Xây dựng vành đai bảo vệ rừng bằng một số giống cây tạo sinh kế cho người dân là mô hình đang được triển khai tại địa bàn xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Hành lang cây xanh này có thể thay thế hàng rào để che chắn cho cánh rừng bên trong trước sự xâm lấn của con người và phân định vùng sản xuất với rừng tự nhiên.

Nghe “lọt tai” thì làm
Ngay lối vào cánh rừng tự nhiên của thôn Chênh Vênh là tấm biển báo với dòng chữ Mô hình Hành lang cây xanh chống xâm lấn rừng tự nhiên. Trên tấm biển này là danh sách 13 hộ dân có diện tích đất sản xuất sát rừng và mã QR cập nhật thông tin của hai hộ dân tham gia dự án. Nhìn vào đây, chúng tôi đã có được những dữ liệu cần thiết trước khi men theo lối mòn tầm 800 m để vào hành lang, gặp gỡ những người tiên phong tham gia mô hình.
Mùa trồng cây vào tháng 9/2024 với anh Hồ Văn Quý (sinh năm 1978) khác với những mùa trồng trước đây. Trên diện tích 0,8 ha tại tiểu khu 651, vợ chồng anh đã trồng 143 cây giổi ghép, 71 cây bồ kết và 71 cây cà phê mít. Toàn bộ giống cây và phân bón được dự án hỗ trợ.
“Chỉ trong hơn 1 tháng, cả nhà miềng tập trung ở đây để phát thực bì, đào hố và xuống cây vào hai đợt. Vợ chồng miềng gần như dồn hết thời gian cho công việc này, con cái ngoài giờ học phụ thêm với ba mẹ để việc trồng cây đạt tiến độ như kế hoạch đặt ra”, anh Quý cho biết. Nói về lý do tại sao lại tiên phong trồng “hành lang cây xanh”, anh Quý ngắn gọn rằng, “nghe lọt tai” thì làm. “Lọt tai” ở đây là anh nhận thức được việc trồng rừng này mang lại nhiều lợi ích, đó là vừa bảo vệ được khu rừng tự nhiên, vừa thu hoạch được nguồn lợi từ chính cây trồng do mình chăm sóc, bảo vệ.
Trước đó, anh Quý từng băn khoăn vì thấy nhiều hộ dân khác không tham gia do sợ ảnh hưởng đến diện tích cây trồng của gia đình mình (chủ yếu là cây sắn). Cuộc sống của dân bản còn nhiều khó khăn nên người dân chỉ tính đến nguồn lợi thu được trước mắt.
Anh Quý cũng nhẩm tính, nếu triển khai mô hình, một phần diện tích đất trồng sắn của gia đình bị ảnh hưởng. Mỗi năm gia đình anh thu hoạch được 4 - 5 tấn sắn, bình quân thu nhập khoảng 6 - 7 triệu đồng. Số tiền này là nguồn thu không nhỏ đối với nhiều gia đình người dân tộc thiểu số. Trong khi đó, các loại cây bồ kết, dổi, cà phê mít thời gian cho thu hoạch lâu.
Tuy nhiên, cũng từ bài toán này, cái được hiển hiện rõ, đó là trong thời gian kiến thiết cơ bản, anh có thể trồng xen các loại cây trồng khác. Quan trọng hơn, theo anh Quý: “Miềng trồng cây để đời con cháu được hưởng lợi. Nghĩ vậy nên phấn khởi cái bụng, cứ 2-3 ngày, vợ chồng miềng thay nhau lên kiểm tra xem cây cối phát triển như thế nào để báo cho cán bộ biết”.

Cũng tiên phong trong mô hình này, anh Hồ Cơi (sinh năm 1988) ở thôn Chênh Vênh lại có suy nghĩ sâu xa hơn, đó là được góp sức bảo vệ cánh rừng tự nhiên gắn bó bao đời nay với dân bản. Anh chia sẻ: Từ khi rừng tự nhiên được giao cho cộng đồng quản lý, ý thức bảo vệ rừng của người dân thôn Chênh Vênh được nâng cao. Nay có thêm hành lang cây xanh bao bọc bên ngoài, rừng sẽ được bảo vệ tốt hơn. Hỏi anh phá bỏ một phần diện tích sắn để trồng các loại cây phải mất 5-7 năm sau mới cho thu hoạch có tiếc không, anh Cơi cười: Không tiếc, mất một phần mà được nhiều phần lớn hơn.
Cả anh Cơi và anh Quý đều chung quan điểm rằng, là những người tiên phong, họ phải làm thật tốt để dân bản noi theo. “Nhiều người dân đã tìm đến nhà tìm hiểu, họ nói đợi nhà miềng trồng cây xem sao rồi sẽ làm theo”, anh Quý cho biết.
Góp thêm thông điệp bảo vệ rừng
“Dự án này góp thêm một thông điệp bảo vệ rừng”, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng Hà Ngọc Dương khẳng định. Theo ông Dương, mô hình Hành lang cây xanh chống xâm lấn rừng tự nhiên được triển khai trên địa bàn có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ rừng bền vững. Trên địa bàn xã Hướng Phùng, thời gian qua công tác quản lý, bảo vệ rừng được chú trọng, tuy nhiên tình trạng xâm lấn rừng tự nhiên vẫn xảy ra.
Người dân tộc thiểu số ở thôn Chênh Vênh chủ yếu sản xuất nông nghiệp, canh tác nương rẫy nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Do thiếu quy hoạch đối với đất vườn và đất nương rẫy nên người dân trồng cây một cách tự phát. Nhiều lô đất, vườn cây chưa được quy chủ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tình trạng xâm lấn rừng tự nhiên, canh tác trên đất người khác, chồng lấn tên tuổi chủ hộ vẫn còn tồn tại... “Do nhận thức hạn chế nên một số người dân đã vào rừng chặt phá cây để canh tác. Năm 2024, trên địa bàn xã Hướng Phùng đã có trường hợp bị pháp luật xử lý”, ông Dương thông tin. Đó là trường hợp anh Hồ Văn Dục (sinh năm 1980), trú tại xã Hướng Phùng, bị Tòa án nhân dân huyện Hướng Hóa xét xử về tội Hủy hoại rừng. Người này đã chặt phá cây rừng tự nhiên có đường kính gốc chặt khoảng 10-60 cm để canh tác nương rẫy. Hành vi này đã bị tòa tuyên án 24 tháng tù cho hưởng án treo và bồi thường hơn 400 triệu đồng.

Không chỉ ở Hướng Phùng, nhiều xã miền núi khác của huyện Hướng Hóa, tình trạng người dân xâm lấn, hủy hoại rừng trong những năm qua vẫn diễn ra. Nhiều bản án được tuyên đã đẩy cuộc sống của người dân vốn nghèo khổ lại càng trở nên cùng cực hơn khi lao động chính trong gia đình bị kết án tù và bồi thường với số tiền không nhỏ.
Nhằm phân định ranh giới giữa khu vực sản xuất với rừng tự nhiên, đồng thời tạo sinh kế bền vững cho người dân, năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị phối hợp với tổ chức WWF hỗ trợ các hộ dân ở thôn Chênh Vênh xây dựng mô hình hành lang cây xanh. Dự án này góp phần giúp người dân nâng cao đời sống kinh tế, giảm thiểu tác động tiêu cực đến rừng tự nhiên. Mô hình được triển khai tại khoảnh 4, 5 thuộc Tiểu khu 651, thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng, trên diện tích gần 0,8 ha; chiều dài đường hành lang 517 m, chiều rộng 15 m; đưa vào trồng 285 cây dổi lấy hạt, 142 cây bồ kết, 142 cây cà phê mít. Hành lang cây xanh được bố trí hỗn giao theo hàng, cách mép rừng tự nhiên 2m bố trí 1 hàng cây bồ kết, tiếp đến trồng 2 hàng cây dổi lấy hạt và sau cùng là 1 hàng cà phê mít.
Nối dài hành lang cây xanh
Đó là điều mà các cán bộ khuyến nông và dự án kỳ vọng, hướng đến. Hành lang cây xanh này không chỉ che phủ cánh rừng tự nhiên ở thôn Chênh Vênh mà nối dài ở nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện Hướng Hóa.
Ngày 23/6/2023, EU đã ban hành Quy định chống mất rừng (EUDR). Quy định này cấm nhập khẩu 7 nhóm mặt hàng (cà phê, dầu cọ, gỗ, cao su, thịt bò, cacao và đậu) vào EU, nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này gây mất rừng. Theo EUDR, nông sản gây mất rừng được tính với mốc thời gian mất rừng từ ngày 31/12/2020 trở đi. Đồng thời, sản phẩm được coi là hợp pháp nếu quá trình sản xuất ra sản phẩm đó tuân thủ các quy định về đất đai, bảo vệ môi trường, sử dụng lao động, nhân quyền, các quy định về thuế, phí... |
Để nối dài hành lang này, sự đồng thuận tham gia của người dân có vai trò quyết định. Trên thực tế, không phải người dân nào cũng hiểu sâu xa về ý nghĩa mà hành lang cây xanh này mang lại. Với họ, giải quyết miếng ăn hàng ngày mới là điều quan trọng. Đó chính là lý do khiến 11/13 hộ có đất sản xuất tại Tiểu khu 651 ban đầu chưa mạnh dạn tham gia mô hình. Qua tìm hiểu, lý do khiến nhiều hộ dân chưa tham gia vì sợ hẹp diện tích đất canh tác của gia đình; một số hộ trước đó có lấn chiếm một phần vào diện tích đất rừng, sau khi đo đạc lại thì phần diện tích lấn chiếm đó không được tính nên cũng không mặn mà. “Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng xã phối hợp với cơ quan chuyên môn và dự án kiên trì vận động, tuyên truyền nên hiện tại một số hộ dân đã đồng thuận. Chúng tôi quyết tâm hoàn thành hành lang này trong năm 2025. Về nguyện vọng của các hộ dân là được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ về thủ tục pháp lý, riêng kinh phí đề nghị dự án quan tâm hỗ trợ để người dân có thêm động lực”, ông Dương bày tỏ.
Ông Nguyễn An, quản lý Dự án Sản xuất cà phê sinh thái và Cải thiện rừng tự nhiên, WWF-Việt Nam tại Quảng Trị cho biết, bảo vệ rừng và tạo sinh kế cho người dân là mục tiêu mà chúng tôi hướng đến. Thay vì dựng mốc ranh giới bằng bê tông, hành lang cây xanh sẽ tạo nên nét chấm phá mềm mại, che chắn cho cánh rừng bên trong.
“Chúng tôi thường ví von rằng, một vườn cây trên hành lang này được xem như một tài khoản tiết kiệm trong ngân hàng của người dân. Thay vì gửi tiền, người dân trồng cây, bỏ công chăm sóc và đợi ngày hái quả. Điểm khác biệt là tài khoản tiết kiệm này không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà cho cả cộng đồng. Điều quan trọng hơn là thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ rừng sẽ mở cánh cửa để các sản phẩm như cà phê, gỗ của người dân xâm nhập vào thị trường châu Âu”, ông An chia sẻ. Để xâm nhập vào thị trường châu Âu, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm là một trong những tiêu chí rất quan trọng. Trong quá trình sản xuất, nếu người trồng vi phạm tiêu chí xâm lấn rừng tự nhiên thì sản phẩm không được thị trường này chấp nhận.
“Việc nối dài hành lang cây xanh là mục tiêu phấn đấu của dự án nhằm hướng đến tương lai bền vững hơn cho người dân ở các huyện miền núi trên địa bàn. Sắp tới, chúng tôi sẽ triển khai mô hình này ở bản Mã Lai Pun, xã Hướng Phùng”, ông An nói.
Nguồn tin: Báo Quảng Trị