Đường lên Điện Biên

Châu La Việt |

Tôi là một người lính viết văn trưởng thành từ những mâm pháo, những con đường ra trận, từ mặt trận Cánh Đồng Chum... Tôi chiến đấu thực thụ ở đây chỉ 5 năm, nhưng suốt 50 năm qua, tôi như thể vẫn là một người lính của binh trạm 13, vẫn viết bằng cây bút mà binh trạm, chính ủy Dư Cao, rộng ra là Quân đội giao tôi ngày nào. Và chỉ viết về những người lính, những đồng đội thân yêu của mình.

Năm 2019, những người cựu chiến binh chúng tôi có dịp trở lại chiến trường xưa. Trước đó, tôi đã bỏ nhiều ngày tháng để hoàn thành tiểu thuyết “Lửa sáng phía chân trời”, viết về Binh trạm 13 và chiến trường xưa Đường 7- Cánh đồng Chum. Ngay khi viết xong bản thảo, tôi in làm hai bản, một bản gửi “Chương trình đầu tư sáng tác VHNT đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng giai đoạn 2014 - 2019 của Bộ Quốc phòng”- sau đó ít ngày, tôi được thông báo tiểu thuyết “Lửa sáng phía chân trời” đã được đưa vào Chương trình.

Và một bản cất trong ba lô, đợi chờ tới chuyến đi cùng các cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa. Nói thật, tôi luôn một mong ước với tiểu thuyết này, là được có dịp đứng trên đỉnh núi cao Phu Nốc Cốc hay một đỉnh đèo trọng điểm nào đó mà mình đã chiến đấu năm xưa, đọc to lên 300 trang tiểu thuyết, để gửi tặng cho gió, cho rừng, cho suối sâu, đèo cao, cho cỏ cho cây, cho những đồng đội cùng chiến đấu năm xưa, cho những người dân Lào hiền lành thuần phác. Và cho các bạn của tôi cùng lớp trẻ hôm nay."

Chuyến du xuân Tây Bắc
Chuyến du xuân Tây Bắc


Sung sướng và xúc động thay điều tâm niệm ấy đã được thực hiện trong chuyến đi trở lại chiến trường Lào tháng 5 /2019. Trên đỉnh đèo Đất, một trọng điểm ác liệt như Phu Nốc Cốc (đèo Phỉ), tôi đã ném vào không gian tiểu thuyết “Lửa sáng phía chân trời” để gửi tặng cho gió, cho rừng, cho suối sâu, đèo cao, cho những đồng đội cùng tôi chiến đấu năm xưa người còn người mất, cho những chiến sĩ Pa thét Lào kề vai cùng tôi chiến đấu.

Chủ nhiệm chính trị đại tá Nguyễn Phú Nho, đại tá tiểu đoàn trưởng cao xạ Hoàng Anh Phúc, đại tá Dư thị Hạnh Phúc, những nhà văn đàn anh: Vương Trọng, Trần Nhương và các đồng đội Binh trạm 13, tiểu đoàn 11 pháo cao xạ năm xưa: Ngô Quốc Lập, Nguyễn Tiến Ngôn, Nghiêm xuân Thép,Thái Kế Toại, Phạm Ngọc Tiến, cùng các văn nghệ sỹ trẻ hôm nay: Mai Nam Thắng, Ngô Phương Lan, Đinh Trọng Tuấn, Anh Thư, Trịnh Quế Anh, Nguyễn Hữu Bảo... đã chứng giám cho tôi điều thiêng liêng này.

4 năm sau vào dịp mùa xuân này 2024, tôi lại dược cùng những người bạn vô cùng thân thiết Nguyễn Hiệp, Bùi Lê Huyên, Trương Quốc Dũng, Trần Minh Văn, Trần Phương... lại hành quân lên Tây Bắc giữa mùa hoa ban nở. Đây cũng là lúc tôi mới in xong tiểu thuyết “Vầng trăng Him Lam", một tiểu thuyết được hướng về kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng, và do nhà xuất bản quân đội ấn hành.

Trên đỉnh núi Khâu Phạ mù sương, tôi lại thêm một lần gửi cho gió, cho mây, cho núi cho rừng, cho những người chiến sĩ năm xưa hành quân lên Điện Biên và rồi vĩnh viễn nằm lại nơi này, xin gửi lại Tây Bắc và các anh tác phẩm văn học mới nhất của một người nguyên là chiến sỹ là tôi viết về Điện Biên, viết về Tây Bắc và các anh...

Gửi lại núi rừng Tây Bắc thân thương
Gửi lại núi rừng Tây Bắc thân thương


Văn học luôn phải làm sống lại, luôn phải như tấm gương lưu giữ mãi những sự tích anh hùng, những chiến công huy hoàng , mà như nhà văn Đỗ Chu từng nói: “Dù là những trang viết thô mộc , thậm chí còn vụng về , nhưng qua nó ta bỗng như gặp lại tiếng vang xào xạc của những cánh rừng xa, tiếng vọng nghiêm trang của những tháng năm xa”.

*

Cùng đi với chúng tôi sáng xuân này lên Tây Bắc, còn có cả 5 cô gái diễn viên nghệ thuật từ Huế. Rất xinh đẹp, trẻ trung, và hát rất hay là Ngọc Khánh, Diễm Kiều, Mai Chung... nhìn xinh xắn và hát hay thế thì chắc ở Huế cũng là những nghệ sĩ nổi tiếng. Những bài ca về Tây Bắc, về Điện Biên các cô hát thật tuyệt vời, trong giá rét căm căm hay nơi Tà xùa mây và mù sương quấn chặt lấy người, nhưng có tiếng hát thấy thật ấm lòng làm sao.

Điều tiếc rẻ và áy náy duy nhất với tôi là không mang theo đủ sách “Vầng trăng Him Lam” để tặng các nghệ sĩ. Nhưng tôi nói với các cô rằng, hãy đợi đấy, Điện biên năm nay dịp kỷ niệm 70 năm này không chỉ hiển hiện trong các tác phẩm văn học, mà còn trong âm nhạc, không chỉ với ca khúc mà còn có cả một Opera hết sức bề thế, trang trọng, mà tác giả Opera ấy là một nhạc sĩ hiện đại xuất sắc hiện nay, và chính là con trai của Nghệ sĩ- Chiến sỹ Điện biên lừng danh: Nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Các cô cùng reo lên tên người con, cũng là một nhạc sĩ tên tuổi mà dường như ai cũng biết tiếng: Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân!

Vâng, đúng là Đỗ Hồng Quân và chúng ta hãy cùng đợi chờ một ngày không xa, ngay trên mảnh đất Tây Bắc này, Opera “Vầng trăng Him lam” của Đỗ Hồng Quân sẽ vang lên, như ngày nào Opera “A Sao” của cha anh Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã từng cùng âm thanh rừng núi mở hội cho dân bản nơi đây...

*

Đường lên Tây Bắc vút xa mờ

Đường lên Tây Bắc mây trắng bồng bềnh như mơ

Vượt sông Lô ngược sông Hồng

Đường lên Tây Bắc đi trong mênh mông đất trời yêu thương

Chúng tôi đi qua Nghĩa Lộ, Trạm Tấu, Tú Lệ, Mù Cang Chải, Khâu Phạ...Mùa xuân đất nước thật tuyệt vời, mùa xuân Tây Bắc thật tuyệt vời.

Lại nhớ những dòng văn của con gái một chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô năm xưa từng chiến đấu ở Điện Biên - nơi chiến trường năm xưa người cha thân yêu của chị đã chiến đấu suốt thời trai trẻ, cùng đồng đội làm nên một Điện Biên Phủ lẫy lừng. Và nhiều năm sau, chính nơi này cũng là vùng đất thu hút nhiều nhất người con gái của ông , công tác tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn- Agribank, đã như một cô gái của thôn bản.

“Đến với Tây Bắc mùa này, du khách sẽ gặp những thung lũng được “dát vàng” bởi màu lúa chín.

Theo chân một cán bộ Agribank từ dưới xuôi lên vùng cao “bám bản”, tôi đến xã Tú Lệ, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái đúng vào ngày bà con người Thái tổ chức hội thi làm cốm và lễ "Mừng cơm mới” trước khi bước vào vụ thu hoạch lúa chín.

Tham gia Lễ hội, 9 thôn bản của xã Tú Lệ đều có đội dự thi. Ngoài thi làm cốm, mỗi đội còn tổ chức thi cỗ, gồm các món ăn truyền thống được chế biến từ sản vật rất đặc biệt của địa phương. Hội thi được tổ chức ngay trên thửa ruộng vừa mới gặt, gốc rạ vẫn còn tươi rói.

Để làm nên món cốm đặc biệt này, từ sáng sớm tinh mơ, những cô gái Thái đã đeo gùi lên nương cắt những bông lúa non còn đẫm sương đêm để mang về làm cốm. Sau công đoạn tuốt lúa (tuốt thủ công từ 2-3 bông một), loại bỏ hạt lép, cho vào chảo rang, từng mẻ lúa được đổ vào cối giã, rồi sàng sảy, rồi lại giã tiếp ... Quy trình cứ thế lặp lại 3-4 lần cho tới khi mẻ cốm đầu tiên được hoàn thành, tỏa hương thơm nức.

Trong khi nhóm làm cốm đang rất khẩn trương phối hợp từng công đoạn thì nhóm nấu cỗ cũng tất bật, rộn ràng chuẩn bị lễ vật cúng "Mừng cơm mới”, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, bà con trong thôn bản khỏe mạnh, cuộc sống sung túc.

Trong không khí rộn ràng vui vẻ, ghé thăm từng bàn trưng bày của mỗi thôn, mọi người đều được các cô gái Thái xinh đẹp chào đón và mời chén rượu mừng lễ hội, chia sẻ niềm vui được mùa lúa mới và nếm thử món cốm, món xôi nếp nương cùng nhiều sản vật đặc biệt của Tú Lệ...”

Lại nhớ một đêm xòe Thái chưa xa, tháng 9 năm 2022, tại Nghĩa Lộ này đây, có Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự, màn trình diễn “Tinh hoa nghệ thuật Xòe” hội tụ những giá trị văn hóa dân gian đã trở thành di sản của người Thái ở Tây Bắc, với sự tham gia của 2022 nghệ nhân, diễn viên quần chúng và đồng bào các dân tộc 4 tỉnh có di sản, trong buổi Lễ đón nhận Bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật Xòe Thái” vào Danh sách Di sản Văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản
Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Xòe Thái - Tinh hoa miền di sản


Đương nhiên với chúng tôi, đến với Tây Bắc Điện Biên hôm nay, đi trên những con đường rừng quanh co, leo qua những dốc núi cao, trường qua những cua tay áo của những con đường như ngập trong mây trắng và sương mù, thì nhớ nhiều hơn cả vẫn là những người lính năm xưa từng hành quân, từng kéo pháo qua đây, để rồi “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không mòn!/ Những đồng chí thân chôn làm giá súng/ Đầu bịt lỗ châu mai/ Băng mình qua núi thép gai/ Ào ào vũ bão,/ Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/ Nát thân, nhắm mắt, còn ôm.../ Những bàn tay xẻ núi lăn bom/ Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện/ Và những chị, những anh ngày đêm ra tiền tuyến/ Mấy tầng mây gió lớn mưa to/ Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát...", (Thơ Tố Hữu)

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

Kiểm tra tình hình triển khai các dự án tại Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá

Hải An |

Ngày 13/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng đi kiểm tra thực địa tình hình triển khai dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá của Công ty Cổ phần Quang Anh Quảng Trị và dự án Nhà máy sản xuất trang phục lót và hàng thể thao của Công ty Scavi Huế để chuẩn bị kế hoạch tổ chức khởi công các dự án.

Gặp mặt văn nghệ sĩ đầu xuân Giáp Thìn - 2024

Minh Long |

Ngày 23/2, Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt văn nghệ sĩ đầu xuân Giáp Thìn - 2024. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam đến dự.

Bão số 3 giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc

PV |

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 19 giờ ngày 30/8, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,7 độ Vĩ Bắc; 119,6 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc), khoảng 620 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (184 - 201 km/giờ), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15 km/giờ.