Tấm gương nhân kiệt Bùi Dục Tài

Phạm Xuân Dũng |

Từ xưa đến nay, Hải Lăng là một vùng quê địa linh nhân kiệt, nhiều người học hành đỗ đạt, đóng góp đáng kể cho quê hương đất nước. Nhưng nói gì thì nói, vai trò, vị trí của những người tiên phong thì không thể bỏ qua, bởi đó chính là những cột mốc trên hành trình phát triển. Với ý nghĩa đó thì nhất thiết phải nói đến tên tuổi của ông nghè khai khoa xứ Đàng Trong Bùi Dục Tài (1477-1518).

Tuổi nhỏ mà chí lớn

Từ thế kỷ XIV, tổ phụ họ Bùi quê ở thôn Đông Nhi, huyện Vọng Dinh thuộc tỉnh Nam Định theo vua Trần đi bình Chiêm ở phương Nam. Vì bị bệnh nên phải dừng ở trung đô Thanh Hóa. Được 3 đời. Đến đời thứ tư là ông Bùi Trành bởi có chuyện người trong làng đố kỵ nên nhân vua chiêu mộ dân mở cõi vào xứ Ô Châu nên ông cũng quyết đến đất mới lập nghiệp. Và miền quê đó được ông đặt tên là Câu Lãm, sau vì muốn lưu gốc tích nên đổi thành Câu Nhi, xã Hải Tân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị (Nhi trong Đông Nhi, quê gốc).

Bố ông là Bùi Sĩ Phường tuy làm xã trưởng nhưng gia cảnh thanh bần nên mãi đến năm 13 tuổi, Bùi Dục Tài vẫn chưa được đi học. Một hôm, thấy quan huyện về làng thu thuế mà thái độ hoạnh họe, hách dịch, Bùi Dục Tài có ý không bằng lòng nên hỏi cha và được trả lời: Vì ông ấy học giỏi đỗ đạt được phong làm quan huyện nên quyền thế sai khiến trong vùng”. Nghe vậy, Bùi Dục Tài có ý không phục bèn nói: “Tưởng ông ấy có biệt tài chi chớ lấy văn chương thì con làm cũng được”. Nghe khẩu khí của con tuy tuổi nhỏ mà có chí lớn, ông Bùi Sĩ Phường bèn cố gắng dốc lòng cho con theo đuổi nghiệp đèn sách.

Xin nói thêm rằng cả một nền học vấn thời kỳ phong kiến đều đặt chuyện làm quan là trọng nhất. Mô thức: Đi học-thi đỗ-làm quan đã hầu như trở thành mẫu số chung của muôn vàn sĩ tử cả ngàn năm. Vì thế, thời cận đại một học giả nước ngoài khi nắm rõtình hình thực tế ở nước ta mới có câu nhận xét sâu sắc: “Trong bụng mỗi người An Nam đều có một ông quan”. Nghĩa là mục đích cao nhất của sự học là cốt để làm quan. Nhắc lại chuyện này và nhấn mạnh để thấy rằng Bùi Dục Tài ngay từ thuở nhỏ, ngay từ khi chưa đi học đã có một suy nghĩ hết sức đổi mới và tiến bộ, thậm chí táo bạo, theo đó học là để làm người, học để phụng sự đất nước, nhân quần. Chính lý tưởng đó đã hun đúc nên tài đức một Bùi Dục Tài trở thành danh nhân mở đầu cho đạo học xứ Đàng Trong.

Đèn sách suốt 12 năm ròng rã, trải qua 3 kỳ thi Hương, thi Hội, thi Đình. Kỳ thi cuối ra tận Kinh đô Thăng Long so tài những người học giỏi nhất trong cả nước. Vậy mà ngày xướng danh ghi vào bảng vàng năm 1501 có tên Bùi Dục Tài 25 tuổi, đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ, được vua ban thưởng, áo mũ vinh quy bái tổ, được khắc tên vào bia đá Văn Miếu-Quốc Tử Giám-Thăng Long. Từ giờ phút ấy, ông trở thành tiến sĩ khai khoa xứ Đàng Trong cho suốt hơn 400 năm sau đó.

Sự nghiệp giáo dục của một nửa nước phía Nam được bắt đầu từ mốc son chói lọi Bùi Dục Tài. Một tiến sĩ, danh sĩ đời sau là Dương Văn An đã bình luận sự kiện này trong tác phẩm nổi tiếng để đời là “Ô Châu cận lục” như sau: “Đặng Tất thắng trận Bô Cô quân uy lừng lẫy, Bùi Dục Tài đỗ Tiến sĩ khai khoa cho một địa phương danh tiếng tuyệt vời...Cái tài văn chương chính sự của Bùi Dục Tài thật là người giỏi của cả nước chứ không phải là người giỏi của xứ Ô Châu”.

Ông làm quan trung chính, liêm minh, sử cũ ghi lại vắn tắt: “Ông nổi tiếng văn học, làm quan trải các chức Hàn lâm Hiệu lý (1502). Tham chính đạo Thanh Hoa. Năm Hồng Thuận I, đời Lê Tương Dực (1509) ông được thăng chức Lại bộ Tả Thị Lang. Dưới thời Lê Chiêu Tông, niên hiệu Quang Thiệu (1522), ông giữ chức Tham tướng. Khi trở về kinh lý ở xứ Thuận Hóa bị gian đảng sát hại”.

Nơi ông bị giết hại là bàu đá làng Cẩm Thạch, nay thuộc xã Thanh An, huyện Cam Lộ, gần Ngã Tư Sòng. Dân làng Cẩm Thạch đã dựng miếu thờ ông. Ghi nhận một danh thần trung nghĩa, vua Lê Chiêu Tông truy tặng ông Lễ Bộ thượng thư. Dân làng Câu Nhi đã đưa thi hài của ông về an táng.

Bùi Dục Tài và chiếc gậy đánh Tần, Sở

Văn tài nức tiếng nhưng đáng tiếc tác phẩm chỉ lưu lại là bài “Biện luận về việc làm ra chiếc gậy đánh Tần, Sở” viết chung với bạn đồng khoa là Hạ Ngọc Chúc theo yêu cầu của vua Lê Hiến Tông. Cũng bởi lúc này tuy chưa có nạn xâm lăng nhưng ám ảnh từ họa phương Bắc vẫn cứ khiến nhà vua lo lắng. Chuyện bài văn lấy từ sách Mạnh Tử khi Lương Huệ Vương hỏi về chuyện làm sao để tránh họa thôn tính từ hai nước lớn Tần, Sở? Bài văn đã thể hiện sâu sắc tư tưởng lấy nhân nghĩa làm đầu và khoan thư sức dân làm trọng.

Đó là đạo trị quốc, an dân chân chính của các bậc quân vương, ngăn ngừa được họa xâm lăng đồng thời thu phục được lòng người trong thiên hạ. Tác giả luận bàn chí tình chí lý: “Vững nước phải đâu do thành trì kiên cố, khoan dân đâu phải do hào lũy vững bền, đè thiên hạ đâu phải do giáo gươm thừa thãi. Người có đạo thì đông người phù trợ, kẻ vô đạo thì ít ai ngó tới. Đông người phù trợ thì thiên hạ thuận theo, ít ai ngó tới thì thân thích cũng bội phản. Đem người mà thiên hạ thuận theo đánh kẻ mà thiên hạ bội phản, không đánh thì thôi, đánh là tất thắng...”

Ngày nay chỉ tính riêng trên quê hương Quảng Trị, Bùi Dục Tài đã và đang được tôn vinh xứng đáng, nhiều nơi có đường phố, trường học mang tên ông; có cả giải thưởng khuyến học mang tên Bùi Dục Tài. Và bài học đi học để làm người, đỗ đạt làm quan để cống hiến cho dân cho nước, đạo làm vua phải trị quốc an dân, xây dựng non sông thái bình thịnh trị vẫn còn thời sự cho đến ngày nay và cả muôn đời sau nữa.

Nguồn tin: Báo Quảng Trị

Phát triển các làng nghề truyền thống ở Hải Lăng

Trần Tuyền |

Huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị với bề dày lịch sử văn hóa, là nơi lưu giữ nhiều giá trị truyền thống quý báu. Trong đó, các nghề, làng truyền thống góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông thôn. Vì vậy, thời gian qua huyện Hải Lăng đã quan tâm bảo tồn, phát triển các làng nghề trên địa bàn.

Hải Lăng, phát triển toàn diện phong trào thể dục-thể thao

Nhơn Bốn |

Những năm qua, phong trào thể dục-thể thao (TDTT) trên địa bàn huyện Hải Lăng ngày càng phát triển sâu rộng, mạnh mẽ, thu hút nhiều tầng lớp, lứa tuổi tham gia, có nhiều đóng góp vào thể thao thành tích cao của tỉnh. Việc duy trì, phát triển phong trào TDTT trên địa bàn huyện Hải Lăng không chỉ là nét đẹp văn hóa, truyền thống, rèn luyện, nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống của Nhân dân mà còn góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hải Lăng chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa

Lê Trường |

Là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử với kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, thời gian qua, bằng nhiều giải pháp đồng bộ và xuyên suốt, huyện Hải Lăng đã làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống.