Mô hình trồng thử nghiệm lan hồ điệp bằng phương pháp nuôi cấy mô và ứng dụng công nghệ cao trong các công đoạn chăm sóc tại Trạm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) Bắc Hướng Hóa thuộc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN Quảng Trị đến nay đã khẳng định thành công với độ phát triển đồng đều và chất lượng tốt
Hiện trung tâm đang chuẩn bị các công đoạn để đưa sản phẩm lan hồ điệp chất lượng cao sản xuất ở Bắc Hướng Hóa phục vụ nhu cầu chơi hoa của người dân trong và ngoài tỉnh vào dịp tết năm 2020.
Đây là lứa hoa lan hồ điệp đầu tiên chuẩn bị xuất vườn được Trạm Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa (Sa Mù, xã Hướng Phùng), Sở Khoa học và Công nghệ đưa vào trồng thử nghiệm trong nhà kính hiện đại với các thiết bị hỗ trợ từ năm 2018. Được các thiết bị hỗ trợ thường xuyên và liên tục như: Thiết bị cảm biến nhiệt độ, độ ẩm; hệ thống lưới chắn côn trùng; hai lớp lưới cắt nắng để điều khiển cường độ ánh sáng bên trong nhà kính; lớp bảo ôn; hệ thống cooling pad; máy quạt gió để điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống giám sát và điều khiển từ xa các thông số bên trong nhà kính, hệ thống cảm biến nhiệt độ, cảm biến độ ẩm, cảm biến ánh sáng, cảm biến CO2 để đọc các thông số môi trường… nên lan hồ điệp trồng từ giống nuôi cấy mô phát triển tốt. Hiện nay, hơn 13.000 cây lan hồ điệp trồng thử nghiệm từ năm 2018 đã ra ngồng, một số đã được kích thích nở hoa đúng vào các dịp lễ, tết sắp đến. Kết quả đánh giá qua 2 năm trồng thử nghiệm cho thấy, trong môi trường nhà màng và ở tiểu vùng khí hậu Bắc Hướng Hóa mát mẻ, cây lan thích nghi cao, sinh trưởng đồng đều, đặc biệt là cho hoa chất lượng tốt, hoa nhiều, bản to, màu sắc đẹp, bền màu, lâu tàn…Cán bộ phụ trách kĩ thuật Trạm Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN Bắc Hướng Hóa Phạm Trường Học cho biết: “Lan hồ điệp trồng thử nghiệm cho kết quả tốt, ngay cả các nhà vườn ở Đà Lạt cũng đánh giá cao về chất lượng hoa lan trồng tại Hướng Hóa. Điều này khẳng định được tính thích nghi với khí hậu, thời tiết của tiểu vùng Bắc Hướng Hóa đối với lan hồ điệp. Kĩ thuật trồng lan hồ điệp không khó, chỉ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình là cho kết quả khả quan. Vì thế, với kết quả thử nghiệm này, mô hình trồng lan hồ điệp có thể chuyển giao cho các doanh nghiệp hoặc cá nhân có nhu cầu đầu tư sản xuất, kinh doanh”.
Lan hồ điệp là loại cây xứ lạnh được trồng thành công trên địa bàn huyện Hướng Hóa. Đây là một trong những loại cây trồng xứ lạnh mới (sau nhiều loại cây được đưa vào trồng thử nghiệm thành công như hoa lyli, hoa tulip, bắp cải…) được trồng thành công trên địa bàn tỉnh bằng phương pháp ứng dụng công nghệ cao với thiết bị hỗ trợ, giám sát hiện đại. Lan hồ điệp là một trong những loài hoa đẹp được nhiều người ưa thích. Với phương pháp trồng bằng công nghệ hiện đại, có kích thích sinh trưởng để ra hoa đúng vào dịp thị trường có nhu cầu nhiều, hoa lan hồ điệp cũng có độ bền hoa trong thời gian khá lâu, khoảng 3- 4 tháng. Do đó, có thể chưng hoa vào quãng thời gian từ trước tết dương lịch đến sau Tết Nguyên đán.
Hiện nay, lan hồ điệp được trồng ở các vùng có nhiệt độ thấp trong nước, còn khu vực miền Trung chưa phát triển loại hoa này. Do đó, thị trường cung ứng hoa khá rộng. Sản phẩm hoa lan hồ điệp trồng ở Hướng Hóa được đánh giá có chất lượng tương đương với hoa trồng ở xứ lạnh nên đã có nhiều khách hàng kinh doanh đặt mua với giá 100.000 đồng/cây.Đánh giá về hiệu quả và khả năng nhân rộng mô hình trồng lan hồ điệp công nghệ cao này, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN Nguyễn Hương cho biết: “Kết quả thử nghiệm thành công về trồng lan hồ điệp đã khẳng định loài cây này có thể phát triển tốt trên địa bàn Bắc Hướng Hóa nên có thể nhân rộng đến các đối tượng có tiềm lực đầu tư như doanh nghiệp, hợp tác xã. Kĩ thuật trồng hoa lan không khó, chủ yếu ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất theo hướng tự động hóa có giám sát, điều khiển từ xa nhằm giải phóng sức lao động của con người, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa trên thị trường. Nếu có vốn đầu tư thì mô hình này dễ nhân ra diện rộng và cho hiệu quả kinh tế cao”.
Trước đây, ở những vùng trồng được lan hồ điệp trong cả nước thường khó khăn về nguồn giống nhưng hiện nay tại Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN Quảng Trị đã nhân giống thành công bằng phương pháp cấy mô nên chủ động được nguồn giống, giảm giá thành. Kĩ thuật trồng hoa và phương pháp điều hành hệ thống thiết bị tự động tại vườn hoa Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và thông tin KH&CN sẵn sàng chuyển giao cho các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu đầu tư nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa phong phú trên địa bàn, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)