Con nuôi của Bí thư Kim Ngọc và kỷ niệm 3 lần gặp Bác Hồ

Minh Thu |

Cả 3 lần gặp Bác Hồ, bà Phạm Kiều Phượng đều khóc nức nở, không sao kìm được. Nguyên nhân có lẽ một phần vì lòng kính yêu với Bác Hồ và nỗi tủi thân khi cuộc đời quá nhiều cơ cực đã khiến bà xúc động.

Đã nhiều năm nay, ngày Quốc khánh là thời điểm thiêng liêng đối với bà Phạm Kiều Phượng (sinh năm 1942), con gái Đại đội trưởng Phạm Văn Bái, hy sinh trong trận Mạo Khê Mỏ ngày 31/3/1951.

Bà lặng lẽ theo dõi những chương trình truyền hình, lần giở tấm ảnh duy nhất của người cha và hồi tưởng lại những sự kiện trong cuộc đời mình, một cuộc đời nhiều đau khổ song cũng đầy tự hào.

Bà Phạm Kiều Phượng (ngồi ngoài cùng bên phải) giao lưu và tặng sách cho Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội. (Ảnh: NVCC)
Bà Phạm Kiều Phượng (ngồi ngoài cùng bên phải) giao lưu và tặng sách cho Trung tâm Phát thanh và Truyền hình Quân đội. (Ảnh: NVCC)

Thời niên thiếu nhọc nhằn

Bà Phượng quê ở Vĩnh Phúc. Từ khi bà còn rất nhỏ, cha mẹ đã giác ngộ và trở thành những chiến sỹ cách mạng năng nổ.

Liệt sỹ Phạm Văn Bái là con một nên gia đình thường ngăn cản, không muốn cho ông tham gia cách mạng. Biết vậy, nên năm 1946, ông rời nhà, đầu quân vào bộ đội chủ lực, được giao làm chỉ huy tiểu đội, đóng quân tại Chiến khu Sơn Dương (gần Tân Trào).

Hình ảnh ông Bái đeo súng ngắn, dẫn đầu hàng quân rất oai phong, lẫm liệt đã theo bà Phượng đi suốt cuộc đời, cũng là ký ức đẹp nhất của bà về người cha.

“Cha tôi tham gia chiến dịch Cao Bắc Lạng cùng bộ đội ta giành chiến thắng. Năm 1949, ông lại tiếp tục tham gia Chiến dịch Biên giới. Rồi đơn vị của ông được giao nhiệm vụ tấn công đồn Mạo Khê trong Chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Từ đó, ông mãi mãi không trở về. Gia đình nhận được mảnh giấy báo tử mà không biết ông được chôn cất ở đâu,” bà Phượng kể.

Ở quê nhà, mẹ của bà Phượng là Nguyễn Thị Mai cũng bị quân Pháp bắt khi tham gia rải truyền đơn. Bà Mai bị tra tấn dã man rồi bị giam ở gần nhà thờ An Định, Vĩnh Phúc. Lúc đó, bà mới sinh con trai được vài tháng. Đứa trẻ khóc ngằn ngặt vì đói sữa. Vậy là cô bé Phượng bế em vào trại giam ở cùng với mẹ và trông em những lúc mẹ bị đưa đi thẩm vấn.

Sau này, bà Mai bị quân Pháp chuyển đi nơi khác. Ông bà nội cũng lần lượt qua đời, Phượng bắt đầu sống cuộc đời của một đứa trẻ mồ côi.

“Nghĩ ngợi mãi rồi tôi đánh liều viết thư cho ông Kim Ngọc, một người đồng đội thân thiết của cha. Lúc đó, ông Ngọc đang là Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc, 'cha đẻ của khoán hộ'. Thế là ông đưa tôi về sống cùng gia đình, cho tôi đi học tiếp và coi tôi như con,” bà Phượng kể.

Nhờ đó, bà được tiếp tục đến trường, được bố trí công việc ở Sở Ngoại thương rồi Ty Bưu điện tỉnh Vĩnh Phúc.

Vừa khóc vừa gọi Bác Hồ

Chính trong thời gian công tác ở Vĩnh Phúc, bà Phượng đã có cơ duyên gặp Bác Hồ. Những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi đã trở thành ký ức không phai đối với bà suốt cả cuộc đời. Trong câu chuyện với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus, cứ nhắc đến Bác Hồ là bà lại khóc.

“Ba lần được gặp Bác Hồ thì cả ba lần tôi đều nức nở, không sao kìm được. Mà tôi không phải người dễ khóc. Suốt thời ấu thơ cơ cực, đói khổ về vật chất lẫn tinh thần, cả khi vào tù sống cùng với mẹ, tôi cũng không hề khóc,” bà tâm sự.

Bà Phạm Kiều Phượng (lúc trẻ) cùng chồng và 3 con. (Ảnh: NVCC)
Bà Phạm Kiều Phượng (lúc trẻ) cùng chồng và 3 con. (Ảnh: NVCC)

Năm 1961, Bác Hồ về thăm Hợp tác xã Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường. Bác hỏi han tình hình sản xuất, động viên mọi người cố gắng.

“Ở tuổi này, tôi không còn nhớ cụ thể Bác dặn dò những gì, chỉ nhớ rằng tôi cùng mọi người vây xung quanh Bác mà reo ‘Hoan hô Bác, hoan hô Bác’,” bà Phượng kể.

Trong trí nhớ của bà, Hồ Chủ tịch giản dị nhưng có khí chất lãnh tụ rất rõ ràng, khiến những người xung quanh Bác vừa hân hoan, vừa choáng ngợp.

“Dù ở rất gần Bác nhưng dường như lúc đó tai tôi ù đi, không còn nghe rõ Bác nói gì nữa. Tôi chỉ biết chăm chú ngắm nhìn Bác dù mắt thì đang nhòe đi vì xúc động,” bà nhớ lại.

Năm 1963, Bác còn về thăm Vĩnh Phúc thêm hai lần. Bà Phượng lúc đó đang công tác tại Sở Ngoại thương, đi thu mua dứa của người dân bên đường thì thấy đoàn xe của Bác đi qua. Cả hai lần đó, bà Phượng đều chạy theo xe của Bác, vừa vẫy tay vừa gọi: “Bác ơi, Bác.”

“Lúc đó, xe đi ngang qua khu vực người dân họp chợ nên đi rất chậm, Bác cũng vẫy tay chào mọi người. Tôi thì cứ chạy theo xe cho đến khi khuất hẳn, vừa gọi Bác vừa khóc,” bà Phượng kể.

Có lẽ lòng kính yêu với Bác Hồ và nỗi tủi thân khi cuộc đời quá nhiều cơ cực đã khiến bà xúc động đến vậy khi gặp vị Cha già dân tộc.

Trưởng thành, bà lập gia đình và có một cuộc sống êm ấm. Người bà mang ơn rất nhiều là Bí thư Kim Ngọc. Sự nghiêm khắc và cả tình thương yêu của ông là niềm an ủi cho một người thiếu vắng cha mẹ từ khi mới 9 tuổi. Sinh thời, ông luôn trăn trở và dặn dò bà Phượng phải đi tìm mộ liệt sỹ Phạm Văn Bái.

Một ngày, bà đọc thông tin trên báo về Câu lạc bộ Trái tim người lính là nơi kết nối thông tin của các cựu chiến binh. Bà chủ động tìm đến người sáng lập là Đại tá-nhà văn Đặng Vương Hưng và kể câu chuyện của mình. Nhờ đó, bà được kết nối với nhiều người đồng đội cùng sát cánh với liệt sỹ Phạm Văn Bái trong trận Mạo Khê Mỏ. Trải qua nhiều lần tìm kiếm, cuối cùng bà Phượng cũng tìm thấy nơi cha mình yên nghỉ.

Bác Hồ trong một lần về thăm Vĩnh Phúc. (Nguồn ảnh: Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Phúc)
Bác Hồ trong một lần về thăm Vĩnh Phúc. (Nguồn ảnh: Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Phúc)

Giờ đây, ở tuổi 80, bà đang lên kế hoạch kết hợp với Câu lạc bộ Trái tim người lính, thành lập một thư viện mang tên liệt sỹ Phạm Văn Bái đặt tại Vĩnh Phúc.

“Cha tôi hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ. Những người lính như ông đã chịu quá nhiều gian khó, quyết hiến dâng tuổi xanh của mình cho đất nước. Đó là lý tưởng của cha tôi và tôi luôn yêu quý kính trọng điều đó. Việc thành lập thư viện cũng là để lan tỏa lý tưởng tốt đẹp đó đến thế hệ trẻ,” bà chia sẻ.

Bà Phạm Kiều Phượng và Đại tá Đặng Vương Hưng. (Ảnh: NVCC)
Bà Phạm Kiều Phượng và Đại tá Đặng Vương Hưng. (Ảnh: NVCC)

Đại tá Đặng Vương Hưng cho hay bà Phạm Kiều Phượng là một trong những thành viên tích cực của Câu lạc bộ Trái tim người lính. Bà từng đi nhiều nơi để kể về câu chuyện của gia đình mình và quá trình đi tìm mộ liệt sỹ để chia sẻ thông tin với những người cùng hoàn cảnh với mình. “Ý tưởng thành lập thư viện Phạm Văn Bái rất có ý nghĩa. Chúng tôi hình dung một thư viện như thế sẽ có hàng nghìn cuốn sách và vài chiếc máy tính nối mạng internet. Đối tượng thụ hưởng không ai khác là thế hệ trẻ. Bà Phạm Kiều Phượng tin rằng bằng việc làm mang tính nhân văn và ý nghĩa văn hoá đó, tên tuổi người cha kính yêu của mình sẽ còn mãi với đời,” Đại tá Đặng Vương Hưng nói.

 (Nguồn: Vietnam+)

TAGS

Giữ gìn lâu dài thi hài Bác Hồ là nhiệm vụ chính trị đặc biệt, có ý nghĩa vô cùng to lớn

PV |

Ngày 14/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và phát biểu tại Hội nghị tổng kết 30 năm hợp tác trực tiếp giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh giữa Ban Quản lý Lăng và Viện Nghiên cứu khoa học dược liệu và tinh dầu Liên bang Nga.

Chủ tịch nước dự Lễ kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ về thăm Quảng Bình

Quang Vũ-Mạnh Thành |

Chủ tịch nước đề nghị Quảng Bình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương “Hai giỏi,” khơi dậy, phát triển, thúc đẩy tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo...

Dâng hương tưởng niệm 111 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

PV |

Ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville, bắt đầu hành trình tìm ánh sáng cho con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước.

Thả cá được tặng từ ao cá của Bác Hồ vào ao cá Thành Cổ Quảng Trị

Tú Linh |

Ngày 9/5, Trưởng Ban quản lý Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị Cáp Thị Thiên Trang cho biết, đơn vị vừa hoàn thành công việc ý nghĩa là nhận những con cá chép nuôi từ ao cá của Bác Hồ ở Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch để thả nuôi trong ao cá Thành Cổ Quảng Trị. Tham dự sự kiện này có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng.