Tôi luôn đau đáu với ý tưởng lớn lao, là làm sao để giải mã trọn vẹn, đầy đủ và thuyết phục nhất về thuật ngữ quen thuộc: Vĩnh Linh lũy thép. Ý niệm đó càng rộ lên, khi “mảnh đất huyền thoại của tâm hồn tôi” chuẩn bị bước vào ngày lễ trọng đại: Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống (25/8/1954 - 25/8/2024). Một đêm thao thức, trăn trở chuẩn bị cho bản tham luận hội thảo khoa học về hệ thống làng hầm địa đạo Vĩnh Linh, tôi chợt nhớ hình ảnh “người mẹ đào hầm” trong câu thơ Dương Hương Ly, về bài hát “Huyền thoại mẹ” của Trịnh Công Sơn, rồi lan đến áng văn mượt mà, xúc động của Hoàng Phủ Ngọc Tường khi viết về con đò tuyến le te của mẹ Duyến nơi thôn nghèo Huỳnh Hạ nửa thế kỷ trước. Trong ngút trời lửa đạn chia cắt đau thương, bà mẹ Duyến bình dị ấy coi đạn bom không ra gì, ngày ngày chèo con thuyền nan neo chính giữa dòng Bến Hải, quyết xóa đi ranh giới phân cách vô hình, bởi “dòng sông không thể có một bờ”… Những người Mẹ, ừ, phải chăng, với “chiến dịch giải mã” khó khăn này, tôi sẽ bắt đầu từ hình ảnh người Mẹ - những người .mẹ thân thương gần gũi, những người mẹ Vĩnh Linh bình dị, lặng lẽ mà vĩ đại…
Từ bà mẹ Ô Lý, mẹ tiền nhân mở cõi…
Mảnh đất Vĩnh Linh đã có lịch sử 955 năm hình thành, tính từ mốc 1069 khi Lý Thường Kiệt cùng đại quân “Nam tiến mở cõi”, thu phục “châu Ma Linh” từ Chămpa về cương thổ Đại Việt; đã có 135 năm danh xưng, tính từ mốc 1889 (dưới thời vua Thành Thái), vì kiêng húy đã đổi Chiêu Linh thành Vĩnh Linh; đã tròn 70 năm “dựng khúc tráng ca hào hùng, bất tử”, tính từ mốc 25/8/1954, khi tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu Hiền Lương theo Hiệp định Giơ-ne-vơ để vào Nam, trở thành huyện duy nhất của Quảng Trị được giải phóng. Trong suốt tiến trình lịch sử dài đằng đẵng ấy, cùng lớp lớp tiền nhân, đã có biết bao thế hệ phụ nữ - những người mẹ Việt, mẹ Chăm đã ký thác công lao và sinh mệnh trong công cuộc khai khẩn miền đất hoang sơ, góp bao công sức, máu xương để dựng xây nên hình hài quê hương yêu dấu này. Hàng mấy thế kỷ đã đi qua, trên các phế tích đền đài Chămpa hay những miếu mạo của người Việt xưa để lại, dẫu ít ỏi và mờ nhạt, ta vẫn thấy những khắc họa sơ khai dáng hình mẹ tiền nhân mở cõi. Công lao ấy rõ ràng không thể chối bỏ. Thế kỷ 13, thời Trần, nàng Huyền Trân Công Chúa vâng lời cha đã tình nguyện về làm dâu xứ Chiêm Thành, đổi lại đất hai châu Ô, Rí cho Đại Việt. Một vùng sơn thủy mênh mông in gót hài của cành vàng lá ngọc nhà Trần khi đang độ trăng tròn. Phải chăng, đó là mẹ trinh nguyên đầu tiên dựng xây nên hình hài xứ “Ô châu ác địa” này? Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có bài hát “Bà mẹ Ô Lý” vang danh với những lời ca bình dị, hay và buồn da diết. Tôi ước nếu những lời ca ấy thay vì dành cho bà mẹ tiền chiến “ôm quả bí xanh tản cư chạy giặc”, thì hãy là mẹ Ô Lý tiền nhân xưa, giả ví dụ thôi, ôi hoan ca và vĩ đại biết nhường nào.
Miên man với hình tượng người mẹ, tôi nhớ huyền tích “Bà Chúa Râm” để lại bên dòng Sa Lung xanh biếc. Một câu chuyện đậm chất sử thi nhưng mang nhiều suy ngẫm. Bà tên Mẫn Lệ, là Vương phi dưới thời Hậu Lê, theo chỉ dụ đi “khai sơn phá thạch” của triều đình đã cùng gia đình rời bỏ kinh thành, vượt dặm quan san vào Ô Châu khai khẩn. Bỏ qua những giai thoại hư hư thực thực quanh chuyến mở cõi hiếm có và lạ lùng này, một sự thật hiện hữu rằng chính công sức của bậc tiền nhân như bà Vương phi họ Lê ấy đã gây dựng nên làng quê Sa Long - làng cổ đầu tiên ở mảnh đất Ma Linh/Minh Linh xưa - của hơn 500 năm trước. Từ đây, bên dòng Sa Lung huyền thoại, những xóm thôn làng mạc dần hiện hữu trên mảnh đất phên giậu phía nam của Đại Việt, đánh dấu chủ quyền và sự hiện diện của văn hóa Việt ở nơi chốn được mệnh danh rừng thiêng nước độc, ác địa Ô châu. Miếu thờ bà Chúa đã trải qua bao thế kỷ thăng trầm dâu bể, vẫn đang hiện hữu trên chính mảnh đất này; một nơi chốn linh thiêng để trăm con ngàn cháu dù tha hương muôn nơi vẫn luôn thành kính hướng về với tâm thức ngưỡng vọng và biết ơn về cội nguồn của một “tiền khai khẩn, hậu khai canh” đích thực.
Mấy trăm năm sau nữa, triền miên những cuộc chiến tranh, tao loạn, biến cố xảy ra. Hơn 8 thập kỷ thực dân Pháp lê gót giày đô hộ, bao đau thương, áp bức, lầm than phủ trùm lên những làng quê nghèo ở rẻo đất đầy nắng gió miền Trung. Từ khi có Đảng ra đời, phong trào đấu tranh cách mạng trên quê hương bước sang một trang sử mới. Các thế hệ cách mạng tiền bối đã dấn thân vì sự nghiệp độc lập, tự do. Thầm lặng bên họ để chở che, chăm sóc, sẵn sàng đánh đổi tính mạng để giữ bí mật cho từng căn hầm, giấu từng trang tài liệu… luôn là những người mẹ, người vợ, người chị bình dị mà cao cả. Bờ nam có bà mẹ Mai Xá - mẹ Gio Linh - mang thúng đi lấy đầu con bị giặc chém, vốn đã đi vào thi ca, nhạc họa; thì ở làng Thượng Lập, Vĩnh Long cũng có một người vợ bồng trên tay đứa con thơ đứng giữa pháp trường mở ngay chính trên quê hương, chứng kiến cảnh giặc Pháp tử hình chồng mình - đồng chí Trần Văn Luận - nhà cách mạng tiền bối của Vĩnh Linh. Dẫu những giọt nước mắt đớn đau chảy dài nhưng chị vẫn đứng đó, vững vàng, kiên định như bàn thạch, ánh mắt hằn lên thương xót lẫn hờn căm, vẳng bên tai những lời tha thiết cuối cùng chồng dặn dò …tôi chết, tôi không ân hận gì. Nhà cố thay tôi làm lụng nuôi con, cho con ăn học thành người. Thế nào rồi chúng ta cũng sẽ thắng… Có những nỗi đau thương, mất mát lớn lao đến vậy oằn nặng trên đôi vai gầy người thiếu phụ, nhưng với bản lĩnh phi thường, sức chịu đựng quật cường và tình yêu quê hương, Đất nước đang lâm cảnh cơ hàn, người phụ nữ bình dị ấy đã vững vàng bước tiếp, hăng say hoạt động, đồng hành cùng quê hương để cuối cùng đi đến ngày cách mạng thắng lợi, minh chứng cho niềm tin sắt đá của chồng.
…đến người mẹ Vĩnh Linh xây lũy thép
Đất nước chia cắt, dòng Bến Hải hiền hòa đau đớn làm lưỡi dao rạch đôi giang sơn đất Việt. Không cam chịu, những người phụ nữ Vĩnh Linh ở bờ bắc đã nghĩ và hành động bằng nhiều cách khác nhau, quyết “nối bờ vui”, xóa chia ly, khỏa lấp ngăn cách. Miệt thượng nguồn, là con đò tuyến le te như huyền thoại của mẹ Duyến. Phía hạ nguồn, nơi cửa bể Tùng Luật chan nước Bến Hải vào biển Đông, có bà Nguyễn Thị Hoa nổi tiếng theo một cách khác khá kinh điển. Từ một cô văn công với giọng hát oanh vàng của Quân khu 4, được tổ chức phân công, bà nhận nhiệm vụ đặc biệt: làm công tác địch vận ở vùng giới tuyến khi tình hình nơi đây trở nên căng thẳng. Trở lại quê hương Vĩnh Linh, bà hóa thân thành một cô gái dệt tơ, bán vải; cứ đôi hôm qua - về bờ Nam, lân la các đồn bốt giặc bên kia sông, đong đưa với mấy tay cảnh sát ngụy. Không một ai biết rằng bà đã là vợ bí mật của trung úy Nguyễn Kế Bái - đồn trưởng Đồn Công an vũ trang Cửa Tùng. Bao năm trời, bà con Vĩnh Linh vô cùng ngán ngẩm, khinh bỉ. Gặp bà, có người khuyên nhủ nhẹ nhàng, có người thì chửi thẳng “thứ con gái mặt dày”, “đồ trời đánh thánh vật…”. Nhục nhã trăm bề mà bà phải đành cắn răng cam chịu một mình, vì nhiệm vụ. Ngay cả người chồng là sĩ quan đồn trưởng đang ở bên cạnh, bà cũng không được phép gặp, người thân và xóm giềng không thể giãi bày vì bị xa lánh, hắt hủi… Nhưng chiến công mà bà mang lại không hề nhỏ: bà đã cảm hóa, thuyết phục được 23 sĩ quan, cảnh sát, binh lính ngụy bỏ súng về quê, một vài người đã chuyển hóa thành cơ sở nội tuyến, liên lạc bí mật cho cách mạng. Mãi tám năm sau mới lộ chuyện, khi tình hình thay đổi và tổ chức cho phép công khai, cũng là lúc bà hạ sinh đứa con đầu lòng. Cả phía ta lẫn bên địch đều quá đỗi bất ngờ, ngơ ngác lẫn trong cảm phục.
Và chiến tranh lại tiếp chiến tranh. Khi lưỡi lê và súng ống giặc Pháp vừa dứt, thì bom đạn Mỹ lại phủ trùm lên, bạo tàn và hủy diệt khủng khiếp. Lớp lớp thế hệ phụ nữ Vĩnh Linh lại đứng lên, sẵn sàng cầm súng bảo vệ quê hương, áo vải chân trần vượt núi rừng Trường Sơn tiếp lương tải đạn, tải thương, xây trận địa, xẻ từng tấc đất dựng xây hệ thống hầm hào, địa đạo, dắt díu gánh gồng sơ tán... Mẹ Ngô Thị Diệm anh hùng, người đã in dấu tạc hình trong câu thơ Tố Hữu vá lá cờ như vá cả buồng tim. Trong đạn bom dày đặc như trấu vải xuống mảnh đất giới tuyến, mẹ Diệm tình nguyện không đi K10, ở lại quê hương cặm cụi với ngọn đèn dầu leo lét, ròng rã tháng năm “cố thủ” trong căn hầm dưới chân cột cờ Hiền Lương để vá những lá cờ Tổ quốc bị bom Mỹ xé toạc, bởi với mẹ rách thịt da chỉ đau chút xíu / rách cờ mình không chịu nổi đâu. Nhưng, sự hủy diệt đã ngày một lên đỉnh điểm, khi Vĩnh Linh không còn sự hiện diện của những làng quê, toàn những nơi chốn “ba phần sắt thép, một phần đất”. Không cam chịu cảnh “bom chồng lên bom, đạn cày lên đạn, những xóm làng trắng xóa vành tang”, quê hương thôn xóm tan nát vì lửa đạn quân thù; ở Vĩnh Thủy xuất hiện tấm gương điển hình trong chiến đấu của nữ dân quân Trương Thị Khuê. Trong một ngày bom rơi đạn nổ kinh hoàng trên quê hương và đã cướp đi sinh mạng của người cha già yêu dấu; gạt đau thương, với vành tang trắng trên đầu, chị đã cùng với khẩu đội súng phòng không 12,7 ly phối hợp các đơn vị pháo của bộ đội, vững vàng, kiên cường giữa trận địa, hợp đồng tác chiến tuyệt vời để lập nên chiến công lịch sử: bắn tan xác 6 máy bay phản lực của giặc Mỹ chỉ trong một ngày, làm nên sự kiện chấn động giới quân sự miền Nam, buộc phát ngôn viên Nhà Trắng phải thảng thốt trước báo giới “ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ”. Chị trở thành nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của đất thép Vĩnh Linh. Đến giờ, trong câu chuyện thường ngày, mẹ tôi hay kể về niềm tự hào của phụ nữ tuyến lửa ngày đó, với niềm hào hứng, say mê bất tận. Nhớ nhất là những buổi biểu diễn văn nghệ dưới chiến hào, địa đạo, lúc nào và ở đâu cũng có màn đối đáp lượm liền, nam nữ giao duyên với những câu hát đối thiệt “đồng cân đồng lạng”. Khi bên nam cất tiếng xướng “Thái Văn A làm ra đa trên mặt biển (nì)”, bên nữ đáp liền “Trương Thị Khuê anh hùng làm giặc lái thất…(ơ)…kinh”. Hay và duyên quá đỗi…
Đánh giặc bảo vệ quê hương là một nhẽ, người Vĩnh Linh còn làm hơn thế khi hình thành một đội quân đặc biệt để chi viện cho chiến trường miền Nam, mà sát sườn là Gio Linh, Cam Lộ ruột thịt đang u hoài đau thương dưới gót giày xâm lược. Những chiến binh tự nguyện, ngày chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất; đêm lặng lẽ vượt sông tuyến diệt ác ôn, chống càn, làm binh vận... Đấy là đội quân “ăn cơm Bắc - đánh giặc Nam”, hay gọi một cách hình tượng hơn là “B trọc” (vì cũng đi B nhưng không hình thành đội quân chính quy, không phiên hiệu đơn vị, hy sinh không được hưởng chế độ chính sách…). Nam giới với những tấm gương chiến đấu phi thường, lập công xuất sắc, tiêu biểu như: Nguyễn Sư Xinh, Trần Mậu Sỹ, Võ Lý Tưởng… Phụ nữ cũng không kém cạnh khi góp mặt và lập công vang dội trong đội quân “xuất quỷ nhập thần” này, điển hình là chị Trần Thị Buổi - nữ dân quân xã Vĩnh Tú. Mười sáu tuổi, chị đã vào dân quân, với biệt tài bắn súng bách phát bách trúng. Khi xã đội chọn lựa nhân tố xuất sắc để hình thành đơn vị “B trọc” đi diệt giặc bờ nam, chị lúc đó 18 tuổi và đã có 1 con nhỏ, vẫn nài nỉ tổ chức được tham gia. Gửi lại đứa con bé bỏng cho mẹ Thời, chị cùng đội quân đặc biệt vượt sông Bến Hải. Trong một lần chiến đấu ở Cửa Việt, với khẩu CKC và 23 viên đạn, chị đã diệt 19 tên địch, được tặng danh hiệu “cô gái bắn tỉa” ngay trên chiến trường. Sau chiến công phi thường ấy, chị vinh dự thay mặt thanh niên Việt Nam tham dự Đại hội thanh niên và sinh viên thế giới tại Bungari và đặc biệt là được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch (cùng anh hùng Trương Thị Khuê, Nguyễn Thị Xuân). Tại đây, chị được Người tặng hoa phong lan và đổi tên chị từ “Buổi” thành “Bưởi”, với ý nghĩa “là một bông bưởi trắng, đẹp và thơm ngát”.
Đó là những gương mặt “mẹ Vĩnh Linh” điển hình có thể kể tên, ghi công. Nhưng góp phần làm nên “lũy thép” còn hàng ngàn người phụ nữ bình dị khác nữa. Khi đạn bom dội xuống đến mức hủy diệt, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ và Bác Hồ, 2/3 người dân vùng Vĩnh Linh giới tuyến phải thực hiện sơ tán ra các tỉnh miền Bắc (chiến dịch K8), đến Tân Kỳ - Nghệ An, Can Lộc và Thạch Hà - Hà Tĩnh (chiến dịch K10) nhằm bảo toàn tính mạng và nuôi dưỡng mầm cách mạng cho quê hương. Với K8, từ cuối năm 1966 đến 1967, 3 vạn học sinh từ 7 - 15 tuổi phải rời xa gia đình, quê hương để “vạn lý trường chinh” ra Bắc. Dứt lòng để 3 vạn đứa con ra đi là 3 vạn người mẹ Vĩnh Linh khóc quặn lòng khi chia lìa khúc ruột yêu thương của mình. Nhưng vì nghĩa lớn, họ phải cắn răng chịu đựng, mạnh mẽ vượt qua. Dặm đường xa ngái và hiểm nguy, giặc Mỹ rình mò đôi lần cắn trộm / Máu trẻ em nhuộm đỏ những bùn non / Có những em đã nằm lại trên đường… Thật vậy, 59 em nhỏ phải nằm lại với núi cao đèo sâu trong tiếc thương vô hạn, và nỗi đau đớn ấy với những người mẹ ở quê hương còn nhân lên bội phần. Sau K8 là K10, đến lượt 1,5 vạn phụ nữ, người già, trẻ nhỏ phải dắt dìu nhau rời quê hương. Đội cả đạn bom, chỉ đôi chân trần vượt hơn 300 km nhọc nhằn và hiểm nguy để đến với Tân Kỳ (Nghệ An), Thạch Hà, Can Lộc (Hà Tĩnh). In hằn trên những thước phim, bức ảnh, trang sách và trong trí nhớ của mọi người là hình ảnh những người mẹ già K10 với đôi quang gánh nặng trĩu, một đầu là lúa gạo, nồi niêu; đầu kia là đứa con bé thơ vịn tao gióng lắc lư theo bước chân gập ghềnh. Bằng sức mạnh diệu kỳ nào đó, họ đã đến đích và bắt đầu cuộc sống mới trên quê hương mới với sỏi đá cằn khô nhưng thấm đượm tình đồng chí nghĩa đồng bào.
Mẹ yêu dấu của tôi
Nếp gọi trìu mến, thân thương ở quê tôi về người phụ nữ sinh ra mình, là mạ. Mạ - một người đàn bà Vĩnh Linh bình dị và vô danh. Tám tuổi đầu, xinh xắn như bông hoa đồng nội. Lo sợ ánh mắt cú diều lùng sục đêm ngày của lính Pháp và Việt gian, ông ngoại phải đưa mạ lên vùng rừng núi ẩn cư, vừa bảo vệ con vừa tiện bề hoạt động. Mười hai tuổi, trong cơn sốt rét miên man cận kề cái chết, mạ được một người lính Pháp tốt bụng nhét mấy viên ký ninh vào miệng, nhờ vậy mà sống sót. Mười bốn tuổi lại chứng kiến chính toán lính Pháp ấy bắn chết cha mình trong một sáng tinh sương, khi ông trên đường từ “cứ” tìm về làng móc nối liên lạc. Ân huệ và niềm đau, lòng biết ơn và nỗi căm hờn giằng xé tâm can. Rồi mạ vào dân quân, cả thanh xuân là dân công hỏa tuyến, xây trận địa pháo, tải lương, tiếp đạn xa tít miền Cù Bai, Cù Bạc. Lăn lộn trong bom đạn, mạ còn lập một “kỳ tích” hiếm có, đó là… giấu biệt chị hai tôi dưới hầm - một cô bé chỉ 4 tuổi đầu - bởi lúc đó đã thuộc diện phải sơ tán theo K10. Mạ đinh ninh một niềm tin sắt đá rằng mình sẽ bảo vệ được đứa con gái bé bỏng, dẫu bom rơi đạn nổ khốc liệt đến nhường nào. Tổ chức vô tình quên béng là vẫn còn một bà mẹ trẻ với đứa con thơ khi triển khai K10, vậy là “tiếp tay” cho mạ quyết tâm thực hiện ý tưởng táo bạo đó. Đến khi hoàn thành chiến dịch người ta mới vỡ lẽ, thì là chuyện đã rồi. Chị hai tôi từ đó trở thành đứa trẻ hiếm hoi sót lại trên đất lửa Vĩnh Linh, là “của quý” rất được cưng chiều của các đơn vị bộ đội về đóng quân. Hằng ngày, khi mạ đi biền biệt; với tấm vải dù hoa, chị khoác lên người và đi khắp các căn hầm trong làng để… biểu diễn văn nghệ cho các cô chú xem; đổi lại nào lương khô, kẹo bánh, khoai, sắn, ăn no và ngủ ngon lành trong hầm sâu khi màn đêm buông, trước khi mạ tất tả từ trận địa trở về. Ngày tiếp ngày, tháng tiếp tháng, năm qua năm, ở một làng quê nát tan vì lửa đạn, mặc đạn bom rình rập, vẫn có một bà mẹ trẻ quên mình trên những cung đường hỏa tuyến, vẫn có một cô bé con hóa thân thành chú dế mèn vô tư hát múa trong lòng đất. Tiếng hát trẻ thơ trong trẻo, lảnh lót trong hầm lẫn giữa tiếng bom pháo gào thét ngoài kia tựa như một làn gió mát rượi thổi trên một sa mạc cát bỏng rát cằn khô, như một mầm xanh đang vươn lên trên mảnh đất tưởng chừng như sẽ không còn tồn tại sự sống. Một sự diệu kỳ hay là phép màu có thật nào đó, mạ và chị đi qua những tháng ngày đạn lửa ác liệt ấy trong bình an, tươi vui, thánh thiện và cuối cùng vỡ òa trong chiến thắng, trong niềm vui đoàn tụ, thống nhất non sông. Để đến tận bây giờ, đám con cháu vẫn nài nỉ mạ kể hoài về câu chuyện ấy - một “chiến tích” lạ thường của một bà mẹ Vĩnh Linh hiền từ, bình dị, 70 năm trước đã đi xây “lũy thép” với quê hương…
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)