Bên dòng sông hoa lửa, đọc lại “Mãi mãi tuổi hai mươi”

Thiên Lam |

Tôi trở lại với dòng Thạch Hãn vào một chiều tháng Bảy. Tại bến thả hoa bờ Nam lúc này không khí chuẩn bị cho “ Đêm hoa đăng” nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị (1972-2022) và 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022) dường như khẩn trương hơn. Đây là lễ hội của dòng sông hoa lửa và lễ hội của lòng tri ân. Hàng vạn ngọn đèn hoa được thả trôi theo dòng nước. Dưới đáy sông sâu, nghe như tiếng quân hành đang được những linh hồn bất tử hát vang.

Cầm trên tay tập nhật ký chiến trường đã từng gây nên một “cơn sốt lạ” vào khoảng cuối năm 2005, tôi lật lại từng trang sách như lần nữa lật tìm lại ký ức năm nào. Việc hai cuốn nhật ký chiến trường của Đặng Thùy Trâm và Nguyễn Văn Thạc được đông đảo thanh niên đón nhận như một lập luận hùng hồn thách thức lại quan điểm “Thế hệ trẻ Việt Nam đang ngày càng thờ ơ với lịch sử”. Rõ ràng họ không hề thờ ơ với lịch sử mà họ cần tìm trong lịch sử cái chân thực và sinh động của hơi thở chiến tranh chứ không phải chỉ là những bài học khô khan. Nhật ký đã giúp họ tìm ra điều đó - Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc đã giúp họ tìm thấy điều đó.

Lung linh dòng Thạch Hãn - Ảnh: N.K
Lung linh dòng Thạch Hãn - Ảnh: N.K

Là một người lính trở về sau chiến tranh, nhà văn, nhà báo Đặng Vương Hưng luôn bị thôi thúc bởi một ý tưởng làm một bộ tư liệu về chiến tranh qua những thư và nhật ký được viết trong thời chiến tranh để lý giải những bí mật của lịch sử. Thư và nhật ký không phải là văn, trước hết nó là cuộc đời. Bởi thế, chân thực và sinh động đến kỳ lạ. Trong thời gian sưu tầm thư và nhật ký, bất ngờ Đặng Vương Hưng nhận được từ tay ông Nguyễn Văn Thục - người anh trai liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc một tư liệu quý gồm hàng trăm lá thư và một cuốn nhật ký dày 240 trang chép tay mang tên “Chuyện đời” của Nguyễn Văn Thạc. (“Mãi mãi tuổi hai mươi” là do tác giả đặt).

Năm 1971, chiến trường ác liệt đã trao cây súng cho một lớp sinh viên đang trên ghế giảng đường. Trưa ngày 6/9/1971, trên sân trường Thạc đã khóc. Và theo trang viết đầu tiên trong nhật ký: “Khóc không phải là người hèn yếu, không phải vì buồn bã mà vì xúc động. Vì buổi chia tay này thiêng liêng quá. Những người bạn thân yêu nhất không thể tiễn mình đi được. Và bàn tay ấy, đôi mắt ấy, giọng nói ấy…”.

Người con trai Hà Nội gửi lại Thủ đô tất cả để ra đi: một mối tình đầu trong sáng, một giảng đường, một góc phố đầy ắp những kỷ niệm, bởi trong anh có một trái tim, một tâm hồn, một lẽ sống thật cao cả. Anh tiêu biểu cho cả một thế hệ thanh niên Việt Nam thời chiến biết yêu thương nhưng cũng sẵn sàng hy sinh cho một lý tưởng cao đẹp.

Thật xúc động những dòng đầu tiên anh viết: “Nhiều lúc không ngờ nổi rằng mình đã đến đây, không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá.”

Bỡ ngỡ bước vào cuộc chiến, Nguyễn Văn Thạc để lại trong tâm trí người đọc hình tượng một thanh niên sống có hoài bão, ước mơ và lý tưởng. Bạn đọc cũng sẽ thấy được những phút hoang mang xao động của một chàng trai trước ngưỡng cửa cuộc đời khi mới chỉ quen với giảng đường, cây bút, lời thơ. Bình thường thôi bởi anh cũng là một con người như bao con người khác, biết buồn biết vui, biết yêu thương và biết giận hờn. Trong một trang sổ tay Thạc đã viết: “Không ai muốn cuộc đời mình phải buồn bã cả, nhưng rất ít người trên đời này đạt được điều mình mong muốn”.

Âm hưởng chung của tập nhật ký là tinh thần lạc quan, sẵn sàng ra trận, sẵn sàng xả thân vì Tổ quốc, chiến đấu tới hơi thở cuối cùng và hy sinh tại mặt trận. Sau thời gian huấn luyện, tháng 4-1972, đoàn tàu quân sự hành quân vào chiến trường. Những dòng anh viết thể hiện một tâm trạng khó tả: vừa bịn rịn với Thủ đô, vừa vui mừng vì sắp sửa được vào trong ấy: “…ra ga thì lính ồ lên phấn khởi: đầu tàu hướng về Hà Nội! Đi rồi! Thế là nhất định vào trong ấy rồi! Vội vàng viết thư. Tàu qua Cửa Nam những cánh thư trắng bay ào ạt xuống đường. Gửi hộ nhé, gửi hộ nhé. Báo cho những người thân của chúng tôi rằng: chúng tôi đã xa Hà Nội để vào chiến trường!” Lúc ấy là 12h trưa ngày 9/4/1972. Cả một thế hệ đi vào chiến tranh mà nhẹ tênh như đi đến chỗ hẹn hò bởi trong họ luôn có một niềm tin vào chiến thắng, luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân trước vận mệnh đất nước. “Ta đi theo tiếng gọi của miền Nam.”

Một chàng trai thành phố liệu có vượt qua hàng trăm nghìn thử thách trên bước đường hành quân vượt núi băng rừng, mang nặng, cổ khát, chân phỏng rát… Không chùn bước, anh đã kiên định một con đường. “Mình đã yên tâm dần với cuộc đời cống hiến này.” (4/12/1971).

Người đọc còn bắt gặp một Nguyễn Văn Thạc căm thù giặc Mỹ cao độ khi chứng kiến cái chết oan khuất của những người dân thường sau loạt bom Mỹ nổ. Lúc đó, anh chỉ có một khao khát “được vào miền Nam, vào Huế, Sài Gòn để xọc lê vào trái tim đen đủi của quân thù. (15/11/1971).

Cũng qua những trang nhật ký chân thực và sống động của anh, ta bắt gặp một thế hệ thanh niên tuổi mười chín, hai mươi nô nức ra trận với những nụ cười tươi rói, “thân thiện, hào hứng, tung tăng ra chiến trường”. Chính họ đã lý giải vì sao một dân tộc nhỏ bé lại chiến thắng một đế quốc sừng sỏ. Sức mạnh của trái tim và ý chí đã làm nên chiến thắng.

Có một tình yêu của lứa đôi Hà Nội trong cuốn nhật ký này. Gian khổ thử thách thậm chí hy sinh không ngăn được tâm tình dào dạt của anh tân binh hai mươi tuổi. Anh lắng nghe hơi thở của những vùng quê vừa quen vừa lạ mới đi qua, anh buồn vui bất chợt trước những bước chuyển của cuộc sống, và anh khao khát được tỏ bày một rung động đầu đời trong sáng với cô bạn gái đáng yêu.

Cảm nhận của chúng tôi về tình yêu của anh với Như Anh là một tình cảm vừa rụt rè, e ấp, vừa nồng nàn, mãnh liệt. Và đó là một tình yêu lý tưởng, tiêu biểu của thanh niên thời chiến. Tình yêu ấy chín dần trong niềm hy vọng và khát khao đợi chờ của chàng trai lên đường ra trận. Một chi tiết không mới mà vẫn gợi lại bao điều thú vị đó là câu hỏi: Hạnh phúc là gì? khi cả hai còn là học sinh. Câu hỏi duy nhất trong bao trái tim thanh niên thời chiến. Cả một thế hệ đã đi tìm câu trả lời và đánh đổi cả tuổi thanh xuân cho một câu trả lời muộn màng, dang dở.

Dọc đường hành quân, Như Anh trở thành cảm hứng cho từng trang anh viết. Những dòng thỏ thẻ rụt rè: “Hãy là của Thạc Như Anh nhé.” Những dòng nồng nàn, nhức nhối: “Như Anh có hiểu rằng, người yêu Như Anh hơn hết, người yêu Như Anh nhức nhối cả trái tim lại chẳng bao giờ đủ sức mà gìn giữ Như Anh ở lại vĩnh viễn với mình.”

 

Có cả những buồn giận vu vơ. Nhưng cuối cùng có lẽ điều gây bất ngờ và xúc động nhất cho người đọc là lời hẹn mang tính tiên tri đến khó hiểu:

“Bạn P.N.A, có nhớ ngày 30/4/1971? 4 năm sau sẽ trả lời chính xác câu Hạnh phúc là gì?” . Sự trùng hợp kỳ diệu, lời hẹn hò tiên tri ấy đã đọng lại giữa hôm nay một niềm bi tráng. Họ dở dang trên con đường kiếm tìm nhau nhưng lại trọn vẹn trong một niềm tin son sắt, một lý tưởng cao cả.

Trong một trận đánh ác liệt ở Thành Cổ Quảng Trị ngày 30/7/1972 chiến sĩ thông tin Nguyễn Văn Thạc đã bị trọng thương, một mảnh pháo đã cắt ngang đùi trái. Anh đón nhận cái chết hết sức thanh thản: “Mình tỉnh thế này tức là sắp chết rồi. Chỉ tiếc là không còn chiến đấu được nữa. Bao dự định còn dang dở.” Thi hài của anh được đồng đội bọc trong một tấm tăng ni lông và chôn cất tại nơi hy sinh gần mặt trận.

Mười chín ngày trước khi hy sinh, Nguyễn Văn Thạc gửi lá thư cho người thân (11/7/1972 tại Quảng Bình) trong đó có một bài thơ tặng Như Anh.

Đêm trắng

Đêm trắng trong là đêm của em

Đèn thành phố và sao trời lẫn lộn

Đêm của anh xếp kín đầy bom đạn

Pháo sáng chập chờn trộn trạo với sao sa

“Đêm trắng trong như màu sắc thiên nga

Đêm âu sầu như ngôi nhà đổ nát

Đêm đen ấy mà vô cùng dịu mát...”

Bâng khuâng gì trong ban đêm em ơi?

Đêm của anh trong tầm bom rơi

Không thể ngủ nên đêm thành đêm trắng

Đêm bão thép chất chứa nhiều sâu lắng

Bà mẹ sinh con trai trong mờ tối căn hầm

Những ban đêm thành cột mốc tháng năm

Đêm xanh vợi cũng trở thành đêm trắng

Đêm thao thức đón chờ ánh sáng

Đêm của chúng ta ấp ủ những mặt trời

Thạc nằm lại với mảnh đất Quảng Trị khi chưa đủ một tuổi quân và chưa tròn hai mươi tuổi đời.

Đọc lại những dòng cuối cùng của liệt sĩ tuổi đôi mươi giữa mênh mang đôi bờ Thạch Hãn vào những ngày rực đỏ cờ hoa, tôi nghe lòng mình trào dâng một cảm xúc khó tả. Máu xương của bao người đã hòa vào đất mẹ. Dòng sông thiêng là chứng nhân của lịch sử sẽ ngàn đời vọng mãi khúc tri ân.

Quảng Trị, tháng 9/2022

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Bắt quả tang đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn

Thành Nam |

Thông tin từ Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, Công an tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa phát hiện, lập biên bản 1 trường hợp khai thác cát trái phép trên sông Thạch Hãn.  

“Đón bình minh” đoạt giải Nhất cuộc thi thiết kế kiến trúc cầu Thạch Hãn 1

Mai Lâm |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa ban hành quyết định phê duyệt kết quả thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu Thạch Hãn 1 thuộc dự án Đường ven biển kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, tỉnh Quảng Trị giai đoạn 1.

Đầu tư 6 tỉ đồng chỉnh trang, mở rộng khu vực Nhà hành lễ Bến thả hoa bờ sông Thạch Hãn

Ngọc Trang |

HĐND thị xã Quảng Trị vừa ban hành nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư công trình chỉnh trang, mở rộng khu vực Nhà hành lễ Bến thả hoa bờ nam sông Thạch Hãn đoạn từ chợ thị xã đến cầu Thành Cổ (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 6 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách của thị xã. Thời gian thực hiện từ năm 2022 - 2023.

Tạm giữ khẩn cấp 2 nghi phạm trong vụ án thi thể nữ giới trôi trên sông Thạch Hãn

Lê Minh |

Ngày 13/12, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Quảng Trị Đại tá Trần Đức Triệu cho biết, liên quan đến vụ án mạng xảy ra trên địa bàn huyện Triệu Phong, đơn vị đang tạm giữ khẩn cấp đối với 2 nghi phạm để điều tra, củng cố hồ sơ, khởi tố bị can theo quy định.