Mã não và bạc cũ trong đời sống đồng bào Vân Kiều, Pa Kô

Hoàng Hà |

Hỏi không ai nhớ, nhưng bằng chừng đó thời gian, khi đồng bào Vân Kiều, Pa Kô cư ngụ trên dãy Trường Sơn là sự có mặt của mã não và bạc cũ. Không đơn thuần là của cải, vật chất, mã não và bạc cũ có vị trí đặc biệt trong đời sống của đồng bào, nó vừa mang giá trị tâm linh vừa đem lại giá trị văn hóa. Qua thời gian, hai thứ này vẫn đồng hành cùng với đồng bào, được xem là tài sản riêng của cá nhân nhưng giá trị vật thể là của cả cộng đồng...

Chúng tôi có chuyến đi đến xã A Vao, huyện Đakrông để tìm những người phụ nữ đeo vòng mã não. Dọc đường đi, anh Kiện - lúc đó (năm 2016) là Phó Bí thư xã Đoàn nói với chúng tôi, ngày xưa thì nhiều, nay rất ít phụ nữ đeo vòng mã não nên cơ hội tìm gặp cũng sẽ khó khăn hơn.

Trang sức mã não của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô - Ảnh: Pả Lâm
Trang sức mã não của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô - Ảnh: Pả Lâm

Những cung đường đến bản Ra Ró 1, Ra Ró 2, Tân Đi 1, Tân Đi 2 rất đỗi nhọc nhằn bởi cơn mưa rừng buổi sáng đã làm đất đường quấn chặt lốp xe. Tuy khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi tiếp tục đi qua thêm hai bản làng trong rừng núi mờ sương đến Paling, một bản heo hút tận biên giới để “mục sở thị” những vòng mã não và đồng bạc cũ quý giá này. Khi nghe chúng tôi nhắc đến mã não, già làng Côn Mơn tỏ vẻ ngạc nhiên và bảo rằng, nếu muốn mua thì không có đâu, vì nay nó còn rất ít trong bản làng, chỉ người giàu mới có.

Ngược trở lại các bản Tân Đi 1, 2, 3, chúng tôi tiếp xúc với nhiều phụ nữ, nhất là những cụ bà và được nghe những câu chuyện xoay quanh đồ trang sức có vị trí đặc biệt trong đời sống của đồng bào. Nhưng tựu chung về nguồn gốc xuất xứ của mã não đa số từ Lào, Thái Lan, Myanmar và một số nước khác. Trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Trị không hề có xưởng chế tác về mã não, đa phần hàng hóa được du nhập từ nước ngoài vào bản địa. Thời trước đổi trâu, đổi bò mới có được vòng đeo mã não, sau này dùng tiền để mua, mỗi hạt mã não gần cả triệu đồng, cả vòng mã não phải tới chục triệu đồng trở lên nên người có của cải, có tiền mới sở hữu được.

Cụ bà Căn Muôn ở Tân Đi 3, người sở hữu một vòng mã não gia truyền từ đời xưa nhất quyết không đeo vì sợ đánh mất và từ chối cho chúng tôi chụp hình vì nhiều lý do khác nhau. Cụ Căn Muôn cho hay, vòng mã não rất quý và có nhiều tác dụng. So với bạc cũ thì mã não đáng giá hơn rất nhiều. Từ hàng trăm năm nay, thứ bậc trong xã hội được biểu hiện ở mã não, sau này có thêm bạc cũ, ai nhiều mã não và bạc cũ là người giàu có.

Ra đời từ rất sớm, bạc cũ (tức đồng bạc Đông Dương) rất có giá trị trong đời sống đồng bào Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị. Cụ Côn Hươi, bản Ra Ró, xã A Vao, huyện Đakrông chia sẻ rằng, trong vô số vật có giá trị của đồng bào dân tộc thiểu số thì bạc cũ là một trong những tài sản có giá trị lớn của đồng bào. Nó là thước đo cho giá trị trong các việc hệ trọng của gia đình như ma chay, cưới xin, mua chiêng và cũng như dùng để mua trâu, mua bò…

Già làng Côn Nua, thôn A Vao (xã A Vao, huyện Đakrông) tâm sự với chúng tôi rằng: Hồi xưa cái gì cũng dùng bạc để đổi, nó rất có giá trị trong đời sống bản làng. Nhà giàu thường bỏ bạc vào hũ sành, hũ gốm… rồi chôn cất ở một nơi rất kĩ, có thể gần hoặc xa nơi mình sinh sống nên qua chiến tranh, họ đi rồi lại quay về lấy, của cải được rừng giấu, đất giữ cho.

Bạc cũ, bạc nén ngày nay được xem như “gia sản truyền thống” của đồng bào. Nếu có tiền cũng không chắc mua được, vì nó rất hiếm. Cụ Côn Hươi cho biết thêm, xưa bạc cũ là lễ vật không thể thiếu trong dịp cưới xin và nay người Vân Kiều, Pa Kô vẫn muốn duy trì phong tục tập quán này nhưng có tiền cũng khó kiếm ra bạc cũ để mua. Già làng, trưởng bản… rất xem trọng bạc cũ vì trong một số lễ nghi phải có nó để thực hiện nhưng cũng rất khó, không ai muốn mua bán, trao đổi thứ càng ngày càng hiếm như bạc cũ. Người dân bản ở đây có khi đào được bạc cũ dấu từ ngày xưa trong đất, được nhiều thì bán một ít, số còn lại để dùng.

Bạc cũ của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô - Ảnh: Pả Lâm
Bạc cũ của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô - Ảnh: Pả Lâm


Ngót nghét hàng trăm năm, mỗi dòng họ qua chục thế hệ thì bạc cũ vẫn “đứng nguyên vị trí” của mình trong đời sống. Giá trị lớn vẫn là bạc cũ, quý giá vẫn là bạc cũ, hiếm nhất vẫn là bạc cũ… Và có vô vàn lý do để đồng bào muốn sở hữu những thứ quý giá như mã não và bạc cũ, trong đó không chỉ mang giá trị trao đổi mà nó còn có giá trị về sức khỏe, tinh thần và đời sống tâm linh, nhất là dùng để làm trang sức.

Mã não và bạc cũ thường có trong gia đình quyền quý. Đồng bào Vân Kiều, Pa Kô không có sự khác biệt trong phân chia giàu nghèo nhưng nó vẫn có đặc điểm để nhận biết gia đình quyền quý và bình dân. Đầu tiên nó bắt nguồn giữa những người có chức sắc, chức vị trong cộng đồng. Thường già làng, trưởng bản, người có uy tín… là những người có đời sống kinh tế khá giả, cũng vì thế họ sở hữu nhiều hơn những thứ quý giá trong đời sống cộng đồng.

Đàn ông Vân Kiều, Pa Kô hiếm khi dùng mã não và bạc cũ để làm trang sức (trừ những dịp lễ nghi thiết yếu). Nhưng đối với phụ nữ Vân Kiều, Pa Kô, trang sức mã não và bạc cũ quý giá hơn vàng. Già làng Hồ Văn Mừng, thôn Tân Đi 3, xã A Vao cho hay, nếu có mã não và bạc cũ đồng bào phần nhiều sẽ cất đi, chỉ một số ít để làm trang sức như khuyên đeo tai, vòng đeo tay, đeo cổ cho phụ nữ và thường thì phụ nữ có chồng mới có được trang sức này. Vì chồng hoặc con của họ sẽ tặng họ làm trang sức, nó vừa là vật trang trí và có tác dụng bảo vệ sức khỏe.

Ví như bạc cũ thường đem ra làm vật “cạo gió” cho những người ở bản làng khi bị trúng gió độc. Cách làm phổ biến là đồng bào thường lấy đồng bạc cũ cạo nhẹ ở tay, ở lưng cho người bị bệnh và một lúc sau người đó sẽ trở lại bình thường. Hoặc đá mã não có thể chữa dị ứng, trị sốt và bảo vệ chủ nhân của nó như một loại bùa. Già làng Hồ Văn Mừng cho hay, nếu bị sốt dùng mã não đặt lên trán sẽ hạ sốt, đau bụng thì đặt nó lên bụng. Mã não còn có tác dụng lưu thông máu. Về đời sống tâm linh, vòng mã não được xem là bùa hộ mệnh có thể trừ được ma quỷ, trừ tà và những người có ý định làm hại mình.

Với sự trân quý của gia đình, nhất là của chồng, của con, người vợ, người mẹ luôn là đối tượng được người thân bảo vệ. Cũng vì thế, vòng mã não được trao cho những người phụ nữ quan trọng nhất trong gia đình. Ngoài bảo vệ sức khỏe, giá trị trang trí, mã não và bạc cũ giúp chúng ta nhận biết gia thế của người đeo nó, cũng giúp ta thấy được nét đẹp trong đời sống tinh thần của đồng bào. Cùng với trang phục truyền thống của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô, mã não và bạc cũ là những phụ kiện có giá trị vượt trội giúp tôn lên nét đẹp, sự quyền quý của người phụ nữ giữa bản làng. Đó còn là nét đẹp văn hóa không trộn lẫn vào đâu của đồng bào Vân Kiều, Pa Kô trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

Du lịch dịp lễ 30/4 -1/5: Du khách ưu tiên chọn đi đường bộ, nhiều điểm đến kín chỗ

Hoàng Tuyết |

Kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 kéo dài 5 ngày nên nhiều điểm du lịch trên cả nước đang có lượng khách tăng đáng kể. Một số nơi, các dịch vụ du lịch đã kín chỗ nhưng dự kiến lượng khách vẫn sẽ tăng mạnh vào ngày cận lễ.

Nhiều cơ sở lưu trú tại Huế đạt công suất tối đa trong ngày đầu nghỉ lễ 30/4-1/5

Mai Trang |

Kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đang đến gần, nhu cầu khách du lịch đến Cố đô Huế - điểm đến du lịch tiết kiệm nhất Việt Nam tăng cao. Hầu hết các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú của địa phương đã “khóa sổ”, ngừng nhận khách trong các ngày từ 27-29/4, vì công suất đặt phòng đạt tối đa. 

Hơn 6 tỉ đồng chỉnh trang các di tích, thiết chế văn hóa phục vụ Lễ hội Vì Hòa bình 2024

Thanh Hải |

Ngày 25/4, Ban Văn hóa - Xã hội (VH-XH) HĐND tỉnh Quảng Trị làm việc với Sở VH,TT&DL để nghe báo cáo chủ trương đầu tư 5 dự án chỉnh trang các di tích, thiết chế văn hóa quốc gia đặc biệt và các thiết chế văn hóa phục vụ tổ chức Lễ hội Vì Hòa bình 2024. Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy, Trưởng Ban VH-XH HĐND tỉnh Hồ Thị Thu Hằng chủ trì làm việc.

Sẵn sàng đón khách du lịch dịp 30/4 và 1/5

Tú Linh |

Dịp lễ kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và ngày Quốc tế Lao động 1/5 năm nay, người lao động được nghỉ 5 ngày liên tiếp nên dự kiến hoạt động du lịch sẽ khá sôi động với các điểm đến trong và ngoài tỉnh. Nhiều cá nhân, đơn vị hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh đang hết sức khẩn trương chuẩn bị phòng nghỉ, khách sạn, cũng như các đặc sản ẩm thực để phục vụ du khách được chu đáo.