Hành trình đi tìm đồng đội của cán bộ, chiến sĩ Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ 584 thuộc Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị là những tháng ngày dãi dầu mưa nắng, là những bước chân băng rừng, vượt suối, là những giọt nước mắt của niềm vui đoàn tụ.
Bên cạnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đáp ứng tâm nguyện của các gia đình liệt sĩ, với cán bộ, chiến sĩ Đội 584, hành trình này còn giúp các anh thực hiện lời hứa từ chính trái tim mình, đó là đưa bằng được đồng đội đã hy sinh về với gia đình, người thân và Tổ quốc thân yêu.
Đúng 7 giờ 30 phút ngày 18/5/2022, tại cầu Xà Ợt (Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavanh), lễ bàn giao, đón nhận 12 hài cốt liệt sĩ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào diễn ra trong không khí thiêng liêng. Quê mẹ đón các anh trở về trong nắng vàng, gió nhẹ, trong nỗi niềm xúc động khôn nguôi.
Có mặt tại buổi lễ đón hài cốt liệt sĩ, Trung tá Nguyễn Viết Toàn, Chính trị viên Đội 584 cùng đồng đội hoàn tất các thủ tục cần thiết để buổi lễ được diễn ra chu toàn, trang trọng. Lần đưa hài cốt các liệt sĩ trở về quê mẹ này đã kết thúc đợt tìm kiếm trong mùa khô 2021 - 2022 của cán bộ, chiến sĩ Đội 584. Trung tá Nguyễn Viết Toàn cho biết: “Chúng tôi sẽ bắt đầu một hành trình khác vào mùa khô 2022 - 2023 (từ tháng 10/2022 - 5/2023). Để chuẩn bị tốt cho đợt công tác tiếp theo, đơn vị đã phân công một số đồng chí ở lại Lào tiếp tục bám cơ sở, nắm bắt thông tin”.Vượt núi, băng rừng tìm đồng đội
Gần 40 năm nay, những người lính Đội 584 đã băng rừng, vượt suối đi tìm đồng đội còn nằm lại trên đất bạn Lào. Công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở trong nước vốn đã gặp nhiều khó khăn nhưng ở Lào, khó khăn này nhân lên gấp bội lần. Bởi lẽ, phần mộ còn sót lại chủ yếu nằm rải rác ở rừng sâu, địa hình hiểm trở, không có sơ đồ mộ chí, chủ yếu dựa vào nguồn tin người dân cung cấp trong khi đối tượng này đã già yếu, trí nhớ sút giảm theo tuổi tác...
Do địa hình hiểm trở, điều kiện trang thiết bị hạn chế cùng với đặc thù công việc nên việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đến nay vẫn bằng phương thức thủ công là sử dụng cuốc, xẻng và sức người. Nhiều khi để đến được vị trí chôn cất liệt sĩ, các thành viên trong đội phải chặt tre làm thang, dùng dây để chui vào hang, chèo thuyền độc mộc vượt sông hoặc đi bộ đường rừng hàng chục cây số...
Chưa kể sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa cũng là một trong những khó khăn mà cán bộ, chiến sĩ Đội 584 phải đối mặt. “Thời tiết ở Lào rất khắc nghiệt, mùa khô các khe suối đều cạn kiệt nước, nhưng cũng có lúc, đang quy tập thì mưa rừng kéo đến. Sau trận mưa, tất cả các khe suối đều ngập nước, địa hình bị chia cắt hoàn toàn. Thiếu lương thực, thực phẩm nên mọi người phải thay nhau đào củ, hái rau, măng rừng ăn qua ngày...”, Trung tá Nguyễn Viết Toàn chia sẻ.
Đây là mùa khô đầu tiên anh Toàn tham gia thực hiện nhiệm vụ quy tập hài cốt liệt sĩ ở nước bạn Lào. Ngoài những khó khăn chung, vào thời điểm COVID-19 bủa vây khắp nơi, cán bộ, chiến sĩ Đội 584 gặp không ít khó khăn trong sinh hoạt cũng như triển khai công việc. “Tuy nhiên, càng khó khăn, thách thức, chúng tôi càng không được nản chí. Đôi khi đây chính là sự thử thách của những đồng đội đã hy sinh…”, anh Toàn bộc bạch.
Vào tháng 1/2021 của mùa khô 2020 - 2021, Đội 584 đã phát hiện 7 hài cốt liệt sĩ, trong đó có 3 liệt sĩ có thông tin (một người có thông tin đầy đủ là liệt sĩ Nguyễn Hữu Đạo, quê ở Quế Võ, Bắc Ninh) ở bản A Sing Sạ Ne, huyện Mường Noòng. Vị trí này trước đó được dân bản báo có hai mộ liệt sĩ, đã tổ chức tìm kiếm nhưng không thấy. Sau này đơn vị tiếp tục thu thập thêm thông tin và mở rộng quy mô tìm kiếm. Lần tìm kiếm này để lại ấn tượng nhiều nhất đối với Thiếu tá Trần Minh Phương - người có gần 10 mùa tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở Lào.
Anh Phương nhớ lại: “Chuyến tìm kiếm đó đã kéo dài 80 ngày nhưng không có kết quả khiến ai cũng buồn. Lúc bấy giờ, tôi đang đào đất với đồng đội nhưng không hiểu sao lại rời khỏi vị trí đang tìm kiếm, đi lên phía trước khoảng 40 - 50 m rồi bổ những nhát cuốc xuống đất. Được khoảng 80 cm thì trúng ngay lớp tăng và từ đây, 7 hài cốt liệt sĩ lần lượt được tìm thấy. Đặc biệt, đây là một trong những lần hiếm hoi xác định được danh tính đầy đủ của một liệt sĩ trong suốt hành trình quy tập 40 năm qua của đội. Giờ nhớ lại khoảnh khắc ấy, tôi vẫn cảm thấy thật xúc động và hạnh phúc”.
“...Đã có những hy sinh, khó nói hết bằng lời” *
Trong chặng đường 40 năm qua, Đội 584 đã tìm kiếm, cất bốc 5.498 hài cốt liệt sĩ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Lào trở về quê mẹ. Để có kết quả trên, những người lính đã phải đổ biết bao mồ hôi và nước mắt, thậm chí hy sinh tính mạng khi đi tìm đồng đội.
Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Hữu Lưu - nguyên Đội trưởng Đội 584 - người đã có 15 năm gắn bó với việc tìm kiếm, cất bốc hài cốt liệt sĩ ở Lào. Anh vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (tháng 11/2010); nhà nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng Huân chương Lao động hạng Nhì vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác.
Khi được hỏi về những khó khăn của công việc này, Đại tá Trần Hữu Lưu nói ngắn gọn: “Đã có những đồng đội của chúng tôi hy sinh khi làm nhiệm vụ cao cả này”. Ký ức của anh đưa chúng tôi quay trở lại bản Vàng Hày, huyện Sê Pôn vào một ngày tháng 3/1997. Thời điểm đó, cả đội đã hoàn thành công việc tìm kiếm và trở về trong thời tiết mưa tầm tã. Trong lúc đưa hài cốt liệt sĩ qua sông bằng thuyền độc mộc, thuyền của đồng chí Phạm Viết Hòa, quê ở thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh bị lật.
Đội 584 được thành lập vào ngày 10/5/1984. Hiện đội có 45 cán bộ, chiến sĩ, trong đó 2/3 quân số hoạt động ở tỉnh Savannakhet (Lào); 1/3 quân số ở Quảng Trị thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Đội 584 vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân vào năm 2008; 2 Huân chương Chiến công hạng Nhất; 3 Huân chương Chiến công hạng Ba.
Giữa dòng nước chảy xiết, anh Hòa vẫn cố gắng giữ chặt hài cốt liệt sĩ vừa được tìm thấy cho đến khi đuối sức và bị nước cuốn trôi. Các chiến sĩ phải vật lộn với con nước dữ hàng giờ đồng hồ mới tìm được thi thể anh, nuốt nước mắt hoàn thành tiếp hành trình dang dở của anh để đưa đồng đội trở về quê mẹ.
Trường hợp thứ hai là đồng chí Trương Quang Thanh, quê ở xã Gio Mai, huyện Gio Linh. Vào năm 2005, khi cả đội đang trên đường hành quân đến một điểm cao ở bản Phạ Loong, huyện Mường Phìn thì gặp mưa to, gió lớn. Không may anh Thanh bị cây gãy đổ đập trúng vào đầu, hy sinh.
Đó là mất mát lớn của đơn vị, cũng là nỗi đau của những người lính phải chứng kiến đồng đội hy sinh khi làm nhiệm vụ giữa thời bình. Quá trình thực hiện nhiệm vụ ở nước bạn Lào, cán bộ, chiến sĩ Đội 584 luôn phải đối mặt với những nguy hiểm rập rình, nhiều lần thoát chết trong gang tấc. Theo lời kể của Đại tá Trần Hữu Lưu vào năm 2000, sau 3 ngày tìm kiếm, đội cất bốc được 20 hài cốt liệt sĩ nhưng chưa kịp vui mừng thì một đám cháy rừng ập tới.
“Trước đó, chúng tôi phát hiện một hố bom có nước để sử dụng sinh hoạt, nấu nướng cho cả đội nhưng trong tình thế cấp bách, tôi quyết định di chuyển toàn bộ hài cốt liệt sĩ xuống hố bom tránh lửa, còn anh em trong đội thì chặt cây rừng và múc nước dập lửa. Nhờ số nước trong hố bom đó chúng tôi mới qua cơn nguy khốn và đảm bảo an toàn cho 20 hài cốt liệt sĩ nhưng đêm hôm đó toàn đội phải nhịn đói ngủ giữa rừng vì không còn nước để nấu ăn”, anh Lưu chia sẻ.
Thấu hiểu khó khăn của đồng đội, khi còn công tác, nhiều lần Đại tá Trần Hữu Lưu vận động đơn vị quyên góp, ủng hộ những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn, chăm lo chu đáo hai gia đình liệt sĩ của đơn vị hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Trong lúc đó, hoàn cảnh gia đình anh cũng rất khó khăn khi cha mẹ già yếu và 2 người con bị nhiễm chất độc da cam.
Anh còn vận động cán bộ, chiến sĩ giúp đỡ Nhân dân các bộ tộc Lào anh em làm được gần 4.000m đường; sửa chữa, nâng cấp gần 5.000m; dựng mới 69 ngôi nhà; tu sửa 125 ngôi nhà cho các đối tượng chính sách gặp hoàn cảnh khó khăn; chỉ đạo quân y đơn vị khám, cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt người dân, cứu sống hàng trăm người dân bị bệnh trong cơn nguy kịch. Việc làm này tạo được mối đoàn kết, keo sơn gắn bó giữa hai nước, hai dân tộc Việt - Lào.
Chạy đua với thời gian
Không chỉ ở Lào, các cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong nước cũng gặp nhiều khó khăn. Trên hành trình gian khó này, Đội 584 phải chạy đua với thời gian để có được kết quả tìm kiếm tốt nhất.
“Trên địa bàn tỉnh, hầu hết các phần mộ liệt sĩ chưa được tìm thấy đều tập trung ở các địa bàn khó khăn. Thời gian và điều kiện khắc nghiệt của thời tiết đã khiến các ngôi mộ bị xê dịch đi rất nhiều, thậm chí có khu vực đã bị san phẳng. Trong khi đó, nhân chứng, những người trực tiếp chôn cất hay chăm sóc các phần mộ đều đã già hoặc không còn. Vì vậy, chúng tôi phải chạy đua với thời gian để tìm kiếm đồng đội”, Trung tá Võ Anh Tuấn, Phó Đội trưởng Đội 584 phụ trách công tác quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn tỉnh trăn trở. Cũng vì lý do ấy mà các anh luôn nỗ lực trong mọi cuộc tìm kiếm. Vào tháng 12/2020, một gia đình ở Thái Nguyên liên hệ với Đội 584 với mong muốn được hỗ trợ tìm kiếm thân nhân hy sinh ở xã A Bung, huyện Đakrông.Anh Tuấn cho biết, trước đó vào năm 2019, gia đình này đã từng vào tìm kiếm và được đội hỗ trợ cất bốc 3 hài cốt liệt sĩ. Tuy nhiên khi xét nghiệm ADN thì trong số đó không có người thân của gia đình. Lần này, gia đình trở lại mong muốn hỗ trợ mở rộng quy mô tìm kiếm tại vị trí cũ. Dù thông tin khá ít ỏi nhưng vì tâm nguyện quá lớn của gia đình, đơn vị tiếp tục mở cuộc tìm kiếm.
“Quá trình khảo sát, chúng tôi nghi ngờ vị trí có hài cốt liệt sĩ nằm giữa một lùm tre khổng lồ giữa rừng. Muốn tìm kiếm ở vị trí này thì phải thuê người dân địa phương chặt, đào cả bụi tre lên, tốn khá nhiều công sức nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm làm. Kết quả là đã phát hiện bên dưới một bọc tăng có 4 hài cốt liệt sĩ, trong đó có một hài cốt bị thương ở chân phải (trùng với thông tin gia đình cung cấp là liệt sĩ bị thương ở chân). Kết quả xét nghiệm ADN cho thấy đó chính là thân nhân của gia đình này. Niềm vui, hạnh phúc của gia đình khiến chúng tôi quên đi mệt mỏi, nhọc nhằn”, anh Tuấn nhớ lại.
Trong gần 40 năm qua, Đội quy tập 584 đã tìm kiếm được 9.253 hài cốt liệt sĩ (5.498 hài cốt tại Lào; 3.755 hài cốt ở Quảng Trị) nhưng chủ yếu là liệt sĩ chưa rõ thông tin. Hầu hết các anh được đưa về an táng tại các nghĩa trang liệt sĩ với tấm bia mộ “liệt sĩ chưa biết tên”. Đây chính là nỗi niềm trăn trở của những người làm công tác quy tập hài cốt liệt sĩ.
Thượng tá Trương Khắc Duẩn, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho hay, bên cạnh việc tìm kiếm, cất bốc các phần mộ, để thuận lợi hơn cho công tác xác định nhân thân, quê quán của các liệt sĩ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo các thành viên trong Đội 584 chú tâm hơn vào việc tìm kiếm các di vật nằm cùng phần mộ vì đây sẽ là mấu chốt quan trọng để tìm ra được tên tuổi, quê quán của liệt sĩ.
Còn theo Trung tá Võ Anh Tuấn, một trong những nguồn thông tin về mộ liệt sĩ đơn vị nắm được là do Nhân dân cung cấp. Vì vậy, thời gian tới, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên mọi tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, tích cực cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, hỗ trợ và phối hợp tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)