Giấc mơ về một Bảo tàng chiến tranh Đông Dương ở Khe Sanh

Lê Đức Dục |

Những ngày cuối năm 2023 vừa qua, câu chuyện về hành trình đưa chiếc máy bay vận tải C-130 từ nhà máy A41 của Quân chủng Phòng không - Không quân từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội để trưng bày tại Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam được nhiều người quan tâm.


Không chỉ vì đó là chiếc máy bay có kích cỡ “khủng” nặng hơn 34 tấn, để vận chuyển từ TP. Hồ Chí Minh ra Hà Nội trên quãng đường 1.800 km nhưng phải đi mất 9 ngày. Có những ngày chỉ đi được 30 km do đường đi quanh co, hẹp và dốc trong khi xe chở thân máy bay dài đến hơn 30 mét. Mà máy bay C-130 còn là một dòng máy bay vận tải chủ lực của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam còn được nhắc đến với cái “nick”: Ngựa thồ không gian.

Trước khi nhiều người quan tâm đến chiếc máy bay này có mặt ở Hà Nội thì mười hai năm trước, có một chiếc máy bay C-130 khác cũng đã được đưa từ nhà máy A 42- Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không - Không quân ở Biên Hòa (Đồng Nai) về trưng bày ở Khe Sanh- Quảng Trị.

Chiếc máy bay C-130 được trưng bày ở di tích sân bay Tà Cơn (Khe Sanh) -Ảnh:L.Đ.D
Chiếc máy bay C-130 được trưng bày ở di tích sân bay Tà Cơn (Khe Sanh) -Ảnh:L.Đ.D

“Ngựa thồ không gian” ở Khe Sanh

Bây giờ du khách đến di tích sân bay Tà Cơn (Khe Sanh) sẽ thấy chiếc C-130 nằm giữa mênh mông thung lũng như một điểm nhấn thú vị và ấn tượng của Bảo tàng chiến thắng Đường 9.

Câu chuyện về hành trình đưa được chiếc máy bay này về đây vào năm 2012 cũng thú vị không kém gì câu chuyện chiếc C130 vừa được đưa về Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Và từ câu chuyện chiếc C-130 ở sân bay Tà Cơn, cùng với những hiện vật đang được trưng bày ở đây, không thể không nghĩ đến việc nới rộng không gian, tạo thêm dấu ấn về du lịch hoài niệm ở Quảng Trị.

Được ví như một “Điện Biên Phủ thứ hai” trong chiến tranh chống Mỹ, Khe Sanh thực sự là nỗi khiếp hãi của quân đội Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Một căn cứ quân sự không chỉ án ngữ phía Tây Quảng Trị mà còn nhằm khống chế cả khu vực vĩ tuyến 17 và trục quốc lộ 9 xuyên qua Nam Lào, tại Khe Sanh người Mỹ đã xây dựng nhiều công trình quân sự quan trọng, đặc biệt sân bay Tà Cơn với đường băng cho các loại máy bay quân sự hạ cánh để phục vụ chiến trường này. Chiếc máy bay C-130 đang trưng bày ở di tích sân bay Tà Cơn chính là một trong số những chiếc máy bay vận tải tham chiến ở Khe Sanh những năm khốc liệt nhất của thập niên 60 thế kỷ trước.

Không chỉ có hiện vật là chiếc máy bay vận tải C-130, trong khuôn viên di tích sân bay Tà Cơn còn có chiếc máy bay UH-1H và chiếc Chinook CH-47 được trưng bày tại đây. Những hiện vật chiến trường của cuộc chiến tranh Việt Nam được mang về đây sẽ giúp cho du khách dễ hình dung về chiến sự chứ không phải “huy động trí tưởng tượng” như trước.

Bởi ở trong nhà Bảo tàng chiến thắng đường 9- Khe Sanh có hình ảnh về chiến dịch “trực thăng vận” của lính Mỹ với hàng trăm chiếc UH-1 bay kín bầu trời thì chỉ cần bước ra khỏi nhà bảo tàng, du khách sẽ gặp ngay chiếc UH-1H nằm đó, cho dù ít ỏi nhưng cũng đủ cho khách hình dung.

Cũng như thế, những bức ảnh tư liệu ở chiến trường Khe Sanh năm 1968 chụp những chiếc máy bay Chinook CH 47 đang cẩu lơ lửng giữa trời những chiếc xe, những khẩu pháo bay từ các căn cứ cách đó hàng chục cây số, tuy nhiên phải tận mắt nhìn thấy chiếc máy bay vận tải Chinook ở đây mới hiểu được vai trò của nó trong chiến tranh Việt Nam. Những đỉnh cao bố trí trận địa pháo của lính Mỹ dọc theo tuyến đường 9 xuyên qua vùng Hạ Lào trong giai đoạn này đều nhờ tới sự vận chuyển của dòng máy bay Chinook này.

Hiện vật lịch sử trên chiến địa lịch sử

Đặc biệt, chiến dịch Khe Sanh năm 1968, khi quân đồn trú Mỹ tại đây bị vây hãm, đường 9 bị chia cắt, toàn bộ vũ khí đạn dược, thuốc men, lương thực thực phẩm cho hàng vạn quân Mỹ và quân đội Sài Gòn đều nhờ vào đường tiếp tế hàng không mà chủ lực là máy bay vận tải C-130.

Trong bản “lý lịch hiện vật” của chiếc C-130 được lưu tại trung tâm bảo tồn di tích có một phần thuyết minh về kỹ thuật “lapes” (bung dù ở tầm thấp) của máy bay C-130. Thời tiết chiến trường Khe Sanh giai đoạn đó nhiều mây mù, máy bay tiếp tế không thể thả dù chính xác.

Trong khi đó, Washington gần như đã đặt cược danh dự nước Mỹ vào trận Khe Sanh này - trận chiến sau này được ví như một Điện Biên Phủ với người Mỹ. Vì không thể để mất Khe Sanh nên bằng mọi giá phải chi viện tiếp tế cho lực lượng thủy quân lục chiến đang bị bao vây.

Các máy bay vận tải cỡ nhỏ như C-123 Provider hay trực thăng không thể đáp ứng yêu cầu tiếp tế ngày càng lớn, và cho dù với hình dáng khổng lồ rất dễ dính đạn nhưng không còn cách nào khác, người Mỹ đã để phi công của những chiếc C-130 áp dụng kỹ thuật bung dùng tầm thấp, máy bay sẽ hạ xuống độ cao dưới 30 m và bay thẳng, hàng hóa ở khoang sau sẽ được bung dù, khi dù no gió nó sẽ kéo hàng hóa ra khỏi khoang hàng và rơi xuống đất một cách chính xác.

Thậm chí nhiều phi công của C-130 đã bay với độ cao 5 mét để thực hiện thả hàng tiếp tế, khi thực hiện cách này, hàng trút khỏi khoang, trọng lượng máy bay được giảm đột ngột và máy bay sẽ tự động bốc lên. Tuy nhiên dù sử dụng đến một cầu hàng không để chi viện, chiến trường Khe Sanh với các căn cứ từ Lao Bảo về tới Tây Cam Lộ đã thất thủ.

Tìm hiểu về chiến tranh Việt Nam chắc khó có nơi nào có thể chuyển tải trọn vẹn thông điệp này như vùng đất Khe Sanh. Bởi từ chiến thắng Khe Sanh năm 1968 đã mở ra cục diện mới, Khe Sanh thất thủ đã khiến hàng rào điện tử Mc Namara như một phòng tuyến kéo từ biển Cửa Việt lên tận biên giới Việt - Lào cáo chung, kế hoạch cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh, uy hiếp sự chi viện từ Bắc vào Nam bị phá sản, mở ra các chiến dịch Hạ Lào, chiến dịch hè 1972 và nối tiếp bằng chiến dịch

Mùa xuân 1975. Với một sứ mệnh như thế, Khe Sanh hoàn toàn không chỉ là bảo tàng cho một tỉnh nhỏ mà đủ sức để biến thành một bảo tàng chiến tranh Việt Nam hay xa hơn là chiến trường Đông Dương. Và chính vì thế, những chiếc máy bay được trưng bày ở đây thực sự là những “cổ vật chiến tranh” vô cùng quý giá.

Giấc mơ bảo tàng “cổ vật máy bay chiến tranh”

Hiện nay tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đang có một chiếc cường kích A37 đang được trưng bày, nếu có thể đưa lên di tích Tà Cơn chắc chắn sẽ làm phong phú thêm đội ngũ “cổ vật phi cơ” của di tích.

Và mới đây, ngày 18-2-2024, UBND tỉnh Quảng Trị cũng vừa có công văn tiếp nhận một máy bay vận tải khác, trước dòng C-130 là chiếc máy bay vận tải C-119 của nhà máy A41- Cục Kỹ thuật PK-KQ. Máy bay C-119 cũng là dòng máy bay vận tải chiến lược của quân đội Mỹ, từng được tham chiến trên chiến trường Việt Nam, nhưng C-119 xứng đáng là “cổ vật” hơn vì nó là dòng máy bay ra đời từ năm 1947, tuổi đời đã gần...80 !

Với một không gian được dành tới 30 ha, và có thể được mở rộng thêm, cụm di tích này xứng đáng để trở thành một bảo tàng chiến tranh Đông Dương. Hiện nay có hàng chục chiếc máy bay thuộc các chủng loại của cả hai phía được sử dụng trong chiến tranh đang trưng bày rải rác khắp cả nước hoặc bị loại biên, thậm chí có thể mua ở nước ngoài ở dạng phế liệu, và đưa được tất cả những hiện vật ấy mang về trưng bày trên vùng đất bằng phẳng dưới chân đồi Động Tri, chắc chắn Tà Cơn trở thành một bảo tàng có một không hai và đủ hình dung ra lượng du khách sẽ đến với Khe Sanh nếu giấc mơ bảo tàng cổ vật chiến tranh không quân kia thành hiện thực!

Trên vùng đất mênh mông này, hàng chục chiếc máy bay từng được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam nay không còn sử dụng được nếu đem về đây để biến nơi đây thành một bảo tàng đặc biệt về chiến tranh Việt Nam, vùng đất Khe Sanh sẽ rất khác.. -Ảnh: L.Đ.D
Trên vùng đất mênh mông này, hàng chục chiếc máy bay từng được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam nay không còn sử dụng được nếu đem về đây để biến nơi đây thành một bảo tàng đặc biệt về chiến tranh Việt Nam, vùng đất Khe Sanh sẽ rất khác.. -Ảnh: L.Đ.D

Hôm trở lại Tà Cơn, khi mở cửa và trèo lên chui vào khoang chiếc máy bay C-130, tôi bỗng ước ao cái khoang máy bay rộng rãi này sẽ trở thành một phòng chiếu phim cho khách tham quan tour DMZ.

Và xa hơn thế, nếu có thêm nhiều nữa những chiếc máy bay được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam đem về đây, không chỉ là hiện vật trưng bày mà biến chúng thành phòng chiếu phim, thành quán cà phê, thậm chí có thể trở thành nơi lưu trú, thành phim trường...Chắc chắn Quảng Trị, vùng đất với nhiều di tích thấm máu nhất trên thế giới này sẽ khác đi rất nhiều...

(Nguồn: Báo Quảng Trị)


Gần 100 cán bộ, hội viên Hội Chữ thập đỏ và bộ đội giúp dân di dời nhà cửa, giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Vạn Ninh-Cam Lộ

Anh Vũ |

Theo tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng Dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ tỉnh, trước ngày 30/4/2024, các địa phương phải hoàn thành bàn giao mặt bằng sạch cho dự án cao tốc Vạn Ninh - Cam Lộ. Đến thời điểm này, huyện Cam Lộ đã bàn giao mặt bằng tuyến chính 6,584/6,584 km, đạt 100%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ ở xã Cam Hiếu chưa kịp di dời nhà cửa, đồ đạc để bàn giao mặt bằng sạch. Vì vậy, những ngày qua, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tình nguyện hỗ trợ người dân tháo dở nhà cửa, vận chuyển đồ đạc đến nơi ở mới với tinh thần khẩn trương nhất.

Hơn 6 tỉ đồng chỉnh trang các di tích, thiết chế văn hóa phục vụ Lễ hội Vì Hòa bình 2024

Thanh Hải |

Ngày 25/4, Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND tỉnh Quảng Trị làm việc với Sở VH,TT&DL để nghe báo cáo chủ trương đầu tư 5 dự án chỉnh trang các di tích, thiết chế văn hóa quốc gia đặc biệt và các thiết chế văn hóa phục vụ tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình 2024. Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng chủ trì làm việc.

Chuẩn bị các nội dung diễn tập khu vực phòng thủ huyện đảo Cồn Cỏ năm 2024

Kim Quy |

Thực hiện chỉ thị của Bộ Tổng Tham mưu, Kế hoạch của UBND tỉnh Quảng Trị về tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ (KVPT) huyện đảo Cồn Cỏ năm 2024, Ban Chỉ đạo diễn tập KVPT huyện đảo Cồn Cỏ vừa làm việc với huyện đảo Cồn Cỏ về các nội dung diễn tập.

Đông Hà chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa

Vũ Hoàng |

Là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, thời gian qua, TP. Đông Hà (Quảng Trị) đã có nhiều chủ trương, giải pháp để đầu tư bảo tồn, tôn tạo cũng như phát huy giá trị của hệ thống di tích lịch sử, văn hóa (LSVH) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.