Tết ở chùa

Nguyễn Vinh |

Ở tỉnh Quảng Trị, ngay từ xa xưa rất nhiều làng xã đã xây dựng chùa không chỉ làm nơi thờ Phật, nơi dành riêng cho các thiện nam, tín nữ phật tử sinh hoạt tâm linh, hướng thiện mà còn là nơi thờ cúng tiên hiền, hậu thánh, tiền hậu khai khẩn, khai canh, chư vị thủy tổ các họ tộc, vong linh không có người phụng thờ và là trung tâm văn hóa của các thành viên trong làng. Nơi đây vào ngày Tết luôn tấp nập người đi lễ đầu năm.

Tết Nguyên đán - Tết cổ truyền của người Việt Nam có ý nghĩa rất thiêng liêng. Hai chữ “nguyên đán” là một danh từ chữ Hán, theo sách cổ, sau thời nguyên thủy người ta đã biết định ra thế nào là một năm, thì lấy ngày thứ nhất của một năm gọi là nguyên đán. “Nguyên” nghĩa là đầu, “đán” nghĩa là buổi sớm, “nguyên đán” là buổi sớm đầu năm.

Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng phân tích trong cuốn “Tập tục đời người”, người Việt sử dụng nông lịch hay lịch âm được tính theo vòng quay của mặt trăng xung quanh Trái đất, nhưng cũng tính được 24 tiết khí của Trái đất với mặt trời, với 4 điểm gốc Xuân phân, Thu phân, Đông chí, Hạ chí. Tết bắt đầu từ ngày đầu tiên của tháng Giêng, khởi đầu của một năm mới, cũng là khởi đầu của một chu kỳ canh tác mới.

Cổng vào chùa Sắc tứ Tịnh Quang- Ảnh: N.V
Cổng vào chùa Sắc tứ Tịnh Quang- Ảnh: N.V

Trong bài viết “Tiếp cận Phật giáo vùng Quảng Trị từ những ngôi chùa cổ” của tác giả Lê Đức Thọ đăng trên ấn phẩm Liễu Quán năm 2018 của Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán - Huế, đến thế kỷ thứ XVIII, Phật giáo đã hội tụ ở mảnh đất Quảng Trị với 2 dòng chính, đó là Phật giáo dân gian Đại Việt với các yếu tố bản địa từ đất Bắc truyền vào kể từ thế kỷ thứ XIV- XV và Phật giáo Trung Hoa với các dòng thiền như Tế Lâm, Tào Động.

Cũng trong thời kỳ này, các Chúa Nguyễn đã sử dụng Phật giáo như một phương sách cố kết nhân tâm, hòa điệu tinh thần, đoàn kết cộng đồng, góp phần thúc đẩy sự phát triển toàn diện của xứ Đàng Trong lúc bấy giờ. Vì thế, ở khắp các làng xã vùng Quảng Trị, người dân đã tích cực đóng góp nhân lực, vật lực để xây dựng cơ sở thờ tự và sinh hoạt Phật giáo theo dạng thức chùa làng: tiền thờ Phật, hậu thờ thần.

Khi nói về những hoạt động lễ nghi của chùa Sắc tứ Tịnh Quang, thị trấn Ái Tử trong những ngày Tết, thầy Thiện Tư, Trị sự ngôi chùa này chia sẻ, ngôi chùa có từ thời xa xưa đã trở thành nơi sinh hoạt tín ngưỡng không chỉ của phật tử mà còn của rất nhiều người dân trong vùng. Ngay sau thời khắc giao thừa chuyển từ năm cũ sang năm mới, hàng nghìn người dân đổ về ngôi chùa cổ này để bái Phật, cầu mong một năm mới an lành, thành công.

Sau khi chiêm bái Đức Phật và làm một số nghi thức lễ chùa, người dân về nhà đi thăm ông bà, thắp hương cho tổ tiên và du xuân trong những ngày Tết. Và cũng trong dịp tết Nguyên đán, chùa Sắc tứ Tịnh Quang tổ chức lễ cầu an, lễ chúc tán, cúng ngọ, cúng Phật đầu năm cùng một số nghi thức lễ nhà chùa một cách trang nghiêm, thành kính cầu cho quốc thái, dân an, mọi nhà no ấm, hạnh phúc.

Nhà chùa không khuyến khích người dân đốt vàng mã, mê tín dị đoan, không bẻ cành cây làm lộc đầu năm để bảo vệ cảnh quan, môi trường cũng như không xin xăm, đoán vận may rủi xảy ra trong năm. Tết Nguyên đán năm nay cũng vậy, các lễ nghi truyền thống sẽ được nhà chùa tổ chức trang nghiêm, thành kính để góp phần xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở địa phương. Nhà chùa dành một vị trí trang trọng để đặt những cuốn sách về Phật giáo nhằm phục vụ người dân đến tìm hiểu và được nhà chùa tặng mang về nghiên cứu, tham khảo.

Chị Dương Thị Hiền, quê ở huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cho biết, đã từ lâu biết đến ngôi chùa này nhưng tết Nguyên đán vừa rồi mới có dịp vào chiêm bái Đức Phật. Ngôi chùa rất đẹp, kiến trúc chùa cổ xưa, được thiết kế nhiều mái, hoa văn mềm mại trang nghiêm, không gian rộng và rất sạch sẽ.

Bước vào chùa, chị cảm thấy tinh thần thanh thản, nhẹ nhàng và cảm nhận được sự may mắn trong một năm mới sẽ đến với bản thân cùng người thân của mình. Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm nay, điểm đầu tiên trong chuyến du xuân của gia đình chị sẽ là chùa Sắc tứ Tịnh Quang và nhiều ngôi chùa cổ khác ở tỉnh Quảng Trị.

Theo các nhà nghiên cứu Phật giáo, Quảng Trị không chỉ là địa bàn có nhiều ngôi cổ tự có niên đại sớm nhất tại vùng Thuận Hóa, là nơi lưu dấu bước chân các vị tổ sư trong buổi đầu hoằng đạo tại Đàng Trong, mà từ bao thế kỷ qua, Quảng Trị luôn được xem là miền đất Phật, là nơi lưu xuất biết bao vị cao tăng đức hạnh, phụng hiển trọn đời cho sứ mệnh hoằng pháp lợi sanh, có những đóng góp quan trọng và tác động đáng kể đến sự xưng minh của lịch sử Phật giáo Việt Nam thời cận hiện đại. Trong số những ngôi chùa cổ xưa nhất ở Quảng Trị có chùa Sắc tứ Tịnh Quang (Tổ đình Sắc tứ Tịnh Quang), chùa Sắc tứ Giác Minh, huyện Triệu Phong, chùa Hoan Sơn, huyện Hải Lăng...

Một hoạt động lễ nghi ở chùa Sắc tứ Tịnh Quang - Ảnh: N.V
Một hoạt động lễ nghi ở chùa Sắc tứ Tịnh Quang - Ảnh: N.V

Phó Trưởng Ban Tôn giáo, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị Đặng Quốc Tiến chia sẻ, hằng năm nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân trong dịp Tết, chức sắc, chức việc trụ trì, trú xứ tại các chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường đã tổ chức nhiều nghi lễ Phật giáo truyền thống như lễ cầu an, lễ vía Đức Phật Di Lặc cầu cho quốc thái, dân an, tri ân các bậc tiền bối có công với non sông đất nước và Phật giáo.

Cùng với đó, đồng bào phật tử và người dân đi lễ chùa đầu năm, đi lễ Phật tại các cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh khá đông, đặc biệt tại chùa Sắc tứ Tịnh Quang (thị trấn Ái Tử), chùa Cam Lộ (thị trấn Cam Lộ), chùa Long An (xã Triệu Thượng), chùa Diên Thọ (thị trấn Diên Sanh), chùa Phước Bảo (thị trấn Lao Bảo)...

Ngoài sinh hoạt tín ngưỡng, hằng năm, nhất là trong dịp tết Nguyên đán, các tổ chức Phật giáo trên địa bàn tỉnh phát huy tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” vận động tổ chức, cá nhân chung tay chăm lo Tết cho người nghèo, người già cả, neo đơn, đau ốm bằng các phần quà và tiền mặt với tổng giá trị khá lớn, có năm lên đến hàng chục tỉ đồng, giúp người có hoàn cảnh khó khăn đón Tết sum vầy, ấm áp.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Giữ gìn phong tục dựng nêu đón Tết

Nhơn Bốn |

Dựng cây nêu trong những ngày Tết cổ truyền không chỉ là phong tục tín ngưỡng dân gian mà còn mang triết lý âm dương với những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Có lẽ chính vì thế mà những năm gần đây, ngày càng có nhiều làng quê, người dân trên địa bàn tỉnh thực hiện dựng nêu đón Tết cổ truyền để lưu giữ và phát triển bản sắc văn hóa mà cha ông để lại.

Tăng thu nhập trong dịp Tết từ sản phẩm đặc trưng

Kô Kăn Sương |

Những ngày cận tết Nguyên Đán, chị Hồ Thị Họa My, người Pa Kô ở thị trấn Krông Klang bận rộn chế biến các mặt hàng được xem là “độc quyền” ở huyện Đakrông. Đó là các sản phẩm như thịt bò, thịt trâu, thịt lợn bản gác bếp, muối ớt, cheo cá, rượu cần, rượu nếp than, rượu men lá...với những vị rất riêng, thơm ngon mà khi thưởng thức thực khách sẽ khó quên.

Rộn ràng làm mứt, bánh đón Tết

Trà Thiết - Trúc Phương |

Trong những ngày này, ở nhiều vùng quê tỉnh Quảng Trị, người dân rộn ràng làm mứt, bánh đón tết Ất Tỵ 2025.

“Phiên chợ Tết 0 đồng” - hoạt động ý nghĩa của Hội LHPN thành phố Đông Hà

Thanh Tuyền |

Phát huy truyền thống “tương thân, tương ái”, nhằm góp phần hỗ trợ, động viên hội viên phụ nữ nghèo và trẻ em mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đón tết Ất Tỵ ấm áp, phấn khởi, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Đông Hà vừa tổ chức “Phiên chợ Tết 0 đồng”, một hoạt động mang nhiều ý nghĩa khi Tết đến xuân về.