Hiện nay, tại Quảng Trị, ngành chức năng và các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch đã và đang nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số nhằm khai thác hiệu quả các giá trị từ môi trường số, nâng cao năng lực cạnh tranh về du lịch.
Quảng Trị có 562 di tích văn hóa vật thể và 342 di sản văn hóa phi vật thể, là tiềm năng lớn để phát triển du lịch. Với các nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn giá trị như: Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông, Bắc Hướng Hóa, khu bảo tồn biển đảo Cồn Cỏ, trằm Trà Lộc, rừng sinh thái Rú Lịnh…; các cụm di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia (Cụm di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm gắn với sự kiện 81 ngày đêm năm 1972…), đây là tiền đề để xúc tiến và phát triển du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị triển khai các chương trình, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, xây dựng hệ thống du lịch thông minh nhằm cải thiện tính cạnh tranh về mặt công nghệ trong lĩnh vực du lịch, tạo ra một số dịch vụ tiện ích cho người dân, khách du lịch và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch lữ hành.
Phối hợp các đơn vị tư vấn thực hiện lập đề cương và dự toán chi tiết nhiệm vụ xây dựng chuyển đổi số trên lĩnh vực văn hóa và du lịch. Triển khai xây dựng đề cương hệ thống thông tin về các di tích, số liệu về di sản vật thể, phi vật thể, các lễ hội… Phối hợp Trung tâm Giám sát điều hành thông minh tỉnh - Sở Thông tin và Truyền thông cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu chuyên ngành của ngành văn hóa, thể thao và du lịch lên phần mềm “Quảng Trị IOC”, qua đó công khai các thông tin lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch để người dân nắm, khai thác thông tin.Vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ đã chủ trì phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích và Bảo tàng tỉnh, thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số đơn vị chức năng thực hiện các nghiên cứu như: “Ứng dụng công nghệ GIS xây dựng hệ thống thông tin di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị”, “Xây dựng hệ thống thông tin di tích Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 bằng công nghệ GIS, 3D”, “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu số về di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, góp phần hỗ trợ phát triển du lịch Quảng Trị”... nhằm góp phần xây dựng ngân hàng số di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh của tỉnh.
Trong đó, đối với “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu số về di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, góp phần hỗ trợ phát triển du lịch Quảng Trị”, đề tài đã thành lập bộ cơ sở dữ liệu và sử dụng các công nghệ để số hóa và xây dựng phần mềm ứng dụng App Di sản văn hóa Quảng Trị.
Để tải ứng dụng, du khách có thể truy cập trực tiếp từ CH Play hoặc quét mã QR được đặt tại các điểm di tích. Khi truy cập ứng dụng, du khách sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin tại các di sản văn hóa tỉnh Quảng Trị như Cụm di tích cấp quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị và sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, các di tích lịch sử, văn hóa, các di sản kiến trúc nghệ thuật, các lễ hội văn hóa…
Dù mới bước đầu triển khai áp dụng nhưng những nghiên cứu này đã phát huy hiệu quả, giúp hỗ trợ phát triển du lịch thông minh trên địa bàn. Đơn cử như cơ sở dữ liệu số về du lịch Quảng Trị bằng công nghệ GIS đã giúp số hóa và tích hợp các lớp dữ liệu của ngành du lịch theo một cơ chế thống nhất, phục vụ công tác quy hoạch, quản lý du lịch nói riêng, phát triển hệ thống bản đồ số của tỉnh và quốc gia nói chung.
Theo kế hoạch thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch năm 2023 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, riêng đối với lĩnh vực du lịch, ngành đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường tuyên truyền, phổ biến phiên bản mới tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch với thông điệp “Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động” đến các địa phương, điểm đến du lịch và các doanh nghiệp trong quá trình triển khai chuyển đổi số.
Tham gia các chương trình xúc tiến thương mại điện tử; phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện kết nối giữa doanh nghiệp thương mại điện tử với các doanh nghiệp sản xuất theo từng ngành hàng để tạo thêm các chuỗi liên kết mới trong lĩnh vực du lịch.
Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 30/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025”, Chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch của tỉnh Quảng Trị.
Trong đó tiếp tục xây dựng Cổng thông tin du lịch tỉnh Quảng Trị nhằm giúp cho các doanh nghiệp kinh doanh du lịch quảng bá các sản phẩm, dịch vụ đến với du khách. Tạo kênh thông tin cho khách du lịch dễ dàng khai thác cơ sở dữ liệu về các dịch vụ nhằm tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến, phát triển du lịch. Khuyến khích các điểm du lịch cung cấp các dịch vụ internet không dây (kết nối wifi) miễn phí giúp du khách tiếp cận internet tốc độ cao khi đặt chân đến tỉnh Quảng Trị.
Đẩy mạnh các dịch vụ thanh toán trực tuyến (qua ví, thẻ ngân hàng trực tuyến, quét mã QR Code...) ở tất cả các điểm du lịch. “Để chuyển đổi số trên lĩnh vực du lịch đạt hiệu quả, trước hết cần tăng cường nhận thức về chuyển đổi số. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị.
Tổ chức phổ biến, quán triệt chủ trương của Đảng, nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động toàn ngành, người dân và doanh nghiệp về sự cần thiết và tính cấp thiết của chuyển đổi số. Gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch với kế hoạch, hoạt động của ngành”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Văn Hoan chia sẻ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)