Tối 25/3/2023, tại TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận đã diễn ra lễ khai mạc Năm du lịch quốc gia 2023, chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh”, với mục tiêu không chỉ phát triển du lịch đơn thuần, mà xa hơn là phát triển “du lịch xanh”, du lịch bền vững.
“Du lịch xanh” được hiểu là du lịch có trách nhiệm với các khu tự nhiên, bảo tồn môi trường; duy trì cuộc sống của người dân địa phương. Loại hình du lịch này dựa vào thiên nhiên, môi trường sống, hạn chế những tác động xấu đến môi trường như xả thải, xả khói, tàn phá động thực vật, khuyến khích sử dụng các nguồn năng lượng, vật dụng tái tạo, phát huy các di sản văn hóa thiên nhiên, sản phẩm thân thiện với môi trường.
Hiện nay, “du lịch xanh” đang là xu hướng phát triển của thế giới và cũng là chủ trương của Chính phủ để phát triển du lịch bền vững, hiệu quả. Đây là cách để vừa phát triển du lịch, thu hút du khách, vừa bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển du lịch gắn với các ngành kinh tế khác.
Vì vậy, nhiều tỉnh, thành trong nước đã rất chú trọng đến phát triển “du lịch xanh”, xem đây là xu thế tất yếu, là lợi thế trong chiến lược phát triển du lịch. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã khẳng định phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó có phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội...
Quảng Trị là tỉnh có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, đặc biệt là hướng đến phát triển “du lịch xanh”, du lịch bền vững. Thời gian qua, cùng với chủ trương kích hoạt hệ thống hạ tầng du lịch và thu hút nguồn nhân lực, tỉnh Quảng Trị đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, tạo ra sản phẩm du lịch mới theo hướng xanh, thân thiện với môi trường nhằm thúc đẩy phục hồi, phát triển du lịch, đẩy mạnh quá trình cơ cấu thị trường du lịch, kích cầu du lịch với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.
Các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đã ý thức, nắm bắt được tầm quan trọng, sự cần thiết và xu thế của “du lịch xanh”, du lịch bền vững, từ đó chú trọng đến việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái trong phát triển du lịch.
Hiện nay, nhiều địa phương như Hướng Hóa, Cam Lộ, Gio Linh đã từng bước phát triển các mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn văn hóa phát triển khá đa dạng, được rất nhiều du khách lựa chọn đã mang lại những tín hiệu tích cực.
Tiêu biểu như Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hợp, huyện hướng Hóa đã đầu tư hơn 2 tỉ đồng để xây dựng mô hình “du lịch xanh”, thân thiện với môi trường với nhiều vườn hoa, cây ăn trái, rau sạch. Đồng thời, đầu tư xây dựng bể cá cảnh; các tuyến đường bê tông nối khu vực ngắm cảnh trong khuôn viên; xây dựng các tiểu cảnh mang đậm bản sắc vùng, miền để du khách ngắm cảnh và chụp ảnh lưu niệm, thu hút hàng nghìn lượt khách đến tham quan.
Ngoài ra, các địa phương, các cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân và du khách tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch. Tích cực tranh thủ, phối hợp với các tổ chức trong nước, quốc tế để giới thiệu, thực hiện các mô hình giảm thiểu rác thải nhựa trong kinh doanh du lịch.
Đồng thời thường xuyên tổ chức các hoạt động, sự kiện như trồng cây xanh, phong trào làm cho môi trường sạch hơn; hưởng ứng Giờ Trái đất… và tổ chức các chương trình hội thảo, tọa đàm tham vấn các bên liên quan về quản lý rác thải nhựa, thực hành giảm thiểu rác thải nhựa đối với các cơ sở lưu trú du lịch, xây dựng bộ quy tắc ứng xử văn minh, bảo vệ môi trường tại điểm đến nhằm mục tiêu xây dựng môi trường du lịch phát triển bền vững.
Tuy nhiên, việc phát triển “du lịch xanh”, du lịch bền vững ở Quảng Trị vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế; quy mô còn manh mún, nhỏ lẻ và chưa có chiều sâu, thiếu cách làm bài bản để thu hút và giữ chân du khách; chưa có bộ tiêu chí về “du lịch xanh”. Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch nhìn chung chưa đáp ứng nhu cầu của du khách, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có tính độc đáo, khác biệt. Nhiều hoạt động du lịch cộng đồng còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch kết nối…
Để tiếp tục triển khai định hướng phát triển “du lịch xanh”, bền vững trong thời gian tới, trước hết cần tiếp tục triển khai tập huấn nâng cao nhận thức cho cộng đồng, doanh nghiệp du lịch về việc quản lý rác thải nhựa, thực hành giảm thiểu rác thải nhựa; tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch không rác thải nhựa, “du lịch xanh”, bền vững từ các doanh nghiệp tiên phong điển hình cho cộng đồng.
Xây dựng và ban hành bộ tiêu chí “du lịch xanh”, từ đó triển khai vận động, tư vấn, hướng dẫn cho các địa phương, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện việc tái chế rác thải nhựa, hướng đến tham gia thực hành đánh giá, chấm điểm theo tiêu chí đã đề ra.
Bên cạnh đó đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức về “du lịch xanh”; các kỹ năng điều hành, hướng dẫn doanh nghiệp du lịch thực hiện mô hình du lịch không rác thải nhựa, mô hình “du lịch xanh”, bền vững; tổ chức tham quan học tập kinh nghiệm cho các đối tượng tiếp cận các phương pháp, mô hình xây dựng sản phẩm “du lịch xanh” tại các địa phương trong và ngoài nước có mô hình tiêu biểu; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển mạnh mô hình du lịch không rác thải nhựa, “du lịch xanh” Quảng Trị.
Song song với đó, Quảng Trị liên kết, hợp tác với các địa phương trong cả nước đẩy mạnh công tác phát triển sản phẩm “du lịch xanh”; hình thành chuỗi sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng, mới mẻ để khai thác tối đa những lợi thế của du lịch mỗi địa phương, phù hợp với bối cảnh thị trường.
Đẩy mạnh hợp tác, tranh thủ nguồn lực của các tổ chức phi chính phủ và tổ chức quốc tế tạo nguồn lực phát triển “du lịch xanh”. Phát triển làng nghề truyền thống gắn với phát triển “du lịch xanh”. Thực hiện các kế hoạch, phương án ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai theo cấp độ rủi ro; các chương trình bảo vệ môi trường, hành động về rác thải nhựa, chương trình mục tiêu tăng trưởng xanh.
Ngoài ra, Quảng Trị cần đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến “du lịch xanh” Quảng Trị trong và ngoài nước; triển khai, vận động các doanh nghiệp hướng đến sản xuất quà tặng lưu niệm từ các vật liệu xanh, thân thiện môi trường để phục vụ quảng bá thu hút du khách; xây dựng phim, vlog quảng cáo du lịch không rác thải nhựa, “du lịch xanh” để quảng bá trên các trang mạng xã hội, các phương tiện truyền thông.
Tin tưởng rằng, với tiềm năng và lợi thế của mình, Quảng Trị sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách trong thời gian tới, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)