Nhằm phục vụ thị hiếu chơi Tết Tân Sửu 2021, thời gian này, người dân tại nhiều làng nghề mỹ nghệ đều tất bật cho ra lò những mẫu trâu gỗ, trâu đất cuối cùng để kịp chuyến hàng ra Bắc, vào Nam đón Tết.
Đến làng nghề mỹ nghệ Định Quán, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín (Hà Nội) những ngày này, ghé thăm xưởng sản xuất của bất kỳ hộ gia đình nào cũng không khó để bắt gặp hình ảnh các mẫu trâu gỗ như: mẫu tử, tiểu đồng cưỡi trâu, trâu tiền vàng, trâu vàng nằm gốc tùng... Bên cạnh đó còn là hình ảnh những người thợ tỉ mỉ nhưng khẩn trương ngồi đẽo, tiện, tỉa, sơn... từng mẫu trâu gỗ.
Trâu gỗ Định Quán chủ yếu làm từ gỗ hương đá nhập khẩu Nam Phi. Đây là loại gỗ có thớ chắc, hương thơm, vân gỗ uốn lượn vừa mắt.
Để có được những sản phẩm mỹ nghệ trâu gỗ độc đáo và lạ mắt, người nghệ nhân phải tự tưởng tượng hình dáng qua nhiều công đoạn.
Với kinh nghiệm 20 năm làm gỗ, chị Trần Thị Thường (xã Tiền Phong) cho biết, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng trong mỗi dịp Tết, năm nay, ngay từ đầu tháng 10 âm lịch, xưởng sản xuất của vợ chồng chị đã tiến hành làm và nhận làm các mẫu trâu gỗ phục vụ chơi Tết Tân Sửu.
"Sản phẩm làm ra, tuỳ vào mẫu mã, kích thước mà có giá cả khác nhau, nhưng chỉ dao động từ vài trăm nghìn đến tiền triệu. Năm nay, 50% lượng hàng nhà tôi xuất đi TP. Hồ Chí Minh" - chị Thường nói.
Để kịp hàng đi, những ngày này, hầu hết các xưởng đều phải thuê thêm nhân công, tăng ca làm cả ngày cả đêm mới kịp hàng xuất đi.
Ông Phạm Văn Nhuận (54 tuổi) - Chủ tịch Hội làng nghề điêu khắc, mộc dân dụng Định Quán cho biết, dịp Tết Tân Sửu năm nay, làng nghề cung ứng ra thị trường hàng vạn sản phẩm gỗ mỹ nghệ như: tượng Tam Đa, tượng Di Lặc… nhưng tượng trâu gỗ là đặc sắc nhất.
Theo ông Nhuận, nắm bắt thị yếu người dân sẽ mua nhiều tượng con trâu, nhiều hộ làm gỗ đã lên ý tưởng, chế tác và vận chuyển đi các tỉnh phía Nam.
“Hơn 50% hàng làm ra năm nay chuyển vào TP. Hồ Chí Minh, còn lại đi các tỉnh khác do không thể xuất khẩu sang Trung Quốc. Thu nhập bà con giảm khoảng 30%” - ông Nhuận nói.
Cùng hoà chung không khí sản xuất linh vật trâu phục vụ chơi Tết, tại thôn Đông Khê, xã Song Khê, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), các nghệ nhân cũng đang say sưa hoàn thiện nốt những chú trâu bằng đất sét cuối cùng.
Khác với trâu gỗ, trâu đất hoàn toàn được làm thủ công. Chất liệu làm trâu đất là đất sét nằm sâu 2-3m dưới ao đầm mùa cạn nước. Sau khi được lấy lên, đất sét sẽ được phơi khô rồi cho vào cối giã thành bột mịn để ra đất nặn màu xám nhạt.
Cẩn thận nâng niu và xếp từng mẫu trâu đất vào khay, nghệ nhân Phùng Đình Giáp cho biết, trâu đất mang nét đẹp truyền thống và gần gũi với làng quê Việt Nam bởi chất liệu làm ra sản phẩn này vô cùng dân dã. Để làm ra được một sản phẩm trâu đất, người thợ phải mất khoảng 1 tuần.
Năm nay, mẫu trâu đất được làm khá phong phú và đa dạng với nhiều loại kích cỡ như: trâu đất mang thúng hàng với hoa văn thổ cẩm cách điệu độc đáo, trâu đất đơn... Ngoài ra, còn có cả phỗng đất.
Được biết, ngoài sản xuất đại trà, ông Phùng Đình Giáp còn nhận làm các mẫu tượng đất sét theo nhu cầu của khách. Ấn tượng như mẫu voi cõng đài sen với giá vài triệu đồng.
(Nguồn: Báo Lao Động)