Kỳ 2: Lao Bảo - Khúc khải hoàn của cỏ

YÊN MÃ SƠN |

Vị Phó Chủ tịch UBND xã hồi đó là anh Nguyễn Vũ Ái bắt tay chúc mừng, bảo cháu là công dân đầu tiên làm giấy khai sinh ở vùng kinh tế mới này, thôi thì để nhớ về quê hương mới Lao Bảo, hay đặt cháu tên Bảo đi. Nghe cũng hay nên tôi đồng ý. Thế là tên khai sinh cháu là Bảo, tên quai nôi là Đình. Hiện nay cháu nó vẫn dùng cả hai tên. Công dân đó hiện nay là Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo.

Những công dân đời đầu

Rời bỏ làng quê với bờ xôi ruộng mật, những cặp vợ chồng ở với nhau chưa quen hơi thế mà vẫn không ngại lên “rừng thiêng nước độc”. Hành trang vật chất của họ là những chiếc lưỡi cuốc, lưỡi rựa được rèn từ những mảnh bom nhưng cái hành trang tinh thần mới cao vời vợi: Biến sỏi đá thành cơm!

Ông Nguyễn Trà (90 tuổi, ở khóm Xuân Phước, thị trấn Lao Bảo) nhớ lại tuổi hoa niên của mình ở rẫy sắn bên ngôi nhà sát mép nước sông Sê Pôn và những đứa con mới lọt lòng. “Mỗi bữa cơm tui chỉ ăn sắn. Còn lại cơm ít ỏi bén nơi miệng nồi, mép củ sắn thì dành cho vợ ăn để có cái cho con bú. Nước da chúng tôi xanh như tàu lá chuối vì sốt rét”.

“Đói khổ như thế có sợ không, có lùi bước không?” – tôi hỏi. Ông cười hào sảng nhưng rồi đôi mắt lại đượm buồn: “Chiến tranh còn không sợ chết, hòa bình rồi sợ gì. Mình thì không sợ, chỉ sợ những đứa trẻ không đủ sức khỏe để vượt qua.

Tui nhớ có một lần hai vợ chồng thả cuốc chạy vô trong nhà ôm nhau khóc khi nghe tin chị Cầm hàng xóm chết vì sốt rét ác tính do không đủ thuốc điều trị. Đó là người chết đầu tiên ở trạm xá kinh tế mới này”.

Nhướng đôi mắt vẩn đục thời gian, ông Trà kể về những đêm bên ngọn đèn dầu leo lét, tiếng côn trùng kêu râm ran. Ngó ra phía sông màu trắng bàng bạc, tiếng đàn nai uống nước dưới sông nghe đủ rõ. Trong nhà tiếng kẽo kẹt đưa nôi và câu hò của vợ nghe mà buồn đứt ruột. Nỗi nhớ quê nhà dâng lên như ly rượu nóng bừng cả mặt. Nước mắt chảy dài tự bao giờ không hay...

Mang theo năm đứa con nheo nhóc và một người vợ mang bầu sắp sinh, ông Nguyễn Phi Bờ vẫn chèo chống giữa cơn đói khát để nuôi con nên người. Ông Bờ nhớ lại: “Một buổi sáng đầu tháng 12.1975, cả xóm Cao Việt chào đón đứa con mới chào đời của tui. Mấy ngày sau tui về ủy ban làm giấy khai sinh cho thằng cu. Nhà con đông nên đẻ xong đứa này tui quyết không đẻ nữa nên đặt tên nó là Đình – “Đình trong chữ đình chiến, đình chỉ”, ông Bờ nhấn mạnh.

Vị Phó Chủ tịch của xã lúc này là anh Nguyễn Vũ Ái bắt tay chúc mừng, bảo cháu là công dân đầu tiên làm giấy khai sinh ở vùng kinh tế mới này, thôi thì để nhớ về quê hương mới Lao Bảo, hay đặt cháu tên Bảo đi. Nghe cũng hay nên tôi đồng ý. Thế là tên khai sinh cháu là Bảo, tên quai nôi là Đình. Hiện nay cháu nó vẫn dùng cả hai tên”.

Công dân đầu tiên của vùng kinh tế mới hiện nay đã là Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo - ông Nguyễn Phi Bảo. Đó là thế hệ đầu với ký ức đầy khoai sắn đói khổ đã không ngừng phấn đấu vươn lên.

 
 Công dân đầu tiên ở vùng kinh tế mới - ông Nguyễn Phi Bảo (bìa phải ảnh) và tác giả. Ảnh: HT.

Nhắc về những kỷ niệm tuổi thơ ở vùng biên ải, anh Nguyễn Phi Bảo cho biết, cũng như dưới đồng bằng, đất nước còn nghèo nên tuổi thơ những đứa trẻ nơi đâu cũng đói khổ. Nhớ nhất là theo chân ba mẹ đi cắt tranh sau hồi nhà để đánh tranh làm nhà mới. Cứ tay trái cầm nắm cây tranh, tay phải đưa liềm cắt.

Có lần cắt xong thả tranh xuống đất thì nửa con rắn lục xanh đuôi đỏ với cái đầu ngọ ngọe lẫn trong tranh. Hồi đó người dân bứt tranh, bứt cỏ thường bứt cả rắn đưa về nhà mà chẳng hay là chuyện quá bình thường. 

Nhưng những điều đó chẳng làm người lớn bận tâm cho đến khi đám trẻ ngang lứa có món đồ chơi mới: Lượm những quả đạn, bom được người làm rẫy dồn lại dưới những gốc cây cổ thụ ra chơi vô tư, hồn nhiên xem chúng như những đồ vô hại. Cho đến một ngày làng dưới có dăm đứa trẻ cùng nhau đập đầu đạn. Một tiếng nổ xé trời vang lên, ngọn tre gãy ngã sập xuống.

Bên cạnh những hố bom chưa kịp lấp là những hố bom mới. Tiếng khóc vang lên. Sầu thương đến nỗi nhìn đâu đâu ở trên đỉnh núi, mây trắng cứ quằng ngang đỉnh như những chiếc khăn tang... “Chúng tôi đã lớn lên như thế: Khoai sắn, rắn lục đuôi đỏ lẫn trong cỏ, bom”, anh Bảo khắc khoải cho biết.

Căn cứ quân sự thành... công viên văn hóa

Dẫn chúng tôi ra Bồ Hồ, tên thường gọi của Công viên văn hóa trung tâm Lao Bảo, Phó Chủ tịch Nguyễn Phi Bảo chỉ tay về vị trí trụ sở làm việc của thị trấn: “Nơi đây hơn nửa thế kỷ trước là căn cứ pháo binh của Mỹ trong chiến dịch Lam Sơn 719. Ban đầu chúng đóng ở đồi 550, cạnh sông Sê Pôn để đánh sang Bản Đông (Lào)”.

Nơi đây là tọa độ lửa, là địa bàn trọng yếu của cuộc chiến đấu khốc liệt của quân dân ta ở Đường 9 Nam Lào. Đầu năm 1970, Bộ quốc phòng Mỹ vạch kế hoạch mang tên Dewey Canyon II, nhằm cắt đứt đường Hồ Chí Minh từ Lao Bảo đến Sê Pôn (Lào), chặn sự tiếp viện của miền Bắc vào chiến trường miền Nam.

Trong cuộc tháo chạy rút lui của quân lực Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1971 trong trận Đường 9 Nam Lào, ngay sát khu vực biên giơi Việt – Lào gần cửa khẩu Lao Bảo, lực lượng của ta đã chặn đánh hơn 100 xe tăng, xe thiết giáp. Lực lượng tăng thiết giáp này đã mất 60% số xe tăng và một nửa số xe bọc thép, địch tháo chạy không còn tổ chức nên đã bỏ lại nguyên vẹn 54 khẩu lựu pháo 105mm và 28 khẩu pháo 155mm. Có thông tin rằng, do “tiếc của”, máy bay Mỹ quay lại ném bom phá hủy số vũ khí này.

Những ai lớn lên ở xứ này đều biết khu vực căn cứ là thiên đường của vỏ đạn. Những ngày nghỉ học đám trẻ đều ra đây lượm ống liều và thuốc bồi. Ông liều đổi cà-rem còn thuốc bồi bán cho những người nhen bếp nấu củi. Hố bom biến thành ruộng lúa. Lâu dần người dân ngăn đập để trữ nước và ngày nay thành hồ lớn là trung tâm của công viên.

 
  Khu Thương mại Lao Bảo nằm ngay bên công viên văn hóa. Ảnh: VL.

Dự án công viên trung tâm thị trấn đã triển khai giai đoạn 2 với tuyến đường bao quanh bờ hồ, cây xanh rợp bóng mát cùng với hệ thống điện chiếu sáng quanh hồ đã làm cho bộ mặt vùng biên ải thay da đổi thịt.

“Chỉ vài tháng nữa thôi, trụ sở làm việc của thị trấn sẽ đưa vào sử dụng. Đây là trụ sở bề thế nhất so với các xã thị trấn dọc đường 9 này. Còn kia sẽ làm nhà văn hóa trung tâm và quảng trường”, anh Bảo cho hay.

Trước mặt trụ sở mới là con đường chạy thẳng sang đến Quốc môn cửa khẩu Lao Bảo. Tại đây, bộ mặt phố núi bề thế và hiện đại bởi những công trình dịch vụ thương mại; những nhà hàng tiệc cưới quy mô và sang trọng bậc nhất tỉnh, các căn biệt thự xây theo kiểu Thái... đã khiến những ai biết rõ “lai lịch” vùng này chưa đầy hai chục năm trước còn là lỗ chỗ hố bom, rừng rậm thì “ngả nón” thán phục quả không ngoa!

Trong tiến trình khai phá và kiến thiết vùng đất mới của lịch sử loài người, từ miền Tây hoang dã tận xứ Hoa Kỳ hay những công cuộc xây dựng thần kỳ của Thâm Quyến xứ Tàu có lẽ sẽ rất khập khiễng nếu lấy Lao Bảo ra mà so sánh. Nhưng sự kiến thiết từ hố bom, từ nền móng của nhà tù để lên phố lên phường thì đó có phải là sự kiến thiết nhân văn nhất mà nhân loại được biết?

Từ đường Nguyễn Huệ ở ven bờ hồ, hoa giấy mùa này đua nhau nở. Hoa mai Lào vàng ruộm cả một gốc trời. Những người lao công xén cỏ quanh mép hồ, họ trồng thêm cỏ ở một số nơi. Mùi thơm của cỏ ngai ngái xông lên trong tiết trời lập hạ.

Lạ thật, chỉ mấy chục năm trước cỏ mọc miên man tận tường nhà. Cỏ mọc chen sắn, lấp khoai. Cỏ cuốc chỗ này lên chỗ kia. Người ta chỉ muốn đẩy cỏ ra thật xa khỏi đời sống nông nghiệp của mình nhưng hôm nay cũng tại nơi này người ta vun vén cho cỏ mọc. Vẫn là cỏ, nhưng cỏ ngày xưa là cỏ của đói khổ, cỏ hôm nay là cỏ hoan lạc cho người lao động vinh quang ngã lưng nhìn lên trời an nhiên.

Ngoài kia là những cần thủ đang say sưa tận hưởng những giây phút thanh bình sau giờ làm việc. Người già cùng nhau đi bộ quanh hồ. Người trẻ ngồi ghé đá ngắm hoàng hôn rơi... Tất cả gợi lên đời sống thanh bình, no đủ.

(Còn nữa)

TAGS

Lao Bảo - thành phố của một nửa dòng Sê Pôn

YÊN MÃ SƠN |

Đất nước có những thành phố bên sông có tuổi đời hàng trăm năm, mang bản sắc văn hóa mà khi nhắc đến như một đại diện cho quê hương xứ sở. Cũng theo sự cắt nghĩa đó, Lao Bảo, thành phố bên sông Sê Pôn ở thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) cũng vậy dù “thâm niên” chỉ có vài chục năm. Và chỉ một nửa dòng sông, nửa dòng bên kia thuộc biên giới Lào. Nhưng khát vọng vươn lên trong hội nhập quốc tế thì cả một trái tim nguyên vẹn! 

Đô thị đầu cầu Xuyên Á rực rỡ hoa giấy

LAM CHI - NGUYỄN KHIÊM |

Thời gian gần đây cùng với hệ thống di tích lịch sử và các thắng cảnh dọc tuyến Hành lang kinh tế Đông – Tây như cầu Treo Đak Rông, khu Du lịch sinh thái Kalu, sân bay Tà Cơn, thác Ồ Ồ thì Lao Bảo cũng là điểm đến đáng chú ý, từ đây, du khách đi tham quan, thưởng thức ẩm thực Lào ở chợ Karol, chùa Karol nằm trên đất Lào. Những địa điểm này chỉ cách Lao Bảo “nửa bước chân”…