Phát triển bền vững các ngành kinh tế, trong đó có du lịch, việc gìn giữ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, khai thác hiệu quả tài nguyên các địa phương có biển, đảo quan tâm thực hiện.
Nhiều địa phương đã có chiến lược, kế hoạch hành động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, phát triển du lịch gắn với thực hiện các giải pháp giảm thiểu rác thải nhựa.
Vì mục tiêu chung
Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định một trong các dòng sản phẩm chính là du lịch biển, đảo. Cùng với đó là phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường, ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu, đến năm 2030, tất cả các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ khác ven biển sẽ không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.
Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), một điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam, mỗi năm đón khoảng 5,5 triệu lượt du khách. Cùng với ưu thế về tài nguyên du lịch biển đảo, Phú Quốc cũng đứng trước nhiều thách thức liên quan đến phát triển du lịch xanh gắn bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa.
Theo lãnh đạo UBND thành phố Phú Quốc, quyết tâm phát triển các ngành kinh tế trong đó có du lịch theo hướng xanh, bền vững, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2025 cấm hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần tại các khu du lịch, dịch vụ ven biển, các hộ kinh doanh chợ đêm, 80% các khu vực thuộc khu bảo tồn biển Phú Quốc sẽ không còn rác thải nhựa.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF- Việt Nam ) cho biết: WWF - Việt Nam phối hợp với các cơ quan chức năng và thành phố Phú Quốc triển khai Dự án" Phú Quốc hướng tới hòn đảo không còn rác thải nhựa". Trong khuôn khổ dự án đã diễn ra nhiều hoạt động thiết thực như các chương trình truyền thông "Kể câu chuyện xanh - Vòng quanh đảo ngọc" tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp và du khách về bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa; trang bị túi thân thiện môi trường tại các khách sạn, resort cho khách dùng khi đi mua sắm; ra mắt các trạm tập kết xanh thu gom rác thải, góp phần thực hiện mục tiêu gìn giữ môi trường Phú Quốc xanh, sạch, đẹp.
Cùng là điểm đến du lịch biển đảo ấn tượng với nhiều du khách, huyện Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đang thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững, trong đó đưa du lịch tăng trưởng theo hướng xanh, thân thiện môi trường để nơi đây trở thành điểm đến chất lượng cao. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành Đề án "Nghiên cứu và ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững huyện Côn Đảo, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030". Theo đó, nhiều hoạt động đang được triển khai tại Côn Đảo như tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho người dân và du khách, tập huấn phân loại rác tại nguồn, Hội du lịch huyện, các hãng vận tải ký cam kết thực hành giảm nhựa trong hoạt động dịch vụ...
UBND huyện Côn Đảo phối hợp với Tổ chức WWF - Việt Nam phát hành hàng trăm sổ tay hướng dẫn phân loại rác thải và túi làm từ vải tái chế, chống thấm nước đến các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch. Đồng thời vận động du khách thực hiện "Giỏ đồ lễ xanh" giảm lượng rác thải nhựa và túi nilon phát sinh. Trung tâm Bảo tồn di tích quốc gia Côn Đảo thực hiện mô hình "Nói không với túi nilon tại Nghĩa trang Hàng Dương". Ban Quản lý Vườn Quốc gia Côn Đảo tổ chức nhiều đợt thu gom rác thải, xử lý rác thải đại dương trên các tuyến, điểm du lịch sinh thái, bãi biển...
Hành động thiết thực
Để thành công trong phát triển du lịch biển xanh gắn với bảo vệ môi trường bền vững không thể chỉ dừng lại ở tuyên truyền, mô hình thí điểm, mà cần có sự tự giác, kiên trì thực hiện của từng người dân, du khách, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua các việc làm cụ thể, thiết thực.
Ông Võ Thanh Mỹ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu cho hay: Hiệp hội tăng cường tuyên truyền, quán triệt đến cộng đồng doanh nghiệp du lịch tích cực áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn ở Côn Đảo, giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong hoạt động du lịch, dịch vụ. Hiện, rất nhiều cơ sở lưu trú, cung ứng dịch vụ tại Côn Đảo đã tích cực thực hiện phân loại rác tại nguồn, giảm dần sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần.
Đại diện khách sạn Nicobar Côn Đảo cho hay: Đơn vị giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần trong quá trình cung ứng nhiều dịch vụ đến du khách, thay thế chai nước nhựa bằng chai thủy tinh với số lượng khoảng 100 chai mỗi ngày, phục vụ du khách các chai dầu gội, sữa tắm đựng trong chai thủy tinh nhỏ, sử dụng được nhiều lần. Tương tự, khách sạn The Secret Côn Đảo sử dụng hệ thống lọc nước R.O, cung cấp nước cho du khách với chai đựng thủy tinh thay thế chai nhựa, sử dụng túi đựng rác thân thiện môi trường dễ phân hủy. Khách sạn này còn đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời có công suất thiết kế 65Kw/giờ, giúp tiết kiệm lượng điện tiêu thụ. Khu nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo đặt mục tiêu "không rác thải nhựa", trang bị hệ thống lọc nước để sản xuất nước uống, tránh sử dụng chai nhựa dùng một lần...
Từ góc độ du khách, chị Đặng Thu Hiên (phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: "Côn Đảo là điểm đến du lịch tâm linh quen thuộc với chị và nhiều người. Mới đây, trở lại Côn Đảo, chị rất đồng tình khi được vận động sử dụng các "Giỏ lễ xanh" (giỏ lễ không có sản phẩm nhựa dùng một lần, không túi nilon, không hàng mã, không có các nguyên liệu khó phân hủy như mút, xốp...) khi đến tham quan, dâng hương tại các di tích lịch sử. Đây chỉ là việc làm rất nhỏ nhưng nếu từng du khách tự giác thực hiện, sẽ góp phần gìn giữ môi trường trước mắt và lâu dài cho Côn Đảo - điểm đến du lịch, hành hương linh thiêng của đất nước".
(Nguồn: TTXVN)