Làng Vệ Nghĩa

Trần Quang-Lê Văn Hà |

Làng Vệ Nghĩa, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (nay sáp nhập với làng Phú Lưu thành thôn Lưu Nghĩa), được thành lập vào năm 1548, niên hiệu Thống nguyên dưới triều Hậu Lê, có nguồn gốc từ Thanh Nghệ Tĩnh vào khai hoang, lập nghiệp. Những năm gần đây, thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, làng tích cực xây dựng nếp sống văn minh, dần loại bỏ các hủ tục trong đời sống xã hội. Mới đây, thôn Lưu Nghĩa đã vận động nguồn vốn xây dựng nhà lưu giữ tro cốt người qua đời sau hỏa táng theo phương thức xã hội hóa.


Làng Vệ Nghĩa là nơi được vinh danh thành lập một trong những chi bộ Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên ở Quảng Trị vào tháng 3/1930. Đây là vùng đất có truyền thống cách mạng kiên cường và truyền thống học tập, tôn sư trọng đạo.

Nơi đây có di tích Miếu Ông, Miếu Bà gắn với các hoạt động của phong trào cách mạng tại Triệu Phong. Làng Vệ Nghĩa đã đóng góp công lao to lớn cho sự nghiệp cách mạng qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, cũng như trong sự nghiệp giáo dục của quê hương, đất nước. Làng được công nhận danh hiệu làng văn hóa cấp tỉnh lần thứ nhất năm 2000, lần thứ hai năm 2002 và đơn vị văn hóa xuất sắc năm 2009.

Cổng chào làng Vệ Nghĩa - Ảnh: T.Q
Cổng chào làng Vệ Nghĩa - Ảnh: T.Q

Về mặt địa lý, làng Vệ Nghĩa phía Đông giáp làng Duy Hòa (xã Triệu Hòa), phía Tây giáp làng An Bình (xã Triệu Thuận), phía Nam giáp làng Phù Lưu (xã Triệu Long), phía Bắc giáp làng Đại Hào (xã Triệu Đại), với diện tích tự nhiên khoảng 35 ha. Là một ngôi làng đất hẹp, người thưa nhưng Vệ Nghĩa trải qua gần 5 thế kỷ hình thành, xây dựng và phát triển vẫn luôn giữ được nét đẹp văn hóa, lịch sử và truyền thống cách mạng đáng tự hào.

Trong những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, làng đã sớm thực hiện việc di dời mồ mả tập trung, nhưng do phong trào tự phát, thiếu khoa học trong quy hoạch, dẫn đến mồ mả được di dời tập trung vẫn nằm ngổn ngang tại các khu nghĩa địa.

Từ đó đến nay, việc chôn cất người qua đời gặp khó khăn, do Vệ Nghĩa có con Kênh thủy lợi N1 đi qua, chia cắt làng và quy hoạch tổng thể chưa có nghĩa trang, nghĩa địa hoặc nhà lưu giữ tro cốt người qua đời sau hỏa táng. Hiện tại, quỹ đất ở làng không đáp ứng được việc chôn cất người chết.

Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, trong đó việc quy hoạch nghĩa địa, nơi chôn cất người qua đời phải xa khu dân sinh sống là điều rất cần thiết. Thôn Lưu Nghĩa, xã Triệu Long đã lập quy hoạch đất nghĩa địa để tập trung các ngôi mộ nằm lẻ tẻ ở những cánh đồng về một nơi.

Tuy vậy, vùng đất nghĩa địa được quy hoạch không xa nơi ở của khu dân cư. Nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng và người dân trên địa bàn, người dân nơi đây có nguyện vọng về lâu dài cần có một ngôi nhà “Lưu giữ tro cốt người qua đời sau hỏa táng”.

Tượng đài vinh danh Chi bộ làng Vệ Nghĩa, một trong những Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Quảng Trị - Ảnh : T.Q
Tượng đài vinh danh Chi bộ làng Vệ Nghĩa, một trong những Chi bộ Cộng sản đầu tiên ở Quảng Trị - Ảnh : T.Q

Việc xây dựng nhà lưu giữ tro cốt không tốn nhiều quỹ đất, hợp vệ sinh trong việc chôn cất người chết nhưng vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống về thờ cúng, tri ân người đã khuất. Nguyện vọng này cũng hướng đến mục tiêu thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Trên cơ sở đó, ban quản lý, điều hành làng vận động nguồn vốn xây dựng nhà “Lưu giữ tro cốt người qua đời sau hỏa táng” theo phương thức xã hội hóa, dùng quỹ đất đã quy hoạch cho các họ tộc và gia đình để xây dựng công trình. Về mặt khoa học, hoả táng góp phần giảm sức ép về quỹ đất sản xuất đang ngày càng thu hẹp, tiết kiệm thời gian, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ nguồn nước...

Rất mong sự đồng thuận cao của bà con, sự chấp thuận của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng liên quan trong việc đưa vào quy hoạch xây dựng nhà “Lưu giữ tro cốt người qua đời sau hỏa táng”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Nắng mới trên đỉnh núi Pa Ling

Lê Hoàng |

Xã A Vao, huyện Đakrông, là vùng đất nằm ở vị trí xa xôi, khó khăn nhất của miền núi tỉnh Quảng Trị. Nơi có đa số đồng bào Pa Kô sinh sống chủ yếu nhờ vào nương rẫy với những phương thức sản xuất cũ kỹ, lạc hậu nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhưng vài năm trở lại đây các cấp chính quyền, đoàn thể địa phương, các tổ chức đã tìm tòi, hỗ trợ thực hiện các mô hình kinh tế trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nơi đây, đã tạo bước chuyển mình trong phát triển sinh kế bền vững cho người dân.

Hải Vân Quan mở cửa đón du khách tham quan

Mai Trang |

Ngày 1/8, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức mở cửa di tích Hải Vân Quan đón du khách tham quan sau hơn 2 năm được tỉnh Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng trùng tu.

Dấu ấn văn hóa Quảng Trị qua 35 năm: Bức tranh đa sắc màu

Minh Đức |

35 năm qua, ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH,TT&DL) Quảng Trị thực hiện nghiêm túc các chủ trương, chỉ đạo của cấp trên, chủ động triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp có hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVCNLĐ) toàn ngành luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và cống hiến trong công việc; cùng với việc hưởng ứng tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, sự nghiệp văn hóa đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Qua đó, góp phần quan trọng vào phát triển KT-XH của tỉnh, nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, lan tỏa hình ảnh đẹp về mảnh đất, con người Quảng Trị đến với bạn bè trong nước và quốc tế.

Truyền thông, kích cầu du lịch trên các nền tảng số

Ngọc Bích |

Để kích cầu tăng trưởng du lịch, trong tháng 7/2024, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiếp tục truyền thông, quảng bá thúc đẩy du lịch nội địa và du lịch quốc tế trên website du lịch quốc gia tại địa chỉ: https://vietnamtourism.gov.vn/ và http://vietnam.travel. Đồng thời, thông tin du lịch cũng được cập nhật liên tục trên các trang mạng xã hội phổ biến (Facebook, Instagram, Youtube, Zalo…).