Không thể lãng quên...

Đức Việt |

Trận đánh bi hùng diễn ra tại thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh (Quảng Trị) và sự hy sinh anh dũng của những chiến sĩ các Đại đội (C9, 10, 11), Tiểu đoàn 6 (D6), Trung đoàn 270 (E270), Quân khu 4 cách đây tròn 54 năm không được nhiều người biết đến vì có rất ít thông tin.

Tuy nhiên, qua chắp nối thông tin của một số đơn vị chức năng, thân nhân liệt sĩ, người dân địa phương cung cấp và đặc biệt là lời kể của một chiến sĩ liên lạc thuộc đơn vị C9, D6, E270 sống sót trong trận đánh đó mà chi tiết về trận chiến năm xưa đã dần sáng tỏ…

Chuyện những người tìm ba

Anh Nguyễn Văn Ước, xã Quang Phú, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, cho biết: ba của anh là liệt sĩ Nguyễn Bá Mễ, sinh năm 1936, nhập ngũ tháng 5/1965, đơn vị C9, D6, E270, Quân khu 4. Giấy báo tử xác định hy sinh ngày 17/6/1969; lúc hy sinh cấp bậc chuẩn úy; chức vụ Đại đội phó; nơi hy sinh là mặt trận phía Nam.

Bắt đầu từ năm 1992, qua kênh ngoại cảm, gia đình anh Ước “nhận” một phần mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn để thờ phụng. Trong tâm thức, anh đinh ninh rằng đó là ba mình thế nhưng không phải. Đến năm 2015, khi khớp nối các kênh thông tin thì phần mộ đó không phải của liệt sĩ Nguyễn Bá Mễ. Cũng từ năm 2015, trên cơ sở các dữ liệu ít ỏi mình có, anh Ước và người thân tiếp tục tìm kiếm. Quá trình tìm kiếm, anh Ước biết chắc chắn đơn vị ba mình từng đóng quân tại Đặc khu Vĩnh Linh. Đi sâu tìm hiểu, trận đánh ngày 17/6/1969 (cũng là thời điểm hy sinh của các liệt sĩ) diễn ra ở một nơi nào đó thuộc các xã: Gio Châu, Gio An, Gio Bình (huyện Gio Linh, Quảng Trị) bên kia sông Bến Hải. Tuy nhiên, địa điểm chính xác trận đánh vẫn chưa xác định vì thiếu nhân chứng lịch sử. Giải mã ký hiệu, phiên hiệu đơn vị do Bộ Quốc phòng cung cấp không có thông tin cụ thể về vị trí đóng quân cũng như địa bàn chiến đấu của C9.

Thành kính viếng, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận đánh ngày 17/6/1969 - Ảnh: Đ.V
Thành kính viếng, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong trận đánh ngày 17/6/1969 - Ảnh: Đ.V

Cũng như trường hợp anh Ước, anh Nguyễn Văn Thắng, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định có ba là liệt sĩ Nguyễn Văn Nha, đơn vị C9, D6, E270; hy sinh trong trận đánh ngày 17/6/1969; thời điểm hy sinh cấp bậc chuẩn úy, chức vụ Chính trị viên đại đội. Trên cơ sở thông tin giấy báo tử, gia đình anh Thắng tìm ba trong vô vọng.

Năm 2003, anh Thắng nhờ vào ngoại cảm và nhận một phần mộ tận Nghĩa trang Liệt sĩ xã Đại Lãnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam để thờ cúng và cứ đinh ninh đó là ba mình. Được sự nhất trí của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam, gia đình anh Thắng cho khắc tên liệt sĩ Nguyễn Văn Nha lên bia mộ. Đến năm 2022, phát hiện phần mộ thông tin không chính xác, anh Thắng xin trả lại nguyên bản như ban đầu. Liên quan đến trận đánh ngày 17/6/1969 của C9 không có tài liệu lưu trữ phản ánh chi tiết, kể cả tài liệu lịch sử truyền thống của E270. Tuy nhiên, may mắn cho những người con tìm ba như anh Ước, anh Thắng khi tiếp cận được danh sách liệt sĩ E270 hy sinh ngày 17/6/1969 tại thôn Hà Trung, xã Gio Châu hiện đang lưu trữ tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Linh. Theo danh sách này, có 53 liệt sĩ được xác định danh tính, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Bá Mễ và Nguyễn Văn Nha.

Như vậy, trong hành trình tìm ba, anh Ước, Thắng cùng các cơ quan, địa phương tỉnh Quảng Trị bước đầu xác định: danh tính thân nhân mình trong danh sách 53 liệt sĩ hy sinh ngày 17/6/1969 đã biết tên tuổi; địa điểm C9 đóng quân ở bờ Bắc sông Bến Hải; nơi hy sinh, thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, bờ Nam sông Bến Hải... Tuy nhiên, diễn biến, chi tiết trận đánh ngày 17/6/1969 như thế nào, sự hy sinh anh dũng của ba các anh và đồng đội ra sao vẫn đang còn là câu chuyện dang dở. May mắn thay, trên hành trình tìm ba, anh Ước và anh Thắng đã được gặp lại đồng đội của ông là Nguyễn Văn Minh (sinh năm 1949), quê quán xã Thạch Trung, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, hiện đang sinh sống tại phường Linh Tây, TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh - nguyên là chiến sĩ liên lạc C9, tham gia chiến đấu trong trận đánh ngày 17/6/1969 ở thôn Hà Trung, xã Gio Châu cách đây 54 năm về trước. Hiện tại, ông cũng là người cung cấp thông tin đầu tiên cho báo chí về trận đánh này.

Khu vực diễn ra trận đánh năm xưa một phần bây giờ đã trở thành bãi sình lầy hoang hoá - Ảnh: Đ.V
Khu vực diễn ra trận đánh năm xưa một phần bây giờ đã trở thành bãi sình lầy hoang hoá - Ảnh: Đ.V

Hồi ức trận đánh năm xưa

Trong ngày trở lại tham dự lễ dâng hương, dâng hoa tri ân, giỗ đầu chung cho các liệt sĩ do Ban liên lạc các thân nhân liệt sĩ C9, 10, 11, D6, E270 hy sinh ngày 17/6/1969 tại Khe Cây Bồng, Rú Cấm, thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh tổ chức, ông Minh rất xúc động. Là chiến sĩ sống sót trong trận đánh đó, ông Minh khá tường tận diễn biến, những chi tiết liên quan. Thuật lại trận đánh năm xưa qua tấm bản đồ minh họa, ông Minh kể: D6 đóng tại xã Vĩnh Tú, Vĩnh Nam nhưng C9 của ông đóng tại xã Vĩnh Chấp, khu vực Vĩnh Linh cũ. Trong những năm 1969 đến 1971, đơn vị “ăn cơm bờ Bắc, đánh giặc bờ Nam”, nhiệm vụ chiến đấu tại Gio Linh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, cao điểm 300 đất, 300 đá, 544… Đơn vị chủ yếu phục kích đánh địch khi chúng hành quân càn quét. Qua nhiều ngày chuẩn bị, ngày 12/6/1969 đơn vị tập kết tại xã Vĩnh Sơn và được bổ sung thêm lực lượng của C10, C11, cùng D6. Đêm 15/6, đơn vị vượt sông Bến Hải. Đến 4 giờ sáng 17/6, đơn vị đã ém quân xong (không nhớ địa điểm nhưng gần làng Hà Trung), khoảng 10 giờ cùng ngày trinh sát báo tin có 1 đơn vị cùng hành quân và triển khai trận địa tại Hà Trung, cách đơn vị C9, D6, E270 khoảng 30 phút đi bộ.

“Đại đội trưởng Trần Đình Thân, Đại đội phó Nguyễn Bá Mễ, Chính trị viên phó Nguyễn Văn Nha, đồng chí Bản, Trung đội trưởng Trung đội 2 và 2 liên lạc đại đội là tôi và đồng chí Niên cùng đi trinh sát thực địa. Sau đó, chúng tôi lập phương án tác chiến và giao nhiệm vụ cho các mũi đánh địch.

Ông Nguyễn Văn Minh thuật lại diễn biến trận đánh năm xưa qua bản đồ -Ảnh: Đ.V
Ông Nguyễn Văn Minh thuật lại diễn biến trận đánh năm xưa qua bản đồ -Ảnh: Đ.V

Đồng chí Thân chỉ huy 1 mũi Trung đội 3 khoảng 30 đồng chí; đồng chí Mễ chỉ huy 1 mũi của Trung đội 1; đồng chí Nha chỉ huy mũi của Trung đội 2 (3 mũi theo 3 hướng Bắc, Tây và Nam). Chúng tôi thống nhất nổ súng vào lúc 12 giờ 25 phút, với phương châm đánh nhanh diệt gọn, rút nhanh theo phương án đã định dọc suối Phú Thọ về Phú Thượng (nay là làng Hà Thượng).

Nhận lệnh, chúng tôi đồng loạt nổ súng, địch đang nghỉ trưa, bị đánh bất ngờ nên thương vong nhiều”, ông Minh kể. Sau đó, địch vừa chống đỡ, vừa chạy về hướng Đông và một lúc sau trực thăng địch đổ quân chi viện.

Đường rút lui của ta bị lộ, địch dùng xăng bột rải đốt lửa chặn đường lui dẫn đến ta thương vong nhiều. Đến 16 giờ chiều cùng ngày, vẫn còn tiếng súng nhưng chủ yếu là AR15 (của địch), tiếng súng AK (của ta) còn rất ít… “Sau trận đánh, sáng hôm sau tập kết đơn vị chỉ còn khoảng dưới 30 người, một số bị thương.

Trận đánh này ta tiêu diệt khoảng 90 lính Mỹ nhưng bộ đội ta hy sinh cũng rất lớn, trên dưới 60 đồng chí. Hai ngày sau, theo quy định của mặt trận, chúng tôi quyết tâm vào đưa thi hài đồng đội về, nhưng đơn vị vấp phải địch phục kích, lựu đạn gài dưới các thi thể phát nổ gây thương vong đành phải quay trở ra. 10 ngày sau, mặt trận đồng ý phương án cho đơn vị vào lại trận địa tìm cách chôn cất đồng đội tại chỗ.

Ban đêm, khi địch rút quân, chúng tôi tiến hành an táng đồng đội, thi thể mọi người lúc này bị phân hủy do thời tiết mưa nắng thất thường. Quá trình an táng đồng đội diễn ra từ 23 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau, do đêm tối nên không thể xác định được danh tính từng người. Đây là trận chiến vô cùng ác liệt và đau thương, ám ảnh đeo đẵng tôi suốt 54 năm qua và có lẽ đến hết cuộc đời”, đôi mắt đỏ hoe, ông Minh nhớ lại.

Cũng theo trí nhớ ông Minh, 53 liệt sĩ trong danh sách liệt sĩ C9 hy sinh ngày 17/6/1969 tại thôn Hà Trung, xã Gio Châu do Ban Chỉ huy quân sự huyện Vĩnh Linh cung cấp có thể chưa đầy đủ vì khi ông “điểm danh” đồng đội thì thấy thiếu đi nhiều cái tên...

Ước nguyện tấm bia ghi danh liệt sĩ

Nhiều nhân chứng là người dân địa phương có mặt tại lễ giỗ đầu liệt sĩ vào ngày 17/6/20223 kể lại tận mắt chứng kiến bộ đội ta hy sinh sau trận đánh ác liệt đó. Ông Trần Đình Khâm (68 tuổi), người dân thôn Hà Trung kể: “Hồi đó cũng là dịp gần tết Đoan Ngọ, tôi lúc ấy đang là học sinh cùng mẹ đi vào vùng rú để kiếm lá mùng 5 về nấu uống.

Đi qua các bờ mương nước, bờ rừng, tôi và mẹ tận mắt thấy 4 người chết cháy đen rồi thấy thêm 5 người khác chết trong tư thế dựa vào gốc cây nhưng khoảng 5-7 ngày sau vào lại thì không thấy đâu nữa. Rồi sau đó không lâu, nhiều lần đi chăn bò ở khu vực nói trên tôi cũng thấy nhiều xác chết đã phân huỷ nằm ở bờ ruộng, khe nước…”.

Còn ông Trần Ngọc Trì (63 tuổi), thôn Hà Trung vào sinh sống ngay sát tại khu vực Khe Cây Bồng, nơi diễn ra trận đánh năm xưa từ năm 1989 kể lại: “Thời điểm đó khai hoang ruộng lúa, tôi phát hiện nhiều áo quần, giày, cúc áo… nhưng không biết là của bộ đội.

Cách đây mấy năm mới biết là bộ đội ta chiến đấu và hy sinh trong trận ngày 17/6/1969 như nhiều người lớn tuổi ở địa phương kể lại. Hiện nay tôi vẫn thường thắp nhang khói quanh vườn và khu vực gần nơi các anh hy sinh với mong muốn mang lại sự ấm áp cũng như thể hiện lòng biết ơn của mình”, ông Trì nói.

53 liệt sĩ xác định được danh tính của C9, D6, E270 hy sinh ngày 17/6/1969 tại thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị có quê quán ở các tỉnh, thành: Hà Nội, Hà Bắc (cũ), Hải Hưng (cũ), Nam Hà (cũ), Ninh Bình, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và huyện Vĩnh Linh... Ngoài ra, còn có 4 liệt sĩ chưa xác định được danh tính của các đơn vị C9, 10 đã được tìm kiếm, quy tập trên địa bàn xã Gio Châu. Các liệt sĩ này hiện an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Gio Linh (số mộ từ 36-39, hàng số 4, lô số 14).

Cảnh vật, địa điểm trận đánh năm xưa giờ biến đổi nhiều khi người dân khai hoang trồng rừng tràm, cây cao su. Một phần khu vực còn lại bị bỏ hoang, bồi lấp trở thành đám sình lầy hoang hóa. Ông Nguyễn Văn Minh cũng như gia đình thân nhân các liệt sĩ và cả người dân địa phương đều mong muốn các cơ quan chức năng, địa phương chăm lo cho các gia đình liệt sĩ để họ có cuộc sống tốt nhất nhằm giảm bớt nỗi đau thương mất mát.

“Cùng với đó là sớm tổ chức tìm kiếm hài cốt liệt sĩ đưa về nơi an nghỉ, lưu giữ mẫu ADN và thông báo cho các gia đình thân nhân đối chiếu.

Và ước nguyện tha thiết nữa là tạo mọi điều kiện lập bia tưởng niệm ghi danh các liệt sĩ D6, E270 để linh hồn các liệt sĩ có nơi quy ẩn, để thân nhân liệt sĩ có chốn thăm nom, nhanh khói thường xuyên”, ông Minh trải lòng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Lễ dâng hương và tri ân các liệt sĩ Trung đoàn 270 hy sinh tại thôn Hà Trung, xã Gio Châu

Đức Việt |

Ngày 17/6, Ban Liên lạc thân nhân liệt sĩ các đơn vị C9, 10, 11, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 270 hy sinh ngày 17/6/1969 tại Khe Cây Bông, Rú Cấm, thuộc thôn Hà Trung, xã Gio Châu, huyện Gio Linh tổ chức lễ giỗ đầu và dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại đây. Đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình và thân nhân liệt sĩ các đơn vị tham dự lễ.

Lễ đón nhận hài cốt Liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hi sinh tại Lào

Xuân Diện |

Mùa khô năm 2022 – 2023, cán bộ, chiến sĩ Đội quy tập hài cốt liệt sĩ 584 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị đã tổ chức tìm kiếm các hài cốt liệt sĩ là quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên nước bạn Lào tại tỉnh Savannakhet.

Cựu chiến binh nữ tử vong khi viếng Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn

Trần Tuyền |

Ngày 8/5, Công an xã Linh Trường, huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho biết, đơn vị vừa phối hợp các lực lượng chức năng tìm thấy thi thể bà Trịnh Thị B. (sinh năm 1950), trú tại xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Hướng Hóa: Truy điệu và an táng 2 hài cốt liệt sĩ

Công Sang |

Sáng nay 24/3, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) phối hợp với Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 tổ chức truy điệu và an táng 2 hài cốt liệt sĩ vừa được tìm thấy trên địa bàn.