Quảng Trị là vùng đất với nhiều di tích lịch sử văn hoá (562 di sản văn hóa vật thể và 342 di sản văn hóa phi vật thể) trong đó có 4 cụm di tích đặc biệt cấp quốc gia, 20 di tích lịch sử cấp quốc gia và 10 bảo vật quốc gia. Trong thời đại số hiện nay, việc xây dựng Ngân hàng số di sản văn hóa với các dữ liệu bản đồ hình ảnh và video clip 2D/3D, các tour tham quan ảo sẽ thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Trị và đưa di sản đến gần với du khách hơn...
Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn cần tích cực đổi mới trong thời đại công nghệ số, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và giảm thiểu những tác động tiêu cực của làn sóng này ở Việt Nam, trong đó nêu rõ: Du lịch là một trong những ngành kinh tế được ưu tiên xây dựng chiến lược chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy du lịch thông minh ở Việt Nam…Trong Quy hoạch Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050 trong các ngành trọng điểm thì Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hình thành thương hiệu du lịch Quảng Trị trên cơ sở khai thác, phát huy lợi thế về sinh thái, văn hoá, biển đảo, giá trị biểu tượng về sự hồi sinh mạnh mẽ từ đổ nát do chiến tranh tàn phá, ký ức chiến tranh - khát vọng Hòa bình… và kết nối liên vùng trong hệ thống du lịch di sản miền Trung, cùng các hành lang kinh tế quốc gia, quốc tế. Để thúc đẩy chuyển đổi số trong Ngành Du lịch đáp ứng những yêu cầu đặt ra, nhiều nghiên cứu được ứng dụng tại Quảng Trị như: Ứng dụng công nghệ GIS xây dựng hệ thống thông tin di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị. Xây dựng hệ thống thông tin di tích Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 bằng công nghệ GIS, 3D; Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu số về di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, góp phần hỗ trợ phát triển du lịch Quảng Trị,…
Để xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) phục vụ chuyển đổi số trong Ngành Du lịch tại Quảng Trị, các cơ sở dữ liệu cần phải có như CSDL không gian (bản đồ), phi không gian (các tài liệu, sử liệu nghiên cứu về di tích; tư liệu ảnh, phim tài liệu kể cả một số tư liệu số với mô hình 3D) được thực hiện bằng cách sử dụng các kỹ thuật hiện đại như: GPS (Global Positioning System - Định vị toàn cầu), thiết bị Go Pro, UAV (Unmanned Aerial Vehicle - Máy bay không người lái), máy ảnh kỹ thuật số EOS (DSL) để thu thập dữ liệu không gian; sử dụng phần mềm ArcGIS Desktop (là phần mềm xử lý CSDL - GIS (Geography Information System) của hãng ESRI) để xây dựng và cập nhật dữ liệu không gian được định dạng chuẩn theo hệ tọa độ quốc gia VN2000, UTM và xây dựng các bản đồ trực tuyến. Bên cạnh đó, xây dựng dữ liệu 3D với các kỹ thuật sử dụng từ UAV, 3D Laser Scanning (quét laser 3D) nhằm xây dựng bộ ảnh 3D từ đó giúp cho việc tạo ra kho dữ liệu 3D để hỗ trợ xây dựng các mô hình thực tế ảo (VR-360) hoặc thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality-AR) nhằm tạo tính năng trực quan, sinh động cho việc hỗ trợ du lịch thông minh.
Nói đến công nghệ 3D Laser Scanning, đây là một kỹ thuật tạo ra các dữ liệu 3D ngoài cách thức sử dụng công nghệ xử lý dữ liệu từ UAV/hình ảnh; kỹ thuật ghi nhận đo đạc đa chiều để thể hiện các đối tượng trong thực tiễn dưới dạng kỹ thuật số và mô tả mối quan hệ không gian giữa các đối tượng với nhau bằng cách sử dụng các tia quét laser. Từ đó xây dựng dữ liệu 3D (ảnh và video) với các đoạn phim ngắn được tạo ra từ hình ảnh 3 chiều tại các di tích lịch sử, văn hóa kiến trúc nghệ thuật… Đối với mô hình VR-360, tour du lịch ảo thì đây là tương lai của du lịch nhờ vào công nghệ VR, một khái niệm hoàn toàn mới đã được định hình trên thế giới. Du lịch thực tế ảo ra đời dựa trên nền tảng công nghệ không gian 3D số hóa hiện đại, vì vậy khi áp dụng thực tế vào du lịch sẽ giúp du khách có những trải nghiệm sinh động hơn khi đến với Quảng Trị. Cùng với Cụm di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972 với 18 điểm di tích thành phần và các thông tin từng điểm (mô tả, hình ảnh, bản đồ chỉ dẫn) tạo ra tour tham quan thực tế ảo hấp dẫn và lôi cuốn du khách khi tham quan khám phá mọi nơi mọi lúc và ngay tại di tích.
Thông qua phần mềm ArcGIS online xây dựng Ngân hàng số di sản văn hóa, tạo dựng bộ CSDL số trên nền tảng GIS như: các điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội, các cụm di tích đặc biệt cấp quốc gia (Di tích Thành cổ Quảng Trị và những địa điểm lưu niệm sự kiện 81 ngày đêm năm 1972, Địa đạo Vịnh Mốc và hệ thống làng hầm Vĩnh Linh,..).
*Giải pháp Ngân hàng số Di sản Văn hóa Quảng Trị hỗ trợ du lịch thông minh của Sở Khoa học và Công nghệ Quảng Trị được vinh danh tại hạng mục “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” tại Lễ trao giải Chuyển đổi số Việt Nam năm 2023 (VDA 2023).
*Giải pháp Thương hiệu du lịch - App Di sản văn hóa Quảng Trị của nhóm tác giả Phan Tuấn Anh và cộng sự đã được trao giải Ba tại Giải thưởng toàn quốc về Thông tin Đối ngoại lần thứ IX năm 2023 (hạng mục sáng kiến, sản phẩm có giá trị thông tin đối ngoại).
Đối với hệ thống các bản đồ trực tuyến, đây là nguồn dữ liệu hỗ trợ áp dụng công nghệ khi tìm kiếm tra cứu giới thiệu thông tin các điểm du lịch. Như Bản đồ di tích lịch sử văn hóa Quảng Trị, Bản đồ hệ thống di sản văn hóa Quảng Trị trong quy hoạch, phát triển du lịch, Bản đồ Tài nguyên du lịch tỉnh Quảng Trị, Bản đồ tổng thể quy hoạch hệ thống du lịch sinh thái Quảng Trị,.. Đối với khu vực tại các điểm di tích đặc biệt cấp quốc gia, cấp quốc gia như: Thành cổ Quảng Trị, để phát triển du lịch sinh thái, gắn với phát triển khu du lịch biển Mỹ Thủy trở thành một trung tâm du lịch sinh thái biển trong mối liên kết với các trung tâm du lịch khác ở phía bắc như Cửa Việt, Cửa Tùng. Các loại hình du lịch chủ yếu: Du lịch tham quan, nghiên cứu lịch sử văn hoá, du lịch sinh thái đồng quê, du lịch trên sông; du lịch tôn giáo văn hoá. Phát triển các tuyến, tour du lịch sinh thái: Việc thiết kế các tuyến du lịch sinh thái được lồng ghép với các tuyến du lịch chung đã được thiết lập, bổ sung tuyến tới các điểm du lịch sinh thái nhằm kết hợp hài hòa giữa tiềm năng du lịch tự nhiên và tiềm năng du lịch nhân văn, tăng tính hấp dẫn du lịch, đảm bảo phát triển du lịch bền vững.
Ngoài ra, việc xây dựng ứng dụng di động (App Mobile) Di sản văn hóa Quảng Trị sử dụng trên các thiết bị Smartphone đã tích hợp Ngân hàng số di sản văn hóa Quảng Trị cùng các công cụ hỗ trợ (tìm đường, tham quan, VR, hình ảnh/video 3D…) giúp cho người sử dụng có thể truy cập vào các ứng dụng một cách nhanh chóng, hỗ trợ du khách có đủ các thông tin cần thiết trước khi đến tham quan và có các trải nghiệm cùng thông tin đầy đủ hấp dẫn hơn. Ứng dụng di động Di sản văn hóa Quảng Trị đã được đưa lên kho ứng dụng Google Play, người dùng có thể tìm kiếm hoặc quét mã QR để tải về thiết bị di động. Ứng dụng có 4 menu chính: Bản đồ, Các điểm di tích, Tham quan và Giới thiệu nhằm đáp ứng nhu cầu người dùng khi đến với Quảng Trị.
Xây dựng ngân hàng số về di sản văn hóa Quảng Trị bước đầu đã số hóa và tích hợp các lớp dữ liệu di sản văn hóa theo cơ chế thống nhất, phục vụ cho công tác quy hoạch và quản lý du lịch nói riêng và phát triển hệ thống bản đồ số của tỉnh và quốc gia nói chung. Đây cũng là tiền đề cho sự phát triển của các ứng dụng khác như sử dụng mã QR trong cung cấp thông tin, tăng cường các tính năng của thực tế ảo (VR-360) để đảm bảo tính trực quan, sinh động tại các điểm đến du lịch. Quá trình này là bước đi tất yếu trong công tác quản lý, bảo tồn cũng như phát huy giá trị các di sản văn hóa. Hơn thế, người dân và khách du lịch là những đối tượng được hưởng lợi đầu tiên từ ứng dụng này, giúp tiếp cận thông tin chung về du lịch Quảng Trị một cách nhanh chóng và hiệu quả. Các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch, tour du lịch có thể chủ động cung cấp thông tin về các địa điểm di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh Quảng Trị cho du khách; Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, các Phòng Văn hóa -Thông tin huyện, thị xã và thành phố; các đơn vị quản lý ngành du lịch ứng dụng, hỗ trợ hiệu quả trong công tác quản lý, phục vụ công tác quy hoạch du lịch và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phối hợp liên ngành, tăng khả năng cung cấp thông tin và minh bạch thông tin cho người dân và doanh nghiệp.
Để đạt hiệu quả hơn trong việc xây dựng Ngân hàng số di sản văn hóa ở Quảng Trị trong thời gian tới cần hoàn thiện bộ CSDL Di sản văn hóa Quảng Trị thông qua thống kê và nhập liệu các cụm di tích, danh lam thắng cảnh, lễ hội… Đồng thời xây dựng CSDL hệ thống bằng phiên bản tiếng Anh để phục vụ du khách nước ngoài, phát triển ứng dụng Di sản văn hóa Quảng Trị trên hệ điều hành IOS và tiến đến áp dụng trên nền tảng Web 3.0. Ngoài ra, để làm nền tảng cho việc phát triển đồng bộ du lịch thông minh cần tiếp tục áp dụng công nghệ, kỹ thuật GIS với sự hỗ trợ của các thiết bị UAV, 3D laser scanning, cũng như áp dụng AI (trí thông minh nhân tạo) để đưa ra các mô hình kỹ thuật tham quan ảo từng bước đáp ứng số hóa di sản và chuyển đổi số ngành du lịch tại Quảng Trị.
Ban lãnh đạo Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị đánh giá ứng dụng Di sản văn hóa Quảng Trị là sản phẩm có tính ứng dụng cao, giúp du khách trong và ngoài nước thuận tiện trong việc tìm hiểu trước các điểm đến tham quan tại Quảng Trị. Sau tháng Tư năm 2022, khi tình hình đại dịch COVID-19 được khống chế, du khách đến tham quan du lịch tại di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị đạt xấp xỉ năm 2019 (tám tháng đầu năm 2022 đón 182.039 khách) và năm 2023 đón 192.000 khách. Số du khách tăng lên qua từng năm có nghĩa quảng bá hình ảnh du lịch đã có tác động nhất định thông qua ứng dụng Di sản văn hóa Quảng Trị.
Với những kết quả khả quan ban đầu là một chặng đường nhiều công sức của nhóm tác giả đến từ Sở Khoa học và Công nghệ, Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, Sở Giáo dục và Đào tạo,… trong đó chủ yếu là xã hội hóa và các nghiên cứu độc lập của nhóm tác giả GISGroup. Việc xây dựng Ngân hàng số di sản văn hóa Quảng Trị sẽ là kho dữ liệu phong phú về các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh nhà, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch, đáp ứng phát triển du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh và đưa du khách đến gần với di sản văn hóa ở Quảng Trị.
___________
Tài liệu tham khảo:
- Bùi Tiến Diệu, Nguyễn Cẩm Vân và NNK (2016). Xây dựng mô hình số bề mặt và công nghệ trực ảnh sử dụng công nghệ đo ảnh máy bay không người lái (UAV), Kỷ yếu Hội thảo Hội nghị Khoa học Đo đạc bản đồ và ứng phó biến đổi khí hậu, Hà Nội.
- Công ty ESRI Việt Nam, (2014). Applications on ArcGIS Online for Organization, Hà Nội.
- Nhóm Kỹ thuật Công nghệ Công ty TNHH ANTHI Việt Nam (2018). Cơ bản về kỹ thuật quét Laser 3 chiều,http://www.anthi.com.vn/?q=tin-tuc-cong-nghe/so-072018-co-ban-ve-ky-thuat-quet-laser-3-chieu-so-1 (20/1/2018).
- Phan Thị Hoa Lợi, Lê Mạnh Thạnh (2018), Xây dựng hệ thống thông tin về di tích Thành cổ Quảng Trị dựa trên nền GIS và công nghệ 3d. Tạp chí Khoa học Đại học Huế: Kỹ thuật và Công nghệ Tập 127, số 2A, 2018, tr.83-94; DOI: 10.26459/hueuni-jtt.v127i2A.4970.
- Sở Văn hoá Thông tin (2004) Di tích lịch sử văn hoá và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Trị. Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
- Trương Quang Hải, Nguyễn Cao Huần và NNK, ĐH Quốc gia Hà Nội (2006). Điều tra và đánh giá tiềm năng lãnh thổ phục vụ quy hoạch phát triển du lịch sinh thái tỉnh Quảng Trị. Đề tài khoa học cấp tỉnh. Quảng Trị.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)