Đẩy gậy Quảng Trị từ trò chơi dân gian đến thi đấu chuyên nghiệp

Nguyễn Minh Đức |

Đẩy gậy là trò chơi dân gian, môn thể thao truyền thống được phát triển phổ biến, rộng rãi trong toàn tỉnh, nhất là ở khu vực miền núi, được nhiều người dân yêu thích. Với sự quan tâm của tỉnh, ngành văn hóa, thể thao và du lịch cùng các địa phương, môn đẩy gậy không chỉ được bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống trong đời sống xã hội mà còn được đưa vào hệ thống các giải thi đấu mang tính chuyên nghiệp. Đặc biệt, môn đẩy gậy Quảng Trị đã khẳng định vị thế tốp mạnh trong các giải đẩy gậy toàn quốc.

Đẩy gậy thường được tổ chức vào các ngày lễ, tết, hay các hội thao, giải thể thao..., tạo không khí tranh tài sôi nổi, hấp dẫn. HLV Lê Xuân Quốc, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh cho biết, môn đẩy gậy phù hợp với mọi lứa tuổi, không phân biệt tuổi tác, giới tính. Cơ sở vật chất đầu tư không cần nhiều, chỉ cần có cây gậy, sân và số lượng người chơi chỉ từ 2 người trở lên. Dụng cụ thi đấu gồm một cây gậy, thường được chọn từ thanh tre thẳng, có chiều dài 2 m, đường kính từ 4-5 cm, được sơn 2 màu đỏ và trắng; đầu và thân gậy được bào nhẵn và có đường kính bằng nhau. Sân thi đấu là một vòng tròn trên nền đất, bê tông hoặc nhựa tổng hợp…, có đường kính 5 m, vạch giới hạn rộng 5 cm nằm trong phạm vi của sân có màu trắng hoặc khác với màu nền sân. Môn thể thao này cũng có luật chơi khá đơn giản.

Ban tổ chức trao HCV, HCB, HCĐ cho các VĐV giành thành tích cao ở nội dung thi đấu trên 75 kg tại Giải Đẩy gậy, Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VIII -Ảnh: M.Đ
Ban tổ chức trao HCV, HCB, HCĐ cho các VĐV giành thành tích cao ở nội dung thi đấu trên 75 kg tại Giải Đẩy gậy, Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VIII -Ảnh: M.Đ

Đẩy gậy là môn thi đấu đối kháng nên các VĐV luôn thi đấu hết mình với quyết tâm cao nhất, tạo nên sự hấp dẫn, gay cấn và kịch tính trong mỗi cuộc tranh tài, đem đến cho người xem những trận đấu hay, đẹp mắt và ấn tượng khó quên. Anh Hồ Văn Cay, thôn Ty Nê, xã A Bung, huyện Đakrông cho biết: “Đẩy gậy là môn thể thao phù hợp với mọi đối tượng, phát triển ở nhiều vùng miền, nhất là đối với người đồng bào dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Kô. Chơi được môn đẩy gậy thì đơn giản, nhưng để chơi tốt, chơi giỏi thì cần rất nhiều yếu tố khác. Môn đẩy gậy không chỉ cần sức khỏe mà còn đòi hỏi phải có kỹ thuật, chiến thuật, bản lĩnh và tâm lý thi đấu vững chắc mới giành chiến thắng”.

Trước đây, môn đẩy gậy được xem là trò chơi, môn thi đấu dành riêng cho “phái mạnh”, tuy nhiên ngày nay môn thể thao này là sự lựa chọn của nhiều đối tượng khác nhau, trong đó có phái đẹp. Chị Nguyễn Thị Như Quỳnh, thôn Vĩnh Tân, xã Linh Hải, huyện Gio Linh, cho hay: “Khi thấy nhiều người chơi đẩy gậy tôi rất thích thú, từ đó tìm hiểu sâu về môn thể thao này. Chỉ sau khoảng 1 tháng tập luyện, tôi đã chơi tốt, từ đó mạnh dạn đăng ký tham gia các giải đẩy gậy ở huyện Gio Linh. Để chơi giỏi môn đẩy gậy cần rất nhiều thời gian, nhất là cần sức khỏe tốt, kỹ thuật, bản lĩnh, quyết tâm cao trong thi đấu. Sau khi chơi tốt môn này, tôi đã hướng dẫn cho nhiều bạn gái khác cùng chơi”.

Phong trào đẩy gậy phát triển khá mạnh trong toàn tỉnh, nhiều địa phương có phong trào mạnh như Hải Lăng, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh… Anh Dương Quốc Ninh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao huyện Vĩnh Linh cho biết: “Những năm qua, đẩy gậy được phát triển rộng khắp các vùng miền trong toàn huyện Vĩnh Linh, thường xuyên được tổ chức vào các ngày lễ hội truyền thống của quê hương. Đây là môn thể thao phù hợp với mọi lứa tuổi, kinh phí đầu tư không nhiều và nhất là dễ chơi, nên thu hút nhiều người dân tham gia chơi, tập luyện và thi đấu. Nhằm phát triển phong trào đẩy gậy, huyện Vĩnh Linh thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và khuyến khích các địa phương đưa đẩy gậy vào nội dung thi đấu của các giải thể thao như Đại hội TDTT huyện, Hội khỏe Phù Đổng cấp cơ sở…, qua đó tạo sân chơi cho những người yêu thích đẩy gậy có dịp giao lưu, tranh tài. Vào tháng 3/2022, huyện Vĩnh Linh tổ chức Giải Đẩy gậy, Đại hội TDTT huyện Vĩnh Linh lần thứ IX, quy tụ hơn 60 VĐV nam, nữ tranh tài ở 6 bộ huy chương”.

  Trong 2 ngày ngày 11 và 12/5, Giải Đẩy gậy, Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VIII được tổ chức, quy tụ gần 100 VĐV nam, nữ đến từ 9 huyện, thị, thành phố (trừ huyện đảo Cồn Cỏ); tranh 10 bộ huy chương ở các hạng: 50 kg, 55 kg, 60 kg, 65 kg, 75 kg, trên 75 kg dành cho nam; 50 kg, 55 kg, 60 kg, 65 kg dành cho nữ.

Từ trò chơi dân gian, môn đẩy gậy đã được đưa vào hệ thống thi đấu các giải thể thao chuyên nghiệp trên toàn quốc và ở Quảng Trị. Anh Phan Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, Phó Trưởng Ban tổ chức Giải Đẩy gậy, Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VIII, năm 2021-2022 cho biết: Để gìn giữ và phát triển môn đẩy gậy, Ban tổ chức Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VIII, năm 2021-2022 quyết định đưa môn đẩy gậy vào chương trình thi đấu của đại hội nhằm mục đích tạo sân chơi bổ ích, thiết thực cho các VĐV và người yêu thích môn đẩy gậy được giao lưu, học hỏi, thể hiện đam mê và tài năng; là dịp để đánh giá chất lượng phong trào đẩy gậy ở các địa phương; tiếp tục bảo tồn và phát huy môn thể thao dân tộc, đồng thời góp phần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại. Đặc biệt, thông qua giải để tuyển chọn các VĐV vào đội tuyển đẩy gậy tỉnh tham gia Đại hội TDTT toàn quốc năm 2022. Trên tinh thần đó, các huyện, thị xã, thành phố đã đưa môn đẩy gậy vào nội dung thi đấu của Đại hội TDTT các cấp.

Là môn thi đấu đối kháng nên các trận đấu đẩy gậy luôn diễn ra hấp dẫn, gay cấn -Ảnh: M.Đ
Là môn thi đấu đối kháng nên các trận đấu đẩy gậy luôn diễn ra hấp dẫn, gay cấn -Ảnh: M.Đ

Anh Phan Văn Hóa cho biết thêm, năm 2009, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh đã quyết định thành lập môn đẩy gậy, giao cho HLV Lê Xuân Quốc phụ trách xây dựng và phát triển Đội tuyển Đẩy gậy tỉnh. Chỉ sau một thời gian ngắn thành lập, đẩy gậy Quảng Trị đã đạt nhiều thành tích cao trong các giải đẩy gậy quốc gia, trong đó nổi bật là thành tích xuất sắc giành được 2 HCV, 5 HCB và 3 HCĐ, xếp vị trí thứ 4 toàn quốc tại Giải vô địch Đẩy gậy toàn quốc năm 2009; giành được 6 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ, xếp vị trí thứ Nhất toàn quốc tại Giải Đẩy gậy, Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010.

Từ năm 2011, trên toàn quốc không tổ chức giải đẩy gậy nên Quảng Trị không có cơ hội nâng cao bảng thành tích, tuy nhiên về hệ phong trào, tỉnh vẫn luôn quan tâm đến phát triển môn đẩy gậy trong toàn tỉnh. Khi Đại hội TDTT toàn quốc năm 2022 đưa môn đẩy gậy vào nội dung thi đấu, tỉnh rất quyết tâm đầu tư môn đẩy gậy thành môn thế mạnh, mũi nhọn của tỉnh và chuẩn bị lực lượng tốt nhất để tham gia tranh tài, với mục tiêu giành được nhiều thành tích cao nhất, khẳng định vị thế đẩy gậy Quảng Trị trên đấu trường quốc gia.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

SEA Games 31: Thể thao - Nhịp cầu gắn kết

NT |

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) đã chính thức khai mạc, những ngày này, trên các sân vận động, nhà thi đấu luôn rộn vang âm thanh cổ vũ, lời động viên và hơn bao giờ hết, hai tiếng “Việt Nam” thân thương được ngân lên nhiều nhất.

Giải đẩy gậy, Đại hội TDTT tỉnh Quảng Trị lần thứ VIII

Minh Đức |

Ngày 11/5, tại TP. Đông Hà, Ban tổ chức Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) tỉnh lần thứ VIII, năm 2021 - 2022 tổ chức khai mạc Giải đẩy gậy trong Chương trình thi đấu Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VIII.

Những bóng hồng thể thao Việt Nam tại SEA Games 31

PV |

Bên cạnh thành tích thi đấu, hình ảnh các bóng hồng xinh đẹp trong làng thể thao cũng luôn là chủ để thu hút sự quan tâm trước thềm SEA Games 31.

Những trò chơi tự chế ngộ nghĩnh của trẻ em Tây Bắc

Mai Mai |

Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên giữa núi rừng Tây Bắc không có điều kiện như trẻ em miền xuôi, chúng cứ thế sống hồn nhiên, vui vẻ cùng cỏ cây và vẫn đầy háo hức với những món đồ chơi tự chế.