Thành phố Huế: Tạo bứt phá trong năm 2023

Thái Hùng |

Năm 2022 vừa qua, TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) trong bối cảnh cơ hội và thách thức đan xen. Song, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, 12/12 chỉ tiêu đều đạt và vượt, tạo cơ hội để tiếp tục bứt phá trong năm 2023, là đô thị trung tâm đưa toàn tỉnh sớm trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị...


12/12 chỉ tiêu đều đạt và vượt

Từ tháng 3/2022, dịch COVID- 19 cơ bản đã được kiểm soát, ngành du lịch thành phố đã khôi phục các hoạt động dịch vụ, tour tuyến; phố đi bộ hoạt động trở lại, phố đêm Hoàng Thành khai trương... nên lượng khách du lịch đến Huế tăng mạnh. Tổng lượt khách đến Huế năm 2022 đạt 1,8 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt 1,2 triệu lượt khách, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ; tổng ngày khách đạt 1,4 triệu ngày, tăng gấp 2,2 lần so với năm trước; doanh thu du lịch đạt hơn 1.600 tỷ đồng, tăng 13,3% so với năm 2021. Hoạt động thương mại- dịch vụ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, sức mua của người dân cũng như du khách có mức tăng đáng kể, đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt 46.132 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ.

Đô thị Huế thường xuyên được chỉnh trang theo hướng văn minh, hiện đại, khang trang, thân thiện môi trường
Đô thị Huế thường xuyên được chỉnh trang theo hướng văn minh, hiện đại, khang trang, thân thiện môi trường

Hoạt động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn có sự phục hồi, tăng trưởng khá; các mặt hàng có sản lượng lớn như sản xuất chế biến thực phẩm đặc sản, may và gia công trang phục tiếp tục duy trì. Hoạt động xuất khẩu tăng trưởng cao, tổng trị giá xuất khẩu năm 2022 ước đạt 180 triệu USD. Ngoài ra, dự án (DA) tạo lập, bảo hộ và quảng bá nhãn hiệu tập thể “Hương trầm Huế” cho sản phẩm hương trầm Thuỷ Xuân Huế; tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Áo dài Huế” cho sản phẩm áo dài tỉnh tiếp tục triển khai trong năm 2022 tạo cơ hội để phát triển du lịch, dịch vụ.

Trong năm, Thành phố đã hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh, xúc tiến đầu tư. Tính đến nay, đã có 44 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 trình UBND tỉnh xem xét thống nhất, trong đó 2 dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, 6 dự án hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư, 36 dự án còn lại đang khẩn trương rà soát điều chỉnh quy hoạch, hoàn thiện phương án giá, đo đạc lập hồ sơ địa chỉnh, hoàn thiện bản vẽ mặt bằng.

Để hoàn thiện hạ tầng đô thị trung tâm và các phường, xã mới sáp nhập, năm 2022 thành phố tập trung tháo gở các khó khăn vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng, các thủ tục đầu tư, quyết tâm hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022. Các chương trình, dự án trọng điểm trong năm gồm đền bù giải tỏa Khu vực I di tích kinh Thành Huế, cải thiện môi trường nước, nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu và 7 dự án chỉnh trang đô thị thuộc Khu B An Vân Dương, đầu tư kết nối hạ tầng với khu vực TP. Huế mở rộng đã triển khai và hoàn thành đúng tiến độ. Theo đó, kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của thành phố là 754,6 tỷ đồng, trong đó HĐND thành phố giao đầu năm 216,8 tỷ đồng; nguồn vốn năm trước chuyển sang, nguồn tài trợ, nguồn tỉnh bổ sung có mục tiêu trong năm 537,8 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân vốn xây dựng cơ bản năm 2022 đạt 620,18 tỷ đồng, đạt 82,18%.

Công tác trật tự đô thị (TTĐT) - trật tự xây dựng được tăng cường. Trong năm, các đơn vị, địa phương đã tổ chức ra quân lập lại tình hình TTĐT, kiên quyết xử lý các trường hợp lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh, buôn bán, để xe không đúng nơi quy định cũng như các trường hợp để vật liệu, rác thải xây dựng trên vỉa hè… và đã xử lý gần 300 trường hợp vi phạm góp phần đảm bảo TTĐT, an toàn giao thông trên địa bàn. Trong hoạt động xây dựng, đã tiến hành kiểm tra, xử lý 1.205 trường hợp, xử phạt hơn 7 tỷ đồng.

Phố đêm Hoàng Thành Huế là một trong những điểm nhấn độc đáo, hấp dẫn trong bức tranh du lịch Huế về đêm, mang lại nhiều giá trị cho người dân và du khách thụ hưởng - Ảnh: Laodong.vn
Phố đêm Hoàng Thành Huế là một trong những điểm nhấn độc đáo, hấp dẫn trong bức tranh du lịch Huế về đêm, mang lại nhiều giá trị cho người dân và du khách thụ hưởng - Ảnh: Laodong.vn

Bứt phá trong năm 2023

Năm 2023, TP. Huế thúc đẩy hơn nữa việc phát triển du lịch gắn với phát huy giá trị di sản, văn hóa, khai thác hiệu quả các dư địa tiềm năng; ưu tiên phát triển các ngành kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao, trọng tâm là thương mại- dịch vụ. Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại, phát triển đô thị thông minh, bền vững, đô thị xanh góp phần tạo động lực cùng tỉnh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương. Nhiệm vụ quan trọng nữa là đẩy mạnh việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện chuyển đổi số hướng tới xây dựng chính quyền điện tử; tiếp tục giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội; không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục- đào tạo, y tế, văn hóa.

Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất tăng 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.050 USD, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn tăng 10- 12%, thu ngân sách nhà nước tăng 12% so với dự toán... Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục triển khai 6 chương trình trọng điểm, gồm chương trình đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; phát triển du lịch, dịch vụ, trọng tâm là phát triển kinh tế tư nhân; di dời các hộ dân trong khu vực I Kinh thành Huế; nâng cấp các xã lên phường... Đồng thời, huy động mọi nguồn lực để triển khai 9 DA trọng điểm, gồm DA di dời dân cư khu vực I Kinh thành Huế; đền bù giải phóng mặt bằng các DA: Green City, tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh và cầu qua cửa Thuận An, cải thiện môi trường nước; DA đầu tư hạ tầng kỹ thuật cụm Công nghiệp An Hòa giai đoạn 9 và 10; nâng cấp mở rộng đường Bà Triệu...

Theo Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật, để thực hiện các chỉ tiêu trên, năm 2023 thành phố tập trung nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, xứng tầm là ngành kinh tế mũi nhọn; đa dạng hóa các loại hình sản phẩm du lịch, dịch vụ, đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm, khai thác tiềm năng du lịch biển, đầm phá, rừng. Đồng thời, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh và nâng cao giá trị đối với các sản phẩm có lợi thế, bảo tồn và phát huy nghề và làng nghề truyền thống phục vụ du lịch.

Nhiệm vụ quan trọng nữa là triển khai các giải pháp kích cầu du lịch, đào tạo, nâng cao tay nghề đối với đội ngũ người lao động; tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, tìm kiếm các sản phẩm dịch vụ mới phục vụ du lịch, đa dạng hóa thị trường, cơ cấu lại nguồn khách. Tiếp tục thực hiện tốt đề án Phố đêm Hoàng Thành; tổ chức, quản lý tốt các Phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu; tổ chức hình thành và đưa vào hoạt động phố đi bộ Hai Bà Trưng, tiếp tục xây dựng các tuyến phố văn minh thương mại, khai thác hiệu quả tuyến đường đi bộ bờ nam sông Hương kết hợp tuyến đường đi bộ bờ bắc sông Hương, trong đó chú trọng hoàn thiện các dịch vụ du lịch, giao thông tĩnh tạo điểm nhấn phục vụ du khách và người dân.

Thành phố di sản

Theo lãnh đạo tỉnh và thành phố, Huế tương lai sẽ là một thành phố hài hòa với môi trường, có cảnh quan thiên nhiên đồng bộ với quần thể di sản Cố đô. Đặc biệt là sự phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa bảo tồn và phát triển, giữa cái cũ và cái mới. Tất cả những vấn đề ấy cho thấy, việc phát triển đô thị cần được cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo định hướng phát triển Huế là đô thị di sản trong tương lai.

Thành phố Huế sẽ có thêm phố đi bộ với các thiết chế dịch vụ, vui chơi, giải trí hấp dẫn - Ảnh: Dự án chỉnh trang đường Hai Bà Trưng vừa cơ bản hoàn thành các hạng mục
Thành phố Huế sẽ có thêm phố đi bộ với các thiết chế dịch vụ, vui chơi, giải trí hấp dẫn - Ảnh: Dự án chỉnh trang đường Hai Bà Trưng vừa cơ bản hoàn thành các hạng mục

Mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành đô thị trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đạt mức cao.

Đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hoá, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

(Nguồn: Cổng TTĐT TP. Huế)

TAGS

Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên hơn 4.000 đồng/lít

An Ly |

Mới đây, cơ quan quản lý đã đề xuất sửa khung thuế bảo vệ môi trường với xăng theo hướng giữ mức thuế tối thiểu hiện hành là 1.000 đồng/lít và tăng mức thuế tối đa lên hơn 4.000 đồng/lít.

Đề xuất giảm bậc tính thuế với người làm công ăn lương

Thanh Mai |

Dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 xem xét giảm bậc tính thuế với người làm công ăn lương từ 7 xuống 5.

Sắc màu bánh in Huế

Hà Nguyên - Bảo Phú |

Những ngày giáp tết, làng bánh in ở Quảng Thành (Quảng Điền) lại rộn ràng chạy đua với thời gian để kịp bánh cho dịp Tết Nguyên đán 2023.

Ngắm Hoàng mai Huế hội tụ về Công viên Thương Bạc

Đức Quang |

Chính thức trưng bày, triển lãm từ ngày 9/1, song đến ngày 11/1, 320 tác phẩm Hoàng mai tham gia trưng bày mới hội tụ đầy đủ về Công viên Thương Bạc, bên dòng sông Hương thơ mộng.