Cần khai thác du lịch đầu nguồn sông Thác Ma

Minh Tuấn |

Những năm gần đây, nhiều đoàn khách du lịch đã tìm đến khám phá và trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ phía thượng nguồn sông Thác Ma chảy qua địa phận 2 xã Hải Chánh và Hải Sơn thuộc huyện Hải Lăng. Sự quan tâm ngày càng tăng của du khách đối với khu vực thượng nguồn sông Thác Ma không chỉ xuất phát từ cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, mà còn bởi không khí trong lành, yên bình và những trải nghiệm gắn liền với văn hóa bản địa. Việc đầu tư đúng hướng, kết hợp hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên và phát triển dịch vụ sẽ là “chìa khóa” để biến nơi đây thành một điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn và bền vững trong tương lai.

 
  Du khách bị cuốn hút bởi thiên nhiên hùng vĩ khi có dịp lên đầu nguồn sông Thác Ma - Ảnh: MT

Điểm du lịch lý thú

Chúng tôi nhiều lần ngược dòng Ô Giang lên đầu nguồn Thác Ma, hai bên bờ là các thôn làng dân cư trù phú, yên bình của hai xã Hải Sơn và Hải Chánh, huyện Hải Lăng. Đò ngược khoảng 40 phút gặp thác đầu tiên là Thác Hà. Điểm chung là các thác này cạn chạm đáy thuyền nên phải tắt máy dùng sức người để đẩy. Chặng hành trình trải nghiệm thú vị này, chúng tôi vượt qua 7 thác cạn tiếp theo gồm: Vùng Tròn, Thác Cá, Thác Quả, Voi Đái, Thác Chồn, Thác Chuối và cuối cùng là Thác Lạnh, đây là điểm dừng chân của đoàn chúng tôi sau hơn một giờ ngồi thuyền.

Thác Lạnh là điểm xa nhất du khách dừng chân bởi gói gọn thời gian đi về trong ngày. Các cựu chiến binh từng hoạt động, chiến đấu nơi này kể rằng: Những người dân theo cách mạng được thử thách sau khi vượt một chặng đường hiểm nguy thì đến Thác Lạnh. Nếu có quyết tâm cao lên với chiến khu thì lội ngược dòng vượt qua Thác Lạnh. Thế nên mới có thơ rằng: “Em nguyện theo Đảng đến cùng/Vượt qua Thác Lạnh lên vùng chiến khu”.

Quả thật phong cảnh ở đây vô cùng hấp dẫn, khách du lịch được hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp. Đoạn sông này cạn chưa tới đầu gối, du khách có thể cúi người vốc từng nắm đá sáng lấp lánh, nhiều hình thù, hay lấy một nắm cơm đặt tay xuống nước để chứng kiến hàng trăm con cá dạn dĩ vây quanh đớp mồi. Hai bên bờ tán cây rừng che phủ thoáng mát, hoa rừng đua nhau khoe sắc...

Nhiều du khách khi đến đây đã sáng tạo ra một cái bàn dã chiến đặt ngay giữa dòng sông nước chảy lơ thơ. Bày biện lên đó các món ăn mang theo, du khách vừa trầm mình mặc cho dòng nước vuốt ve cơ thể, vừa thưởng thức một bữa tiệc có một không hai trên đời...

Bằng thuyền, từ Thác Ma sẽ đi đến muôn nơi

Những người dân sông nước ở Hải Sơn, Hải Chánh khẳng định với chúng tôi như thế, bởi từ ngày xưa, họ đã từng dùng thuyền chở hàng hóa từ Thác Ma ra chợ thị xã Quảng Trị, chợ Đông Hà, rồi lên chợ Phiên Cam Lộ mua bán trao đổi.

Theo người dân thì nguồn Thác Ma chảy về sông Ô Giang và nối thông với sông Vĩnh Định chảy về 2 cửa biển Thuận An (TP. Huế) và Việt Yên (Triệu Phong). Sông Ô Giang nối sông Ô Lâu tại làng Câu Nhi chảy ra hướng Bắc, đến làng Trung Đơn theo kênh mới Mai Lĩnh nối với Cựu Vĩnh Định tại ngã ba Hói Dét. Sông Nhùng nối với sông Vĩnh Định tại Quy Thiện, nhánh này chảy ra Triệu Phong, nối tại Văn Vận chảy về Thuận An.

Như vậy muốn ra TP. Đông Hà chỉ cần xuôi theo dòng Ô Giang về đến phá Tam Giang, sau đó theo một nhánh của sông Vĩnh Định để gặp sông Thạch Hãn qua địa bàn thị xã Quảng Trị và huyện Triệu Phong. Theo dòng hải lưu sẽ gặp sông Hiếu tại ngã ba Gia Độ và ngược lên chợ Đông Hà, TP. Đông Hà, tiếp đến chợ Phiên Cam Lộ. Như thế để kết luận một điều rằng, hoàn toàn có thể nếu mở một tour du lịch đầu nguồn Thác Ma, rồi kết nối với các tour du lịch huyện Triệu Phong, thị xã Quảng Trị, TP. Đông Hà, huyện Cam Lộ và liên kết mở rộng các tour du lịch trên địa bàn tỉnh.

Những năm trước đã có tour du lịch văn hóa lịch sử tại huyện Triệu Phong gồm các điểm: Tổ đình Sắc Tứ Tịnh Quang ở thị trấn Ái Tử, bến Ghềnh thương cảng cổ và Miếu thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ ở Triệu Giang, Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn. Kết thúc hành trình, du khách được thưởng thức 9 món đặc sản địa phương tại chợ Sãi như: nem, chả, cháo hến, bánh chưng, bánh bột lọc, bánh bèo...

Ngoài ra có một tour lý thú là xuôi thuyền theo dòng Thạch Hãn từ xã Hải Lệ, thị xã Quảng Trị ghé lại Bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn. Du khách lên bờ viếng Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị, dự lễ thả hoa, sau đó tiếp tục lên thuyền ghé bến Ghềnh thương cảng cổ. Tiếp tục xuôi thuyền thăm Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, thăm di tích chợ Sãi. Sau đó tham gia chương trình giao lưu, thưởng thức nghệ thuật ẩm thực truyền thống chợ Sãi.

Nếu liên kết tour du lịch đường thủy Thác Ma, huyện Hải Lăng và du lịch văn hóa lịch sử, huyện Triệu Phong, các tour du lịch TP. Đông Hà sẽ tạo thêm nhiều điểm thu hút khách du lịch, tạo một điểm nhấn quan trọng đối với ngành du lịch của tỉnh Quảng Trị.

Trong tương lai, nếu được phát triển đúng hướng, thượng nguồn Thác Ma hoàn toàn có thể trở thành một “viên ngọc xanh” của du lịch Quảng Trị, thu hút du khách đến khám phá, nghỉ dưỡng và trải nghiệm. Đây không chỉ là cơ hội để quảng bá hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp của tỉnh mà còn góp phần nâng cao đời sống của người dân, giữ gìn văn hóa truyền thống.

Nguồn tin: Báo Quảng trị

Khai trương lễ hội du lịch biển năm 2025

Xuân Thế |

Từ ngày 25 đến ngày 27/4, tại biển Nhật Tân, xã Triệu Cơ, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã tổ chức lễ hội khai trương mùa du lịch biển năm 2025 với Chủ đề “Điểm đến và khát vọng”, với nhiều hoạt động diễn ra phong phú như: Hội trại thanh niên, hội diễn văn nghệ, thi nhảy dân vũ, bóng chuyền bãi biển và các trò chơi dân gian, các hoạt động đều tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước; ngợi ca về mảnh đất và con người Triệu Cơ anh hùng.

Chung tay vì sự phát triển bền vững của du lịch Hướng Hóa

Tây Long (thực hiện) |

Sau nhiều mong đợi, đầu năm 2025, Hội Du lịch huyện Hướng Hóa đã được thành lập trong sự vui mừng của không chỉ hội viên mà cả cán bộ, người dân địa phương. Nhân dịp này, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn ông TRẦN THÁI THIÊN, Chủ tịch Hội Du lịch huyện Hướng Hóa, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Du lịch Nông nghiệp Việt Nam - Khe Sanh về chặng đường đầy nỗ lực vừa qua và bước đi của hội trong thời gian tới.

Hướng Hóa sẵn sàng cho mùa cao điểm du lịch hè

Khánh Ngọc |

Huyện Hướng Hóa có nhiều điểm nhấn về thiên nhiên - lịch sử - văn hóa thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, du lịch lịch sử- văn hóa, du lịch cộng đồng. Đặc biệt, huyện Hướng Hóa nói chung và thị trấn Khe Sanh nói riêng với đặc thù khí hậu mát mẻ quanh năm, có bốn mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông trong một ngày, đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong những ngày hè.

Đề xuất cho khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch sinh thái “Trekking đỉnh Pa Thiên - Voi Mẹp”

Bảo Bình |

Ngày 15/4, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Quảng Trị có văn bản đề nghị UBND tỉnh đồng ý chủ trương giao Ban Quản lý Rừng đặc dụng tỉnh phối hợp với Công ty TNHH SAMUER hoàn thiện đề án Khai thác thử nghiệm sản phẩm du lịch sinh thái “Trekking đỉnh Pa Thiên - Voi Mẹp, chinh phục nóc nhà Quảng Trị” đưa vào hoạt động thử nghiệm đến khi đề án chính thức được phê duyệt.

Doanh nghiệp du lịch tìm cơ hội trong thách thức

Thu Hạ |

Đón mùa cao điểm du lịch biển, đảo năm 2025, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch đã nỗ lực thích ứng, khắc phục khó khăn do tác động từ suy thoái kinh tế toàn cầu, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các điểm đến trong cùng khu vực thông qua việc đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu các sản phẩm, chương trình khuyến mãi du lịch biển, đảo hấp dẫn, đồng thời chuẩn bị những điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, nhân lực để phục vụ du khách.