Lối sống hòa hợp thiên nhiên của người Belarus

TRÚC AN |

Belarus nằm ở phía tây nước Nga, trước đây thuộc khối Liên Xô, thiên nhiên bốn mùa rõ rệt có thể cảm nhận được thông qua cảnh sắc. Rõ nhất chính là mùa đông giá tuyết kéo dài năm tháng, khắp nơi một màu trắng lạnh. Thời tiết như thế cũng coi là khắc nghiệt, nhưng con người ở đấy lại sống lạc quan và không khuất phục trước ông trời, ngược lại, họ càng biết sống hòa hợp với thiên nhiên hơn.

  
 
Rừng chiếm bốn mươi phần trăm diện tích quốc gia, những đầm nước rộng khắp nơi, cảnh sắc nhẹ nhàng và yên bình ở những vùng nông thôn. Ngay cả ở thủ đô Minsk, một nơi đô hội nhất thì cả thành phố cũng thoáng đãng với nhiều màu xanh.

Tọa lạc trên sườn đông nam của dãy núi Minsk nên địa hình thủ đô thoai thoai thoải từ phía tây nam về phía đông bắc. Thành phố được quy hoạch theo lối... không quy hoạch, tức là giữ nguyên những thứ thiên tạo. Địa hình gồ ghề như những quả đồi bị mài mòn, tạo ra vẻ thấp thoáng hoang dã và phóng khoáng.

Khắp nơi đều thấy cỏ và cây xanh. Minsk nằm trong vùng rừng hỗn giao, cây thân cao xen giữa những tòa nhà, tạo nên kiểu rừng trong phố. Cỏ mọc theo những triền đất thoai thoải. Giữa mùa hè, tất cả cỏ dại bật lên một màu hoa vàng bồ công anh tựa những bông cúc. Đến khi hoa vàng rụng, mỗi đài hoa tạo một hạt với rất nhiều lông tơ trắng bao quanh mà ta thường thấy trên ảnh (lúc đấy không còn là hoa bồ công anh nữa mà nó chỉ là kỳ hoa tàn). Những cái lông tơ này bay đầy trong gió. Công nhân môi trường dùng máy phát dọn ngay để tránh gây ô nhiễm bởi lông tơ gây ngứa da người.

Nhiệt độ mùa hè ở Minsk cao nhất là 28 độ xê, nắng dịu, người ta kéo nhau ra bãi cỏ tắm nắng và có thể nằm ngủ trưa luôn trên cỏ. Xứ ôn đới, người da trắng thích phơi mình để da được rám nắng, đi trên đường cũng không hề che da bịt mặt. Người Belarus có làn da trắng nhất trong các nước Liên Xô cũ, họ thường được gọi là Bạch Nga (Nga trắng). Cách gọi này xuất phát từ chiết tự tên cũ Bielorussia (Bielưi: trắng, Russia: Nga). Nhưng người Belarus lại không thích cách gọi kiểu chiết tự, vì nó gợi nhớ đến thời các Sa hoàng Nga muốn thôn tính vùng đất này. Qua nhiều lần nhập nhằng giữa các tên gọi Belorussia, Bielorussia, Byelorussia, cuối cùng tên rút gọn Belarus được chọn dùng làm tên quốc gia chính thức.

Dọc các đại lộ hay những khoảnh đất khắp nơi, hoa được trồng và chăm sóc chu đáo, đều là những loại hoa quý như hồng, tullip... Mỗi khóm hoa nhỏ chừng vài mét vuông cũng được lắp camera giám sát để tránh bị vặt trộm. Thiết luật ở Belarus rất chặt chẽ để bảo vệ cộng đồng. Chẳng hạn chim bồ câu có ở khắp nơi và chúng mạnh dạn, ta chỉ cần xòe tay vài hạt hướng dương là bồ câu tự nhiên nhảy vào mổ mồi, y như thể giữa chim và người đã không còn sự phân cấp giới động vật. Hay dưới sông Svislach, vài chú vịt gập ngược đầu lên cánh rồi để mặc nước đẩy đi. Vịt ở đây không do ai nuôi cả, chúng tự kiếm mồi trên sông để sống qua ngày qua tháng. Nhưng chỉ cần bạn bắt bồ câu hoặc vịt sẽ phạm luật và bị xử lý nặng.

Những cây ăn quả như táo và lê được trồng nhiều trên các đường phố. Vào kỳ trái chín, trên đường phố đi qua thấy lúc lỉu trái đỏ trái vàng đẹp mắt. Sinh viên chúng tôi mới sang thường leo lên vặt vài trái ăn trước sự ngỡ ngàng của dân bản địa. Có thể vì người Belarus sợ leo cây, không khéo léo leo trèo như dân Việt. Nhưng rồi đến khi đi chợ mới phát hiện ra rằng táo và lê được bán rất rẻ, nên thay vì leo hái, chúng tôi lại mua ở chợ.

Belarus có một mùa tuyết 5 tháng, kéo dài từ đầu tháng mười một đến hết tháng ba năm sau. Không có loài hoa nào sống sót được qua một kỳ tuyết lạnh dài như thế. Và năm nào người ta cũng phải gầy hoa lại, bắt đầu từ sau khi tuyết tan. Trồng hoa ở xứ tuyết là cả một sự kiên nhẫn đến bền bỉ, nhưng họ đã làm được, để tạo cho thủ đô một không gian xanh trên thảo nguyên cổ độ.

 
Mùa đông Belarus lạnh giá, lúc nào nhiệt độ cũng âm, đỉnh điểm là âm mười độ xê. Lúc này mọi người sẽ có kỳ nghỉ đông hai tuần, thường là trùng vào dịp tết cổ truyền của các nước dùng lịch mặt trăng, sinh viên Việt Nam và Trung Quốc lại có thời gian rảnh để tổ chức đón tết.

Lạnh như thế, người Belarus chống rét thế nào? Trước hết về kiến trúc, nhà được xây với những khối tường hai lớp, ở giữa là khoảng rộng cách nhiệt. Các cửa kính được roang chặt để tránh không khí lạnh bên ngoài tràn vào. Chỉ cần mở cửa sổ treo một miếng thịt bên ngoài để cả tuần cũng không sao, vì bên ngoài lúc này cũng như... cái tủ lạnh. Với kiến trúc nhà đóng kín, người ta không thể dùng củi để sưởi vì vừa gây ô nhiễm không khí, vừa ngột khói, lại phải chặt cây lấy củi. Họ dùng một hệ thống nước nóng chạy khắp tòa nhà. Nước nóng chảy trong những ống kim loại tỏa nhiệt làm ấm bên trong ngôi nhà. Và nước nóng này cũng chính là nước sạch dùng để tắm rửa sinh hoạt. Như vậy là một công đôi việc, vừa tiết kiệm nhiên liệu, vừa bảo vệ môi trường.

Người Belarus không có thói quen tư hữu, điều này dễ thấy nhất là việc tham gia giao thông, hầu hết đều sử dụng phương tiện công cộng: trên mặt đất có tàu lửa, xe điện, xe buýt, taxi; dưới lòng đất thì tàu điện ngầm. Những quãng đường ngắn tầm ba cây số thì họ đi bộ. Thành ra ở thủ đô Minsk không hề tắc đường, rất hiếm khi xảy ra tai nạn. Đi bộ được ưu tiên nhất khi tham gia giao thông. Ở các đại lộ đều có những lối ngầm xuyên đường để ta băng qua an toàn. Những đường nhỏ hơn thì ta chỉ cần đứng ở vị trí kẻ vạch trắng, ngay lập tức tất cả các xe đều phải dừng trước vạch kẻ trắng nhường người đi bộ bước sang, không cần lắp đèn xanh đỏ.

Đi bộ giữa những con phố, dưới những hàng cây, băng qua những khu vườn (mà người Belarus gọi là rừng) thật thú vị. Cứ một đoạn lại gặp một băng ghế gỗ để người ta ngồi nghỉ ngơi hoặc hút thuốc, cạnh đó có một sọt rác bằng sắt đề phòng tàn thuốc ngúm cháy. Người Belarus không có chuyện vừa đi vừa ăn uống hay hút thuốc, không vứt rác giữa đường. Nếu ta làm sai, sẽ có người khác đến nhắc nhở ngay. Ý thức bảo vệ môi sinh sẵn có trong mỗi người dân.

 
Belarus là đất nước không giáp biển, nhưng vùng ngoại ô thủ đô có những hồ nước rộng lại được người ta gọi là... biển Minsk. Nước ở đấy là nước ngọt, lội xuống thì cát trộn lẫn trong những hòn sỏi lớn. Bên biển là những rừng cây rậm, cây mọc ra sát mép nước khiến bãi biển rất hẹp. Vào mùa hè, nói đi biển nghĩa là... đi chơi trong những rừng cây nhiều hơn. Chỉ tắm biển một lúc còn các hoạt động đều trong khu rừng. Họ mang theo bia, thịt, dụng cụ bếp nướng tự chế đơn giản. Nhen lửa trong rừng nghe có vẻ nguy hiểm, nhưng không bao giờ có chuyện cháy rừng.

Dã ngoại là hoạt động thường xuyên của người dân Belarus. Những nhà có điều kiện thì mua luôn một khoảnh đất ở ngoại ô, dựng lên đó một căn nhà gỗ để cuối tuần về nghỉ ngơi, hoặc mùa hè đưa cả gia đình tới ở vài tháng. Những cái nhà như thế được gọi là “đa-cha”. Đa-cha xuất hiện khoảng cuối thế kỷ XIX và trở thành một truyền thống của quý tộc Liên Xô. Ở Minsk có một cái nhà đa-cha tuyệt đẹp đã trở thành bảo tàng, đó chính là nơi diễn ra Đại hội lần thứ nhất Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga - tiền thân của Đảng Cộng sản Liên Xô.

 
Ngày nay thì không chỉ giới quý tộc mà những nhà trung lưu cũng đều thửa một cái đa-cha ở ngoại ô để dã ngoại. Khu đa-cha được quy hoạch tập trung tạo thành những vùng thơ mộng, nhà xen giữa rừng cây, yên tĩnh và trong lành.

Có lần nhóm sinh viên Việt chúng tôi được cô giáo dạy tiếng Nga mời về nhà chơi. Cô thích món ăn Việt, nhất là nem rán. Chúng tôi chuẩn bị thực phẩm mang đến chế biến. Người Belarus và phương tây nói chung rất hiếm khi mời ai đến nhà, vì họ quan niệm đó là chỗ riêng tư, thế nên được cô giáo mời thì chúng tôi rất mừng. Vòng vèo mấy chuyến xe điện cả tiếng đồng hồ mới tới được địa điểm cô hẹn. Cô ra đón và phải đi bộ tiếp một chặng mới đến ngôi nhà cũ nằm giữa vườn cây. Đó cũng có thể xem là một cái đa-cha, được xây dựng từ mấy chục năm trước, trông có vẻ cũ kỹ nhưng thân thiện. Chúng tôi nấu nướng xong bày ra bàn thì chồng cô về. Ông cùng ngồi vào bàn ăn, nói chuyện vui vẻ. Ông là nhà báo từng sang Việt Nam làm phóng viên chiến trường. Sau bữa, trời đã tối, ông cám ơn rồi xin phép chia tay trước để dắt chó đi dạo. Người Belarus cưng con chó và coi nó như một người bạn, dắt chó đi dạo ban đêm là một thú vui thư giãn.

 
Chính phủ Belarus hằng năm tài trợ các festival nghệ thuật ngoài trời, họ nhảy múa dân vũ và ca hát. Người dân ở đây mê âm nhạc, nhất là nhạc rock. Nhưng có một sự kiện đau buồn đã xảy ra, vào ngày 30 tháng 5 năm 1999, một buổi tiệc bia nhạc rock ngoài trời diễn ra trước nhà thờ Thánh Linh gặp phải mưa sấm sét. Những người trẻ chen nhau chui xuống bến tàu điện ngầm Nyamyha ở cạnh đó. Bậc cấp trơn trượt, họ giẫm đạp nhau khiến 53 người chết và hai trăm người bị thương, toàn bộ đều còn rất trẻ. Đây là một trong những vụ tai nạn hy hữu và được liệt vào những bi kịch bến tàu điện ngầm của thế giới. Để tưởng nhớ, ngay ở bến tàu điện ngầm Nyamyha có một cụm phù điêu khắc 53 bông hồng đá màu đen bò trên những bậc cấp, cạnh đó là tấm bia khắc tên 53 nạn nhân xấu số. Bây giờ, nếu đi lên bến tàu điện ngầm này đều thấy một vài người phụ nữ đứng bán những nhành hoa tullip đỏ. Ai thương cảm có thể mua một cái hoa đến đặt trước bia tưởng niệm.

Các dịp lễ mang tính lịch sử như kỷ niệm giải phóng, thành lập thủ đô, ngày cựu chiến binh... cũng được diễn ra ở các quảng trường, công viên. Nhưng có lẽ từ sau sự kiện đau thương ở lễ hội năm 1999 nên người ta hạn chế bia rượu trong những dịp kỷ niệm. Nhà nước cấm tuyệt đối các cửa hàng siêu thị bán thức uống có cồn vào những ngày lễ.

 

Nghệ thuật tạo hình, các công trình điêu khắc có khắp nơi ở thủ đô Minsk, như chợ, công viên, trường học... Những tác phẩm tạo hình đều gắn liền sự tích nào đó và rất sống động: tượng bà già bán hạt hướng dương, tượng cô gái xoay vòng, tượng ông thợ nhiếp ảnh... Trong công viên thì có những bức tường bê tông bích họa để mọi người đem màu đến đó mà vẽ. Họa sĩ, sinh viên, trẻ con, ai thích vẽ gì cũng được, mỗi người là một nghệ sĩ trong không gian thiên nhiên ấy.

Nghệ thuật và thiên nhiên luôn có mối tương liên, khi con người sống thuận tự nhiên thì nghệ thuật thăng hoa. Mà chính ngay cách sống hòa hợp ấy đã là một nghệ thuật, nhờ đó tạo nên tính cách con người gần gũi, thân thiện và biết trân quý các hệ giá trị sống. Năm 2015, người đầu tiên của Belarus đạt giải Nobel Văn chương là Svetlana Alexandrovan Alexievich đã phát biểu: “Đây không phải phần thưởng cho tôi mà là cho nền văn hóa, một quốc gia nhỏ bé của chúng tôi, đã bị rơi vào cối xay trong suốt lịch sử”.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Chiêu Lầu Thi, khu rừng nguyên sơ tuyệt đẹp miền Đông Bắc

Du Già |

Khám phá Chiêu Lầu Thi, khu rừng nguyên sơ tuyệt đẹp cùng tác giả Lê Triều Dương, người được giới xê dịch biết đến nhiều hơn với danh xưng "Du Già".

Ẩm thực miền Trung cần tạo thành chuỗi liên kết

Quang Sang |

Lâu nay, trong liên kết phát triển du lịch của miền Trung ít khi chú trọng đến lĩnh vực ẩm thực, mỗi địa phương khai thác một cách riêng, thiếu bổ sung, hỗ trợ cho nhau.

Rú Chá, mùa lá bay…

Triền Thảo |

Màu vàng của lá cây chá đầy ma lực giữa giai điệu mùa thu ngát xanh xứ sở. Rừng chá những ngày cuối tháng chín luôn khiến cho những người đến ngắm cảnh như lạc vào cõi mơ của một cánh rừng miền ôn đới xa đẩu đâu bên trời Tây.

11 kỳ quan dự trữ sinh quyển ở Việt Nam

Nguyễn Thị Hà - Phương Anh |

Tại Kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB/ICC) diễn ra từ ngày 13 - 17/9/2021 tại Nigeria, hai Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa (Ninh Thuận) và Cao nguyên Kon Hà Nừng (Gia Lai) của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Như vậy, trong giai đoạn 2000-2021, Việt Nam đã được công nhận 11 khu dự trữ sinh quyển thế giới, trở thành quốc gia có số lượng khu dự trữ sinh quyển thế giới đứng thứ 2 Đông Nam Á, sau Indonesia (19 khu dự trữ sinh quyển).