Liên kết vùng du lịch 5 tỉnh miền Trung: Cần có sự quản lý, điều phối để hoạt động hiệu quả

Mai Lâm |

Năm 2022, 5 tỉnh miền Trung gồm Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam có nhiều hoạt động thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển du lịch để giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, sản phẩm du lịch của các địa phương. Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ song thực tế, liên kết vùng về du lịch ở đây vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Ngay sau khi COVID-19 được kiểm soát, ngành du lịch 5 tỉnh miền Trung gồm Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam với thương hiệu “Miền di sản diệu kỳ” được khởi động mạnh mẽ bằng chuỗi các hoạt động hợp tác, quảng bá xúc tiến du lịch tại Thủ đô Hà Nội, TP. Hải Phòng, Nghệ An, các tỉnh Tây Nguyên, TP. Hồ Chí Minh… Nhiều hội nghị truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, trưng bày, triển lãm, giao lưu, hợp tác giữa 5 tỉnh miền Trung với các tỉnh, thành phố trong nước liên tục được tổ chức trong thời gian qua.

 

Bên cạnh quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch mỗi địa phương, thông qua liên kết, hợp tác, ngành du lịch các tỉnh cũng chia sẻ, học hỏi được nhiều kinh nghiệm quản lý nhà nước về lữ hành, khách sạn, dịch vụ du lịch… Tuy vậy, đánh giá một cách khách quan, hoạt động liên kết du lịch giữa 5 tỉnh chủ yếu vẫn là các sự kiện bề nổi như hội thảo, hội nghị, ký kết các văn bản thỏa thuận hợp tác mang tính chung chung, trong khi chưa có cơ chế quản lý, điều phối để theo dõi, giám sát việc thực thi cam kết của các địa phương, doanh nghiệp du lịch để giải quyết những vấn đề chung đảm bảo hài hòa lợi ích, cạnh tranh bình đẳng.

Việc liên kết đầu tư phát triển sản phẩm dịch vụ, tour, tuyến du lịch mới cũng như cách kết nối các sản phẩm du lịch đặc trưng mỗi tỉnh/thành phố trong nhóm liên kết nhằm tối ưu hóa dịch vụ, chi phí để hình thành chuỗi dịch vụ chất lượng cao trên cung đường tuyệt tác thiên nhiên và di sản của miền Trung chưa rõ nét.

Trong quy hoạch tổng thể du lịch miền Trung, định hướng phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng là phát triển du lịch tham quan, nghiên cứu di sản thế giới, giá trị văn hóa - lịch sử. Trên thực tế, nhiều năm qua các địa phương đã hình thành và khai thác thế mạnh đặc trưng riêng, như tỉnh Quảng Bình tập trung phát triển du lịch mạo hiểm, khám phá hang động, di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng; tỉnh Quảng Trị hướng về du lịch tâm linh, về chiến trường xưa để khai thác hệ thống di tích cách mạng đồ sộ với không gian linh thiêng, du lịch biển đảo; tỉnh Thừa Thiên Huế có du lịch di sản văn hóa thế giới với quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc Cung đình; tỉnh Quảng Nam thì khai thác phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn; TP. Đà Nẵng du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, giải trí...

Giữa các địa phương cũng có những tour liên kết như “Con đường di sản miền Trung”, “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại” của 3 tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế hay tour “Ba địa phương - một điểm đến” của Thừa Thiên Huế - Quảng Nam - Đà Nẵng… Tuy được hình thành từ nhiều năm nay nhưng việc khai thác các tour du lịch liên kết trên chưa mang lại kết quả như kỳ vọng.

Có thể thấy, từ đặc thù, lợi thế về du lịch của mỗi địa phương để điều tiết, khâu nối tạo ra gói sản phẩm dịch vụ hoặc chuỗi hoạt động du lịch sôi động, hấp dẫn của cả vùng thì đến nay vẫn chưa làm được. Theo các chuyên gia du lịch, 5 tỉnh miền Trung cần nghiên cứu thành lập bộ máy tổ chức quản lý du lịch vùng gắn với chức năng, nhiệm vụ quyền hạn nhất định để thắt chặt hơn nữa sợi dây liên kết vùng.

Ví dụ như cần có hiệp hội du lịch vùng để làm cầu nối tạo cơ hội cho doanh nghiệp du lịch, lữ hành của các địa phương tìm hiểu, trao đổi dịch vụ sản phẩm cũng như các chính sách hợp tác cụ thể, thiết thực như ưu đãi về giá, bồi dưỡng kỹ năng nhân lực phục vụ du lịch, mở sản phẩm mới kết nối các điểm đến… góp phần nâng cao chất lượng phục vụ du khách. Nếu tạo được sự liên kết khép kín về sản phẩm cũng như dịch vụ của cả vùng sẽ xóa bỏ sự ngăn cách về địa giới hành chính, từ đó người đi du lịch được trải nghiệm trọn vẹn các dịch vụ với chi phí hợp lý, tăng tính cạnh tranh của vùng.

Liên kết vùng du lịch không chỉ nhằm trao đổi, kết nối nguồn khách mà còn tạo ra sức hút đầu tư thông qua những cơ chế, chính sách kích cầu đủ sức kêu gọi sự tham gia của những nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch, góp phần thay đổi diện mạo, từng bước hiện đại hóa và nâng cao chất lượng của hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch trong vùng. Về lâu dài, cần thiết lập quỹ phát triển du lịch vùng để huy động nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án hợp tác liên kết đầu tư phát triển về giao thông, hạ tầng dịch vụ ở các di tích, danh lam, thắng cảnh, xây dựng các trạm dịch vụ phục vụ khách du lịch mang tính liên vùng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khẩn trương tu bổ các di tích xuống cấp trong khu phố cổ Hội An

PV |

Qua khảo sát các di tích xuống cấp trong khu phố cổ Hội An, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, tỉnh Quảng Nam phát hiện hàng chục di tích xuống cấp. Đơn vị đưa ra nhiều giải pháp tu bổ, chống đỡ nhằm đảm bảo an toàn cho di tích.

Đưa Hội An trở thành thành phố sinh thái-văn hóa-du lịch

PV |

Thành phố Hội An sẽ giữ vai trò là vùng động lực phát triển về du lịch của tỉnh Quảng Nam, trung tâm du lịch của cả nước và mang tầm quốc tế.

Hội An và Phú Quốc vào danh sách những điểm du lịch tốt nhất thế giới

PV |

Đô thị cổ Hội An đứng thứ 20 trong danh sách 25 thành phố du lịch tốt nhất thế giới trong khi Phú Quốc xếp vị trí thứ 14 trong bảng xếp hạng 25 hòn đảo tốt nhất thế giới của Tạp chí Travel+Leisure.

Hội An lấy lại vị thế đầu tàu du lịch

PV |

Tổng Giám đốc Công ty Á Đông Villas, chủ khách sạn 5 sao Silk Sense (thành phố Hội An) Trần Thái Do chia sẻ: Sau khi dịch COVID-19 được đẩy lùi, hoạt động du lịch đến Hội An đã bắt đầu lấy lại nhịp đập bình thường. Tuy khách nước ngoài chưa nhiều, song chất lượng dịch vụ luôn được Silk Sense cũng như các cơ sở lưu trú khác đặt lên hàng đầu. Trong các dịp nghỉ lễ vừa qua và những ngày nghỉ cuối tuần, tỷ lệ sử dụng phòng khách sạn luôn ở mức cao.