Điểm tựa vững chắc của người dân nơi biên cương

Lê Trường |

 Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, nhiều năm qua, phong trào “Dân vận khéo” luôn được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập đặc biệt quan tâm triển khai sâu rộng. Qua đó, góp phần giúp người dân vùng biên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Đồn cũng là “điểm tựa” vững chắc, củng cố niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), xây dựng thế trận lòng dân vững mạnh, tạo sức mạnh tổng hợp trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

 
Giống gia cầm do Đồn Biên phòng Hướng Lập hỗ trợ tạo nguồn sinh kế cho người dân thôn Cù Bai, xã Hướng Lập -Ảnh: L.T 
      

Đồn Biên phòng Hướng Lập được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 28,588 km, 16 mốc quốc giới, 5 cọc dấu giáp nước bạn Lào trên địa bàn 2 xã Hướng Lập, Hướng Việt gồm 9 thôn có 781 hộ/3.522 khẩu. Từ khi thành lập vào năm 1955 đến nay, Đồn Biên phòng Hướng Lập luôn làm tốt công tác xây dựng thế trận biên phòng toàn dân (BPTD) vững mạnh.

Trong đó, cán bộ, chiến sĩ đơn vị luôn kề vai sát cánh cùng bà con phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Đội trưởng Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Hướng Lập, Trung úy Hồ Văn Quý cho biết, để các phong trào dân vận khéo đi vào chiều sâu, cấp ủy, ban chỉ huy đồn thường xuyên phối hợp các xã xây dựng phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”.

Phân công cụ thể cán bộ, chiến sĩ phụ trách từng thôn, bản để giúp bà con chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, vận động người dân tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới...

Cụ thể, trong giai đoạn từ 2021-2025, đơn vị đã vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ xây dựng 13 “Mái ấm cho người nghèo nơi biên giới”; 1 phòng học tại điểm trường mầm non thôn Tri; tổ chức chương trình “Tiếp sức em đến trường” trao tặng 200 suất quà và 50 chiếc xe đạp cho học sinh trên địa bàn xã Hướng Lập cùng hàng trăm suất quà là các nhu yếu phẩm thiết yếu; xây dựng 2 công trình gồm: bể nước sinh hoạt, nhà tắm, nhà vệ sinh khép kín cho Nhân dân 2 thôn Tà Păng và Cù Bai; 1 công trình “Ánh sáng vùng biên” tại thôn Tà Păng; 1 cổng chào thôn Cù Bai; 13 giếng khoan cho các thôn. Cùng với đó, hỗ trợ hàng chục ngàn con giống như: gà, vịt, dê, lợn, cá và 300 kg giống cây trồng các loại cho Nhân dân phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Tổng trị giá hỗ trợ hơn 8 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, duy trì giao ban đối ngoại với các đơn vị nước bạn Lào trong tuần tra song phương, thăm tặng quà nhân dịp lễ, Tết; tổ chức các chương trình giao lưu học sinh, “Trung thu cho em” cho trên 600 thiếu nhi nước bạn Lào với hàng trăm suất quà là hiện vật, học bổng có tổng giá trị trên 1 tỉ đồng; duy trì tốt các hoạt động kết nghĩa đồn, trạm và cụm dân cư 2 bên biên giới.

Đối với địa bàn phụ trách, đơn vị thường xuyên phối hợp địa phương và các nhà hảo tâm tổ chức thường niên từ năm 2020 đến nay Chương trình “Xuân biên phòng - Ấm lòng dân bản” trao tặng trên 2.000 suất quà Tết và 600 cặp bánh chưng cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền trên 1 tỉ đồng.

Nhận đỡ đầu 7 cháu trong Chương trình “Nâng bước em đến trường” và 2 cháu “Con nuôi đồn biên phòng” với số tiền hỗ trợ hằng năm khoảng 30 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị tích cực triển khai các mô hình tuyên truyền, vận động giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội, phổ biến pháp luật như: Mô hình “Thanh niên vùng biên nói không với ma túy học đường”, “Tiết học biên giới”, “Mỗi tuần một câu hỏi, một đáp án”...

Đến thăm gia đình bà Hồ Thị Vai ở thôn A Xóc Cha Ly (xã Hướng Lập) mới thấy hết sự vui mừng của bà khi được sống trong ngôi nhà khang trang được tặng. Chia sẻ với hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở của bà Vai, bản thân tuổi cao sức yếu, lại sống một mình nên vào năm 2019, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập kêu gọi, hỗ trợ xây tặng cho bà ngôi nhà “Nghĩa tình biên giới” trị giá 100 triệu đồng. “Không chỉ hỗ trợ tiền để xây nhà ở, các chú bộ đội còn thay phiên nhau cùng bà con giúp ngày công để hoàn thành ngôi nhà này. Vì tôi sống ngay trước cổng đơn vị, nên hằng ngày các cán bộ, chiến sĩ của đồn hỗ trợ 3 bữa ăn theo chế độ của bộ đội, tôi rất biết ơn các chú biên phòng”, bà Vai chia sẻ.

Phó Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập, Trung tá Hồ Như Quân cho biết, xác định “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” nên với phương châm “4 cùng”, đơn vị đã thường xuyên tổ chức cho cán bộ, chiến sĩ bám nắm cơ sở, tham gia xây dựng các công trình dân sinh, hỗ trợ Nhân dân trong thu hoạch mùa màng, phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ...

Đặc biệt, trong đợt lũ năm 2020, khi tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây nối trung tâm huyện Hướng Hóa đến 2 xã Hướng Việt và Hướng Lập bị sạt lở nghiêm trọng, khiến nơi đây bị cô lập hoàn toàn, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình này, đơn vị huy động toàn bộ lực lượng tham gia dọn dẹp lượng lớn bùn đất, đá, cây cối gãy đổ tại hầu hết các khu vực xung yếu trên địa bàn 2 xã với hơn 300 ngày công.

Trực tiếp kêu gọi các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm hỗ trợ nhu yếu phẩm, sách vở, quần áo, tiền mặt cho các hộ gia đình với tổng trị giá trên 2 tỉ đồng. Sử dụng tất cả nhà công vụ của đơn vị để hỗ trợ các hộ gia đình khu vực nguy hiểm đến tránh trú bão, lũ...

“Chính từ những hành động thiết thực như vậy, người lính quân hàm xanh đã trở thành cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đồng hành với đồng bào biên giới để bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc nơi vùng biên cương của Tổ quốc”, Trung tá Quân khẳng định.

Theo Chủ tịch UBND xã Hướng Lập Hồ Thị Ven, từ sự phối hợp tích cực của Đồn Biên phòng Hướng Lập trong xây dựng, triển khai các chương trình, mô hình, phong trào đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển KT-XH địa phương, mang lại cuộc sống mới cho Nhân dân khu vực biên giới. Lực lượng bộ đội biên phòng đã đồng hành giúp xã làm tốt hơn công tác vận động đồng bào DTTS xây dựng nếp sống văn hóa mới, xóa bỏ hủ tục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đó, chung tay xây dựng thế trận BPTD vững mạnh để bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới nơi miền biên viễn.

Nguồn tin: Báo Quảng trị

Đổi mới cách hỗ trợ để thay đổi tập quán sản xuất của người dân

Thủy Ba |

Thời gian gần đây, xã Thuận, huyện Hướng Hóa đã tranh thủ được nhiều nguồn lực từ các chương trình, dự án để hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo giống vật nuôi, cây trồng và tập huấn chuyển giao kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất nông nghiệp. Với sự đổi mới trong cách làm, một số mô hình hỗ trợ đã góp phần thay đổi tập quán, thói quen canh tác của người dân địa phương.

Nâng cao mức độ hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân huyện Gio Linh

Hoài An |

10 năm trở lại đây, các chương trình, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao (TDTT) được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả trên địa bàn huyện Gio Linh. Trong đó, nổi bật là các lễ hội văn hóa, thể thao truyền thống được giữ gìn và phát huy hiệu quả; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh mẽ và có sức lan tỏa sâu rộng; cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, thể thao được tăng cường đầu tư; thực hiện nếp sống văn minh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội...

Thông tin kết quả xác minh phản ánh của người dân thôn Thái Mỹ về chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát

Quang Hải |

Theo phản ánh của người dân thôn Thái Mỹ, xã Hiền Thành, huyện Vĩnh Linh cho rằng có dấu hiệu thiếu minh bạch trong việc triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Sau khi tiếp nhận phản ánh, phóng viên Báo Quảng Trị đã trực tiếp đến thôn Thái Mỹ tìm hiểu, làm việc với trưởng thôn, lãnh đạo xã Hiền Thành và thông tin kết quả đến người dân.

Người dân phải qua về sông Nhùng trên cầu tre tạm bợ suốt 50 năm

Đức Việt |

Xóm Rào và xóm Phước cùng thuộc Đội 3 (thôn Mai Đàn, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng) nhưng cách nhau bởi con sông Nhùng. Do đi đường vòng với quãng đường quá xa, nên để thuận tiện qua lại sinh hoạt, thăm thân hoặc sản xuất, hơn 50 năm qua người dân hai xóm này đành bất chấp hiểm nguy qua lại sông Nhùng trên chiếc cầu tre tạm bợ, không đảm bảo an toàn.