Chưa bao giờ gặp ai trong 51 nhân vật, trừ thầy mình là họa sĩ Vĩnh Phối, nhưng Trần Thế Vĩnh vẫn dám vẽ và hoàn thành được một bộ tranh chân dung những nhân vật nổi tiếng Việt Nam của thế kỷ 20.
1/ Ý
Lần đầu gặp Trần Thế Vĩnh trong một cuộc rượu, bạn bè giới thiệu về bộ tranh chân dung những người nổi tiếng của anh, ai cũng tỏ ra rất thích thú. Chỉ nghe kể những tên tuổi như Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Tô Thùy Yên, Vũ Hoàng Chương, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương, Trần Dần, Phùng Quán, Nguyễn Hiến Lê, Trần Đức Thảo... là đã thấy bộ tranh đầy sức nặng. Nhưng vẽ cho ra được các chân dung đó hay không lại là một thử thách mà bạn bè đang chờ đợi ở tài năng của anh.
Biết Trần Thế Vĩnh sinh năm 1986, ai cũng nghĩ rằng ở tuổi anh không thể gặp được nhiều người trong số nhân vật mà anh chọn vẽ chân dung, thậm chí chưa bao giờ nhìn thấy họ. Vậy thì anh vẽ chân dung bằng cách nào?
Trần Thế Vĩnh không nói nhiều về mình, nhưng qua câu chuyện, bạn bè biết được anh vẽ các nhân vật của anh bằng ý. Trần Thế Vĩnh không gặp nhân vật nhưng đọc sách của họ, nghe nhạc của họ, ngắm các tác phẩm hội họa của họ. Không chỉ đọc hay nghe mà nghiền ngẫm, để hồn vía của chữ nghĩa, của thanh âm, của sắc màu nhập vào anh. Mỗi một nhân vật là một cuộc đời con người và một cuộc đời sáng tác, có nỗi đau, có đam mê, có số phận, có thân phận.
Anh thuộc từng tác phẩm, nhập vào từng phận người, để rồi vẽ mà không cần nhân vật phải ngồi làm mẫu. Anh vẽ từ trong tâm vẽ ra, từ trong ý vẽ ra. Phải ngấm bi kịch của nhân vật thì cây cọ của anh mới “hằn lên nỗi đau” của một thân phận. Cho nên, khi xem bức chân dung Phạm Đình Chương, ai cũng phải xúc động vì có thể chạm đến được nỗi đau thẳm sâu hằn trên gương mặt của tác giả “Nửa hồn thương đau”.
Cách Trần Thế Vĩnh nhập tâm nhân vật để rồi từ đó cứ ngồi phóng cọ như nước chảy mây trôi làm tôi nhớ đến nhân vật Trương Vô Kỵ trong tiểu thuyết võ hiệp “Ỷ Thiên Đồ Long ký” của Kim Dung. Vô Kỵ học Thái cực kiếm từ thái sư phụ Trương Tam Phong, phải học ngay lập tức để tỉ thí với đại cao thủ đang uy hiếp Võ Đang là Bát Tý Thần Kiếm Phương Đông Bạch.
Trương Tam Phong cầm thanh kiếm gỗ múa xong rồi hỏi Trương Vô Kỵ có nhớ được chăng? Vô Kỵ trả lời đã quên mất một nửa, rồi quên mất quá nửa, rồi còn nhớ ba chiêu, cuối cùng là “con đã quên hết rồi”. Sau khi quên hết chiêu thức, Trương Vô Kỵ cầm thanh kiếm gỗ tỉ thí thắng Phương Đông Bạch chỉ bằng “kiếm ý”.
"Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
áo nàng màu tím hoa sim
Ngày xưa
một mình đèn khuya
bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo
ngày xưa..." - Hữu Loan
Cây cọ trên tay họa sĩ Trần Thế Vĩnh cũng vậy, khi ngồi trước giá vẽ, ý cứ phóng ra từ cọ, không quan tâm đến những chi tiết trên gương mặt nhân vật mà anh được xem qua hình ảnh. Anh không vẽ cái để người xem thấy là “giống” trên gương mặt, anh vẽ cái mà người xem cảm là “thật” trong chân dung của một con người.
Và để vẽ được cái “thật” với người chưa từng gặp, chưa từng quen biết, chỉ còn có cách duy nhất là đọc, nghiên cứu, hiểu về nhân vật rồi quên đi hết, không bị ràng buộc bởi đường nét cụ thể. Khi đưa chiếc cọ ra là chỉ còn “ý” mà thôi.
2/ Thần
Trần Thế Vĩnh nghiên cứu rất kỹ nhân vật, không chỉ là tác phẩm của họ mà còn cả cuộc đời ngoài tác phẩm. Hình như người càng có nhiều bi kịch thì càng có sức thu hút đối với anh, mà có ai sinh ra đời, làm thân một kẻ sĩ thực thụ mà không bi kịch.
Trong mỗi thân phận kẻ sĩ đều chứa đựng bi kịch, nhưng mỗi thân phận, mỗi bi kịch đều khác nhau, cái thần của từng người đương nhiên rất khác biệt, rất riêng. Xem tranh của Trần Thế Vĩnh, có thể thấy anh bắt được rất nhanh cái thần của từng nhân vật.
Trần Thế Vĩnh nói cái thần của nhân vật nằm trong tác phẩm của chính họ. Khi vẽ một nhân vật, anh suy tư đến kiệt cùng để bắt cho được cái thần khí đó, ví dụ như Bùi Giáng, Trần Thế Vĩnh viết: “Với riêng tôi, Bùi Giáng chưa bao giờ điên cả, mà Bùi Giáng là một người tỉnh táo nhất giữa thế gian đảo điên mộng tưởng này”. Cái thần của Bùi Giáng là đây, là đôi mắt sáng quắc tinh anh, không lờ đờ ảo mộng như nhiều người tưởng.
"Xin yêu mãi yêu và yêu nhau mãi. Trần gian ôi! cánh bướm cánh chuồn chuồn. Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại. Con vi trùng sâu bọ cũng yêu luôn".
Nhiều nhạc sĩ lấy mùa thu làm đề tài và cũng là nguồn cảm hứng sáng tạo, trong đó có Đoàn Chuẩn. Thật khó để so sánh vì âm nhạc còn có gu của người nghe, nhưng với Trần Thế Vĩnh, anh không chỉ nghe bằng sở thích riêng, mà còn bắt cái thần của nhạc sĩ để phóng cái thần đó ra đầu cọ, anh viết: “Thu của Đoàn Chuẩn không tuyệt vọng như thu của Đặng Thế Phong và không cô đơn sầu bi như thu của Văn Cao. Thu của Đoàn Chuẩn đẹp đến nao lòng, là “thu quyến rũ”, là thu của những “tà áo xanh”, mùa thu đó chàng viết “lá thư” gửi cho nàng như “gửi gió cho mây ngàn bay” vậy...”.
"Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời" - Trần Dần
Đối với Nguyên Sa, cao thủ làm thơ “tán” gái da diết diễm tình thượng thừa đã “bị” Trần Thế Vĩnh “kết” bằng một đường bút cực bén: “Phải công nhận rằng, khả năng len lõi vào trái tim của các cô gái đang yêu thì Nguyên Sa là cao thủ đệ nhất”. Và đương nhiên, cây cọ của Trần Thế Vĩnh lột tả được cái thần của tác giả “Áo lụa Hà Đông”.
"Tôi liên tưởng đến một lãng tử Yến Thanh trong 108 anh hùng Lương Sơn Bạc năm xưa hào hoa đầy khí phách và đây có một Quang Dũng lãng du diễm tình trong đoàn quân Tây Tiến ấy, sống và phiêu du với nỗi trần ai..." - Trần Thế Vĩnh
Còn “thần” của Trịnh Công Sơn thì sao? Trần Thế Vĩnh vẽ bằng chữ trước khi bằng màu: “Trịnh Công Sơn là một nghệ sĩ nhạy cảm và mong manh. Mong manh đến mức yếu đuối, nhạy cảm đến mức mờ hồ”. Có lẽ, nói về Sơn cần rất nhiều sách vở, nhưng cũng có thể, một câu như vậy là quá đủ. Khi xem tranh chân dung Trịnh Công Sơn, quả thực gương mặt người nghệ sĩ tài danh này sao mong manh quá, tưởng chừng như có thể tan vỡ bất cứ lúc nào.
Trần Thế Vĩnh dành cho Lê Uyên Phương một góc nhìn đầy đam mê, không biết trong cuộc tình của nhạc sĩ và nàng Lê Uyên năm xưa với cuộc tình của gã họa sĩ và ai đó hôm nay có điểm chung về sự điên cuồng hoang dại hay không, nhưng “thần thái tình yêu” của Lê Uyên Phương “bị” gã họa sĩ tóm được thế này đây: “Một tình yêu nhuốm màu hiện sinh mãnh liệt. Mỗi giây phút đi qua là một cuộc yêu tư tưởng điên cuồng như loài thú hoang vẫy vùng trong vũng lầy của thời cuộc và tình yêu, không cần biết ngày mai, chỉ biết ngay đây yêu và được yêu như chưa từng...”. Chân dung của Lê Uyên Phương với mái tóc lãng tử và đôi mắt đầy sức hút của một kẻ yêu điên cuồng hoang dại.
Tranh chân dung Phùng Quán
"Có những phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy" - Phùng Quán
3/ Sắc
Sắc ở đây là sắc màu. Tranh chân dung của Trần Thế Vĩnh sử dụng chất liệu sơn dầu trên vải và hình như anh cố ý dùng tông màu đậm. Cái thâm trầm, cái mờ tối như nói về một không gian của quá khứ, một câu chuyện đã xưa cũ. Màu của Trần Thế Vĩnh trong bộ tranh chân dung này là màu thời gian.
Những vệt màu khác nhau phảng phất dọc ngang chồng chéo đi qua gương mặt như những vách ngăn mơ hồ của thời gian. Chỉ cần vén một chút tấm màn mỏng đó, đi vào cõi “vọng”, có thể nhìn thấy được những góc khuất nào đó của nhân vật mà ta chưa thấu.
Trần Thế Vĩnh yêu quý và kính trọng các nhân vật mà anh chọn để vẽ, cho nên mỗi bức tranh chân dung có sự tôn nghiêm. Ngắm chân dung của Trần Dần, Phùng Quán, có cảm giác màu thời gian làm cho nhân vật có thần khí mạnh mẽ, và có khoảng cách để ngưỡng vọng.
Màu của Trần Thế Vĩnh đặc biệt dành cho những tia sáng phóng ra từ đôi mắt nhân vật, cực kỳ sống động. Chỉ cần ánh nhìn, tia nhìn đó thôi, đủ để toát lên nội tâm của nhân vật. Trần Thế Vĩnh đã dụng công rất nhiều cho những mảng màu khác nhau trên từng vùng mắt, để tạo ra sự khác biệt độc đáo của nhân vật như anh đã nắm được “ý”, bắt được “thần”.
51 nhân vật của Trần Thế Vĩnh
Tuệ Sỹ, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn, Tô Thùy Yên, Thanh Tâm Tuyền, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Phạm Đình Chương, Văn Cao, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Xuân Tiên, Lê Uyên Phương, Cung Tiến, Lam Phương, Trầm Tử Thiêng, Nguyễn Ánh 9, Trúc Phương, Y Vân, Hoàng Thi Thơ, Trần Thiện Thanh, Nguyễn Hiến Lê, Trần Đức Thảo, Quang Dũng, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Phùng Quán, Trần Dần, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Tất Nhiên, Nguyễn Bính, Nguyễn Bắc Sơn, Du Tử Lê, Nguyên Sa, Minh Đức Hoài Trinh, Hàn Mặc Tử, Đỗ Long Vân, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh, Vũ Trọng Phụng, Trần Vàng Sao, Nguyễn Gia Trí, Vĩnh Phối.
(Nguồn: Báo Lao Động)