Là vùng đất có nhiều cảnh quan thiên nhiên, giá trị lịch sử và giàu bản sắc văn hóa các dân tộc nên gần đây miền Tây Quảng Trị được du khách lựa chọn là điểm hấp dẫn để khám phá, đặc biệt là trải nghiệm các mô hình du lịch cộng đồng. Tuy nhiên loại hình du lịch này hiện vẫn còn nhỏ lẻ, mang tính tự phát nên cần quan tâm đầu tư phát triển.
Nhằm khai thác các tiềm năng lợi thế, thời gian qua huyện Đakrông và huyện Hướng Hóa đã tập trung kêu gọi các nguồn lực đầu tư tôn tạo, nâng cấp các di tích lịch sử, xây dựng cơ sở vật chất khai thác du lịch cộng đồng trên địa bàn. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các làng nghề truyền thống, các nghề tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch, tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho cộng đồng dân cư. Từ năm 2014 được sự hỗ trợ của dự án Phát triển du lịch tiểu vùng sông Mê Kông, huyện Đakrông tập trung đầu tư xây dựng và khai thác Khu du lịch cộng đồng Klu. Khu du lịch này có nhiều lợi thế vì nằm trên Quốc lộ 9 thuộc xã Đakrông, trên tuyến đường xuyên Á, kết nối với 2 cửa khẩu quốc tế La Lay và Lao Bảo, mang vẻ đẹp hoang sơ, thiên nhiên đa dạng. Điểm nhấn của Klu là có suối nước nóng tự nhiên, du khách đến đây vừa tắm suối nước nóng thư giãn, ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ, thưởng thức những món ăn, thức uống truyền thống và tham gia các trò chơi, múa hát của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Do đó, lượng khách đến với Klu ngày một đông, nhất là vào mùa nắng nóng.
Cũng tại huyện Đakrông, gần 2 năm nay “Tour 199k” do chị Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long xây dựng ý tưởng thu hút khá nhiều khách trong và ngoài tỉnh đến địa phương trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, suối Tà Lao, thưởng thức các món ăn dân dã, tham quan, mua sắm các mặt hàng nông sản của người Vân Kiều… “Tour 199k” đã tạo điều kiện cho người dân ở xã tham gia làm du lịch, có điều kiện để cải thiện sinh kế, góp phần quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc.
Ở xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa có mô hình Farmstay “5 mùa Bungalow” của anh Hoàng Thông đầu tư xây dựng khá bài bản như quy hoạch vườn cà phê, vườn cây ăn trái, các loại hoa đặc sắc và xây dựng các kiểu nhà nghỉ lưu trú dành cho khách du lịch có nhu cầu. Tại đây, du khách có thể khám phá nét đẹp hoang sơ của núi rừng, sông suối, trải nghiệm tại vườn cà phê, vườn cây ăn trái và ngắm hoa. Mô hình này còn khá mới lạ nhưng mở ra nhiều triển vọng mới cho loại hình du lịch cộng đồng ở Hướng Hóa. Hay các mô hình vườn hoa rất đẹp mắt được xây dựng trong khung cảnh thơ mộng của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Hợp và một số hộ gia đình ở thị trấn Khe Sanh, Tân Hợp, Tân Liên, Tân Long cũng đã tạo ấn tượng đối với du khách. Nhìn chung, những điểm du lịch cộng đồng ở miền Tây rất tiện để tham quan nhiều điểm du lịch khác như di tích lịch sử chiến khu Ba Lòng, cầu treo Đakrông, Nhà tù Lao Bảo, căn cứ Làng Vây, sân bay Tà Cơn, tượng đài chiến thắng Khe Sanh, đường Hồ Chí Minh huyền thoại và các danh lam thắng cảnh như thác Ồ Ồ, thác Luồi, thác Hiên, động Ngài, sông Đakrông, đèo Sa Mù...
Vậy nhưng du lịch cộng đồng ở miền Tây Quảng Trị đang còn ở giai đoạn phát triển ban đầu, manh mún, chưa có chiều sâu và thiếu cách làm bài bản, lượng khách đến tham quan, du lịch chủ yếu là khách nội địa. Chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng hết nhu cầu của du khách; sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chưa có tính độc đáo, khác biệt. Hoạt động xúc tiến, quảng bá cho loại hình du lịch mới này còn hạn chế, thiếu sự phối hợp giữa các ngành, các cấp. Mặt khác, tỉnh Quảng Trị nằm ở vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, khí hậu nên hoạt động du lịch cộng đồng mang tính thời vụ và chịu tác động nhiều của thiên tai. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc cho biết: “Là huyện nghèo nên việc đầu tư về cơ sở hạ tầng cho loại hình du lịch này còn hạn chế; đa số người dân tham gia làm du lịch là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống còn khó khăn…Vì vậy, huyện đã và đang tiếp tục kêu gọi sự quan tâm của các cấp, các ngành, chương trình, dự án, những doanh nghiệp có tâm huyết đầu tư xây dựng các điểm du lịch cộng đồng bền vững, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân vùng khó. Về phía huyện, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân tham gia vào hoạt động du lịch thông qua khôi phục, phát triển các mô hình làng nghề, các loại cây trồng, con nuôi bản địa; tích cực phối hợp với các cấp, các ngành rà soát, khảo sát, đánh giá tiềm năng, lợi thế những danh lam thắng cảnh trên địa bàn để có hướng đầu tư phát triển du lịch cộng đồng”.
Không chỉ khó khăn về nguồn lực, hiện du lịch cộng đồng ở các huyện miền núi còn thiếu và yếu về nhân lực làm du lịch chuyên nghiệp, thiếu sự liên kết, quảng bá rộng rãi; các chính sách ưu đãi chưa nhiều...Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị phần lớn là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực kinh tế còn nhiều hạn chế. Du lịch cộng đồng trên địa bàn chủ yếu do người dân tự mày mò làm nên hiệu quả mang lại chưa cao. Để góp phần khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các địa phương, quảng bá hình ảnh đặc sắc về mảnh đất và con người miền sơn cước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở miền Tây cần đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm về phát triển du lịch phù hợp với quy luật kinh tế thị trường, xu thế hội nhập. Quan tâm đến lợi ích của cộng đồng dân cư địa phương đặt lên đầu, khai thác các thế mạnh, đặc trưng về văn hóa, tài nguyên du lịch để tạo sự khác biệt trên cơ sở tôn trọng yếu tố tự nhiên, cảnh quan thiên nhiên. Xây dựng sản phẩm du lịch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương. Tiến hành quy hoạch các điểm du lịch, ưu tiên đầu tư về hạ tầng, cải tạo, nâng cấp môi trường, cơ sở vật chất phục vụ du khách ăn, nghỉ; khôi phục các nghề thủ công truyền thống. Bảo tồn, phục dựng các loại hình văn hóa nghệ thuật, lễ hội truyền thống. Hỗ trợ các hộ gia đình trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ khách và trang bị kiến thức kinh doanh loại hình du lịch Homestay, Farmstay. Có giải pháp bảo đảm du lịch cộng đồng gắn liền với thích ứng biến đổi khí hậu và giảm thiệt hại do thiên tai cho người dân. Phối hợp, liên kết với các địa phương trong khu vực và trên Hành lang kinh tế Đông-Tây trong xây dựng sản phẩm du lịch chung, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch vùng, liên kết trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nhằm khai thác có hiệu quả một loại hình du lịch mới ở miền Tây Quảng Trị.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)