đakrông sẽ thực hiện những công trình, phần việc thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” như: ra quân chỉnh trang, làm đẹp NTLS, các nhà bia ghi danh, đài tưởng niệm liệt sĩ; làm sạch các phần mộ liệt sĩ, thay cát lư hương, chậu hoa tại các NTLS trên toàn địa bàn huyện.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 128 công trình ghi công liệt sĩ, trong đó có 70 công trình NTLS gồm: 7 NTLS cấp huyện và 63 NTLS cấp xã (chưa kể 2 NTLS quốc gia Trường Sơn và Đường 9); 46 công trình nhà bia ghi tên liệt sĩ cấp xã; 12 công trình đài tưởng niệm liệt sĩ. Toàn tỉnh có 55.343 mộ liệt sĩ đang yên nghỉ tại 72 nghĩa trang.
Ngày 5/7/2023, UBND tỉnh Quảng Trị có Quyết định số 16/2023/QĐ-UBND ban hành quy chế quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Sở LĐ-TB&XH có trách nhiệm giúp UBND tỉnh quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ trên địa bàn; Sở LĐ-TB&XH trực tiếp quản lý NTLS quốc gia Trường Sơn và Đường 9. UBND cấp huyện, xã trực tiếp quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ theo phân cấp.
Giao các địa phương, đơn vị quản lý, chăm sóc, xây dựng kế hoạch xây mới, sửa chữa, tu bổ, chỉnh trang các công trình ghi công liệt sĩ theo quy định; vận động các nguồn kinh phí để hỗ trợ thực hiện các công tác này.
Các địa phương có nghĩa trang liệt sĩ đều lập sơ đồ mộ chí, chia khu, hàng cụ thể, đảm bảo công tác quản lý, thuận lợi cho việc thăm viếng của các gia đình liệt sĩ và Nhân dân trên địa bàn; việc cập nhật danh sách di chuyển mộ đi, đến đảm bảo kịp thời, đúng theo quy định.
Theo Sở LĐ-TB&XH, tính riêng từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong giai đoạn 2018-2023, đã có gần 100 lượt công trình ghi công liệt sĩ trên toàn tỉnh được nâng cấp, sửa chữa hoặc xây mới.
Từ nguồn vốn này đã xây mới Nhà bia ghi danh liệt sĩ xã A Xing, huyện Hướng Hóa; tu sửa mộ liệt sĩ và trồng hoa, cây xanh tại NTLS quốc gia Trường Sơn, Đường 9; mở rộng sân phía trước; lát nền khu mộ; lát nền lối đi các khu mộ chống cỏ dại; sửa chữa nhà quản trang, nâng cấp hệ thống nước tưới cây, điện chiếu sáng tại NTLS huyện Hải Lăng.
Đặc biệt, trong năm 2023, đã chuẩn hóa thông tin trên bia mộ liệt sĩ ở các NTLS trên địa bàn tỉnh gồm các phần việc: đổi thông tin trên 10.187 ngôi mộ từ “Liệt sĩ chưa biết tên” thành “Mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin”...
Để tiếp tục góp phần làm cho những công trình ghi công liệt sĩ ngày càng hoàn thiện, trang nghiêm và thành kính hơn, trong giai đoạn 2026-2030, Sở LĐTB&XH đã tham mưu, đề xuất đầu tư, nâng cấp, tôn tạo 75 công trình ghi công liệt sĩ trên toàn tỉnh, trong đó: nâng cấp tôn tạo 37 NTLS; 36 công trình nhà bia ghi tên liệt sĩ; 3 đài tưởng niệm liệt sĩ. Tiến hành mài lại mặt bia và khắc lại thông tin 14.420 bia mộ liệt sĩ bị mờ thông tin.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Lê Nguyên Hồng cho biết, thời gian qua công tác tri ân, tôn tạo, nâng cấp các công trình ghi công liệt sĩ thường xuyên được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh quan tâm, chú trọng lồng ghép các nguồn lực, huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp tham gia, trở thành phong trào thi đua, nét đẹp văn hóa trong đời sống của người dân Quảng Trị.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố có con em đang yên nghỉ tại các NTLS của Quảng Trị cũng đã dành nhiều sự quan tâm, đóng góp tôn tạo, nâng cấp và xây mới một số hạng mục của các công trình ghi công, góp phần làm ấm áp thêm hương linh các anh hùng, liệt sĩ cũng như gia đình thân nhân các anh.
Tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Thành phố Hà Nội đang khảo sát để tiến hành các thủ tục xây dựng lại tượng đài, nhà bia, vỏ mộ và nền mộ; kết nối khu vực mộ liệt sĩ của Hà Nội với Hà Tây cũ thành một khu chung. Các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Bình... thời gian qua đã có những phần việc thiết thực nhằm nâng cấp khu mộ liệt sĩ của địa phương tại nghĩa trang thêm phần sạch đẹp, trang nghiêm.
Công tác chăm sóc, tu bổ và xây dựng mới các công trình ghi công liệt sĩ tại Quảng Trị có ý nghĩa chính trị, xã hội và tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tình cảm, trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì đất nước; đáp ứng nguyện vọng tha thiết của thân nhân các gia đình liệt sĩ, đồng thời thể hiện sâu sắc đạo lý, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc ta như lời Bác Hồ đã dạy.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)