Đêm chỉ còn nghe tiếng côn trùng và tiếng cá quẩy ngoài xa. Những vì sao rụng về phía trời để lại chút hào quang dưới đáy hồ đầy thi vị. Thi thoảng xuất hiện chiếc thuyền đánh cá của cư dân sống quanh lòng hồ. Một điểm sáng mơ hồ như nhìn những chiếc thuyền đánh cá ngoài biển khơi. Cái gì biển có là lòng hồ này có, kể cả những câu chuyện đầy huyền thoại mà ông Lợi đã kể cho nghe về lòng hồ này.
Để trốn cái nắng và nóng như… “đứng trước họng của máy sấy”, du khách thường về biển Cửa Việt, Cửa Tùng… để “giải nhiệt”. Nhưng có một chốn bình yên hơn mà du khách gần đây thường chọn. Đó là tham quan, cắm trại ở lòng hồ Rào Quán (Thủy điện Rào Quán, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị).
Hồ thủy điện Rào Quán có dung tích chứa 163 triệu m3 nằm ở địa bàn xã Hướng Linh, là thượng nguồn của con sông dài nhất tỉnh Quảng Trị - Thạch Hãn.
Đang trong mùa khô, mực nước thấp, lòng hồ Rào Quán “lộ thiên” những ốc đảo như một động tác nude của các vũ nữ bấy lâu nằm mơ màng ở dưới đáy thủy cung.
Màu nước trong xanh, có nơi nhìn thấy đáy, chập chờn những thớ đá óng ánh như những đám san hô; rêu tảo xanh theo bóng nước dập dìu như vũ điệu của nàng tiên cá. Xa xa những cánh rừng thâm u từ lâu không thấy dấu chân người cứ điềm nhiên như bỏ qua những xô bồ từ phía hạ nguồn của dòng sông mà xanh, mà lớn.
Đẹp nhất là những cây cổ thụ ngập nước chết khô từ thuở nào đứng dáng bất khuất trước giông bão gợi nhớ chàng Từ Hải trong câu Kiều.
Tất cả cái cảnh đẹp như tranh ấy, đặt giữa không gian bình yên đến nỗi có thể nghe thấy tiếng quẫy đuôi của chú cá. Lời giới thiệu ấy đã “bắt bài” những tay phượt từ mọi miền, nó có ma lực vô hình để “bỏ công, bỏ việc” mà đến một lần.
Theo lời giới thiệu của những tay phượt đã “viễn chính” khai phá, chúng tôi gọi cho một ngư phủ xứ núi có tên là Lợi, nhà ở cây số 6 (Km 6 tính từ tượng đài Chiến thắng Khe Sanh) trên đường Hồ Chí Minh xuyên Việt, để đặt lịch vượt hồ.
Nếu cần những thực phẩm bản địa như gà bản, cá nướng, xôi rượu… thì chỉ cần alo, một tay ông Lợi sẽ liên kết các “nhà cung ứng” này lại.
Tại bến thuyền gần trụ sở Ban quản lý thủy điện cũ, nơi ông Lợi đợi sẵn để “ra khơi”. Chỉ cần chạy khoảng 10 phút là đến bên kia núi, nơi có địa điểm lý tưởng: bãi cỏ mượt, mép nước cạn, cây xanh tỏa bóng….
Lều bạt, trại dựng lên bên mép nước. Trong lúc đợi thịt nướng chín thì nhảy tỏm xuống hồ mà thỏa thích bơi lội.
Xa xa, mặt trời đã gác đỉnh Cu Vơ. Từ mặt nước nhìn hoàng hôn đỏ bầm loang loáng. Một người trong nhóm đã ngạc nhiên thốt lên hài hước: Trời ơi, ở Quảng Trị mà thấy mặt trời lặn phía… biển.
Đêm chỉ còn nghe tiếng côn trùng và tiếng cá quẩy ngoài xa. Những vì sao rụng về phía trời để lại chút hào quang dưới đáy hồ đầy thi vị. Thi thoảng xuất hiện chiếc thuyền đánh cá của cư dân sống quanh lòng hồ.
Một điểm sáng mơ hồ như nhìn những chiếc thuyền đánh cá ngoài biển khơi. Cái gì biển có là lòng hồ này có, kể cả những câu chuyện đầy huyền thoại mà ông Lợi đã kể cho nghe về lòng hồ này.
Buổi sáng thức dậy sớm để “săn” bình minh”. Đi bộ để hít đầy lòng ngực sự tinh khiết của đất trời ban cho xứ này.
Sau cái “alo”, mười phút hơn là ông Lợi có mặt để đón đoàn chúng tôi về “đất liền”. Ông kể những ngày cuối tuần, đặc biệt là ngày lễ, khách xa có gần có từng tốp cắm trại, sinh hoạt những điểm lý tưởng quanh hồ này. Nơi có đông khách nhất là địa điểm “cây Cô Đơn”.
Đó là cây tràm hoa vàng “không chịu đứng” với đồng loại của mình mà đứng riêng lẻ, sát bên mép hồ. Chẳng biết tự bao giờ, cây này trở nên điểm thu hút khách du lịch. Đến hồ Rào Quán mà không có cái ảnh chụp dưới gốc cây Cô Đơn này thì coi như… phí công.
Ông Lợi tâm tư: “Đã có một phong trào trồng hoa dã quỳ từ tượng đài Khe Sanh vào tới cầu Sê Băng Hiêng. Trước mắt nghe nói trồng ở Hướng Phùng. Nếu ngay cạnh lòng hồ này, cùng với cây Cô Đơn, đảo Hội Hè mà có một rừng hoa Dã Quỳ thì không kéo khách thập phương về đây mới lạ”.