UBND tỉnh Quảng Trị vừa có buổi làm việc với Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và các chuyên gia để tham vấn lựa chọn 1 di sản văn hóa của tỉnh đưa vào danh mục đề cử của UNESCO và xây dựng danh hiệu Thành phố Vì hòa bình. Đây có thể nói là một động thái tích cực, đúng thời điểm sau khi Quảng Trị khai mạc và tổ chức chuỗi hoạt động của Lễ hội Vì Hòa bình, tạo được tiếng vang và dấu ấn đối với bạn bè trong nước và quốc tế. Việc đề nghị xây dựng một danh hiệu UNESCO cho di sản vật thể, phi vật thể của Quảng Trị để được Ủy ban Di sản thế giới công nhận chính là nền tảng quan trọng tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Danh hiệu UNESCO ở Việt Nam gồm danh sách các di sản thế giới, khu dự trữ sinh quyển thế giới, di sản tư liệu thế giới, công viên địa chất toàn cầu, di sản văn hóa phi vật thể... đã được UNESCO công nhận. Trong hệ thống các danh hiệu của UNESCO, di sản thế giới là danh hiệu danh giá nhất và lâu đời nhất. Đến nay, Việt Nam có 65 danh hiệu UNESCO, từ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, di sản văn hóa phi vật thể, công viên địa chất toàn cầu, khu dự trữ sinh quyển, thành phố sáng tạo, thành phố học tập... Trong đó, có 8 di sản văn hóa vật thể, 15 di sản văn hóa phi vật thể, 9 di sản tư liệu, 3 công viên địa chất toàn cầu và 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới được UNESCO ghi danh.
Các di sản văn hóa của Việt Nam sau khi được UNESCO công nhận đã trở thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, tạo nên thương hiệu cho các địa phương có di sản, góp phần không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.
Trong số 15 di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO vinh danh, ở miền Trung đã có 4 di sản, bao gồm: Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, Nhã nhạc cung đình Huế, Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh và Nghệ thuật làm gốm của người Chăm. Miền Trung cũng là địa phương có đến 4/8 di sản văn hóa vật thể được UNESCO công nhận gồm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Cố đô Huế (Thừa Thiên Huế), Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam).
Quảng Trị cũng là địa phương hiện còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa có giá trị độc đáo, tiêu biểu, trong đó điển hình là Di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc và Hệ thống làng hầm Vĩnh Linh thuộc huyện Vĩnh Linh và Di tích quốc gia Hệ thống khai thác và xử lý nước cổ (14 giếng cổ) xã Gio An, huyện Gio Linh. Đồng thời, hiện có 1 di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại là “Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”.
Căn cứ theo hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới của UNESCO thì một di sản văn hóa được đề cử cần đạt 1 trong 6 tiêu chí. Khi đối chiếu với các tiêu chí xác định giá trị nổi bật toàn cầu thì Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh có đủ các yếu tố cấu thành một di sản văn hoá thế giới. Bởi nó là một minh chứng điển hình cho ý chí quật cường, vươn lên đấu tranh vì quyền sống, quyền tự do và khát vọng hòa bình và là ví dụ tiêu biểu về việc sử dụng lòng đất làm nơi sinh sống nhằm bảo toàn và duy trì sự sống, duy trì giống nòi - điều mà con người ở bất cứ đâu trên hành tinh này đều khao khát và hướng tới.
Đối với hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An cũng có đủ các yếu tố cấu thành một di sản văn hoá thế giới. Công trình này có giá trị nổi bật ở kỹ thuật lập bể, ngăn dòng hoàn hảo của người Chăm nên hàng nghìn năm nay dù trời có hạn hán nặng thì nguồn nước thuộc hệ thống giếng cổ Gio An cũng không bao giờ vơi cạn, được dân làng xem như báu vật.
Đây chính là hệ thống công trình cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, là một di tích có giá trị khảo cổ, văn hóa và nghệ thuật độc đáo do người Chăm xưa sáng tạo nên và được người Việt tiếp thu và giữ gìn cho đến ngày nay. Nhằm phát huy và khai thác giá trị hiếm có của hệ thống dẫn thủy cổ Gio An, UBND tỉnh Quảng Trị đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi hệ thống di tích này với 14 giếng cổ.
Để được ghi vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO, một tài sản phải đáp ứng các tiêu chuẩn về văn hóa theo Công ước Di sản thế giới và được Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO thẩm duyệt. Quảng Trị đặt nhiều kỳ vọng vào hai công trình Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh, Hệ thống các công trình khai thác nước cổ Gio An sẽ được Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam quan tâm đệ trình vào phiên họp gần nhất của Ủy ban Di sản thế giới.
Công việc quan trọng nhất của tỉnh hiện nay là cần tiếp tục hoàn thiện hồ sơ pháp lý cũng như các thông tin liên quan đối với hai công trình này. Các ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo phân cấp, thực hiện ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm phạm di tích, thực hành sai lệch di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát huy vai trò của cộng đồng và trách nhiệm của chính quyền địa phương ở nơi có di tích tọa lạc.
Đặc biệt, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong quản lý, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản, nhất là việc số hóa các địa điểm di tích, tăng thêm phần thuyết trình bằng tiếng Anh tại các địa điểm này để du khách nước ngoài thuận tiện trong việc tìm hiểu thông tin. Tối ưu hóa tìm kiếm địa phương trên bản đồ của Google để người dân các địa phương trong nước cũng như thế giới biết nhiều hơn về Quảng Trị, về những di tích lịch sử, những điểm du lịch đặc sắc hay các sản vật đặc trưng của địa phương.
Tăng cường hơn nữa công tác truyền thông, quảng bá các di tích, xã hội hóa việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích hiện có của địa phương. Tỉnh cũng cần có cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện để di tích, di sản được bảo tồn, phát huy giá trị. Đặc biệt là duy trì được đời sống của di tích đó trong cộng đồng, tạo ra sinh kế bền vững cho cư dân.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)