Hoang sơ giếng cổ Ba Vòi

Minh Đức |

Giếng cổ Ba Vòi ở xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh, là một trong số những giếng nằm trong hệ thống giếng cổ của người Chăm tại Quảng Trị. Đây là một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo của người xưa, không chỉ có giá trị trong sinh hoạt mà còn có ý nghĩa về tâm linh, văn hóa đặc sắc…

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, hệ thống công trình khai thác nước cổ được coi là của người Chăm hoặc xây dựng theo kỹ thuật Chăm trải dài trên địa bàn các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ... Giếng Ba Vòi được xem có tuổi đời tương đương, cùng thời với hệ thống giếng cổ Gio An tại huyện Gio Linh với niên đại khoảng 5.000 năm.

Tuy nhiên, vẫn rất ít người biết đến nơi đây, trừ những người dân địa phương. Trải qua biến thiên của lịch sử, giếng cổ Ba Vòi vẫn còn giữ được nét hoang sơ, cổ kính.

Giếng cổ Ba Vòi là một công trình được thiết kế độc đáo cùng nhiều bộ phận kết hợp chặt chẽ thể hiện sự khôn khéo, thông minh của con người trước thiên nhiên nhằm khai thác tốt những tiềm năng vốn có của vùng đất nơi họ sinh sống và gắn bó. Hiện nay, hệ thống cấu trúc giếng vẫn còn giữ hầu như nguyên vẹn.

Giếng cổ Ba Vòi là nơi tắm mát tâm hồn tuổi thơ biết bao thế hệ người dân xã Hiền Thành -Ảnh: M.Đ
Giếng cổ Ba Vòi là nơi tắm mát tâm hồn tuổi thơ biết bao thế hệ người dân xã Hiền Thành -Ảnh: M.Đ

Về cơ chế hoạt động, giếng hoạt động theo nguyên tắc nước tự dâng, tự chảy. Tức là nước từ mạch ngầm tự dâng ở một bể chứa, sau đó đổ vào các mương, rãnh theo lối nước chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp.

Về kiến trúc, giếng cổ Ba Vòi thuộc kiểu giếng nước ngầm phân cấp của người Chăm gồm một bể lắng xếp đá cuội để chứa nước uống, ở vách phía trên chừa các lỗ nhỏ cho nước thoát ra. Nhờ các vách đá xung quanh mà nước từ các mạch ngầm chảy ra trong và sạch, không bị nhiễm bẩn và tránh được sự xói lở.

Đáy của bể lắng được xử lý bằng một lớp đất sét nhồi, sau đó rải lên một lớp sỏi ba gian hạt nhỏ. Nước từ bể lắng sẽ chảy xuống bể chứa qua một bãi tràn có đặt các máng đá. Giếng Ba Vòi có đặt ba máng đá được luồn vào trong đập kè bằng sỏi đá và nối từ bể lắng xuống bể chứa, vươn ra lòng bể chứa tạo thành một vòi để dẫn nước.

Những máng đá này được chế tác từ đá ba gian, có hình trụ bổ dọc, thon dần từ đầu đến cuối, mặt trên khoét một đường rãnh sâu và rộng từ 10-15cm chạy dọc dài theo thân để dẫn nước chảy ra bể chứa. Đây cũng là lý do giếng có cái tên thuần Việt là Ba Vòi. Phần bể chứa được xếp những hòn đá chế tác bằng kỹ thuật gọt, đẽo rất kỳ công xung quanh.

Phía trên thành bể cao, sau đó thấp dần về phía dưới, cuối cùng có đường cho nước chảy vào con mương rồi dẫn ra ruộng. Phần nước chảy ra bể chứa, người dân dùng để sinh hoạt, tắm giặt, tưới tiêu, một phần nước chảy ra máng lớn để sử dụng cho các loài vật nuôi.

Thoạt nhìn những hòn đá được chế tác, ghè đẽo vuông vức, xếp chồng lên nhau để tạo nên giếng cổ Ba Vòi trông không thua kém một công trình xây dựng hiện đại.

Không gian xung quanh giếng cổ Ba Vòi xanh mướt bởi màu xanh của cây lá, của rêu xanh qua thời gian và màu của nước giếng.

Người dân địa phương nói rằng, cho đến bây giờ, chính xác việc ai đã thiết kế và làm nên giếng cổ này vẫn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Chỉ biết thực sự khâm phục những bậc tiền nhân xưa ở sự tính toán sắp xếp, kè đá cũng như kỹ thuật lập bể, ngăn dòng khi làm giếng. Bởi trải qua bao khắc nghiệt của thiên nhiên hàng ngàn năm, dù trời có hạn hán đến đâu thì mạch nước nơi đây vẫn chảy.

Quanh năm màu nước vẫn trong xanh, mát lành, dân làng có người còn hứng uống trực tiếp từ máng đá. Dù số người nơi xa đến thăm giếng cổ Ba Vòi vẫn chưa nhiều, nhưng với người dân địa phương thì giếng Ba Vòi là một địa điểm thân thuộc. Những ngày oi bức, người dân thường đến đây để ngắm cảnh và vui chơi.

Anh Lê Văn Vương (45 tuổi) ở thôn Hòa Bình, xã Hiền Thành, chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã theo chân ông bà, cha mẹ ra giếng Ba Vòi để vui chơi. Khi ấy ở đây lúc nào cũng có người lớn, trẻ nhỏ giặt giũ, sinh hoạt. Nước giếng trong và sạch, ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè và đặc biệt không bao giờ vơi cạn.

Giếng cổ Ba Vòi là nơi đã tắm mát tâm hồn tuổi thơ của tôi và biết bao thế hệ người dân nơi đây. Chúng tôi luôn nhắc nhở nhau phải có ý thức bảo vệ giếng cổ, thường xuyên chăm sóc, vệ sinh rác và lá cây, khơi thông để mạch nước của giếng không bị tắc nghẽn.

Để giếng giữ được vẻ đẹp nguyên sơ như ban đầu, chúng tôi đã nỗ lực bảo vệ không gian xanh, sạch quanh khu vực giếng và gìn giữ nguồn nước mát cho muôn đời sau”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tuổi trẻ Vĩnh Linh đi đầu trong chuyển đổi số

Phương Nga |

Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài để tạo đà phát triển xã hội số, tuổi trẻ Vĩnh Linh (Quảng Trị) đã và đang phát huy những lợi thế về sức trẻ, sự năng động, sáng tạo và nhạy bén với khoa học công nghệ, đi đầu trong đẩy mạnh thực hiện công cuộc chuyển đổi số tại địa phương.

Hệ thống giếng cổ hàng nghìn năm tuổi độc đáo ở xã Gio An, Quảng Trị

PV |

Sở hữu hệ thống giếng cổ quý báu, độc đáo có niên đại hàng nghìn năm, xã Gio An, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị còn được mệnh danh là “miền giếng cổ”.

Vĩnh Linh: Gần 640 triệu đồng hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khó khăn

Nguyên Đồng |

Chào mừng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, sáng nay 3/3, Hội LHPN huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) tổ chức Hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông sản năm 2023 với nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ phụ nữ, trẻ em khó khăn.

Giếng cổ Gio An: Công trình thủy lợi độc đáo của người Chăm cổ

PV |

Những giếng nước cổ của người Chăm tại xã Gio An, tỉnh Quảng Trị không chỉ gìn giữ nguồn nước mà nhiều năm nay còn trở thành một biểu tượng văn hoá, được người dân trân trọng.