Đổi thay đôi bờ Bến Hải

Nguyễn Vinh |

Theo Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, giới tuyến quân sự tạm thời được lựa chọn trùng với sông Bến Hải thuộc địa phận huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Khu phi quân sự là khu vực được thiết lập hai bên bờ sông Bến Hải, là kết quả thỏa hiệp của các cường quốc trong Hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954.


Từ ký ức hào hùng...

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, sông Bến Hải nằm ở vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới chia cắt đất nước làm hai khu vực: khu vực Vĩnh Linh ở bờ Bắc sông Bến Hải được hoàn toàn giải phóng cùng với miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, khu vực Quảng Trị ở bờ Nam sông Bến Hải cùng với miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Từ đó, sông Bến Hải trở thành nơi chứng kiến nỗi đau chia cắt hai miền đất nước suốt hơn 20 năm đằng đẵng.

Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, Mỹ tuyên bố, biên giới Hoa Kỳ kéo dài đến vĩ tuyến 17 nên chúng đã xây dựng tuyến phòng thủ cứng rắn nhất khu vực Đông Dương và quyết tâm chiếm giữ với bất cứ giá nào. Vì vậy, vào thời điểm đó, tỉnh Quảng Trị như hình ảnh của nước Việt Nam thu nhỏ, hai khu vực với hai chế độ xã hội khác nhau, trong cùng một lúc phải đồng thời tiến hành hai chiến lược cách mạng: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa.

Xã Trung Hải, huyện Gio Linh đưa cơ giới vào sản xuất trên đồng ruộng cho hiệu quả cao -Ảnh: TRẦN TUYỀN
Xã Trung Hải, huyện Gio Linh đưa cơ giới vào sản xuất trên đồng ruộng cho hiệu quả cao -Ảnh: TRẦN TUYỀN

Bằng tinh thần yêu nước và sự anh dũng, kiên cường, quân và dân hai bên giới tuyến đã khôn khéo, cương quyết đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù, sẵn sàng hy sinh tính mạng và của cải để bám đất, giữ làng, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. Cầu Hiền Lương- sông Bến Hải xứng đáng với tên gọi “một tượng đài kỳ vĩ trong những năm tháng chiến tranh” - biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Hải, huyện Gio Linh Lê Văn Sơn chia sẻ, trước tình hình đó, nhiệm vụ đặt ra cho Quảng Trị là phải đấu tranh kiên quyết buộc đối phương phải thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ nhưng phải giữ được thế hợp pháp, đảm bảo cho lợi ích chung của toàn miền, đặc biệt là Liên khu V.

Chấp hành chủ trương của trung ương, Đảng bộ tỉnh đề ra phương châm công tác “ba vì, bốn chút” (3 vì: vì bảo vệ miền Bắc, vì chiếu cố miền Nam, vì bảo vệ hòa bình; 4 chút: sau một chút, chậm một chút, khéo một chút, nhẹ một chút trong đấu tranh vũ trang) là hoàn toàn hợp lý, kiên trì thực hiện, chấp nhận sự hy sinh để đạt đến thắng lợi.

Xã Trung Hải là một trong những xã của huyện Gio Linh nằm sát bờ Nam sông Bến Hải cùng với miền Nam trở thành thuộc địa kiểu mới của Mỹ. Thời kỳ này, Trung Hải trở thành nơi địch tập trung lực lượng xây dựng phòng tuyến “chống cộng” ngoài cùng kiên cố nhất và xem đây là một trọng điểm để đánh phá cơ sở của ta. Trong lúc đó, lực lượng cách mạng của xã phần lớn đã tập kết ra Bắc.

Cuộc đấu tranh của cán bộ, đảng viên và Nhân dân Trung Hải cùng cả tỉnh trong thời kỳ đầu chủ yếu bằng hình thức chính trị để tạo điều kiện cho phong trào cách mạng toàn miền Nam phát triển, đảm bảo cho hành lang Bắc- Nam. Vì vậy, đây là thời kỳ đặc biệt gian khổ và ác liệt nhưng qua thử thách này, lòng yêu nước, khát vọng độc lập, tự do và niềm tin mãnh liệt vào sự lãnh đạo của Đảng, của Nhân dân nơi đầu cầu giới tuyến phía Nam càng sáng ngời...

Đến sự hồi sinh mãnh liệt

Thật khó hình dung được, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hai bên bờ sông Bến Hải đời sống của người dân không chỉ khó khăn thiếu thốn về vật chất mà còn phải đối mặt với bao thủ đoạn thâm độc của kẻ thù. Sự chia cắt bởi một con sông nhỏ có chiều rộng chỉ khoảng 100 m nhưng người dân hai bên bờ không thể qua về thăm nhau.

Sự chia cắt đau thương ấy được nhà thơ Tố Hữu viết trong bài thơ Nước non ngàn dặm: “Sông Bến Hải bên bồi, bên lở/ Cầu Hiền Lương bên nhớ, bên thương/ Cách nhau mười tám năm trường/ Khi mô mới được nối đường vô ra?”. Ấy vậy mà, hôm nay dọc hai bên con sông Bến Hải, cây cối tốt tươi, làng mạc sầm uất, du khách khắp năm châu kéo về chứng kiến sự hồi sinh mạnh mẽ trên vùng “đất chết” năm nào.

Bà Đinh Thị Vân, 60 tuổi, nhà sát phía Bắc cầu Hiền Lương cho biết, thủa nhỏ bà theo gia đình sơ tán ra huyện Tân Kỳ (Nghệ An) sinh sống. Sau giải phóng, bà về định cư ở thôn Hiền Lương, xã Hiền Thành và mở quán nhỏ sát chân cầu Hiền Lương để mưu sinh. Lúc đó, khu vực này nghèo lắm, nhà cửa chưa nhiều như bây giờ, du khách còn ít đến tham quan Di tích quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải.

Trong vòng khoảng 15 năm trở lại đây, điều kiện kinh tế của người dân được cải thiện đáng kể, nhà cửa mọc lên nhiều, toàn là nhà đẹp, Di tích quốc gia Đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải cũng được du khách gần xa đến tham quan ngày một đông nên người dân vui lắm, tự hào về mảnh đất giàu truyền thống cách mạng của quê hương.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh Nguyễn Đức Thắng không giấu hết niềm vui chia sẻ, có được thành quả ấy là nhờ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương, sự nỗ lực của Nhân dân, sự hỗ trợ của bạn bè năm châu nên xã Hiền Thành nói riêng và các địa phương dọc con sông Bến Hải nói chung phát triển từng ngày.

Hiện nay, ngoài những cây trồng truyền thống như lúa, lạc, ngô, khoai môn, sắn, cây ném, xã Hiền Thành còn phát triển được hơn 184 ha hồ tiêu, năng suất đạt 30tạ/ha, 346,86 ha cao su, năng suất mủ 5,5 tấn/ha. Xã cũng đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, hằng năm lên tới 110 ha, trong đó cá nước ngọt 38,3 ha, tôm thẻ 21 ha, tôm sú 49,6 ha. Với cách làm đó, nên đời sống của người dân được cải thiện nhanh chóng. Hiện nay, xã chỉ còn 20 hộ nghèo, chiếm 1,17%, 44 hộ cận nghèo, chiếm 2,58%. Phấn đấu đến cuối năm 2024, xã Hiền Thành hoàn thiện các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Cùng chia sẻ niềm vui về sự đổi mới của quê hương, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Hải, huyện Gio Linh Lê Văn Sơn cho biết, hiện nay tổng diện tích gieo trồng của xã đạt 1.617,68 ha, trong đó chủ yếu là trồng lúa 785 ha, năng suất lúa đạt 60 ta/ha, sản lượng 47.100 tấn/ năm, diện tích còn lại trồng ngô, sắn, lạc, rau màu, cao su, hồ tiêu và nuôi trồng thủy sản.

Hiện nay, xã Trung Hải đã hoàn thành công tác kiểm kê đất đai, tập trung hoàn thành Quy hoạch xây dựng xã Trung Hải giai đoạn 2025- 2035; giải quyết kịp thời hồ sơ qua trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 và dịch vụ công bưu chính đạt 100%. Tổng số hộ nghèo của xã đến nay còn 68 hộ, chiếm tỉ lệ 5,2%.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, đến nay, xã đã đạt 16/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Phấn đấu đến 2025, xã Trung Hải đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2027 theo Nghị quyết số 22 ngày 26/8/2021 của BCH Đảng bộ xã, khóa XIX.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Chuyển đổi số góp phần nâng cao giá trị điểm đến du lịch

Thanh Trà |

Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm quản lý, khai thác hiệu quả các dữ liệu, tối ưu hóa chất lượng trải nghiệm cho du khách là yếu tố quan trọng nâng cao giá trị điểm đến, tăng hiệu quả quảng bá, giới thiệu du lịch của từng địa phương cũng như cả nước.

Hướng Hóa nỗ lực chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế

Hoài Nam |

Thời gian qua, cùng với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng khang trang, hệ thống trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại, Trung tâm y tế huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển y tế số. Việc làm này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế kịp thời, hiệu quả, giảm chi phí và tăng khả năng chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân.

Đổi mới, linh hoạt trong hoạt động xúc tiến đầu tư

Thanh Trúc |

Xúc tiến, kêu gọi đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tiếp cận và thu hút thành công nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào tỉnh Quảng Trị. Với những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, linh hoạt vận dụng các chính sách ưu đãi cùng nhiều giải pháp mang tính đột phá, hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực, tạo niềm tin và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

"Tiếng gọi mùa vàng" - Trải nghiệm ruộng bậc thang Hoàng Su Phì

PV |

Theo ông Hoàng Đức Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang), chương trình “Qua những miền di sản ruộng bậc thang” Hoàng Su Phì năm 2023 chủ đề “Tiếng gọi mùa vàng” sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ ngày 16/9.