Quảng Trị hiện có hơn 600 di tích, cụm di tích lịch sử cách mạng. Tuy đã có nhiều nỗ lực nhưng lượng khách du lịch đến tham quan tại các điểm di tích trên địa bàn vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là một số cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chưa chú trọng đến chất lượng dịch vụ. Vì vậy, để thu hút khách du lịch, ngoài đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng, phát triển các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương thì cần phải chú trọng cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Một ngày giữa tháng 6, thời tiết nóng bức, ngột ngạt, gia đình tôi đến bãi tắm Cửa Tùng, thị trấn Cửa Tùng, huyện Vĩnh Linh để nghỉ ngơi, thư giãn. Tối hôm ấy, khu vực thị trấn Cửa Tùng bị cắt điện nên không gian bao trùm trong màn đêm tịch mịch. Dãy nhà hàng, khách sạn ở bãi tắm Cửa Tùng đều vắng vẻ. Tuy nhiên, có 2 quán ở đầu bãi tắm đèn điện sáng trưng. Chúng tôi quyết định ghé vào quán đầu tiên...
Vừa bước vào khuôn viên quán, ấn tượng ban đầu là ánh sáng lung linh, huyền diệu tỏa ra từ hàng trăm bóng đèn đa dạng thể loại, kích thước, màu sắc. Bên trong quán, các dãy bàn đều đã kín chỗ. Trước đó chưa lâu, gia đình tôi đến ăn tối tại một nhà hàng ở TP. Đông Hà.
Khi thấy khách chỉ vỏn vẹn 2 người lớn và 1 trẻ em, nhân viên nơi đây tỏ vẻ khó chịu, nói rằng phải đợi hơi lâu vì bận đón tiếp những đoàn khách đông người hơn. Khi vào quán ở biển này, quan sát thấy số lượng khách đông, hầu hết các bàn đều kín người nên trong tâm trí tôi thoáng nghĩ đến cách phục vụ của nhà hàng trước đó. Song, rất nhanh chóng, một nhân viên đã tiến đến chào hỏi và bố trí chỗ ngồi cho chúng tôi. Mối e ngại ban đầu được xóa tan.
Khi đã yên vị ở một góc quán khá đẹp, nhân viên mang đến bảng thực đơn với thái độ niềm nở rồi kiên nhẫn đợi khách gọi món. Chỉ vài phút sau, nhân viên bưng ra những món hải sản tươi ngon. Điều đáng nói là các nhân viên đều thấm mệt vì lượng khách đông, phải di chuyển liên tục nhưng nụ cười luôn thường trực khi nói chuyện với khách. Ngay cả khi mang thức ăn ra cũng lễ phép chào hỏi.
Tại đây, chúng tôi gặp gia đình chị Thúy - một người quen sinh sống tại TP. Đông Hà. Gia đình chị tranh thủ những ngày lễ để về Cửa Tùng nghỉ ngơi, thư giãn và thưởng thức ẩm thực. “Chị nghỉ ở khách sạn bên cạnh, còn ăn uống thì ở quán này. 3 ngày qua, hôm nào gia đình chị cũng qua ăn ở đây. Quán này phục vụ chu đáo, món ăn tươi ngon, hấp dẫn nên từ ông bà cho đến các con của chị đều thích. Lần sau gia đình chị sẽ quay lại”, chị Thúy chia sẻ.
Thực khách đến thưởng thức ẩm thực tại bãi tắm Cửa Tùng - Ảnh: TRẦN TUYỀN
Câu chuyện đang sôi nổi thì một quản lý từ trong quán bước ra, lễ phép thưa: “Điện lưới đã có. Để đấu nối lại đường dây, hệ thống đèn sẽ tắt trong ít phút. Vì vậy, quý khách vui lòng thông cảm!”. Vị quản lý này đi lần lượt từng bàn một để thông báo với khách.
Nghe lời chia sẻ ấy từ vị quản lý, thực khách ai cũng vui lòng bỏ qua. Đã từng đến nhiều nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh nên tôi có thể nhìn nhận rằng quản lý quán này đã tổ chức công việc và hướng dẫn, đào tạo nhân viên rất bài bản, chuyên nghiệp. Cung cách phục vụ du khách ở đây khác hẳn với nhiều khách sạn, nhà hàng lớn, có tiếng tăm trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Những lần sau quay lại quán, chúng tôi vẫn được trải nghiệm cách phục vụ chuyên nghiệp như vậy. Và, khách ở đây luôn đông nghịt. Điều này cho thấy, ngoài chất lượng các món ăn thì cung cách, thái độ phục vụ là điều kiện để níu chân du khách và lan tỏa thương hiệu một cách âm thầm nhưng hiệu quả.
Ngoài ra, Quảng Trị cũng được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đa dạng với nhiều loại địa hình. Ở khu vực phía Bắc có hệ thống giếng cổ Gio An, rừng nguyên sinh Rú Lịnh. Phía Nam nổi tiếng với Trằm Trà Lộc. Khu vực phía Tây có khu danh thắng Đakrông; suối nước nóng Klu; các con thác Chênh Vênh; Ồ Ồ; Tà Puồng; Luồi; động Tà Puồng, Prai; Khu bảo tồn thiên nhiên Hướng Hóa. Phía Đông có bờ biển trải dài, thoai thoải với bãi cát trắng mịn, làn nước trong xanh. Các khu dịch vụ - du lịch biển đã được quy hoạch từ Cửa Việt đến địa đạo Vịnh Mốc với các bãi tắm nổi tiếng như: Cửa Tùng, Cửa Việt, Gio Hải... là điểm đến lý tưởng cho du khách.
Tuy vậy, lượng khách du lịch đến với Quảng Trị vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Nhìn nhận khách quan thì ngành du lịch của tỉnh chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Một trong những nguyên nhân đó là thái độ, cung cách phục vụ khách du lịch chưa thật sự chuyên nghiệp, chưa hướng đến sự lâu dài.
Mỗi khách sạn, nhà hàng hay mỗi nhân viên đều là một đại sứ du lịch. Nếu phục vụ chu đáo, bài bản, thái độ chuyên nghiệp, cầu thị thì du khách sẽ có ấn tượng tốt đẹp và truyền tai nhau, giới thiệu cho nhau. Ngược lại, nếu có tư duy “ăn xổi ở thì”, “chặt chém”, chỉ cần được cái lợi trước mắt thì du khách chỉ đến một lần duy nhất. Không những thế, họ còn chia sẻ chất lượng dịch vụ nơi đó với người thân, bạn bè hoặc đăng lên mạng xã hội.
Vì vậy, để thu hút khách du lịch, ngoài đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, xây dựng, phát triển các sản phẩm đặc trưng của mỗi địa phương thì cần phải chú trọng cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ. Một khi chất lượng dịch vụ được nâng cao, du khách hài lòng thì nơi đó làm du lịch thành công.
Để kết thúc bài viết này, tôi xin chia sẻ trải nghiệm của bản thân về cách làm du lịch của một resort ở TP. Huế. Tại resort này, mọi nhân viên khi gặp khách bất kể người già hay trẻ nhỏ, người nước ngoài hay người Việt đều nở nụ cười rất tươi và nói câu “Xin chào!”. Trong suốt 3 ngày 2 đêm ở lại đây, đi đâu, làm gì tôi cũng nghe thấy câu nói ấy và đón nhận những nụ cười tươi vui. Đến nỗi, những vị khách nước ngoài đến đây nghỉ dưỡng cũng bắt chước mỉm cười và chào người khác bằng câu “Xin chào!” rất... Việt Nam.
Mặc dù đã lâu chưa trở lại nhưng cách phục vụ này khiến tôi ấn tượng mãi không quên.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)