“Khúc hát của tình thương, bay khắp trời Quảng Trị…”

Phạm Xuân Hùng |

Nhiều người Quảng Trị thuộc nằm lòng hai câu thơ “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu”. Đó là hai câu trong bài thơ “Nói chuyện với sông Hiền Lương” của Tế Hanh. 


Nhà thơ Tế Hanh thuộc thế hệ cuối cùng trong trào lưu Thơ Mới, cùng với các nhà thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên… Tuy không xuất sắc, vượt trội hẳn so với những nhà thơ cùng thế hệ, nhưng bằng giọng điệu riêng, tha thiết, trữ tình, ông đã lọt vào “mắt xanh” của hai nhà phê bình Hoài Thanh và Hoài Chân: “Tế Hanh có rất nhiều hứa hẹn trở nên một thi sĩ có tài, ông có một linh hồn rất phong phú, có những rung động rất sâu sắc, và để diễn tả tâm hồn, ông có đủ nghệ thuật và cách đặt tìm câu chữ”.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, nhà thơ Tế Hanh tập kết ra Bắc. Bằng tài năng chữ nghĩa của mình, ông trở thành chiến sĩ trên mặt trận văn hóa-văn nghệ cho đến ngày đất nước hòa bình, thống nhất. Ông sáng tác nhiều và nhiều tập thơ của ông trong giai đoạn này luôn có dòng chảy ngầm lấp lánh niềm thương nỗi nhớ quê hương núi Ấn, sông Trà của ông. Và rộng hơn là tình cảm hướng về miền Nam ruột thịt (miền Nam khi đó được tính từ vĩ tuyến 17 trở vào), nơi nhà thơ luôn mong ngóng ngày trở về. Chắc hẳn, nỗi nhớ này càng nhân lên khi ông có dịp đặt chân đến con sông giới tuyến Hiền Lương, nơi được gọi là “vết thương” chia cắt trên thịt da mẹ Tổ quốc.

Cầu Hiền Lương -Ảnh: HỒ THANH THOAN
Cầu Hiền Lương -Ảnh: HỒ THANH THOAN 

Không rõ Tế Hanh đến với sông Hiền Lương lần đầu vào thời điểm nào nhưng bài thơ “Nói chuyện với sông Hiền Lương” được in trong tập “Tiếng sóng” xuất bản năm 1960, cuối bài thơ tác giả ghi chú năm sáng tác 1959. Căn cứ vào nội dung bài thơ thì tác giả đã đến với sông Hiền Lương lần đầu vào khoảng năm 1955 và bài thơ nói trên được viết khi tác giả lần thứ hai trở lại. Bài thơ có nhiều khổ nhưng chia thành 2 khúc (I) và (II), mỗi khúc 4 khổ, mỗi khổ 4 câu viết theo thể thơ tự do. Nét hay của bài thơ là ngôi tự sự được chuyển hóa từ khúc (I) sang khúc (II). Nếu ở khúc (I) lời tự sự là của tác giả: “Hiền Lương ơi/ Lần thứ hai tôi đến…” thì ở khúc (II) lại là lời của dòng sông: “Nhà thơ ơi/ Lần thứ hai anh đến…”.

Thao tác chuyển ngôi tự sự này đã cho bài thơ cái nhìn song ánh, vừa chuyển tải cái tôi trữ tình nội tâm vừa chuyển tải “cái nhìn” khách quan của chính đối tượng thẩm mỹ. Trong cả hai đoạn thơ, cái “tôi” tác giả và cái “tôi” của dòng sông Hiền Lương chở đầy cảm xúc giữa hai bờ giới tuyến, giữa ngày Bắc, đêm Nam: “Hiền Lương ơi/ Lần thứ hai tôi đến/ Bốn năm qua/ Như trải mấy cuộc đời/ Dương liễu vươn cao gió quạt/ Bạch đàn bóng mát nôi quanh/ Ruộng tốt bên kia thành khoảng trống/ Ngọn lúa đau, cuộc sống mặt điêu tàn…” (khúc I), “Nhà thơ ơi/ Lần thứ hai anh đến/ Bốn năm qua/ Như lúc gặp ban đầu/ Tôi chảy ngày đêm không nghỉ/ Hai bờ Nam Bắc nhìn đau…” (khúc II).

Từ cái nhìn hai chiều đầy nghịch cảnh, nhà thơ như thấy miền quê Quảng Trị ngập tràn hy vọng, trong hình hài vẹn nguyên của Tổ quốc không gì chia cắt nổi. Từ cái nhìn trong cuộc chiến đang diễn ra: “Bến vắng bơ phờ cây rũ bóng/ Những con đò tắt lối sang ngang…” (khúc I) đến cái nhìn vào tương lai: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu…” (khúc II). Đoạn cuối bài thơ, lời của dòng sông nhắc về một nửa mảnh trăng như ẩn dụ về miền Nam đang oằn mình trong lửa đạn và niềm vọng tưởng một ánh trăng của ngày hòa bình sẽ và phải đến, để niềm vui quê hương tròn vẹn trong mắt nhà thơ: “Trong lòng tôi mảnh trăng một nửa/ Như trước đây một nửa mở gương/ Nhà thơ ơi, mắt anh chan chứa/ Như trước đây, tình xứ sở quê hương”.

Ngược thời gian, bài thơ “Nói với sông Hiền Lương” của Tế Hanh được viết ra sau bốn năm kể từ lần đầu gặp dòng sông. Cũng như lần gặp thứ hai, lần gặp đầu tác giả cũng có bài thơ “Tiếng ca không giới tuyến” (cuối bài thơ ghi năm sáng tác 1955). Bằng giọng kể chuyện tâm tình, thông qua hình ảnh các em thiếu nhi ở 2 làng Tùng Luật và Xuân Mỵ (ở hai bờ Bắc và Nam sông Bến Hải), nhà thơ đã miêu tả niềm vui sống, lạc quan ở bờ Bắc và nỗi heo hút, buồn thảm phía bờ Nam. Nhưng vượt qua nỗi sợ hãi, các em thiếu nhi của hai làng đã cùng cất cao tiếng hát ngợi ca độc lập, hòa bình dù các em ở bờ Nam đã phải chịu cảnh đòn roi, trấn áp. Cũng như bài thơ “Nói với sông Hiền Lương”, khổ cuối của bài thơ “Tiếng ca không giới tuyến” đã nhắc đến địa danh Quảng Trị như một niềm thương không gì chia cắt nổi: “Tiếng ca không giới tuyến/ Dào dạt nước Hiền Lương/ Khúc hát của tình thương/ Bay khắp trời Quảng Trị…”.

Con số 17 thật có ý nghĩa với nhà thơ, từ năm 1955 lần đầu “trò chuyện” với dòng sông giới tuyến ở vĩ tuyến 17, đúng 17 năm sau, cờ giải phóng đã tung bay trên bầu trời Quảng Trị. Và thêm ba năm nữa, nhà thơ Tế Hanh cũng như triệu triệu người trên dải đất hình chữ S hòa trong niềm vui đất nước thống nhất, sông đã liền sông, núi đã liền núi. Kể từ giờ khắc đó, khúc hát của tình thương không chỉ bay khắp trời Quảng Trị mà còn vang vọng khắp mọi miền đất nước.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Hai cựu binh một lối về Quảng Trị

Đào Tâm Thanh |

Quảng Trị, mảnh đất thân thương, hiền lành, giản dị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là nơi hội tụ của những người con khắp mọi miền Tổ quốc cùng về đây đánh giặc và nhận là quê hương thứ hai của mình. Ngày đất nước ca khúc khải hoàn, họ lại trở về đây tri ân đồng đội, đồng chí mình. Xin được ghi lại câu chuyện về hai cựu chiến binh, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính và Lê Bá Dương, hai người luôn có chung tâm trạng trĩu nặng như câu thơ của một người bạn văn đã viết: “Không biết tôi yêu Quảng Trị từ khi nào/ và đến bao giờ thì hết yêu…”.

Phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Lễ kỷ niệm 50 năm giải phóng Quảng Trị

PV |

Tối qua 29/4, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự và có bài phát biểu quan trọng tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2022), 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ. Báo Quảng Trị Online trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi động Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị

Thanh Trúc |

Ngày 30/4, tỉnh Quảng Trị tổ chức lễ khởi động Dự án Khu công nghiệp Quảng Trị với quyết tâm triển khai thi công dự án vào quý IV/2022. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 - 2022), 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị 1/5 (1972 - 2022). 

Luận bàn về khả năng “tự chữa lành” trong ẩm thực Quảng Trị

Bảo Đàn |

Quảng Trị có địa - chính trị hết sức đặc biệt khi là giao điểm của cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, giao điểm Đông - Tây, giao lưu với các nền văn hóa sớm trên thế giới, địa hình có đầy đủ núi, đồng bằng, biển, đảo nên nền ẩm thực hết sức phong phú.