Việc phát triển thị trường vốn xanh cho các dự án xanh là một trong những nội dung cần thiết và đem nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, đây cũng là điều kiện giải quyết các thách thức môi trường và thúc đẩy tăng trưởng có trách nhiệm.
Là doanh nghiệp hưởng lợi từ tài chính xanh, đại diện Six Senses Côn Đảo cho biết, chính nhờ xác định ngay từ đầu mục tiêu phát triển bền vững, đối xử tốt với môi trường, hướng tới thiên nhiên như: giảm thiểu rác thải nhựa, tăng cường hỗ trợ rùa biển, sử dụng nước lọc tại chỗ... nên doanh nghiệp được nhiều lợi ích, trái ngọt vì lựa chọn đúng đắn này. Theo đó, du khách đến với khu du lịch nhiều hơn khiến doanh thu tăng cao để doanh nghiệp tiếp tục tái đầu tư.
Tương tự, bà Chu Thị Kim Thanh, Giám đốc vận hành PRO Việt Nam cho biết, doanh nghiệp là đơn vị đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường ủy quyền tái chế bao bì để bảo vệ môi trường. Để bảo vệ môi trường hiệu quả, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam được thành lập từ 2019, gồm các doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực đồ uống, bán lẻ, bao bì, tái chế... Những doanh nghiệp này cũng đã áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường, ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế... đây cũng là xu hướng và biện pháp giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn tài chính xanh để phát triển.
Theo PGS. TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED), hiện nay các doanh nghiệp đã nắm khá rõ các quy định về kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, mới nhất là quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR). Việc áp dụng tài chính xanh khuyến khích các công ty áp dụng các biện pháp bền vững và bảo vệ môi trường vào hoạt động hàng ngày, từ đó các công ty có thể huy động vốn để hỗ trợ các mục tiêu bền vững của mình thông qua trái phiếu xanh, các khoản vay gắn liền với tính bền vững và các công cụ tài chính khác.
"Tuy nhiên, để hưởng lợi từ tài chính xanh, đòi hỏi các doanh nghiệp phải giảm lượng khí thải carbon, tăng cường tính bền vững của chuỗi cung ứng và áp dụng các quy trình thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, loại hình này còn thúc đẩy trách nhiệm và tính minh bạch bằng cách khuyến khích các công ty theo dõi và báo cáo hiệu quả hoạt động môi trường. Hiện nay, chúng ta cũng có khá nhiều quy định về hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, hướng tới phát triển bền vững", ông Nguyễn Hồng Quân cho biết thêm.
Ở góc nhìn tài chính, ông Phạm Ngọc Khang, Tổng Giám đốc Home Credit Việt Nam cũng cho biết, tính minh bạch, tuân thủ pháp luật và tận tâm với khách hàng là những giá trị nền tảng mà đơn vị đang xây dựng trong nhiều năm có mặt tại Việt Nam. Vì vậy, công ty nỗ lực mang đến những sản phẩm phù hợp, đảm bảo khách hàng hiểu rõ điều khoản cũng như quyền hạn dịch vụ khi tiếp cận nguồn vốn bền vững.
Theo cảnh báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam thải khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa ra môi trường, đứng thứ 4 trong Top 20 nước hàng đầu thế giới về rác thải nhựa. Hiện nay, Việt Nam đang là quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu ở nhiều mặt: Giảm đa dạng sinh học rừng (rừng nguyên sinh chỉ còn 8% so với 50% ở các nước trên thế giới); nước biển dâng làm mất đi nguồn đất màu mỡ cho nông nghiệp là thách thức lớn cho sản xuất nông nghiệp; hạn hán làm hoang mạc hoá nhiều khu vực ở miềng Trung; tác động của biến đổi khí hậu còn tác động tiêu cực đến cơ sở hạ tầng, xã hội, kinh tế kém phát triển và nghèo đói… Vì vậy, việc doanh nghiệp lựa chọn tài chính xanh sẽ giúp gìn giữ môi trường, giảm phát thải, phát triển kinh tế tích cực với thiên nhiên. Đây cũng là giải pháp quyết định đến tương lai phát triển nền kinh tế bền vững của Việt Nam.
(Nguồn: Báo Tin tức)