Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

Tống Phước Trị |

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính yêu rất quan tâm là: “Tích cực tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm”. Quan điểm này của Bác xuyên suốt từ thời kỳ hoạt động bí mật tới khi cách mạng thành công, nắm chính quyền trong tay.

Về tăng gia sản xuất, Bác Hồ luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng gia sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và các ngành khác. Người khuyến khích mọi người, nhất là nông dân, phát huy tối đa tiềm năng và sức lao động để tăng sản lượng lương thực, thực phẩm. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân và phục vụ sự nghiệp cách mạng dài lâu.

Về thực hành tiết kiệm, Bác Hồ luôn chỉ rõ rằng tiết kiệm là một đức tính cần thiết, từ cá nhân, gia đình đến toàn xã hội. Người kêu gọi mọi người tiết kiệm trong tiêu dùng, trong sản xuất và quản lý, tránh lãng phí nguồn lực. Số tiền tiết kiệm được sẽ được đầu tư vào các công trình phát triển kinh tế - xã hội.

Người nói, tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là hai nhiệm vụ phải được tiến hành song song. Tăng gia sản xuất để tạo ra của cải vật chất, đồng thời tiết kiệm để bảo toàn và phát triển những thành quả đó. Đây là một trong những nguyên tắc quan trọng được Người nâng lên tầm quốc sách trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước của Đảng và Nhà nước ta.

Bác Hồ về thăm lại đồng bào ở Pác Bó - Cao Bằng, năm 1961 - Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ về thăm lại đồng bào ở Pác Bó - Cao Bằng, năm 1961 - Ảnh: Tư liệu

Ngày 28/1/1941, sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của Người trở về Tổ quốc qua mốc 108 trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc, đoạn Quảng Tây - Cao Bằng. Những ngày đầu mới về nước, Người chọn Khuổi Nặm, Pác Bó ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Cao Bằng làm nơi xây dựng căn cứ địa, trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Trong quãng thời gian từ 1941 - 1942 Bác Hồ luôn di chuyển nơi ở trong vùng hoàn toàn có cơ sở cách mạng Việt Minh ở hai huyện Hà Quảng và Hoà An vừa để đảm bảo bí mật nơi ở, vừa tiện tiếp xúc tuyên truyền phát động lực lượng Mặt trận Việt Minh trong nhân dân. Trong cuốn Hồi ký Từ nhân dân mà ra do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân in năm 1964, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể, Nhà văn Hữu Mai thể hiện, có đoạn: “Tháng 5/1942, Người rời Khuổi Nặm, về các huyện Hòa An, Nguyên Bình. Mấy tháng sau, Người lại quay về Pác Bó, tiếp tục ở Khuổi Nặm và di chuyển nhiều nơi khác. Dù thường xuyên phải di chuyển nhưng ở đâu Người cũng nhắc mọi người phải tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống và bao giờ cũng tự mình làm trước. Thời kỳ ở Pác Bó không dài nhưng một vườn rau nho nhỏ đã bén rễ, có cả cà chua và ớt. Ở Khuổi Nặm, Người trồng vườn rau cải, nuôi một đàn gà. Cơ quan chuyển đi, Người vẫn nhắc trồng rau cải cho các đồng chí ở lại và cán bộ bí mật qua, nấu ăn đỡ đói. Người lo lắng, thương yêu đồng chí, đồng bào. Người lo chu đáo từ những điều nhỏ nhất đến những việc có tầm nhìn rất xa.

Bữa ăn của Người rất kham khổ, mỗi ngày chỉ ăn có hai bữa, món ăn chính là cháo bẹ, rau măng, rau rừng, cơm độn bắp, nước lá vối thay chè. Thỉnh thoảng Người câu được con cá hay anh em mua được cân thịt thì đem kho thật mặn làm “món ăn chiến lược” để ăn dần. Người thường căn dặn anh em chú ý tiết kiệm, ăn uống tuyệt đối không được để thừa hoặc đổ đi. “Đồng chí nào mang quà về hoặc có quà của quần chúng gửi cho, nếu có nhiều thì phải tính giảm bớt gạo”.

Từ Pác Bó, Hà Quảng về Hoà An, Bác Hồ được bố trí ở trong gia đình cụ Dương Cao Lý, một cơ sở Việt Minh trung kiên người Mông ở bản Nà Vài thuộc xã Hồng Việt trong căn cứ địa Lam Sơn. (Hiện nay bản Nà Vài sáp nhập với bản Nà Dưỡng thành bản Lam Sơn Hạ).

Thời gian ở Nà Vài xã Hồng Việt thuộc căn cứ địa Lam Sơn không dài nhưng vừa đến ở Bác Hồ đã triển khai ngay việc tăng gia sản xuất tự túc rau ăn... Những hành động ngỡ như bình thường này của Bác nhưng đã để lại bài học sâu sắc cho bao thế hệ đồng bào chiến sĩ nơi Bác đã từng qua.

*

Có lẽ tôi là số ít người Quảng Trị có may mắn được đặt chân đến bản Nà Vài trong căn cứ địa cách mạng Lam Sơn, nơi mà năm 1942, Bác Hồ cùng các vị lãnh tụ tiền bối của cách mạng Việt Nam như Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp... đã dừng chân hoạt động.

Tháng 9 năm 1984, đang công tác ở Phòng Quân báo Quân đoàn Bộ binh 26, Quân khu I, tôi được Bộ Tham mưu Quân đoàn điều động và bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Trinh sát trực thuộc Bộ Tham mưu của Quân đoàn thay Đại uý Nguyễn Xuân Khoa được cử đi học tại Học viện Lục quân Đà Lạt. Nhận nhiệm vụ ở đơn vị mới được một ngày, anh Hoàng Minh Chính, Phó Tiểu đoàn trưởng Chính trị (thời kỳ ấy quân đội ta thực hiện chế độ một người chỉ huy, từ cấp đại đội trở lên, cán bộ chính trị không có cấp trưởng) nói với tôi:

- Khi anh Khoa ở đây anh ấy làm công tác dân vận với bà con người Mông bản Nà Vài, đặc biệt là với gia đình cụ Dương Cao Lý, một cơ sở của Bác Hồ trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 rất tốt. Cụ Dương Cao Lý nguyên là Phó Giám đốc Ty Công nghiệp tỉnh Cao Bằng nghỉ hưu, là già làng uy tín của cả vùng hiện nay. Nhờ làm tốt công tác dân vận mà bà con dân bản giúp đỡ đơn vị rất nhiều.

Ăn cơm chiều xong, tôi với anh Chính cùng cậu liên lạc đi vào bản thăm một vòng tất cả các gia đình. Bản Nà Vài có chừng mươi nóc nhà của bà con người Mông, bà con tuy nghèo nhưng rất yêu quý bộ đội. Khi đơn vị mới đến đóng quân, bà con thường mang bầu bí dưa cà đến tặng bộ đội... Trong bản, ngoài gia đình cụ Dương Cao Lý còn có gia đình anh Dương Kim Quý con trai của cụ đang công tác ở Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng cũng luôn giúp đỡ bộ đội.

Bản Nà Vài có vị trí rất đắc địa, nằm án ngữ đầu phía bắc vùng núi đá Căn cứ địa Lam Sơn hùng vĩ, trên con đường từ Pác Bó, Hà Quảng xuống Hào Lịch xã Hoàng Tung huyện Hoà An. Bản Hào Lịch là nơi thành lập Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Cao Bằng, là nơi cơ quan liên tỉnh uỷ lâm thời Cao Lạng đóng. Từ Nà Vài có đường sang khu Việt Minh toàn phần: Bắc Hợp - Minh Tâm - Lang Môn (gọi tắt là Bắc - Minh - Lang) xuống khu rừng Trần Hưng Đạo huyện Nguyên Bình (nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay). Từ Nà Vài có một con đường độc đạo dẫn vào Lũng Chung cũng là một bản nhỏ người Mông nằm sâu trong vùng núi hiểm trở của căn cứ Lam Sơn. Nơi này là địa điểm mà Bác Hồ từng chỉ đạo Đại tướng Võ Nguyên Giáp lập Công binh xưởng, đúc rèn vũ khí, tổ chức hàng chục lớp huấn luyện quân sự cho lực lượng du kích địa phương với hàng ngàn lượt đội viên tham gia. Từ Nà Vài cũng có đường thông ra ngã ba Khau Đồn nơi giao nhau của quốc lộ 3 với đường vào mỏ thiếc Tỉnh Túc. Từ Khau Đồn có đường vào Bản Xẳng nối vào xã Minh Khai, huyện Thạch An, Cao Bằng, xuống Na Rì, Bắc Cạn hoặc qua Căn cứ Bắc Sơn, Bình Gia thuộc tỉnh Lạng Sơn của đội Cứu quốc quân rất thuận lợi.

Bác chọn Nà Vài ở Lam Sơn làm điểm dừng chân trên “con đường Nam tiến” về Tân Trào, Tuyên Quang vì Nà Vài hội đủ yếu tố chiến lược: “Công có thể tiến, thủ có thể lùi”. Đây cũng là lý do 40 năm sau Bộ Tham mưu Quân đoàn 26 ( Binh đoàn Pác Bó) lại chọn bố trí đội hình Tiểu đoàn Trinh sát Quân đoàn ở đây.

Đến nhà vợ chồng cụ Dương Cao Lý, chủ và khách ngồi quây quần bên bếp lửa giữa nhà, anh Chính giới thiệu tôi với hai cụ. Tiết trời Cao Bằng vào độ giữa thu se lạnh, nghe tôi cất tiếng chào, cụ bà nhìn tôi chằm chằm rồi nói với cụ ông một câu tiếng Mông mà tôi không hiểu. Cụ Dương Cao Lý cười và phiên dịch lại cho tôi: “Bà nhà tôi nói chú chỉ huy mới về có giọng nói giống anh Văn ngày xưa...”. Ngay lúc đó tôi nghệt mặt không kịp hiểu “anh Văn” là ai. Đón tâm trạng lúng túng của tôi cụ Dương Cao Lý giải thích ngay: “Bà ấy bảo giọng chú nói giống như cùng quê với Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Thì ra Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ở trong nhà hai cụ khá lâu, giai đoạn 1941 - 1945, chỉ trừ thời gian 1942 - 1943 Bác sang công tác ở Quảng Tây bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam trái phép.

Không bỏ lỡ cơ hội, tôi nhận luôn mình là người cùng tỉnh với “anh Văn” (bây giờ thì gọi là nhận vơ, nhưng hồi đó Bình Trị Thiên là một tỉnh). Vợ chồng cụ Dương Cao Lý ngay buổi đầu tiếp xúc đã tỏ ra có cảm tình với tôi, có lẽ là tôi đã được thừa hưởng hồng ân của các lãnh tụ tiền bối.

Ở căn cứ Lam Sơn có một con suối khởi nguồn trên bản Lũng Phầy chảy ra Lam Sơn Thượng chảy xuống Nà Vài, nước mát và trong vắt, đến cuối bản Nà Vài thì đổ vào con sông Dẻ Rào từ Nguyên Bình chảy ra. Sông Dẻ Rào nước đục ngầu quanh năm như sông Hồng về mùa lũ, cụ Dương Cao Lý giải thích là do sông Dẻ Rào chảy qua nhà sàng rửa tuyển quặng trong mỏ thiếc Tĩnh Túc nên nước trở nên đục. Các bậc cao niên khẳng định trước năm 1902, khi người Pháp chưa phát hiện và khai thác thiếc ở mỏ Tĩnh Túc thì nước sông Dẻ Rào cũng xanh trong như tất cả các con sông suối của Cao Bằng trong nguyên nghĩa của câu ca dao: Cao Bằng gạo trắng nước trong / Ai đi tới đó lòng không muốn về.

Các chiến sĩ Đặc công Trung đoàn 114 trở lại chiến trường xưa, thăm suối Lê Nin núi Các Mác, nơi Bác Hồ đã từng hoạt động khi mới về Cao Bằng - Ảnh: T.P.T
Các chiến sĩ Đặc công Trung đoàn 114 trở lại chiến trường xưa, thăm suối Lê Nin núi Các Mác, nơi Bác Hồ đã từng hoạt động khi mới về Cao Bằng - Ảnh: T.P.T


Con suối chảy từ núi Lam Sơn ra đến Lũng Vài rất nhiều cá. Cụ Dương Cao Lý bảo ngày trước cứ mỗi buổi chiều, sau giờ làm việc Bác Hồ và Đại tướng thường ra đoạn suối có mấy cây vối to câu cá thư giãn, cải thiện. Các vạt đất trống ven suối được Bác và Đại tướng khai hoang trồng rau, trồng bí đỏ. Bác bảo: “Trồng rau và bí ven suối tưới nước tiện lợi, bớt công chăm sóc. Rau thì ăn ngay, bí đỏ lúc nhỏ thì bấm ngọn làm rau, khi bí bò lan có quả thì để già mới hái quả mang vào hang cất dự trữ ăn dần”. Cụ bà góp chuyện: “Anh Văn tốt lắm vớ, “nó” siêng làm, vừa làm vừa hát, “nó” hát không hay nhưng hay hát lắm vớ…”.

Cụ Dương Cao Lý còn kể: Sau vụ Trung uý phi công Mỹ Uyliam Sao (William Shaw) bay trinh sát gặp nạn phải nhảy dù xuống Hoà An, Cao Bằng tháng 10 năm 1944, được Bác Hồ giúp đỡ trả về Không đoàn 14 quân Mỹ đóng ở Côn Minh (Trung Quốc), máy bay Mỹ thỉnh thoảng bay sang thả dù tiếp tế lương thực, thực phẩm, vũ khí thuốc men cho Việt Minh. Mỗi lần như thế Bác dặn dò chuyển tất cả hàng tiếp tế vào hang núi cất giấu, sử dụng tiết kiệm. Bác dặn: “Bạn giúp ta vì ta là đồng minh đánh phát xít Nhật, tuy nhiên của kho có hạn, mang được thứ gì giúp ta đến đây là “của một đồng công một nén”. Bác dặn dò tỉ mỉ: “Vỏ đồ hộp và bao gói bằng tiếng Anh phải chôn giấu thật kỹ, bảo đảm bí mật, đề phòng cả quân Pháp, lính dõng và phát xít Nhật lùng sục phát hiện sẽ đàn áp cơ sở Cách mạng của Việt Minh”.

Một buổi tối vào thăm dân bản thật ngắn ngủi nhưng qua câu chuyện với vợ chồng cụ Dương Cao Lý, tôi nhận được nhiều thông tin và những bài học quý giá, gợi mở nhiều vấn đề. Ở Cao Bằng đất nông nghiệp ít do núi đá vôi nhiều nhưng độ phì nhiêu khá cao. Khí hậu, thời tiết điều hoà rất dễ trồng các loại rau. Tuy nhiên từ tháng mười năm trước đến tháng tư năm sau là mùa khô, ở vùng núi cao đặc biệt là vùng núi đá vôi rất thiếu nước dùng cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt. Vì thế bộ đội mới đến chưa nắm rõ đặc điểm canh tác theo mùa nên lâm vào hoàn cảnh thiếu rau ăn vào mùa khô. Câu chuyện trồng bí của Bác Hồ mà cụ Dương Cao Lý kể lại thành sự gợi ý thú vị.

Ngay buổi giao ban công tác đầu tiên, ngoài nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tôi cùng Ban chỉ huy Tiểu đoàn đề ra kế hoạch triển khai tăng gia sản xuất ngay trong khu vực đơn vị đóng quân theo cách làm của Bác mà tôi lĩnh hội được qua lời kể của vợ chồng cụ Dương Cao Lý. Hai bên bờ suối trồng rau cải, thả bí đỏ. Nạo vét và đắp đập giữ nước thành một hồ nuôi cá có diện tích mặt nước rộng hơn một héc ta. Khai thác tiềm năng của cán bộ chiến sĩ trong đơn vị sản xuất hàng chục vạn viên gạch nung theo kiểu đốt lò dã chiến để xây dựng công trình doanh trại. Chính nhờ những nỗ lực đó mà cơ ngơi đơn vị ngày một khang trang, giải quyết được tình trạng thiếu rau lúc giao mùa. Hàng năm đơn vị thu hoạch hàng tấn bí đỏ, dưới ao có hàng tấn cá nước ngọt làm nguồn thực phẩm dự trữ dồi dào. Đời sống vật chất tinh thần của đơn vị đóng quân nơi miền biên giới được cải thiện rõ rệt.

Năm tháng trôi qua, mỗi độ tháng 5 về tôi lại nhớ đến mảnh đất Cao Bằng nơi tôi có một thời đi theo dấu chân của Bác.

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

Triển lãm ảnh 'Cuộc sống đời thường của Bác Hồ'

Hồng Hiếu |

Ngày 15/5, tại Khu di tích Dục Thanh (thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận), Triển lãm ảnh với chủ đề “Cuộc sống đời thường của Bác Hồ” đã chính thức mở cửa phục vụ nhu cầu thưởng lãm của người dân và du khách.

Hướng Hóa: "Phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”

Trần Hà |

Sáng nay 16/2, tại khu dân cư sân vận động xã Hướng Tân, UBND huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) tổ chức Lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Giáp Thìn - 2024. 

Tự hào khi được mang họ của Bác Hồ

Diệu Thúy |

Tại Công an 2 huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị), có nhiều cán bộ, chiến sĩ công an là người đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô được vinh dự mang họ của Bác Hồ.