Mùa thu của những năm đầu thập kỷ 40 thế kỷ XX có thể nói là kỳ lạ. Thời thăng hoa của các anh tài phát tiết trong văn nghệ. Thơ Mới, tân nhạc lẫy lừng với những tác phẩm về mùa thu nở rộ sắc hương lãng mạn. Nhưng còn một mùa thu khác nữa của năm 1945, mùa thu cách mạng, mùa thu đổi đời của dân tộc Việt Nam.
Trong cuốn hồi ký “Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc” của cựu đổng lý văn phòng triều vua Bảo Đại có nói một ý: các cuộc cách mạng Pháp, Nga khi diễn ra thì hoàng tộc đều có đổ máu, nhiều người phải chết. Nhưng với Cách mạng Tháng Tám thì không có những chuyện đáng tiếc như vậy xảy ra.
Cuộc chuyển giao quyền lực giữa triều đình Huế với cách mạng, với chính quyền dân chủ còn quá non trẻ diễn ra khá êm ái và đặc biệt không hề đổ máu. Đó cũng là một thành công không nhỏ của cuộc tổng khởi nghĩa năm 1945. Đương nhiên còn nhiều chuyện cũng rất thành công và đáng nói, mà cái gốc của mọi điều ấy là nhân nghĩa.
Nhân chuyện này nhớ đến cụ Lê Hành, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị có lần nói trước giáo viên và học sinh một trường cấp ba trên quê hương bằng những lời tâm huyết từ trải nghiệm của một đời người trải qua không ít sóng gió: “Sức mạnh cách mạng là sức mạnh cảm hóa”.
Thật vậy, hăng hái đi theo cách mạng lúc ấy không chỉ là tầng lớp bần nông, giai cấp thợ thuyền, nói như chủ nghĩa Mác là đi theo cách mạng thì không mất cái gì, ngoài xiềng xích. Như vậy thì dễ hiểu, đối với họ cách mạng là một ngày hội của những người bị áp bức, bóc lột và ngày càng nghèo khổ nhưng vẫn có những người giàu có, con quan đại thần mà vẫn hào hứng đi theo cách mạng bằng tất cả trái tim và khối óc. Nhà văn trong một bài viết về Trường Thanh niên Tiền Tuyến ở Huế, một ngôi trường đặc biệt trước năm 1945 đã cho thấy điều này.
Chẳng hạn như ông Đặng Văn Việt, con thượng thư, tổng đốc Đặng Văn Hướng là một trong hai người trèo lên kỳ đài Ngọ Môn (Huế) để nhổ cờ quẻ ly tượng trưng cho chế độ phong kiến xuống và treo lên cờ đỏ sao vàng trong tổng khởi nghĩa. Một hành động can trường hoàn toàn tự nguyện. Nếu không yêu quý cách mạng đến mức dám dấn thân vì đại nghĩa cứu dân, cứu nước thì hà cớ gì con quan nhất phẩm lại làm như thế.
Lâu nay chúng ta thường dùng cụm từ “giác ngộ cách mạng”, thực ra, theo nhà văn Thép Mới thì đó là từ mượn của nhà Phật. Chỉ có giác ngộ mới tự giác, tự nguyện chiến đấu và hy sinh cho lý tưởng cao đẹp: độc lập, tự do, ấm no và hạnh phúc.
Nhắc lại chuyện treo cờ khi Cách mạng Tháng Tám diễn ra thì ở Quảng Trị vào ngày 22/8/1945, đồng chí Trần Hữu Dực cùng các chiến sĩ cách mạng lãnh đạo quần chúng đến lỵ sở chính quyền tỉnh Quảng Trị, giật cờ phong kiến xuống, đưa cờ cách mạng lên báo hiệu khởi nghĩa thành công. Cảm hứng về mùa thu cách mạng đã để lại dấu ấn đậm sâu không thể phai mờ trong thơ ca, nhạc, họa.
Sau khi đập tan xiềng xích nô lệ, Tố Hữu đã reo lên: “Hãy bay lên sông núi của ta ơi/Nước mắt ta trào húp mí tràn môi/Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc/Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc/Hả hê chưa, ai bịt được mồm ta/ Ta hét huyên thuyên, ta chạy khắp nhà/Ai dám cấm ta say, say thần thánh/Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời/Có con chim nào trong tóc nhảy nhót hót chơi/ Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ” (“Huế Tháng Tám, nhà thơ Tố Hữu).
Còn với Xuân Diệu, vốn là nhà thơ lãng mạn cũng rưng rưng theo cờ đỏ sao vàng: “Gió bay đi mà nhạc cũng bay theo/Đưa tin mới khắp trên trời đất Việt/Hoa cỏ đón mà núi sông cũng biết/ Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay/Vàng huy hoàng sinh giữa thắm hây hây/Thắm lộng lẫy nở quanh vàng rực rỡ/Tất cả vải là một cười thắm đỏ/Tất cả cờ là một tiệc triêu dương!” (Ngọn quốc kỳ-Xuân Diệu).
Nhưng để có được những ngày thu lịch sử long trời lở đất ấy, dân tộc này đã trải qua muôn vàn thử thách, hy sinh. Chính đồng chí Trần Hữu Dực đã tham gia cách mạng từ trước khi Đảng ra đời. Trong hồi ký viết về quê nhà, ông nhớ lại: “Khoảng từ thượng tuần tháng 5/1929 trở đi, Nguyễn Đình Cương nói nhiều về cộng sản hơn trước. Anh ta nói đến cả duy vật sử quan, thặng dư giá trị, giai cấp tranh đấu, vô sản chuyên chính...
Một hôm vào khoảng trung tuần tháng 6/1929, Nguyễn Đình Cương nói với tôi: “Chuyến này thì chắc anh mãn nguyện, ta đã có Đông Dương Cộng sản Đảng...”. Tôi ngồi nghe mà như bị nhấc bổng lên...Nhưng tôi trấn tĩnh để nghe Nguyễn Đình Cương nói tiếp: “tên Đảng là Đông Dương Cộng sản Đảng vì Việt Nam với Lào và Cao Miên nằm chung trong năm xứ Đông Dương thuộc Pháp, nên Đảng phải thống nhất lãnh đạo cả năm xứ Đông Dương...”.
Ông đã vào tù ra khám, chịu đựng gian nan, vất vả, chấp nhận cả hy sinh vì một sứ mệnh: tham gia cách mạng giành lấy độc lập, tự do. Từ khi còn là chiến sĩ cách mạng hoạt động trong đêm trường nô lệ cho đến khi giữ những trọng trách trong chính quyền cách mạng như Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trần Hữu Dực vẫn luôn giữ mình, luôn phấn đấu không ngừng nghỉ vì nước, vì dân. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng trân trọng ghi nhận: “Đồng chí Trần Hữu Dực là một đảng viên cộng sản hết lòng phục vụ Nhân dân, phục vụ Tổ quốc, nêu tấm gương “Kiên cường, bất khuất, cần, kiệm, liêm chính”.
Và trong tiết trời ngập ngừng mùa thu, lại nhớ đến ca từ và giai điệu Tiến quân ca của Văn Cao được chọn làm Quốc ca nước ta: “Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc...”. Rồi ngày 2/9/1945, giữa quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc “Tuyên ngôn độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam.
Từ ấy, mùa thu đã đồng hành với cách mạng!
(Nguồn: Báo Quảng Trị)