Kỳ cuối: Lao Bảo - Phù sa từ phía Lào

YÊN MÃ SƠN |

Ở cuối bản, nơi có bến đò đưa khách, một “siêu thị mini” đầy đủ hàng hóa do cô gái Vân Kiều làm chủ lúc nào gặp khách cũng cười tươi như hoa. Miệng nói cười, tay lướt smart phone sành điệu. 

Ai bảo người dân tộc thiểu số nghèo nàn, lạc hậu thì đến phố núi Lao Bảo chắc họ sẽ nhận ra… mình sai! 

 
 Xe ôtô đậu chật kín ở một đám cưới được tổ chức tại phố núi Lao Bảo. Ảnh: HT.

Chắt chiu từng giọt phù sa…

Sông Sê Pôn bắt nguồn từ phía Lào, chảy qua thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) theo hình vòng cung, ôm lấy đất này rồi ngoặt ngược lại sang Lào. Nhìn qua đất này như một “bán đảo” nép bên dòng Sê Pôn. Hàng năm, lượng phù sa luôn bồi đắp cho cái bán đảo nhỏ bé này tạo nên những nương rẫy trù phú.

Lặng lẽ cần mẫn như mấy chục năm trước, bỏ qua những sầm uất bán buôn đô hội, ông Trương Cảnh (ở khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo) vẫn cầm cuốc, cầm rựa say sưa với đời bằng cách vun trồng cây trái. Ông Cảnh kể, năm 1975 lên đây lập nghiệp ông đã chọn thửa đất sát sông Sê Pôn để gieo trồng đủ thứ.

Đó là những giống cây được gói ghém kỹ lưỡng từ cù lao Bắc Phước (xã Triệu Phước) đưa lên như một món quà nhỏ của người ở lại. Từ đó đến nay, mặc cho bao nhiêu biến cố. Có người bỏ cuốc, bỏ cày đi buôn theo thời thế; có người cũng “phất” lên nhờ buôn bán. Song ông vẫn giữ lấy nghề cũ là trồng trọt.

Thời gian còn lại ông tham gia hoạt động xã hội, làm cán bộ (đến chức phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã). Hiện ông Cảnh canh tác khoảng 2 ha rau màu các loại, chuyên cung cấp cho hai chợ ở Lao Bảo với thu nhập ổn định cho hai vợ chồng già.

 
 Vườn rau của anh Phạm Phú Cường bên sông Sê Pôn. Ảnh: YMS.

Cùng thế hệ với ông Trương Canh, ông Nguyễn Ngọc Đạo ở khóm Tân Kim cũng xây dựng cho mình một trang trại nhỏ ngay cạnh dòng Sê Pôn. Ông cho biết, mỗi năm làm được khoảng 8 tháng, còn lại là mưa dầm, lũ lụt nhưng cuộc sống cũng tạm ổn.

“Người ta buôn gỗ xe tải này, toa tàu kia cũng có cái vất vả của họ. Thuyền to sóng cả mà. Còn những người như tôi sớm tối chắt chiu từng giọt phù sa bồi đắp từ phía nước bạn để làm nên quả ngọt cho đời”. Nói xong ông Đạo cười khà khà. Trong tiếng cười đó, tôi thấy được sự an nhiên, tự tại và thỏa mãn...

Những người trẻ sinh sau đợt khai phá kinh tế mới ở Lao Bảo bây giờ thường chọn cách khởi nghiệp là buôn bán tận miệt rừng Lào, Thái chứ ít ai như anh Phạm Phú Cường ở khóm Xuân Phước chọn hướng làm ăn bằng cách cung cấp rau sạch cho thị trường miền núi này. Hiện anh sở hữu vườn rau sát mép nước sông Sê Pôn với hệ thống tưới tiêu, máy móc làm đất rất chuyên nghiệp.

Anh Cường cho biết: “Những năm mới cưới nhau tôi vẫn chọn cách buôn bán ở bên Lào để mưu sinh. Song không gặp thời, buôn bán bấp bênh. Trong khi vợ thì bán nông sản ở chợ. Nguồn hàng chủ yếu lấy từ dưới đồng bằng lên nhưng hàng đi xa dễ bầm dập, giá cao.

Tôi tự hỏi đất đai dọc sông Sê Pôn màu mỡ mà bỏ hoang tại sao không tự trồng mà bán. Từ đó tôi bắt tay vào trồng thử. Từ hành, ném đến cải, xà lách, ớt... Và bây giờ tôi có đủ các mặt hàng cung cấp cho các chợ, quán ăn, thậm chí mang sang đất Lào...”

Nhắc đến cây nông nghiệp của vùng này không thể không kể cây chuối mật mốc vốn đã “vang danh” khắp cả nước và tận nhiều tỉnh của Trung Quốc đang phủ xanh dọc sông Sê Pôn. Không những thế, các nhà đầu tư “chân đất” của xứ núi này đã thuê đất lâu dài ở các huyện Sê Pôn, Mường Nòng, Sa Muồi.. của Lào để trồng chuối.

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Năm ở khóm Xuân Phước tại bến đò Tân Kim quần áo dính đầy mủ chuối và dầu luyn. Một người đi cùng chỉ về phía anh nói: “Ngó cùi cùi, bẩn bẩn thế chứ đại gia đó”. Anh Năm cho biết để có những buồng chuối đẹp thì mình phải đích thân vào rẫy “chỉ đạo” chăm sóc cũng như chặt hái.

Anh Năm hiện có 5ha chuối ở ven sông Sê Pôn, mỗi tháng thuê người thu hái 2 đợt, mỗi đợt chừng 5 tấn chuối. Với giá chuối lúc cao chừng 7 đến 8 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí mỗi tháng anh kiếm trên 20 triệu đồng. Những thanh niên mới khởi nghiệp từ trồng chuối như anh trong tay chỉ chừng 5 ha, còn những “tay số má” có trên 10 ha thì… đếm mỏi cả miệng! Và thay vì gỗ từ rừng Lào, cây chuối là cây làm giàu cho thanh niên ở xứ này.

Hóng gió Lào…

Ngày nay con đường 9 thênh thang đã nối cung đường Đông – Tây ngắn lại. Sản phẩm du lịch ngày ăn cơm ba nước Việt Nam - Lào - Thái Lan đã khởi động và Lao Bảo trở thành đầu cầu về phía Việt Nam đón chào khách đến và đi. Mặc dù những năm lại đây gặp khó khăn trong chính sách thuế (cắt giảm ưu đãi về các loại thuế ở khu thương mại Lao Bảo vào năm 2016) nhưng tốc độ phát triển cũng đạt trên 15% tính từ năm 2010 đến 2017.

Để đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, trong những năm qua có 31 tuyến đường được nhựa, bêtông hóa từ các dự án Tiểu vùng sông Mê Kông (GMS), Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh, Dự án 135...

Đặc biệt con đường vành đai chạy ngoằn ngoèo theo mép sông Sê Pôn. Khởi đầu từ khóm Xuân Phước băng qua Tân Kim, Ka Tup, Duy Tân, Cao Việt rồi quay ngược lại khu cửa khẩu tạo một vòng khép kín. Đó là con đường quốc phòng dọc biên giới đang được hoàn thiện.

Đi trên con đường nhựa thẳng tắp, đá vỉa hè chân phương như một đại lộ thênh thang. Từ đây, nhìn xuống dòng sông Sê Pôn tha thiết gió. Tiếng gà của các bản đối diện bên phía Lào gáy vang; từng đám khói bếp dâng cao trên những tán cây vẽ lên trời chiều nhiều gam màu ẩn dụ.

Rồi đây, theo con đường này sẽ nhiều căn nhà mới vươn lên, các quày quán dịch vụ khác sẽ kéo nhau về đây để “hóng gió Lào” đúng nghĩa. Bản Ku Túp thâm u bên sông nay đường lớn cắt ngang qua bản, đèn đường sáng choang. Bến đò Ka Tup rộn rã bởi tiếng cười nói của các cô gái Lào qua sông mang theo sản vật qua Việt bán và mua sắm.

Ở cuối bản, nơi có bến đò đưa khách, một “siêu thị mini” đầy đủ hàng hóa do cô gái Vân Kiều làm chủ lúc nào gặp khách cũng cười tươi như hoa. Miệng nói cười, tay lướt smart phone sành điệu. Ai bảo người dân tộc thiểu số nghèo nàn, lạc hậu thì đến phố núi Lao Bảo chắc họ sẽ nhận ra mình sai!

 
 “Siêu thị mini” đầy đủ hàng hóa do cô gái Vân Kiều làm chủ. Ảnh: YMS.

Mùa này tiếng chim “con còn côi cột” (có nơi gọi là chim “bắt cô trói cột”) hót giục gọi hè về, gọi người miền núi đốt nương làm rẫy. Tiếng chim ngàn năm vẫn giọng gàn đục, ai oán nhưng cái tập quán “phát cốt đốt trỉa” của người đồng bào đã đi vào quá vãng.

Thay vào đó là “ngành thương mại, dịch vụ” đã đi vào cuộc sống hàng ngày mà minh chứng cụ thể là ở hai chợ của xứ núi này (chợ Trung tâm Lao Bảo và chợ Tân Phước), các ngành quản lý đã dành một góc cho đồng bào kinh doanh buôn bán. Sản vật là những buồng chuối, mớ rau lang, dền hay rau dớn; con cá đánh bắt dưới sông; con gà quây nuôi dưới chân nhà sàn... nhưng cũng là một bước tiến mới trong đòi hỏi hội nhập phát triển của người Vân Kiều vốn quen sống trong rừng sâu.

Đang mải miết về những chân trời tươi nguyên và hố bom vực thẳm của hiện tại và quá khứ thì chúng tôi gặp cảnh rước dâu của một đám cưới. Hàng chục chiếc xe tiền tỷ nối đuôi nhau đưa bước vu quy đi về phía trung tâm tiệc cưới có tên là Cung điện BC (BC Palace). Đây là trung tâm tiệc cưới được đánh giá quy mô và sang trọng bậc nhất nằm ở phố núi này.

Tôi gặp anh Lê Đức, một người bạn cùng thời học cấp ba giờ cũng thuộc tốp “tuổi trẻ tài cao” của Lao Bảo. Anh đang chở con đi dạo trên chiếc Fortune. Bảo những ngày lăn lộn ở rừng Lào, mỗi lần về thường chở con đi hóng mát để bù đắp.

“Thế hệ như mình cũng không thuộc diện đói kém ăn cơm độn sắn. Nhưng nhìn quê hương thay da đổi thịt từng ngày mừng lắm. Bây giờ đến thế hệ con mình, không còn lo cơm no áo ấm nữa mà phải chăm lo đến những vấn đề tinh túy, cao sang hơn…” – Đức nói.

TAGS

Lao Bảo - thành phố của một nửa dòng Sê Pôn

YÊN MÃ SƠN |

Đất nước có những thành phố bên sông có tuổi đời hàng trăm năm, mang bản sắc văn hóa mà khi nhắc đến như một đại diện cho quê hương xứ sở. Cũng theo sự cắt nghĩa đó, Lao Bảo, thành phố bên sông Sê Pôn ở thị trấn Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) cũng vậy dù “thâm niên” chỉ có vài chục năm. Và chỉ một nửa dòng sông, nửa dòng bên kia thuộc biên giới Lào. Nhưng khát vọng vươn lên trong hội nhập quốc tế thì cả một trái tim nguyên vẹn!