Đến năm 2030, tỉnh Quảng Trị cơ bản sẽ phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa bàn trọng điểm, tập trung đông khách du lịch, trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh trong hệ thống sản phẩm du lịch của tỉnh.
Ngày 14/2, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh nhằm phát triển du lịch cộng đồng bền vững, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, an ninh, quốc phòng và trật tự xã hội.
Đồng thời, phát huy giá trị lợi thế tự nhiên, tài nguyên, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; góp phần giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa, cảnh quan, không gian và bảo vệ môi trường.

Theo kế hoạch, đến năm 2030, tại các điểm du lịch cộng đồng được công nhận ở Quảng Trị, cơ bản các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; 30% điểm du lịch cộng đồng có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.
Có ít nhất 70% chủ cơ sở du lịch cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 80% lao động du lịch cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó có ít nhất 50% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch cộng đồng có ít nhất 01 người có khả năng giao tiếp được một ngoại ngữ.

Định kỳ hàng năm tổ chức 3 - 5 lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến du lịch cộng đồng, kỹ năng tiếp đón phục vụ khách du lịch; kỹ năng thuyết minh giới thiệu về sản phẩm du lịch, điểm du lịch; kỹ năng giao tiếp ứng xử văn minh du lịch.
Cùng với đó, truyền dạy văn hóa phi vật thể, sưu tầm, phục dựng, gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống, phát huy văn hóa phi vật thể, bảo tồn lễ hội tại các điểm du lịch cộng đồng; xây dựng, hỗ trợ đầu tư ít nhất 02 điểm đến du lịch cộng đồng tiêu biểu của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phục vụ phát triển du lịch cộng đồng.
Mỗi huyện nông thôn mới có tiềm năng du lịch xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; có ít nhất 10% làng nghề truyền thống mỗi huyện nông thôn mới có sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Đặc biệt, 80% điểm du lịch cộng đồng được tuyên truyền, quảng bá, có ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; tiến tới mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu và chuẩn hóa bản đồ số các điểm du lịch cộng đồng trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng các khung định mức về chính sách hỗ trợ cho phát triển du lịch cộng đồng làm cơ sở cho các địa phương áp dụng trên cơ sở nguồn lực của địa phương.
Từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch cộng đồng được công nhận trên toàn quốc. Đến năm 2030, cơ bản phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa bàn trọng điểm, tập trung đông khách du lịch.
Ông Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho hay, việc phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng phải gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc. Từ đó, hình thành đặc trưng của mỗi địa phương để phối hợp tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng tỉnh Quảng Trị.
“Đến năm 2030, du lịch cộng đồng sẽ trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh trong hệ thống sản phẩm du lịch của tỉnh Quảng Trị, tiến tới phát triển du lịch bền vững nhằm bảo tồn, đa dạng hóa ngành nghề cho cộng đồng dân cư tại chỗ, cải thiện sinh kế cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, ven biển”, ông Nam nhận định.