Bắt đầu với ly cà phê ở di tích sân bay Tà Cơn, khi mùa đông vừa chớm bởi tiếng rơi khẽ khàng của chiếc lá muộn, hòa vào âm thanh của giọt đắng cuối thu. Có lẽ cà phê ở đây phù hợp cho ai uống để cảm nhận sự giao mùa. Thời điểm này, sương thu còn chùng chình giăng mờ trên các rẫy, bồng bềnh trôi về phía rừng xa, như vương vấn chút mùa cũ khi cánh rừng phía bắc của huyện Hướng Hóa chuẩn bị đón mùa mưa.
Dưới sườn âm, trên sườn dương, giữa là con đường cheo leo, nhiều chỗ còn vết sẹo trượt dài gợi lại ám ảnh buồn. Nhưng, những lùm dẻ điểm hoa sắc vàng, lùm hoa cơm nguội đỏ rực bên kia thung lũng, rồi rừng tre vầu, rừng le mượt như liễu rũ, rừng gỗ săng lẻ thâm thẫm như bức tranh sơn dầu đã cũ, lẫn vài thân khộp đang mùa thay lá ưỡn tấm thân già bóng nhẫy… phối lên giữa thảm trời về sự hồi sinh khác lạ, xóa đi nỗi ám ảnh ngày nào. Những lần tôi lên lại với rừng không phải tò mò, hay bây giờ rừng đã thơm hương, mà muốn tìm lại mầm xanh vô cùng ấy. Gặp đêm trung thu “Trăng rằm Biên cương” được màu xanh bộ đội hòa cùng màu xanh tuổi Đoàn rộn ràng với các tiết mục văn nghệ, trò chơi, trao quà bánh. Những đôi mắt long lanh ngước lên nhìn ánh đèn sân khấu, nơi chú Cuội và chị Hằng lộng lẫy xuống chơi có cả bao la rừng ngàn cần được che chở, ươm mầm...
Vào một dịp trời Hướng Việt còn sũng nước - ngày 4 tháng 11 năm 2022, một ngày rưng rưng lạc vào ánh mắt ngây thơ tràn ngập sân trường. Tiếng trống giục lên hồ hởi, những ánh mắt lấp lánh dưới màu xanh của lá, trong âu yếm của người giáo viên vùng cao. Tất cả hướng về không khí ấm áp của Lễ khánh thành ngôi nhà công vụ. Len giữa mênh mông núi rừng là lời thủ thỉ, nghẹn ngào của người phụ nữ giọng miền Bắc pha chút miền Nam - Chị đang phát biểu, mà đúng hơn là bày tỏ lời cảm ơn với bạn bè, với chính quyền… vì được bỏ ra hơn hai tỷ đồng giúp cô thầy yên tâm bám bản làng…
Trường mầm non Hướng Việt, trường tiểu học và trung học cơ sở với nhiều công trình khác… là những điểm bị vùi lấp bởi nước lũ, đất đá từ sườn núi trượt xuống. Anh Hồ Văn Thưng ở thôn Sa Đưng, xã Hướng Việt đã từng kể: “Đêm ngày 17 tháng 10 năm 2020, từ các đỉnh núi nước ào ào đổ về, không kịp trở tay, người dân cố chạy thoát thân…” theo anh Thưng, đêm đó nước cuốn phăng đất đá và tất cả các vật cản trên đường đi, rồi đổ về khu vực các thôn Sa Đưng, Tà Rùng, Cà Tiêng, Tà Rưng. Nhiều cây gỗ lớn, nhiều khối đá to cũng bị cuốn trôi về khu vực trung tâm xã. Toàn bộ các thôn bị ngập, có nơi sâu hơn hai mét. Trụ sở Ủy ban nhân dân xã, các trường học, trạm y tế đều bị nước lũ nhấn chìm. Đứng trên đèo Sa Mù nhìn xuống khu vực trung tâm xã Hướng Việt chỉ thấy những nóc nhà ngoi ngóp giữa bùn đất… Từ hoàn cảnh đó, nhờ người bạn làm Bí thư huyện Hướng Hóa lúc bấy giờ, mà chị Phạm Thị Thanh Hằng ở tận thành phố Hồ Chí Minh tìm được địa chỉ sẻ chia. Bây giờ ngôi nhà công vụ hoàn thành và chị đang nói lời cảm ơn đầy xúc động.
Cùng trên tuyến trục ngang đường Hồ Chí Minh này, tôi ghé vào doanh trại Đoàn kinh tế quốc phòng 337 tại xã Hướng Phùng. Sau đợt thảm họa sạt núi khiến 22 chiến sĩ hy sinh cũng trong năm 2020, bây giờ hình thành một ngôi đền tưởng niệm. Năm đó chỉ một mùa mưa mà có đến sáu đợt lũ, vượt đỉnh lũ lịch sử trên tất cả các lưu vực sông, kinh khủng hơn là có bốn đợt lũ chồng lũ nối tiếp nhau. Chấn động nhất là đợt rung chuyển quả núi lúc rạng sáng ngày 18 tháng 10 năm 2020. Thứ âm thanh như tiếng bục của túi nước khổng lồ, chồm lên chỗ các anh đang say giấc. Năm đó Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã vào trực tiếp chỉ huy cứu nạn. Tỉnh Quảng Trị lập Sở chỉ huy tiền phương cách hiện trường hơn một kilômét, ròng rã suốt mấy ngày đêm cùng các lực lượng, phương tiện chuyên dụng để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn… Còn đó vực sâu và các vết sạt lở của trái núi như bị xẻo từng mảng sườn, nhưng cách đó không xa đã mọc lên khu doanh trại mới mẻ, rũ bùn áo lính lại xanh, chồi non lại thắm.
* * *
Năm nào cũng vậy, tôi đến với rừng, lại đi trên tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây. Những sự cố từ thiên nhiên nhạt nhòa vào trong la đà mây phủ, với tiếng suối hòa cùng tiếng gió. Để hôm nay được thấy “Tuyến chi viện hậu cần chiến lược” của ngày xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước được vá lại mượt mà, nối lại tình xưa. Những con gái, những con trai từ miền xuôi tới miền ngược, lại đến với rừng.
Đầu năm Giáp Thìn 2024, thời điểm đẹp nhất, lúc thiên nhiên và con người cùng chung tâm trạng. Các từ ngữ giàu tính biểu cảm, gợi nhiều hình tượng: phơi phới, hân hoan, nườm nượp, dập dìu; rồi ngút ngàn, rồi thăm thẳm, mênh mang… như chực thốt ra. Các khách sạn, nhà nghỉ và nhất là những “túp lều” mang tên “Bungalow” níu mình bên những thân cây rừng… lần lượt mọc lên, bận rộn đón rồi tiễn lữ khách. May mắn lắm tôi mới kiếm được chỗ nghỉ tại khách sạn Khe Sanh Luxury khi hoàng hôn vừa buông. Tên khách sạn có vẻ hiện đại! Nếu thay bằng khách sạn “Lắc lư Khe Sanh” thì rất hợp với hoàn cảnh đêm ấy. Nhưng cái tên thế nào đi nữa thì nó vẫn nép bên sườn núi và lặng lẽ giữa u hoài Trường Sơn. Mãi thao thức, tôi lách ra khỏi phòng luồn vào trong giá lạnh, lang thang theo lối mòn có vầng sáng hắt lên rộn ràng phía sau đồi. Đó là điểm du lịch Bảo Nguyên Xanh đang lung linh ánh đèn, lửa trại. Lảnh lót tiết mục văn nghệ “về nguồn” như tiếng cô gái mở đường năm xưa... Đêm Trường Sơn / Nghe tiếng suối trong như tiếng hát xa / Mà ngỡ như từ Pác Bó suối về đây ngân nga / Âm vang Trường Sơn, âm vang Trường Sơn… sao mà hay đến thế! Có lẽ đây là đêm sinh hoạt của một gia đình nhiều thế hệ đang đi du lịch. Tôi chọn chiếc bàn đá chông chênh bên khóm hoa mua, mở chai bia, rủng rải từng ngụm, ngấm cái lạnh tê tê, say say thứ ngất ngây của đất trời, sau đó thả từng bước chân lẻ loi trở về mà rộn ràng, mà hưng phấn. Quán cà phê thương hiệu Khe Sanh bên đường vẫn đang đợi khách không ngủ. Tôi ghé lại. Cô chủ quán nồng nàn như bông hoa rừng giữa tiết xuân, mời tôi một cốc cà phê Arabica nguyên chất, gọi là chào khách đến nhà ngày tết. Mùi thơm như đánh thức cả cảnh khuya, đưa tôi lạc vào chốn đê mê của hương rừng. Từ vị đắng nơi chót lưỡi, âm ấm đầu môi; vị chua chua nhẹ nhàng như thoáng qua để dành chỗ cho vị ngọt ngào lâng lâng ngấm vào ngóc ngách vị giác. Trong cuộc trò chuyện khuya khoắt, còn lưu lại thỏ thẻ lời cô chủ “không chỉ anh say, nhiều người đêm nay cũng đang được say trời đất, say cà phê Khe Sanh, và cả… ngọt ngào của sơn nữ quê em…” trong trẻo, ngọt ngào như pha chút bùa mê! Chợt có tiếng pháo bông, bừng lên muôn màu giữa mênh mông u tịch, chào những người miền xuôi đang lạc vào đêm rừng huyền diệu.
* * *
Nếu mang tâm thế của người đi khảo sát địa hình thì chỉ nói tới chuyện cheo leo hiểm trở, bởi đây là một tuyến trục ngang của đường Trường Sơn, vắt từ sườn Đông qua sườn Tây tại đỉnh Sa Mù cao hơn 1.400 mét so với mặt biển, nhưng với tâm hồn của một lữ khách thì như lắc lư vào miền cảm xúc thăng hoa. Đó là khi cảm giác xa lắm mà tới rồi lại thấy gần! Cheo leo đó mà hấp dẫn cũng đó! Khắc nghiệt đó mà lại lung linh huyền diệu cũng từ đó! Và quê mùa, thô sơ đó nhưng thanh khiết cũng từ đó mà ra!
Những đường đèo vách núi, những thác, những suối, những khe, những rừng cây sau sau nhuộm đỏ mặt hồ mùa thay lá. Bạt ngàn hoa thơm cỏ lạ mang cảm giác bình yên, đem quá khứ hòa vào lộng lẫy. Không phải vô tình mà Miền Viên Thảo nhiều sắc hoa đến mùa lại nở, rồi rừng hoa Tà Cơn cũng phủ lên nơi bom cày đạn xới, và Vườn hoa Chân Trời lại khoe vẻ đẹp ngút ngàn. Muôn người ái mộ những tên: Troise Garden, Valley Farm, Rose Farm, Bảo Nguyên Xanh… và nhiều điểm du lịch nghỉ dưỡng khác, làm rừng xưa vắng nay lại xôn xao.
* * *
Vẫn thế, mỗi lần tới Khe Sanh tôi lại lấy thú uống cà phê để cảm nhận thay đổi của đất trời; muốn khoe với năm châu rằng cà phê nơi vùng đất khắc nghiệt này là ngon nhất, để có cớ ví von ly cà phê Khe Sanh cũng như “miếng trầu là đầu câu chuyện” - mọi tâm tình bắt đầu bằng vị đắng cà phê. Chuyện cà phê Khe Sanh đã có mặt và gây tiếng vang tại nhiều nơi, ở nhiều cuộc triển lãm trong nước và quốc tế. Chỉ vài ba năm trước, cà phê Arabica Khe Sanh đạt cả hai vị trí cao nhất tại cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam do Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk tổ chức; rồi tiếp tục khẳng định mình tại cuộc thi “Coffees Roasted at the Origin” dành cho những nhà sản xuất và chế biến nhỏ trên thế giới do Tổ chức phi chính phủ AVPA (The Agency for the Valorization of Agricultural Products) tổ chức tại thủ đô Paris nước Pháp, cà phê Khe Sanh lại được xướng tên lên nhận giải Bạc… đã minh chứng về sự nảy chồi trên sỏi đá. Tôi nhấp tiếp chút cà phê, cái vị đắng dần quen nên trở thành vị ngọt, nhưng tôi muốn đi tìm vị đắng muôn đời - nó nằm nơi phận khó!
Chớ than phận khó ai ơi / Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây.
(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)