Gieo mầm xanh, ươm hy vọng

Thanh Trúc |

Với tất cả niềm đam mê hiếm có đối với nghề ươm cây giống lâm nghiệp trong 35 năm qua, ông Lê Ngọc Hoàn, thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) đã góp phần không nhỏ trong công cuộc phủ xanh những cánh rừng cũng như tạo giá trị kinh tế lâm nghiệp cho những người trồng rừng. 

Với ông, để gieo lên những mầm xanh tươi tốt, người ươm giống phải có cái tâm và sự cần mẫn với nghề.

Thử nghiệm giống cây mới

Khoảng 4 tháng trước, trong một lần ông Hoàn đi trồng dặm rừng của gia đình nằm trên trục đường Hồ Chí Minh, tình cờ có một nhóm người đi ngang qua tò mò ghé lại, hỏi thăm chuyện trồng rừng. “Cứ nghĩ đó chỉ là câu chuyện qua đường nhưng mấy hôm sau, tôi nhận được cuộc gọi từ người xưng là Giám đốc Công ty TNHH Lâm Thành Nhân, đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn gỗ Toàn Cầu đặt vấn đề về việc hợp tác ươm giống cây hông, loại giống mới tôi chưa tiếp cận bao giờ”, ông Hoàn nhớ lại.

Ông Lê Ngọc Hoàn tỉ mẫn kiểm tra chất lượng từng bầu cây giống - Ảnh: T.T
Ông Lê Ngọc Hoàn tỉ mẫn kiểm tra chất lượng từng bầu cây giống - Ảnh: T.T

Hợp đồng công việc đặt ra là cơ sở của ông được cung ứng giống nuôi cấy mô để ươm thành cây con, sau đó bàn giao cây giống cho phía công ty. Trong quá trình thực hiện, phía công ty sẽ cung ứng phân bón, hướng dẫn, giám sát về mặt kỹ thuật, đồng thời cho cơ sở ứng trước 30% chi phí để chi trả nhân công. Nhận thấy đây là cơ hội để mình có thể tiếp cận, thử thách với giống cây mới, đồng thời mang lại công việc tốt cho nhiều lao động, ông Hoàn đã quyết định nhận việc.

Tại Quảng Trị, cơ sở ông Hoàn là vườm ươm thứ hai được Công ty TNHH Lâm Thành Nhân lựa chọn. Sau khi ký kết hợp đồng, ông Hoàn được hỗ trợ khoản kinh phí 35 triệu đồng để tu sửa lại nhà màng ươm giống đảm bảo tiêu chuẩn, nhận giống nuôi cấy mô của cây hông do công ty cung cấp và tiến hành ươm tại vườn.

Đây là loài cây còn mới mẻ với các cơ sở ươm cây giống cũng như người trồng rừng trong tỉnh. Vì vậy, ông Hoàn đã dành nhiều thời gian lên mạng internet tìm hiểu về loài cây này, kỹ thuật ươm cây cũng như khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu, thời tiết trên địa bàn tỉnh.

Ông cho biết, với giống nuôi cấy mô của loài cây này, khi ươm, quan trọng nhất là phải thường xuyên quan sát, giữ ẩm cho luống gieo, không để cho cát trên mặt khô trắng. Định kỳ phun phòng nấm 15 ngày một lần, cần phun cho đủ ướt đều thân và lá cành cây con, khi cây được 6 lá thì tiến hành cấy ra bầu. Sau khi cấy phải che cho cây 2-3 ngày cho cây phục hồi sau đó dỡ toàn bộ vật che để có đủ ánh sáng cho cây mọc. Kể từ khi gieo cho đến khi cây đủ tiêu chuẩn đem trồng từ 75-90 ngày tùy theo thời vụ gieo và đất vườn ươm. Giống cây hông đòi hỏi các bước kỹ thuật gieo khắt khe hơn, có những kinh nghiệm riêng để giống mô khi đem ra ươm không bị “chết yểu”.

Ước tính nếu trồng trong 6 năm, 1 ha cây hông cho giá trị kinh tế từ 300 - 400 triệu đồng, trong khi cây keo lai chỉ đạt giá trị khoảng 60 triệu đồng. Cây hông lại không kén đất, chỉ cần trồng lên đồi trọc mà đất xốp, không úng ngập, cây phát triển nhanh nên sớm tạo rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc. “Tuy nhiên, hiện nay địa phương chưa sản xuất được giống nuôi cấy mô của loại cây này để có thể ươm giống phổ biến. Cơ sở sản xuất cây giống của tôi cũng mới thực hiện ươm giống cây hông theo hợp đồng của công ty chứ không được phép xuất bán cây ra thị trường. Do đó, cơ hội để người trồng rừng trên địa bàn tỉnh tiếp cận với giống cây hông đang khó. Nếu có nguồn giống mô của cây hồng, tôi sẵn sàng là cầu nối để đưa giống cây có giá trị kinh tế này đến với người trồng rừng trong tỉnh”, ông Hoàn chia sẻ.

Tiên phong làm vườn ươm tại rừng

Năm 1986, Hợp tác xã (HTX) An Mỹ, xã Cam Tuyền nhận nhiệm vụ xây dựng vườn ươm cây giống, phục vụ sản xuất lâm nghiệp của địa phương. Ông Hoàn được phân công là Đội trưởng Đội Vườn ươm, phụ trách công việc ươm cây giống khi với ông lúc bấy giờ, kiến thức về giống cây lâm nghiệp vẫn còn khá mù mờ.

Với sự hướng dẫn tận tình của các kỹ thuật viên dự án PAM, ông Hoàn tiếp thu rất nhanh, cùng với các xã viên bắt tay vào ươm giống cây đầu tiên là keo lá tràm, cung cấp cho dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống tại địa phương. Đến những năm 1987 - 1989, HTX thử nghiệm ươm giống cây thông và thành công, tạo ra nguồn cây giống tương đối để cung cấp cho việc trồng rừng. Thời điểm này, khi đã tích lũy được kinh nghiệm, ngoài công việc của HTX, ông Hoàn tự sản xuất cây giống tại gia đình, tạo công việc cho vợ con và những người dân trong thôn.

Theo sát từng công đoạn ươm cây giống là công việc mỗi ngày của ông Hoàn - Ảnh: T.T
Theo sát từng công đoạn ươm cây giống là công việc mỗi ngày của ông Hoàn - Ảnh: T.T

Năm 1995, ông Hoàn xin nghỉ việc ở HTX để chính thức mở cơ sở ươm cây giống tư nhân. Thời điểm đó, đây có lẽ là mô hình đầu tiên trong tỉnh, cạnh tranh với các đơn vị ươm cây giống của Nhà nước. Vượt qua những khó khăn ban đầu, ông đã xây dựng vườn ươm cây giống hộ gia đình ngày càng chất lượng, uy tín. Tham gia sản xuất cây giống cho rất nhiều chương trình, dự án, nhưng với ông Hoàn, ấn tượng nhất là những lần làm mô hình vườn ươm ngay tại rừng theo yêu cầu của đối tác.

Mô hình vườn ươm tại rừng cung cấp cây giống trồng rừng phòng hộ khu vực hồ Đá Mài, Cam Lộ do Dự án trồng rừng Việt Đức tài trợ chính là lần thử nghiệm đầu tiên. Lý giải nguyên nhân tại sao phải làm vườn ươm ngay tại rừng, ông Hoàn cho biết các chuyên gia nước ngoài yêu cầu rất khắt khe đối với chất lượng cây giống. Nếu vận chuyển cây giống từ chỗ ươm đến nơi trồng, trong điều kiện đường sá đi lại còn khó khăn thời đấy, chắc chắn cây sẽ bị xây xát, ảnh hưởng đến chất lượng rừng trồng. Do đó họ yêu cầu phải sản xuất giống cây tại chỗ.

“Việc này lúc bấy giờ chưa có tiền lệ, nhưng tôi vẫn nhận làm, dù biết sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi gồm hơn 10 người cơm đùm gạo bới, băng đường vào rừng, làm lán trại, ăn ở tại chỗ để sản xuất cây giống. Ở rừng điều kiện sinh hoạt thiếu thốn đủ bề, chúng tôi tận dụng khu vực gần khe suối, gần nguồn nước để làm vườn ươm. Sau hơn một năm vất vả, chúng tôi đã ươm đủ cây giống đảm bảo tiêu chuẩn, bàn giao cho dự án triển khai trồng rừng”, ông Hoàn kể lại.

Sau thành công này, ông Hoàn triển khai tiếp mô hình vườn ươm tại rừng đối với dự án trồng rừng khu vực Trảng Rộng do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tài trợ vốn. Với thành công của dự án này, ông Hoàn vinh dự được chọn đi báo cáo chia sẻ kinh nghiệm ươm cây giống, thực hiện mô hình vườm ươm tại rừng trong hội nghị sơ kết toàn quốc triển khai dự án trồng rừng do ADB tài trợ, tổ chức vào năm 2004.

Thêm một lần đem quân đi ươm cây tại nơi trồng rừng nữa mà ông Hoàn khó có thể quên trong cuộc đời mình, đó là dự án trồng rừng tại khu vực Cửa khẩu La Lay (nay là Cửa khẩu quốc tế La Lay), huyện Đakrông do Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh “chọn mặt gửi vàng”. Đó là năm 2009, để vào đến khu vực cửa khẩu sát biên giới với Lào này là cả một hành trình gian nan.

Lần này, ông Hoàn đưa hơn 20 lao động, cả vợ, con tham gia cùng. Chưa một chuyến đi nào vất vả hơn thế, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đất đai khô cằn, nguồn nước xa, mọi điều kiện ăn ở cũng như phục vụ cho việc ươm cây đều khó khăn.

“Để có nguồn nước, chúng tôi đúc bờ lô xây một bể nước với sức chứa khoảng 10 khối nước, dùng ống tre dẫn nước từ suối vào bể. Thời điểm xây bể, có anh cán bộ biên phòng đã khuyến cáo là không nên xây bằng bờ lô nhưng tôi lại chủ quan không nghe theo. Một đêm, tôi và hai lao động đang ngủ say ở lán, bỗng có tiếng nổ bùm rất lớn, ngỡ như tiếng bom khiến ai nấy hoảng hốt. Chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, khoảng ba phút sau đã thấy nước tràn lênh láng vào lán, chạy ra thì thấy bể nước đã vỡ vụn, cách lán chỉ 4-5m, do áp lực nước quá lớn. Lần đó, chúng tôi gần như thoát chết trong gang tấc”, ông Hoàn nhớ lại.

Hơn hai năm bám trụ, đội quân của ông Hoàn đã hoàn thành nhiệm vụ ươm cây giống để bộ đội Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế La Lay triển khai trồng 600 ha rừng trên tuyến biên giới Việt Lào- khu vực đồn đóng quân, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc.

Ươm cây, gieo nghề

Ở thôn An Mỹ, xã Cam Tuyền hiện có hơn 20 vườn ươm cây giống có quy mô, chưa kể mô hình nhỏ lẻ của các hộ gia đình. Đây được coi là làng nghề ươm cây giống trên địa bàn huyện Cam Lộ. Có những người đến học nghề ươm cây hoặc làm công chỗ ông Hoàn từ khi còn là đứa trẻ mười mấy tuổi đầu, nay đã lên chức ông, chức bà. Ông Hoàn năm nay 73 tuổi, nhưng ở ông vẫn toát lên sự nhanh nhẹn, sắc sảo. Mọi sự tính toán, sắp đặt công việc khoa học, chặt chẽ của ông khiến người khác phải khâm phục. Liên tục những cuộc gọi điện thoại gọi đến đặt hàng cây giống từ các nơi trong và ngoài tỉnh như Quảng Bình, Huế, Đà Nẵng khiến cuộc trò chuyện giữa ông với chúng tôi nhiều lần gián đoạn.

Vườn ươm được đầu tư hệ thống che chắn, tưới tự động đảm bảo tiêu chuẩn - Ảnh: T.T
Vườn ươm được đầu tư hệ thống che chắn, tưới tự động đảm bảo tiêu chuẩn - Ảnh: T.T

Một ngày của ông bắt đầu từ sáng sớm tinh mơ. Nghề ươm cây đã tạo cho ông thói quen dậy sớm, ra vườn kiểm tra từng luống đất, chăm sóc hạt sau khi gieo, kiểm tra từng bầu cây… Nhiều năm nay, những việc này đã có người làm, nhưng ông vẫn không bỏ thói quen đó. Những người làm nghề ươm cây ở thôn gọi ông là người truyền nghề, bởi hầu như ai “ra riêng” với nghề cũng đều đã từng là người học việc chỗ vườn ươm của ông Hoàn. Với ông, đó là niềm vui riêng có, bởi người dân ở trong thôn hầu hết đã có kinh tế ổn định, sống tốt với nghề ươm cây giống lâm nghiệp.

Hiện tại, cơ sở ươm cây giống của ông có 10 lao động làm việc thường xuyên, ngoài ra hợp đồng thêm lao động thời vụ khi khối lượng công việc nhiều. Trong cuốn sổ ghi chép kế hoạch sản xuất hằng năm, ông Hoàn khoe với chúng tôi mục tiêu của năm nay là sản xuất 1,5 triệu cây giống, tổng thu ước 700 triệu đồng, lợi nhuận khoảng 200 triệu đồng sau khi trừ các loại chi phí. “Nghề ươm cây giống này đòi hỏi người làm phải có cái tâm, sự đam mê mới kiên trì theo đuổi được. Bởi chỉ khi tạo ra giống cây chất lượng thì người mua mới tiếp tục lựa chọn mình thêm nhiều lần nữa. Ươm hạt giống là phải nghĩ đến những rừng cây xanh tốt, điều đó bắt nguồn từ chất lượng nguồn giống của mình, như vậy mới càng thêm tâm huyết với nghề”, ông Hoàn chia sẻ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS