Giữa miền quê thanh bình Triệu Phong (Quảng Trị), làng Lệ Xuyên (xã Triệu Trạch) còn lưu giữ những vẻ đẹp của một ngôi làng truyền thống. Tổng quan cảnh sắc hữu tình, hệ sinh thái đậm chất nguyên sơ, và cả những câu chuyện lưu truyền tưởng như huyền thoại, hư hư thực thực.
Cảnh làng bình dị, độc đáo
Dạo một vòng quanh làng, ấn tượng đầu tiên là một đầm nước trong lành, trải dài uốn lượn giữa làng. Chiều ngang mặt đầm vừa phải, đứng bên này bờ có thể nhìn thấy rõ ràng bờ bên kia. Triền bờ thoai thoải, bằng phẳng, tạo nên chiều sâu cảnh quan, nhiều cây xanh và cỏ mọc rậm rịt. Ở vài đoạn đầm lại gặp mấy gò đất nổi lên giữa mặt nước bất ngờ, thú vị.
Bên một phía đầm có dải rú dài, gọi là rú Lệ Xuyên, cây xanh rậm rạp mọc trên cát trắng. Rú Lệ Xuyên chính là một chỉ dấu của mảnh rừng nguyên sinh còn sót lại hiếm hoi giữa vùng đồng bằng huyện Triệu Phong.
Men theo bờ nước, có thể nhận biết trước đây từng có nhánh sông uốn lượn qua làng và lâu ngày phù sa bồi tụ mà tạo nên đầm. Quả thật ngày xưa làng có một con sông nhỏ, tên sông thuở ấy cũng được lấy đặt tên làng là Ôn Tuyền (tức dòng suối nước ấm). Dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, một số tên địa danh không đẹp được quan cho đổi lại, trong đó có làng Ôn Tuyền (vì chữ "ôn" còn có nghĩa khác là ôn dịch, bệnh truyền nhiễm). Thế là tên làng được đổi thành Lệ Tuyền, nghĩa là dòng suối đẹp. Khi vua Thiệu Trị lên ngôi, chữ Tuyền lại phạm húy tên vua (Nguyễn Phúc Tuyền), tên làng lại một lần nữa phải đổi thành Lệ Xuyên.
Tương truyền khi xưa có hai ông họ Lê, họ Nguyễn từ phía bắc vào đây xem xét đất đai để khai canh lập nghiệp. Hai ông dừng chân đầu làng, thấy có sông chảy uốn lượn, kế bên lại có gò đất nhô cao, trông đắc địa. Bấy giờ hai ông nhìn thấy có một quán nước, thế là vào xin mua một ít đồ để mang về làm quà cho mẹ. Bà bán quán thấy hai ông có lòng hiếu thảo nên mở lời tiết lộ rằng đất này rất tốt, mưa thuận gió hòa, thích hợp để mưu kế sinh nhai lâu dài. Hai ông quyết định về đưa gia đình, người thân vào để khai hoang vỡ đất trồng trọt.
Nhưng, khi vào lại thì chẳng thấy cái quán nước và bà bán quán ngày trước đâu nữa. Lúc ấy mới ngộ ra rằng đấy là cơ trời sắp đặt, bà tiên xuất hiện để phò trợ linh ứng mà thôi. Cảm khái và biết ơn, hai ông lập nên một chỗ thờ tự tưởng vọng người bán quán và gọi là miếu Bà Quán Tiên Nương.
Bên Quốc lộ 49C, qua khỏi thị tứ Bồ Bản sẽ thấy ngay đường vào làng Lệ Xuyên chạy giữa triền ruộng và ngạch sông. Chính ở đầu làng là miếu Bà Quán Tiên Nương, tiếp đến là đình làng Lệ Xuyên, và ngôi chùa làng có tên Lệ Minh.
Được biết chùa làng vốn đã có từ rất lâu, trước đây chùa nằm ở vùng đất khác có tên Rậm Cháy. Sau do vật đổi sao dời, chùa được chuyển về xây dựng tại quần thể đầu làng và mang tên Lệ Minh. Hồi đó chùa có bức tượng bị hư hại, chỉ còn hình đầu Phật. Một người làng thương cảm đã thỉnh đưa vào miền Nam thờ tự, nghe kể sau này gia đình con cháu người ấy rất thành đạt.
Đình, chùa, miếu mạo nằm kế nhau và quay mặt ra đầm nước, phía giữa đầm lại có gò đất. Theo lời kể các cụ cao niên thì chỗ này khi xưa là mô đất tượng trưng cho bàn cờ, cùng với đìa nghiên bút của làng tạo thành thế đầu rồng. Dần dà người ta lấy đất về đắp nền nhà nên mô bàn cờ bị san xuống, thành cánh đồng ruộng. Gò nổi giữa đầm nước thì nay vẫn còn và tạo thành một "ốc đảo" nhỏ với nhiều cây xanh rợp bóng mát.
Mở lối cho du lịch
Chính nơi cuộc đất bàn cờ này, một lễ hội vừa diễn ra đầu tháng tư Quý Mão (2023) thu hút đông đảo người quan tâm, đó là lễ Phật đản do Giáo hội Phật giáo huyện Triệu Phong tổ chức. Điểm nhấn của lễ hội là không gian được trang trí bằng các công trình tre nghệ thuật do những người thôn quê tự tay thực hiện gồm: tháp cờ cao 39 mét, cây cầu bằng tre nối từ cổng chùa Lệ Minh sang gò đất - nơi thiết trí trưng bày các tác phẩm nghệ thuật. Sự kiện đã vượt ra ngoài quy mô lễ hội tôn giáo, khiến hàng ngàn lượt người kéo nhau về làng Lệ Xuyên để tham quan, chụp ảnh trong không gian độc đáo, đậm hồn quê Việt.
Qua sự kiện, bước đầu có thể nhận ra tiềm năng du lịch nếu nơi đây được đầu tư bài bản. Lãnh đạo xã Triệu Trạch cho biết đầm Lệ Xuyên kéo dài khoảng nửa cây số, diện tích tầm 10 ha, dải rú nguyên sinh bên cạnh đầm cũng có diện tích cỡ 10 ha. Cảnh quan ở đây hiền hòa, độc lạ nên các "câu thủ" trong vùng thường ghé về câu cá. Dưới bóng mát ở các gò đất, người ta có thể vừa túc tắc câu cá vừa thư giãn. Chính quyền cũng đã nhiều lần gặp gỡ các doanh nhân để mở lối làm du lịch nơi đây, có thể lập nên khu du lịch sinh thái trong tương lai gần.
Về vị trí địa lý, làng Lệ Xuyên nằm trong vùng thị tứ Bồ Bản khá sầm uất, lại ngay kế bên chùa Trường Khánh (nơi có bức tượng phật Quán Thế Âm huyền nhiệm được người Mỹ trả lại năm 2018 sau nửa thế kỷ, nay đã thu hút người nhiều nơi đến chiêm bái).
Từ đây đi về biển Cửa Việt cũng chỉ 9 cây số theo đường Quốc lộ 49C. Đặc biệt sắp tới, dự án đường kết nối ven biển Hành lang kinh tế Đông - Tây (đoạn 2) khi hoàn thành vào năm 2025 sẽ tạo thuận lợi cho việc đi lại. Con đường này chạy qua làng Lệ Xuyên, từ Lệ Xuyên lên thành phố Đông Hà lúc đó còn chưa đầy 10 cây số. Lệ Xuyên nằm ở giữa trên hành trình xuyên suốt từ Đông Hà về Cửa Việt.
Trước mắt, có thể nghĩ đến việc đầu tư để Lệ Xuyên trở thành một điểm tận hưởng không gian làng Việt truyền thống, phục vụ khách trong tỉnh; sau nữa là điểm dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn cho du khách phương xa trên hành trình khám phá các địa chỉ khác của tỉnh nhà.
(Nguồn: Tạp chí Lào Việt)