Hà Nội những ngày này rộn ràng với lễ kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô 10/10 (1954-2024), nhưng trên những con phố cổ rêu phong vẫn có hình ảnh của một Hà Nội cổ xưa.
Những chàng trai trong màu áo vệ quốc quân và chiếc áo trấn thủ chần ô quả trám, các chị, các mẹ trong những bộ áo dài của thập niên 50 thế kỷ trước. Hà Nội có quá nhiều tính từ để đi kèm với miền đất văn hiến. Hà Nội hào hoa, Hà Nội u hoài, Hà Nội kiêu sa... Những ngày kỷ niệm tháng 10 hàng năm, khi mà giải thưởng của Hà Nội mang tên danh họa Bùi Xuân Phái xướng lên bởi các nhân vật được trao giải thưởng lớn, những tác phẩm, dự án, ý tưởng... sẽ thấy Hà Nội rất thấu đáo khi chọn tên danh họa để đặt cho giải thưởng mang nội hàm là: Vì tình yêu Hà Nội để trở thành: “Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”.
1. “Nói theo nghĩa nào đó thì Hà Nội bây giờ đã lên đến hai triệu người. Mà nói theo nghĩa nào đó, thì Hà Nội bao giờ cũng chỉ có dăm ba người chia nhau trong từng tình yêu và thế kỷ”. Đó là những dòng đầu tiên của nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân viết về sự ra đi của danh họa Bùi Xuân Phái vào năm 1988 trong bài báo “Vắng đi một ý thức”.
Hà Nội bây giờ dân số lớn gấp nhiều lần con số 2 triệu người mà nhà phê bình Thái Bá Vân viết vào năm 1988. Nơi đây giờ có những khu đô thị hoành tráng và lộng lẫy với thiết kế hiện đại không hề thua những khu đô thị ở các quốc gia tiên tiến, nhưng bất cứ ai, nếu đã từng yêu Hà Nội qua những bức họa “phố Phái” sẽ liên tưởng ngay đến những mảng tường xám xiêu vẹo, những mái ngói nâu xám lô nhô, cây cột đèn góc phố trơ trọi mà như đang đứng đợi trong tranh của ông.
Hà Nội trong phố Phái không còn là hội họa, không còn là không gian, không còn là đường nét hình khối mà là tâm hồn, là suy tư, là chiêm cảm và hoài niệm... Những thành phố lớn với lịch sử lâu đời luôn có những khu phố cổ, vừa như là nơi lưu giữ ký ức thành phố, nhưng không phải phố cổ nào cũng trở nên hồn vía như phố cổ Hà Nội, không phải phố cổ nào cũng may mắn được bước vào sắc màu đường nét của danh họa và trở thành một ý thức, một biểu tượng.
Trong ý nghĩa đó, Hà Nội và Bùi Xuân Phái - cả hai may mắn có được nhau trong đời, có nhau trong một tình yêu thiết tha và định mệnh. Cảm ơn người họa sĩ của Hà Nội, bằng chính tác phẩm và cuộc đời mình đã định danh cho một giải thưởng mà bất cứ công dân nào cũng vinh dự khi được trao tặng. Bằng chính giải thưởng đó, tình yêu ngày một lớn thêm, nới rộng và lan tỏa.
2. Nếu hội họa của Bùi Xuân Phái mang lại cho Hà Nội một tình yêu bất tử với mảnh đất này thì âm nhạc của Hà Nội cũng có những điều rất riêng, nếu không nói là duy nhất. Đó là tất cả những bài hát hay nhất về Hà Nội đều liên quan đến... mùa thu. Có phải là sự gặp gỡ ngẫu nhiên của lịch sử, của đất trời và tâm hồn người hay là một điều gì lớn hơn thế? Bắt đầu với Cách mạng Tháng 8 năm 1945 là mùa thu. Ngày giải phóng thủ đô sau chiến thắng Điện Biên Phủ cũng là những ngày thu của đất trời Hà Nội: 10/10.
Những ngày này, khắp phố phường Hà Nội, bên những hùng ca “trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân tiến về” vẫn nghe tha thiết “Vội vã trở về, vội vã ra đi/Chẳng thể nào qua hết từng con phố/Nhưng còn đó mùa thu, mùa thu đầy gió...”, ca khúc “Hà Nội ngày trở về” của nhạc sĩ Phú Quang phổ từ bài thơ Hà Nội của nhà thơ Thanh Tùng có thể xem như một tự tình Hà Nội điển hình.
Phú Quang cũng từng nói rằng 8 chữ “Vội vã trở về, vội vã ra đi” là 8 chữ đắt nhất đủ diễn tả hết tâm trạng của những người Hà Nội luôn đau đáu và khắc khoải. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hình như bài hát duy nhất của ông về Hà Nội cũng là “Nhớ mùa thu Hà Nội” với những hình ảnh đã thành biểu tượng như “cây cơm nguội vàng/cây bàng lá đỏ/phố xưa nhà cổ mái ngói thâm nâu..”.
Nhạc sĩ Hồng Đăng - người đã từng nhận giải “Bùi Xuân Phái - vì tình yêu Hà Nội” cũng đã khiến cho mùi hương biểu tượng của mùa thu Hà Nội trở nên tha thiết “Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó/Những bạn bè chung/Những con đường nhỏ/Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/Có lẽ nào anh lại quên em...”.
Thật khó mà kể ra hàng trăm ca khúc về mùa thu Hà Nội. Đôi khi tôi vẫn tự hỏi có đô thị nào trên thế giới này lại có được hàng vạn tác phẩm thi ca, nhạc họa chỉ để diễn tả tình yêu với một mùa trong bốn mùa tuần hoàn của trời đất như cách mà Hà Nội vẫn đang đón nhận? Với riêng tôi, hơn ba mươi năm làm báo với địa bàn tác nghiệp dọc dài theo tuyến biên cương từ Tây Bắc qua Việt Bắc về Đông Bắc, ga Hà Nội luôn là nơi tôi “vội vã trở về, vội vã ra đi” bởi sau một đêm nằm tàu hỏa, thường tôi ra đến ga Hà Nội lúc hửng sáng.
Trước khi leo lên con chiến mã “Ford Everest” của văn phòng ở Hà Nội để lên với biên ải, tôi thường đi bộ từ ga về văn phòng. Không gì thích thú hơn khi được tản bộ trên phố phường Hà Nội vào khoảng thời gian đó, khi đường còn rất vắng, bóng đêm từ từ thu mình vào những hẻm phố. Ngang qua phố Điện Biên Phủ, nhìn bóng cột cờ rêu phong kiêu hãnh, qua Thụy Khuê nhìn Hồ Tây bảng lảng khói sương.
Hay có những buổi chiều từ Tây Bắc về sớm, tôi vẫn tụ tập cùng bạn bè bên những vại bia hơi dọc con phố Trần Nhật Duật cạnh đê sông Hồng. Loanh quanh qua phố Hàm Tử, phố Chương Dương, lòng bỗng ngân nga mấy câu thơ cổ của Vua Trần Thái Tông: “Đoạt giáo Chương Dương độ/Cầm hồ Hàm Tử quan/Thái bình tu nỗ lực/Vạn cổ thử giang san” (Chương Dương cướp giáo giặc/ Cửa Hàm Tử bắt thù/Thái bình nên gắng sức/Non nước ấy ngàn thu).
Bến nước Chương Dương vẫn còn kia, những lô cốt Pháp trong nội thành vẫn còn kia, xác B52 Mỹ bên hồ Ngọc Hà cũng còn kia. Bất giác lòng không thể không dậy lên niềm biết ơn với tiền nhân khi đã chọn chốn linh địa để dựng nên kinh đô Thăng Long, rồi Đông Đô, rồi Hà Nội. Trải qua ngàn năm, qua bao phế hưng lịch sử mà hồn cốt của đất thiêng vẫn kiêu hùng và lộng lẫy.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)